07/11/2022 14:22 GMT+7

Thủ tướng thăm chính thức Campuchia: Tăng cường kết nối hai nền kinh tế

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - Tăng cường kết nối kinh tế, thúc đẩy thương mại biên giới, tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, tăng cường hợp tác du lịch là những nội dung trọng tâm trong chuyến thăm chính thức Campuchia sắp tới của Thủ tướng từ ngày 8-11.

Thủ tướng thăm chính thức Campuchia: Tăng cường kết nối hai nền kinh tế - Ảnh 1.

Thủ tướng Phạm Minh Chính - Ảnh: VGP

Trước thềm chuyến công tác Campuchia của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính (từ ngày 8 đến 13-11), Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ đã có trả lời phỏng vấn báo chí liên quan tới các hoạt động của chuyến đi được đánh giá là "có ý nghĩa quan trọng".

"Chuyến thăm diễn ra trong "Năm Hữu nghị Việt Nam – Campuchia 2022" chào mừng 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Đây là dịp Thủ tướng hai nước sẽ rà lại tổng thể quan hệ, từ đó xác định những xung lực mới, động lực mới, biện pháp mới, thúc đẩy quan hệ đi vào giai đoạn mới thực chất, hiệu quả và tin cậy" – Thứ trưởng Vũ nhấn mạnh.

* Thưa ông, những lĩnh vực hợp tác nào sẽ được kỳ vọng nhất trong chuyến thăm lần này?

Trên cơ sở quan hệ sâu rộng, toàn diện, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư và hợp tác biên giới, an ninh và quốc phòng sẽ là những lĩnh vực tiếp tục được đẩy mạnh thời gian tới.

Trong đó, hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư sẽ là tiêu điểm của chuyến thăm. Năm nay, kim ngạch thương mại hai nước đã tăng tới 10 tỉ USD và đầu tư của Việt Nam tại Campuchia tiếp tục đứng đầu ASEAN, đạt mức gần 3 tỉ USD. Việt Nam là một trong những quốc gia có số khách du lịch đông nhất đến Campuchia. Vì vậy, việc trao đổi biện pháp để tăng cường kết nối hai nền kinh tế sẽ là trọng tâm, thúc đẩy thương mại biên giới, tạo thuận lợi cho các hoạt động đầu tư, kinh doanh, tăng cường hợp tác du lịch.

Điểm nhấn quan trọng lần này là hai Thủ tướng cùng tham dự và phát biểu tại Diễn đàn xúc tiến đầu tư, thương mại Việt Nam – Campuchia, với sự quan tâm đặc biệt đối với doanh nghiệp và quyết tâm của Chính phủ hai nước đưa hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư thành một trụ cột trong quan hệ song phương.

Về hợp tác quốc phòng - an ninh - biên giới, nội dung thảo luận là các biện pháp phối hợp ngăn chặn, đấu tranh phòng chống các loại tội phạm, trong đó có tội phạm xuyên quốc gia, tội phạm ma túy. Tiếp tục phối hợp giải quyết triệt để tình trạng công dân Việt Nam bị cưỡng bức lao động bất hợp pháp tại các cơ sở kinh doanh giải trí ở Campuchia.

Đồng thời, trao đổi các các biện pháp nâng cao địa vị pháp lý, tạo điều kiện cho người gốc Việt tại Campuchia làm ăn sinh sống ổn định, thuận lợi; tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý và bảo vệ biên giới, thúc đẩy công tác phân giới cắm mốc xây dựng đường biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững giữa hai nước.

* Một hoạt động rất quan trọng trong chuyến công tác này là Hội nghị Cấp cao ASEAN 40, 41 và các hội nghị cấp cao liên quan. Ông có thể chia sẻ về những trọng tâm hợp tác và kỳ vọng về kết quả?

Hội nghị Cấp cao ASEAN và các hội nghị cấp cao liên quan lần này có ý nghĩa đặc biệt. Bởi đây là hội nghị gặp mặt trực tiếp đầu tiên của các nguyên thủ, người đứng đầu Chính phủ các nước ASEAN với các đối tác, trong đó có nhiều cường quốc trong và ngoài khu vực sau ba năm dịch bệnh.

Đặc biệt trước diễn biến phức tạp liên quan tới an ninh, kinh tế khu vực và toàn cầu, rất cần được các nhà lãnh đạo ASEAN và thế giới thảo luận và tìm ra giải pháp thỏa đáng nhằm sớm khôi phục kinh tế và giải quyết các tình huống khủng hoảng an ninh. Đây là thách thức nhưng cũng là cơ hội để ASEAN tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm, khả năng đóng góp để giải quyết các vấn đề chung.

Điều quan trọng nhất là thông qua các hội nghị, các nước ASEAN không chỉ tiếp tục thúc đẩy củng cố cộng đồng vững mạnh, đoàn kết, gắn kết trong nội khối mà còn thảo luận và xác định các động lực mới, hướng đi mới, giải pháp mới.

Mục tiêu là để khu vực Đông Nam Á tiếp tục duy trì được sự hấp dẫn, tính năng động và tiên phong trong thúc đẩy tăng trưởng bền vững, bao trùm và gắn với quá trình chuyển đổi số, kinh tế số đang diễn ra mạnh mẽ.

Với chủ đề "ASEAN cùng hành động ứng phó các thách thức", nhiều vấn đề trọng tâm sẽ được thảo luận như hợp tác phục hồi kinh tế khu vực, phối hợp tìm kiếm các giải pháp cho các điểm nóng cũng như nâng cấp quan hệ đối tác giữa ASEAN với các đối tác nước lớn như Trung Quốc, Mỹ, Ấn Độ. Tôi tin với hội nghị lần này sẽ thể hiện vai trò quan trọng của ASEAN cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới.

* Vậy vị thế của Việt Nam trong ASEAN trong bối cảnh mới là gì? Những sáng kiến và đóng góp của Việt Nam trong việc xây dựng cộng đồng ASEAN, duy trì vị thế của ASEAN như ông vừa nêu ra sao?

Trong suốt 27 năm tham gia ASEAN, Việt Nam luôn thể hiện rõ phương châm hợp tác chủ động – trách nhiệm – sáng tạo – hài hòa. Việt Nam đã chủ động thúc đẩy và đóng góp quan trọng vào việc định hình các quyết sách lớn của ASEAN, trong đó phải kể đến đưa ASEAN trở thành mái nhà chung của 10 quốc gia ở khu vực, xây dựng Hiến chương ASEAN, Lộ trình xây dựng Cộng đồng ASEAN, Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025...

Việt Nam đã tham gia hợp tác ASEAN với tư duy và cách tiếp cận thực sự đổi mới, sáng tạo; thể hiện qua nhiều sáng kiến mới. Đơn cử những giải pháp thiết thực, cấp bách để giúp Cộng đồng ASEAN vững vàng vượt qua đại dịch COVID-19 với tinh thần đoàn kết, gắn kết hơn bao giờ hết.

Với cách tiếp cận cân bằng và hài hòa, Việt Nam luôn được nhìn nhận đóng vai trò "cầu nối" giúp thu hẹp khác biệt và gia tăng điểm tương đồng giữa các nước ASEAN, giữa ASEAN với các đối tác bên ngoài. Điều này thể hiện truyền thống của đối ngoại Việt Nam như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói "nền ngoại giao cây tre Việt Nam" khi chúng ta đề cao điểm cân bằng, khách quan, thúc đẩy đối thoại và hợp tác, giải quyết các khác biệt, bất đồng và tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính sắp thăm chính thức Campuchia Thủ tướng Phạm Minh Chính sắp thăm chính thức Campuchia

TTO - Đây là chuyến thăm chính thức Campuchia đầu tiên của ông Phạm Minh Chính trên cương vị Thủ tướng, cũng là chuyến thăm đầu tiên của lãnh đạo chủ chốt Việt Nam trong Năm hữu nghị Việt Nam - Campuchia 2022.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên