21/03/2018 09:14 GMT+7

Thủ tướng chỉ đạo phải rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng

DƯƠNG NGỌC HÀ 
- LÂM HOÀI - TIẾN LONG
DƯƠNG NGỌC HÀ 
- LÂM HOÀI - TIẾN LONG

TTO - Thủ tướng vừa chỉ đạo phải rút ngắn thời gian thực hiện nhóm thủ tục về cấp phép xây dựng để đạt trung bình của nhóm nước ASEAN 4.

Thủ tướng chỉ đạo phải rút ngắn thời gian cấp phép xây dựng - Ảnh 1.

Thời gian giải quyết hồ sơ xây dựng sẽ được rút ngắn hơn so với hiện nay. Trong ảnh: anh Hữu Duyệt tìm hiểu về thủ tục cấp phép xây dựng tại Sở Xây dụng TP.HCM sáng 20-3 - Ảnh: DUYÊN PHAN

Mặc dù thời gian giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến xây dựng những năm gần đây đã được rút ngắn nhiều, nhưng thực tế các tổ chức, cá nhân vẫn than phiền thủ tục còn quá nhiêu khê, mất thời gian, làm tăng chi phí, mất cơ hội... của doanh nghiệp.

Cấp phép xây dựng: 82 ngày!

Hiện nay, theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (World Bank), thời gian thực hiện thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng và cấp giấy phép xây dựng là 82 ngày (gần 3 tháng). Tuy nhiên, thực tế để thực hiện các thủ tục trên, chủ đầu tư thường mất tối thiểu gấp đôi thời gian quy định!

Ông N.Đ.V. - giám đốc một doanh nghiệp bất động sản có dự án ở quận Bình Tân (TP.HCM) - cho biết sau khi được sự chấp thuận của chủ đầu tư, doanh nghiệp mới bắt đầu bước thứ hai là thẩm định thiết kế xây dựng và cấp giấy phép xây dựng. Đây là giai đoạn mất khá nhiều thời gian của chủ đầu tư.

Thông thường, để duyệt được bản vẽ chi tiết 1/500, chủ đầu tư mất khoảng 1 năm. Tiếp đó, thực hiện thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng và cấp giấy phép xây dựng, chủ đầu tư thường mất tối thiểu 180 ngày (6 tháng).

Tổng thời gian doanh nghiệp làm các thủ tục để có thể khởi công dự án mất tối thiểu 2 năm.

Ông V. lấy ví dụ theo quy định, để thực hiện toàn bộ thủ tục thẩm định thiết kế xây dựng đối với các công trình được thiết kế hai bước trở lên mất 30 ngày.

Nhưng đó chỉ là quy định đối với hồ sơ hoàn hảo, thực tế không có hồ sơ nào hoàn chỉnh dưới cặp mắt của cán bộ kỹ thuật. Hồ sơ nộp lên lúc nào cũng có lỗi và bị trả để sửa chữa.

Một lần sửa và nộp lại hồ sơ mất ít nhất 2-3 tháng. Hai ba lần sửa chữa, thời gian làm dự án "đội lên" cả năm.

"Cũng có chủ đầu tư nộp hồ sơ sai sót, tuy nhiên có tình trạng cơ quan nhà nước cố tình "vạch lá tìm sâu" bắt lỗi" - ông V. chia sẻ.

Lý thuyết đơn giản, thực tế "rất nản"

Anh N.C.Q. - một chủ thầu xây dựng đóng tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) - cho biết thủ tục cấp phép xây dựng về lý thuyết là minh bạch và nhanh, tuy nhiên thực tế khi vận dụng mất rất nhiều công sức và thời gian.

Theo anh Q., thông thường hồ sơ xin cấp phép xây dựng sẽ bao gồm rất nhiều loại giấy tờ. Các yêu cầu về thủ tục này đều được niêm yết công khai ở các trụ sở UBND phường, bộ phận một cửa các quận, sở. 

Tuy nhiên, nếu người dân (chủ hộ hoặc chủ đầu tư dự án nhỏ lẻ) tự đi làm hồ sơ cấp phép sẽ "rất nản".

Chưa kể với những công trình quy mô lớn còn phải đánh giá tác động môi trường, đảm bảo chiều cao tĩnh không về quốc phòng, phương án, sơ đồ thiết kế về hầm, móng, phải kê khai năng lực, kinh nghiệm của tổ chức thiết kế…

Ngoài ra, trong quá trình nộp thủ tục, các cơ quan chức năng liên quan sẽ có những yêu cầu điều chỉnh về hồ sơ, thiết kế, bản vẽ, phương án thi công… phải chạy đi chạy lại các đơn vị để chỉnh sửa, xin ý kiến phê duyệt vô cùng phức tạp.

Thông thường, những người hành nghề xây dựng như anh Q. đều có mối quen ở các đơn vị cấp phép xây dựng ở quận, huyện để hồ sơ được xử lý nhanh hơn. 

"Một phần vì người ta quen tay, thông thạo các thủ tục và có đầu mối thông suốt những lĩnh vực liên quan. Phần khác cũng có các vấn đề nhờ cậy, lợi ích trong đó nữa nên làm sẽ nhanh hơn nhiều" - anh Q. tiết lộ. 

Theo anh Q., trước đây cá nhân anh từng gặp tình trạng bị "cò" gợi ý làm giúp hồ sơ. Khi anh từ chối, hồ sơ của anh đã bị làm khó, mất rất nhiều thời gian.

Thí điểm làm nhanh

Tại TP.HCM hiện đang thí điểm thực hiện cùng lúc ba thủ tục (thẩm định thiết kế cơ sở, thẩm định thiết kế kỹ thuật/thiết kế bản vẽ thi công và cấp giấy phép xây dựng) ở Sở Xây dựng theo quy trình rút ngắn còn 42 ngày làm việc. 

Các tổ chức, cá nhân cũng có thể nộp hồ sơ thực hiện từng thủ tục riêng lẻ theo quy trình bình thường, với tổng cộng 82 ngày làm việc cho cả ba thủ tục.

Ông Huỳnh Ngọc Quan - trưởng phòng hướng dẫn, chỉ đạo về phòng cháy Cảnh sát PCCC TP.HCM - cho biết từ năm 2017 đến nay, đơn vị này giải quyết hồ sơ thẩm duyệt PCCC tối đa trong 10 ngày làm việc. "Có những hồ sơ đơn giản, chúng tôi chỉ giải quyết trong vòng 3 - 4 ngày" - ông Quan cho biết.

Thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất tại Văn phòng đăng ký đất đai TP.HCM hiện nay vẫn được giải quyết trong 30 ngày làm việc. 

Một lãnh đạo Sở TN-MT TP.HCM cho biết hiện vẫn còn tình trạng trễ thời hạn khi giải quyết hồ sơ cấp giấy chứng nhận cho tổ chức bởi thời gian 30 ngày quá sít sao, chỉ cần một trở ngại cũng gây chậm thời gian giải quyết hồ sơ và làm trễ hẹn. 

Ông Nguyễn Toàn Thắng, giám đốc sở, cho biết: "Sở đang chờ Bộ TN-MT nghiên cứu quy định, đơn giản hóa nội dung và các bước xử lý khi cấp giấy chứng nhận. Những hướng dẫn cụ thể của bộ mới là cơ sở để các địa phương thực hiện chỉ thị 08 của Thủ tướng".

Tại Hà Nội, từ tháng 7-2017, thủ tục cấp giấy phép xây dựng chỉ thực hiện tối đa trong vòng 10 ngày. 

"Cán bộ, nhân viên xử lý hồ sơ phải đi thực địa sau một ngày kể từ ngày nhận hồ sơ đề nghị cấp phép xây dựng của tổ chức, cá nhân. Có những hồ sơ đơn giản, sở đã hoàn thành việc cấp giấy phép xây dựng cho công trình trong vòng 2-7 ngày" - một lãnh đạo phòng cấp phép xây dựng Sở Xây dựng Hà Nội cho biết.

Rút ngắn thời gian, đơn giản thủ tục

0320-giam thu tuc-tto

Mức thời gian yêu cầu giảm - Đồ họa: TẤN ĐẠT

Theo chỉ thị 08 của Thủ tướng mới ban hành, Thủ tướng chỉ đạo phải rút ngắn tổng thời gian thực hiện nhóm thủ tục này (gồm thẩm duyệt về phòng cháy, cấp phép xây dựng, đăng ký kết nối cấp, thoát nước, điện, nghiệm thu công trình xây dựng, đăng ký sở hữu tài sản sau hoàn công...) từ 166 ngày theo quy định hiện hành còn 120 ngày.

Các cơ quan chức năng rà soát, nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, sử dụng dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ bưu chính... để giảm thời gian, đồng thời phối hợp với các cơ quan có liên quan để thực hiện song song một số thủ tục.

Về lâu dài, các bộ nghiên cứu rà soát hệ thống pháp luật, đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật, nghị định, thông tư liên quan để đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm đạt được thời gian thực hiện các thủ tục như trên.

DƯƠNG NGỌC HÀ 
- LÂM HOÀI - TIẾN LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên