25/08/2017 16:03 GMT+7

​Thiết bị tìm kiếm cứu nạn của học sinh lớp 12

THÙY TRANG
THÙY TRANG

TTO - Người mê lắp ráp, người khoái kỹ thuật phần mềm, người lại hứng thú với những vi mạch điện tử, ba học sinh miền Tây đã cùng nhau chế tạo thiết bị tìm kiếm cứu nạn, giúp công tác cứu nạn an toàn hơn.

Nhóm sáng kiến bên mô hình vừa đoạt giải của mình - Ảnh: T.TRANG

Với thiết bị này, ba học sinh: Đào Thanh Phong, Nguyễn Hữu Lạp và Nguyễn Dương Hoàng Sơn, đều là học sinh lớp 12 Trường THPT chuyên Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang đoạt giải nhất Hội thi Tin học trẻ toàn quốc 2017.

Phản biện “thắng” thầy mới…được làm

Cùng tham gia câu lạc bộ sáng kiến của trường, Phong có lợi thế sáng chế ra máy bay có thể bay ở độ cao tối đa gần 500m trong vòng bán kính 5km, Lạp làm được xe bồn chạy bằng điều khiển điện thoại qua sóng 3G, trong khi Sơn chuyên về lập trình, ba học sinh tự hỏi: sao không kết hợp sản phẩm sáng tạo của từng cá nhân thành một sản phẩm hoàn chỉnh? 

“Lúc đó tụi em nghĩ những thiết bị này có thể làm trợ thủ đắc lực cho việc tìm kiếm cứu nạn mà không phí sức người”, Phong nói.

Lạp cho biết lúc đem đề tài đến thầy xin ý kiến, thầy phán một câu xanh rờn: “Tụi em phải phản biện trước thầy và các bạn trong câu lạc bộ, nếu trả lời được hết các thắc mắc thì thiết bị mới có giá trị chứ không phải cứ nghĩ là cắm đầu vào làm”.

Nhiều phen trầy trật, nhóm của Phong cuối cùng cũng đáp ứng được hết yêu cầu “khó đỡ” của thầy để bắt tay vào thực hiện ý tưởng.

“Tưởng vượt qua được thầy là tụi em thành công, ai ngờ ra thực tế lại gặp nhiều trở ngại vì khi làm mô hình trên máy tính, lập trình đều khá dễ dàng, nhưng khi ra sản phẩm trực tiếp thì bị nhiễu vì gặp các bất lợi như sóng 3G, các lợi cảm biến, điều kiện gió, nhiệt độ chênh lệch khá nhiều”, Phong kể.

Dù vậy, các bạn không nản "vì biết chắc sẽ thành công vì lập trình trên máy đều rất ổn, có thể khi ra thực tế sai sót gì một chỗ nào đó mà tìm chưa ra nên vận hành còn khó khăn”.

Nhóm cho biết đã thất bại ít nhất 5 lần mới hoàn thành thiết bị hoàn chỉnh.

Thăm dò hiện trường thay người

Thiết bị tìm kiếm cứu nạn của nhóm được điều khiển hoàn toàn bằng điện thoại di động. Tất cả cảm biến đều nằm trong xe như camera, GPS định vị, cảm biến nhiệt độ, độ ẩm, cảm biến khoảng cách, rađa sẽ đưa dữ liệu trực tiếp về điện thoại hoặc máy tính.

Thiết bị có thể được sử dụng tại các khu chung cư, siêu thị, môi trường sản xuất công nghiệp, những khu vực nguy hiểm con người không thể tiếp cận vì có khí độc, hóa chất, nhiều khói…

Đối với đội cứu hộ, khi phải làm nhiệm vụ ở khu vực chưa rõ có khí độc hay không, đội cứu hộ có thể "nhờ" thiết bị vào thăm dò, lấy thông tin truyền về cho họ. 

“Mất hơn 1 năm thiệt bị mới được hoàn thành. Thầy trò đều vui vì đã thực hiện bằng chính sự đam mê và sáng tạo của mình", thầy Huỳnh Sinh Lel, giáo viên hỗ trợ kỹ thuật cho nhóm, cho biết.

"Dự kiến sắp tới, thầy và trò sẽ tiếp tục nghiên cứu để thay đổi thiết kế của bánh xe cũng như cải thiện mẫu mã xe cho phù hợp với điều kiện thực tế”.

Nhóm bạn cho hay sắp tới sẽ nghiên cứu các sản phẩm hướng đến sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hạn chế sức người, tăng năng suất lao động

Thầy Lê Hữu Kỳ Quan, phó tổ trưởng Toán-Tin Trường THPT chuyên Vị Thanh, cho biết sau khi thiết bị hoàn thiện hơn, tất cả dữ liệu và qui trình nghiên cứu thiết bị sẽ được chia sẻ rộng rãi cho những người có cùng đam mê.

“Có nhiều người thích chế tạo mà không biết xuất phát từ đâu, nên thay vì bán thiết bị lấy tiền, thầy trò tôi thống nhất: đã là sản phẩm có ích thì không dùng thu lợi”, thầy Quan chia sẻ.

THÙY TRANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên