05/04/2023 09:22 GMT+7

Thông tin học sinh được 'sang tay' cách nào?

Nhiều bạn đọc cảm thấy bất an khi liên tục nhận được điện thoại từ các nhân viên trung tâm tiếng Anh và các dịch vụ liên quan đến con mình. Họ biết rõ thông tin học sinh, tên tuổi và trường lớp con trẻ.

Thông tin học sinh được sang tay cách nào? - Ảnh 1.

Việc mua bán “data” phụ huynh, thông tin học sinh diễn ra công khai, dễ dàng trên mạng - Ảnh chụp màn hình

Phóng viên Tuổi Trẻ thâm nhập vào một trung tâm tiếng Anh có tiếng ở quận Tân Phú, TP.HCM để tìm hiểu thêm một phần sự thật về việc thu thập và "sang tay" thông tin học sinh.

"Mỏ vàng" thông tin học sinh

Từ thông tin tuyển dụng, chúng tôi đăng ký ứng tuyển và nhanh chóng trúng tuyển vào vị trí nhân viên tư vấn qua điện thoại (telemarketing). "Công việc của em là nhận data (dữ liệu) từ công ty và gọi điện cho phụ huynh theo danh sách để tư vấn, giới thiệu các khóa học tiếng Anh cho con của họ", nhân viên tuyển dụng phổ biến.

Ngày đầu, chúng tôi được sắp xếp ngồi cạnh nhân viên cũ để học hỏi cách gọi chào mời và tư vấn khách hàng. Trên màn hình máy tính hiển thị khoảng 10 trang danh sách chứa thông tin cá nhân gồm số điện thoại, họ tên, tuổi, trường học, địa chỉ cư trú. 

Phòng làm việc với hơn 50 nhân viên bắt đầu "nóng" lên bởi các cuộc gọi "chốt đơn". Không phải cuộc gọi nào cũng thành công, có cuộc phụ huynh "không có nhu cầu", "đang bận", thậm chí là cáu gắt cúp ngang máy.

Có rất nhiều thông tin cá nhân của phụ huynh, học sinh được trung tâm này thu thập, tổng hợp. Dữ liệu được thu thập từ nhiều nguồn, không chỉ ở TP.HCM mà còn "vươn xa" ra các tỉnh lân cận.

'Hậu trường' chuyện thu thập, mua bán thông tin phụ huynh, học sinh

Một nhân viên có thâm niên làm việc tại trung tâm giới thiệu về nguồn gốc các dữ liệu có được, chẳng hạn như thông qua website, mạng xã hội, quảng cáo, tiếp thị trực tiếp, học viên giới thiệu... B. còn tiết lộ một nguồn "data" khác là "mua" từ các trường, chủ yếu tiểu học bởi học viên lứa tuổi này ở trung tâm chiếm gần 50%.

B. cho rằng "nguồn data chất lượng" này thường rất hiếm và khó mua. "Có thể chi trả một khoản phí, hoặc là ưu đãi cho người thân của các hiệu trưởng. Những nhân viên được giao nhiệm vụ này sẽ thương lượng với nhà trường", B. tiết lộ.

Còn V. - người giám sát nhân viên "sale" (kinh doanh) tại trung tâm này - "bật mí" để có "data" từ trường, ngoài mua còn có thể đi "xin". "Có thể vào các trường học xin thầy hiệu trưởng, trình bày là xin danh sách thông tin phụ huynh, học sinh để gọi điện tư vấn các khóa học" - V. chỉ bảo.

Ngoài ra, có thể thông qua các chương trình tư vấn hoặc tổ chức các trò chơi nhận giải thưởng tại trường và yêu cầu phụ huynh điền các thông tin cá nhân. Đây được coi là "mỏ vàng", dữ liệu tiếp tục được "phân bổ" chuyền tay cho các nhân viên thay nhau sử dụng.

Thông tin học sinh được sang tay cách nào? - Ảnh 2.

Việc mua bán “data” phụ huynh, học sinh diễn ra công khai, dễ dàng trên mạng - Ảnh: chụp màn hình

Khi thông tin được bán "sỉ"

Một tài khoản Facebook có tên "Lê Hoài B." chào mời chúng tôi mua "sỉ" nguyên bộ "data" 9 trường tiểu học ở quận 7 (TP.HCM), gần 5.300 thông tin cá nhân phụ huynh, học sinh "mới cập nhật", với giá 1.250.000 đồng. Nếu lấy thì người này giảm giá còn 1.200.000 đồng (tức khoảng 250 đồng/thông tin). B. chỉ giao dịch qua mạng Zalo, Telegram và chuyển khoản, không gặp trực tiếp người mua.

Còn tài khoản Facebook "Kiều Minh Th." nổi lên là nhân vật đang có trong tay "data" khổng lồ của phụ huynh, học sinh các trường tiểu học. Người này "quảng cáo" đang nắm giữ danh sách chứa hàng chục ngàn thông tin cá nhân của phụ huynh, học sinh của nhiều trường tiểu học ở TP.HCM, Bình Dương... với "giá cả hợp lý". Khách hàng đồng ý mua, người này yêu cầu kết bạn Zalo, chuyển khoản và gửi danh sách qua tin nhắn.

Đặc biệt để khách hàng tin tưởng, người này còn gửi trước một ít thông tin của phụ huynh, học sinh để "nhá hàng" và hứa sẽ "khuyến mãi" nếu mua hết danh sách các trường tiểu học ở TP Thủ Đức.

Ông P.M.T. (ngụ TP Thủ Đức) khá bất ngờ khi người gọi đến đọc đúng các thông tin từ tên, tuổi, trường học, giới tính, địa chỉ nhà của con ông, hiện đang học Trường tiểu học Tạ Uyên. Những phụ huynh nhận được cuộc gọi đều bất ngờ khi người gọi biết đủ thứ về con mình. Ai cũng cho biết thông tin cá nhân của con đều được giữ rất kỹ, không hiểu tại sao lại lọt ra ngoài?

Từ danh sách tại trung tâm tiếng Anh nêu trên, chúng tôi liên hệ với nhiều phụ huynh ở ngụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Thông tin đều chính xác. Chỉ có phụ huynh hoang mang và bất bình không biết thông tin về những đứa trẻ lên 10 ở nhà mình đã lọt vào tay nhiều người bằng cách nào. Từ đó, người xấu có thể lợi dụng để lừa đảo, như thời gian qua.

Không mấy ai tin được chuyện thông tin học sinh đang được mua bán, sang tay nhau bên ngoài. Và cùng chung mong muốn cơ quan chức năng điều tra xử lý theo pháp luật.

Làm gì khi nhận cuộc gọi chuyển tiền?

Công an TP.HCM khuyến cáo, nếu người dân nhận được các cuộc gọi thông báo từ bệnh viện, nhà trường về việc người thân, học sinh bị tai nạn hay đang cấp cứu tại bệnh viện cần phải bình tĩnh xác minh, tuyệt đối không chuyển tiền cho người lạ.

Người dân có thể liên hệ ngay với công an gần nhất hoặc gọi đến trực ban Công an TP.HCM: 069.3187.344, hoặc trực ban Phòng cảnh sát hình sự Công an TP.HCM: 069.3187.200 để cung cấp thông tin, phối hợp điều tra.

Công ty mua bán trái phép dữ liệu cá nhân 150.000 người như thế nào?Công ty mua bán trái phép dữ liệu cá nhân 150.000 người như thế nào?

TTO - Liên quan đến việc Công ty tài chính TNHH MTV Mirae Asset mua bán dữ liệu cá nhân khoảng 150.000 người, công an xác định các đối tượng chủ động tìm, mua thông tin trên các diễn đàn, hội nhóm kín, thông tin bị lộ từ các tổ chức tài chính.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên