18/08/2023 13:50 GMT+7

Thoát vòng xoáy vay nóng, anh chị công nhân ơi, còn đường khác mà

Giải quyết nhanh, alô là có tiền nhưng 'vay cột điện' cũng kéo theo hệ lụy dai dẳng, thậm chí là nỗi ám ảnh với không ít công nhân xa quê ở TP.HCM.

Công nhân tìm hiểu tác hại của “tín dụng đen” qua các hoạt động trực tuyến do CEP tổ chức tại các khu chế xuất, khu công nghiệp - Ảnh: A.KHOA

Công nhân tìm hiểu tác hại của “tín dụng đen” qua các hoạt động trực tuyến do CEP tổ chức tại các khu chế xuất, khu công nghiệp - Ảnh: A.KHOA

Và CEP là Tổ chức tài chính vi mô thuộc Liên đoàn Lao động TP.HCM có thể xem là "chiếc phao" giữa lúc nhiều người sắp đuối. 

Chị Tô Thị Ân (quê Hà Tĩnh), công nhân may Khu chế xuất Linh Trung 1 (TP.HCM), kể đã vay từ CEP 6 - 7 năm nay, là một trong cả trăm ngàn khách hàng công nhân, lao động nghèo được vay với lãi suất thấp từ quỹ này.

Vay chữa bệnh, cho con đi học

Chị Ân đã vay của CEP sáu lần, đang chờ duyệt lần thứ bảy để chuẩn bị cho các con tựu trường. Gần nhất, chị vay 15 triệu đồng chữa bệnh cho chồng và mới trả xong cả vốn lẫn lãi vào tháng trước.

Hai vợ chồng nuôi hai con nhỏ, chị làm công nhân, chồng nghề tự do nhưng mới mổ u não nên cũng chưa làm được gì. "Tôi vay CEP lần 10 triệu, lần 20 triệu rồi trả dần. Khoản vay 15 triệu vừa rồi cứ trích lương công ty mỗi tháng 1,32 triệu trả trong một năm là dứt. Cứ trả xong lại xin vay tiếp", chị Ân cười.

Cũng như chị Ân, chị Phượng (32 tuổi, quê Quảng Ngãi), công nhân may ở quận Bình Tân (TP.HCM), cũng là "khách hàng thân thiết" của CEP. Phượng có hai đứa con, một đứa phải gửi về quê nhờ ông bà trông hộ, đứa còn lại ở trọ cùng mẹ ở TP.HCM. Vay được 30 - 40 triệu đồng, chị tranh thủ gửi về quê phụ cha mẹ già lo nhà cửa, nuôi con ăn học.

Nhưng mấy năm trở lại đây, công việc của hai chị mỗi năm mỗi khó khi "không có hàng làm, không có tăng ca", cuộc sống càng thêm khó khăn. Lương chị Ân mỗi tháng tầm 7 triệu đồng, nếu tăng ca được 9 - 10 triệu đồng lo trang trải tiền trọ, thuốc thang, con cái đi học nên cả nhà ăn uống cũng tằn tiện.

Nhà bốn người, đi chợ mỗi bữa vài chục ngàn đâu mua được gì. May có người nhà ở Vũng Tàu trồng rau gửi lên cho nên cũng đỡ một khoản. "Tôi tranh thủ lượm ve chai ở công ty, bán thêm được ít phụ tiền ăn. Chứ phải lúc cần một khoản để chữa bệnh, thuốc thang, lo cho con học hành mới dám vay CEP", chị Ân thật thà.

Có người vay nóng vài chục triệu đồng lúc quá ngặt nghèo nhưng bao nhiêu năm không trả hết, lãi mẹ đẻ lãi con. Vợ chồng tôi đau bệnh liên miên, nhiều lúc cũng khó khăn lắm nhưng không dám đụng "tín dụng đen".
Chị TÔ THỊ ÂN (công nhân may)

Vừa vay, vừa gửi tiết kiệm

Ông Lê Võ Tấn Lũy - phó tổng giám đốc CEP - cho biết CEP vừa ký kết phối hợp với liên đoàn lao động 9 tỉnh Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long (Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Đồng Tháp, Vĩnh Long, An Giang, Tây Ninh) đầu tháng 7, triển khai đề án "Tổ chức tài chính vi mô CEP của tổ chức Công đoàn tham gia phòng, chống nạn "tín dụng đen" trong công nhân lao động".

Đây là đề án của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, mong muốn trở thành điểm tựa tài chính tin cậy, giúp công nhân, lao động nghèo, đặc biệt công nhân trực tiếp sản xuất có cơ hội tự tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống, chủ động phòng tránh nạn "tín dụng đen".

Theo ông Lũy, không ngân hàng hay tổ chức tín dụng nào có thể cho vay dễ, vay nhanh như "tín dụng đen". Tuy nhiên, trong đề án vừa ký, các bên sẽ nỗ lực hết sức để người lao động nhận được khoản vay kịp thời khi biến cố, bất trắc xảy ra. 

"CEP có điểm giao dịch tại các khu công nghiệp để công nhân có thể trực tiếp đến đăng ký. Công nhân cũng có thể liên hệ trực tiếp với công đoàn, cụm trưởng để được hướng dẫn thủ tục", ông Lũy nói.

Hiện CEP có khoảng 341.000 khách hàng là công nhân, lao động nghèo vay với lãi suất 0,6 - 0,65%/tháng trên dư nợ gốc. CEP cũng có gói vay khẩn cấp cho công nhân viên với lãi suất 0,5%/tháng, có thể vay một khoản cao nhất 15 triệu đồng trong thời hạn tối đa 12 tháng để giải quyết các nhu cầu khẩn cấp do bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh.

Với quỹ CEP, người vay có thể lựa chọn hoàn trả theo tuần hoặc tháng tùy điều kiện thu nhập. Như công nhân có lương hằng tháng sẽ hoàn trả theo tháng vào lúc nhận lương, đồng thời thực hành tiết kiệm với các khoản nhỏ. Ông Lũy nói nhiều người ăn đong từng bữa, vay CEP và phải trả nợ mỗi tháng nhưng ai cũng có thể tiết kiệm được.

CEP hỗ trợ người dân gửi các khoản gửi tiết kiệm nhỏ hằng kỳ, cùng với thời gian hoàn trả gốc và lãi. Có người chỉ gửi vài chục nghìn mỗi tuần nhưng khoản tích cóp này giúp phần nào giải quyết khó khăn đột xuất khi con cái đau bệnh, đi học. 

"Nhiều người đã tích lũy được 5 - 10 triệu đồng khi họ trả nợ xong và rút khoản tiền này để trang trải lúc cấp bách", ông Lũy cho hay.

Nhu cầu vay rất lớn

Ra đời năm 1991, Tổ chức tài chính vi mô CEP đến nay đã cho trên 5,4 triệu lượt khách hàng là công nhân, người lao động nghèo có thu nhập thấp vay thông qua 36 chi nhánh ở 10 tỉnh thành cả nước. Đồng thời CEP đã tổ chức chương trình "CEP - chia sẻ yêu thương" hỗ trợ người lao động sửa nhà, trao cả ngàn suất học bổng mỗi năm cho con em công nhân, lao động đang là khách hàng của CEP có hoàn cảnh ngặt nghèo.

Phó tổng giám đốc CEP Lê Võ Tấn Lũy cho biết trong bối cảnh kinh tế khó khăn, nhu cầu vay vốn lãi suất thấp của người lao động ngày càng tăng nhưng nguồn lực của CEP khá hạn hẹp. CEP hiện cũng huy động tiền gửi từ công chúng, các tổ chức với lãi suất cạnh tranh để góp phần chia sẻ, phục vụ công nhân lao động nghèo có thu nhập, góp phần giúp người lao động khó khăn tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, tránh vay "tín dụng đen".

Vòng xoáy vay nóng "đốt" công nhânVòng xoáy vay nóng 'đốt' công nhân

17,3% công nhân phải thường xuyên vay nợ. 3,1% trong số đó thường xuyên bị đe dọa, khủng bố. 45,2% người vay luôn lo lắng, bất an.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên