07/04/2022 08:37 GMT+7

'Thi học sinh giỏi để làm gì?': Cháu tôi thi học sinh giỏi ở Singapore như thế nào?

TS DƯƠNG ĐỨC HƯNG (Trường đại học Văn Hiến)
TS DƯƠNG ĐỨC HƯNG (Trường đại học Văn Hiến)

TTO - Tôi có một người cháu du học tại Singapore từ những năm THPT. Khi cháu học trung học đã tham gia nhiều kỳ thi học sinh giỏi quốc gia Singapore và đã đoạt một số giải về toán học, thiết kế kiến trúc...

Thi học sinh giỏi để làm gì?: Cháu tôi thi học sinh giỏi ở Singapore như thế nào? - Ảnh 1.

Học sinh trong một kỳ thi học sinh giỏi - Ảnh: ANH KHÔI

Cháu tôi kể rằng việc tham gia thi học sinh giỏi ở Singapore hoàn toàn là do cá nhân tự đăng ký, tự tham gia chứ nhà trường không tổ chức tuyển chọn và đương nhiên không có việc tổ chức bồi dưỡng, ôn luyện. 

Kỳ thi thi học sinh giỏi ở đó được tổ chức ở nhiều lĩnh vực: toán, sinh học, đồ họa, công nghệ thông tin, thiết kế... Học sinh tự thấy mình có năng khiếu và thích thú lĩnh vực nào thì tự đăng ký tham gia thi môn đó. 

Giải thưởng rất ít và chỉ được trao cho những người có năng khiếu, tài năng thực sự nên học sinh đều lượng sức mình khi đăng ký tham gia. 

Những học sinh đoạt giải đều có kỷ niệm chương hay cúp và được vinh danh, nhưng những giải thưởng này không dùng để đánh giá thành tích và kết quả học tập...

Tôi nghĩ việc tổ chức thi học sinh giỏi ở Singapore theo cách trên rất đáng cho Việt Nam tham khảo và học hỏi. Bộ GD-ĐT nên để việc thi học sinh giỏi cho các tổ chức giáo dục, các trung tâm khảo thí tổ chức. 

Học sinh đăng ký thi tự do theo năng khiếu của mình, nhà trường không tổ chức ôn luyện và tuyển chọn. Kết quả thi không dùng để đánh giá, xếp loại kết quả học tập và đánh giá thành tích của lớp, của trường. 

Để khuyến khích thí sinh tham gia, các đơn vị tổ chức thi sẽ có phần thưởng, bằng khen cho học sinh đoạt giải. Đề thi nên ra theo hướng kiểm tra năng khiếu và chú trọng tới khả năng sáng tạo trong việc giải quyết vấn đề của học sinh.

Dù kết quả thi không dùng để đánh giá kết quả học tập hay là chỉ tiêu đánh giá thành tích của trường, các kỳ thi học sinh giỏi này sẽ giúp học sinh và nhà trường phát hiện năng khiếu của học sinh, từ đó khuyến khích các em đi sâu nghiên cứu môn học mà mình yêu thích, giúp các em định hướng nghề nghiệp trong tương lai hay có thể học vượt cấp... 

Các trường đại học có thể xem xét cộng điểm tùy theo việc đánh giá giải thưởng hay kết quả thi có ý nghĩa và phù hợp như thế nào với ngành học của trường trong từng trường hợp cụ thể chứ không nên quy định đó là một tiêu chuẩn xét tuyển...

Phải làm sao để các kỳ thi học sinh giỏi là những cuộc chơi không gây áp lực mà ngược lại tạo hứng thú, kích thích niềm say mê sáng tạo của học sinh trong việc nâng cao tri thức của mình.

'Thi học sinh giỏi để làm gì?': Duy trì nhưng đừng đặt nặng thành tích

TTO - Theo dõi diễn đàn 'Thi học sinh giỏi để làm gì?', tôi hiểu được những ý kiến phản đối kỳ thi này, kể cả những ý kiến gay gắt nhất. Cá nhân tôi cho rằng vẫn nên duy trì kỳ thi này nhưng cần thay đổi, điều chỉnh để phù hợp với bối cảnh hiện nay.

TS DƯƠNG ĐỨC HƯNG (Trường đại học Văn Hiến)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên