15/02/2024 07:58 GMT+7

Thư viện số Nguyễn An Ninh chuyên đề Nam Bộ của các bô lão

Ra mắt ngày 10-10-2023, Thư viện số Nguyễn An Ninh chuyên đề Nam Bộ không chỉ có mã QR để các bạn trẻ truy cập bằng điện thoại.

Các bạn trẻ trải nghiệm Thư viện số Nguyễn An Ninh - Ảnh: HẢI QUỲNH

Các bạn trẻ trải nghiệm Thư viện số Nguyễn An Ninh - Ảnh: HẢI QUỲNH

Thư viện ra mắt bằng những màn diễn xướng hò vè, biểu diễn đờn ca tài tử với cam kết sẽ truyền tải những trải nghiệm của các tác giả sách và các công trình nghiên cứu văn hóa phương Nam đến với giới trẻ một cách trực quan, sinh động nhất.

Điều đặc biệt, những người dựng nên thư viện số hướng đến độc giả trẻ này (thuviennguyenanninh.vn) phần lớn là những thành viên đã quá thất tuần của Hội đồng quản lý Quỹ Hoa Sen: bà Quách Thu Nguyệt (chủ tịch hội đồng quản lý quỹ), ông Nguyễn Thiện Tống (phó chủ tịch hội đồng quản lý quỹ), ông Hoàng Huy Thông (giám đốc quản lý quỹ)... cùng với nhiều “bô lão” khác.

Họ là những giáo sư, tiến sĩ, nhà nghiên cứu, nhà giáo dục, luật sư, nhà báo, nhà ngoại giao... tâm huyết với nền văn hóa, giáo dục nước nhà và cùng dành tình cảm lớn cho mảnh đất phương Nam.

Bà Quách Thu Nguyệt

Bà Quách Thu Nguyệt

Đất - Người phương Nam từ một website

Bộ phim Đất rừng phương Nam của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng ra mắt hồi tháng 10-2023 đã tạo nên nhiều tranh luận sôi nổi xung quanh lịch sử, văn hóa và con người miền Nam.

Những ồn ào chứng tỏ câu chuyện về đất và người phương Nam vẫn là một kho tàng kiến thức phong phú vô tận chưa ai dám tuyên bố mình rành rẽ.

Kho tàng ấy đang dần được khai phá giá trị, tích hợp vào không gian mạng thuviennguyenanninh.vn với kỳ vọng sẽ trở thành địa chỉ cho bất kỳ ai có nhu cầu tìm hiểu văn hóa miền Nam.

Mang tên Nguyễn An Ninh - người được xem là nhà tư tưởng tiêu biểu đầu thế kỷ 20 ở Nam Kỳ, thư viện tất nhiên không thiếu các đầu sách của Nguyễn An Ninh và hàng chục đầu sách, tạp chí viết về ông.

Các tác giả nổi tiếng đi cùng dòng chảy văn hóa của hơn 300 năm lịch sử người Việt đến phương Nam như Sơn Nam, Vương Hồng Sển, Trần Bạch Đằng, Hồ Biểu Chánh... cho đến tác giả đương đại Trần Bảo Định cũng cùng tề tựu ở đây với nhiều trước tác.

Những ấn phẩm về miền Nam hay tài liệu dưới nhiều dạng thức đang được số hóa, bổ sung dần để người đọc có thể xem video, đọc sách số dạng pdf, đọc sách kiểu lật từng trang, nghe sách nói và cả đọc sách tương tác và mượn sách giấy...

Người đọc đã đăng ký là bạn đọc thư viện có thể mượn sách chỉ qua vài thao tác nhấp chuột. Bạn đọc có thể xem từ phim tài liệu Gia Định - Sài Gòn điệu hát, câu hò ngày ấy! (kịch bản: Huỳnh Ngọc Trảng, âm nhạc: Lê Giang - Lưu Nhất Vũ) đến Lễ hội dân gian Nam Bộ (Huỳnh Quốc Thắng); nhiều biên khảo của “ông già Nam Bộ” Sơn Nam như Phong trào Duy Tân ở Bắc Trung Nam, Miền Nam đầu thế kỷ 20 - Thiên Địa hội & cuộc Minh Tân, Lịch sử khẩn hoang miền Nam...; các tài liệu đáng đọc khác như: Những vấn đề văn học và ngôn ngữ Nam Bộ (Đoàn Lê Giang), Kẻ sĩ Gia Định (Trần Bạch Đằng), Phong trào dân tộc dân chủ ở Nam Kỳ 1930 - 1945 (Phạm Thị Huệ), Làng báo Sài Gòn 1916 - 1930 (Philippe M.F. Peycam)...

Dù có lượng người dùng Internet đông đảo nhưng Việt Nam vẫn chưa có nhiều thư viện số độc lập gây tiếng vang với người dùng.

Có thể kể đến thư viện số miễn phí dành cho trẻ em do Quỹ Nhi đồng Liên Hiệp Quốc UNICEF Việt Nam, Thư viện số toàn cầu do Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam triển khai; Thư viện Doanh nhân Việt Nam vừa ra mắt, Thư viện Hoa Phượng Vỹ lưu trữ di sản chung Pháp - Việt từ thế kỷ 17.

Thư viện số tiếng Việt chủ yếu do các đại học phát triển như Đại học Quốc gia TP.HCM, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Cần Thơ...

Một dự án kết nối 11 thư viện số của các trường đại học cũng đang được thực hiện để tạo nên nguồn học liệu phong phú phục vụ các sinh viên...

Vừa bất ngờ vừa hào hứng với thư viện số mang tên nhân sĩ tri thức Nguyễn An Ninh, nhà báo - nhà nghiên cứu Lê Minh Quốc, cũng là tác giả tập sách Nguyễn An Ninh - Dấu ấn để lại (Nhà xuất bản Văn Học, 1997), chia sẻ:

“Thật đáng hoan nghênh khi có một thư viện số để những người yêu văn hóa như tôi có thể góp công làm điều gì đó tích cực để phổ biến văn hóa Nam Bộ. Tôi tin rằng thư viện sẽ quy tụ được thêm nhiều đầu sách và được sự ủng hộ của những người cùng chí hướng”.

Xem sách bằng QR Code

Xem sách bằng QR Code

Đồng hành với người trẻ

Bạn Kim Phụng, sinh viên vừa tốt nghiệp ngành quốc tế học (Đại học Sài Gòn), cho biết đây là thư viện số đầu tiên mà bạn trải nghiệm và cảm thấy thật lý thú khi được nghe sách nói có bản quyền, đọc sách số và xem các video diễn xướng văn nghệ dân gian ở bất kỳ không gian nào.

Cô gái của Đồng bằng sông Cửu Long đã kịp xem một số tác phẩm của nhà văn Hồ Biểu Chánh. Trong khi đó, bạn đồng môn của cô, Mỹ Nhung tìm đọc các tác phẩm biên khảo của nhà văn Sơn Nam. Đây cũng chỉ mới là thư viện số thứ hai cô gái lớn lên tại TP.HCM trải nghiệm sau kho tài nguyên số của Thư viện Tổng hợp TP.HCM.

Với các bạn trẻ thành thạo công nghệ, thao tác để đăng ký thành viên hay mượn đọc sách số đều dễ dàng. Mỹ Nhung đặc biệt thích các tài nguyên định dạng video và mong muốn thư viện sẽ bổ sung nhiều hơn các sách số, sách nói, tổ chức talkshow về chuyên đề Nam Bộ và số hóa nội dung các talkshow để người đọc xem được nhiều dữ liệu đa phương tiện quý giá.

Mong muốn của Mỹ Nhung về việc có thêm nhiều cuộc trò chuyện, trình diễn xoay quanh chủ đề phương Nam cũng là một hướng đi mà thư viện đang chú trọng: xây dựng chuỗi talkshow “Nam Bộ quen mà lạ”.

Theo TS Quách Thu Nguyệt, động lực thôi thúc những người sáng lập làm thư viện mở này là tình yêu với mảnh đất phương Nam và giới trẻ.

Mảnh đất người Việt sinh sống tạo lập đã vài trăm năm nhưng vẫn rất mới này còn quá nhiều điều để giới thiệu, khám phá và sáng tạo. Còn giới trẻ - đối tượng mà thư viện hướng tới?

Dựa trên khảo sát về nhu cầu, thói quen đọc của người trẻ, bà nhận ra họ đang chủ yếu đọc qua điện thoại, iPad, máy tính... Việc đến một thư viện để tìm đọc một cuốn sách hay đơn giản là cầm một cuốn sách đọc mà không phân tâm là thách thức với nhiều bạn trẻ.

Để tiếp cận giới trẻ, thư viện số là mô hình hợp lý và hợp thời với xu hướng chung. Thư viện kỳ vọng vào cách thụ hưởng lẫn sự đồng hành sáng tạo bởi chính giới trẻ, chứ không ai khác sẽ tiếp tục tạo nên những giá trị mới của đất nước.

Bà Nguyệt cho biết thêm sắp tới thư viện sẽ kết hợp với giải thưởng Trần Văn Giàu, vốn chủ yếu trao cho các công trình nghiên cứu về lịch sử Nam Bộ, để có thể có thêm ngân sách hỗ trợ các công trình, luận án của sinh viên về đề tài Nam Bộ.

Cảm kích các hoạt động xiển dương văn hóa dân tộc của các nhóm trẻ như Vang vọng trống chầu, Đại Nam hội quán, Saigon Theatreland, CLB Giai điệu phương Nam hay cá nhân các bạn trẻ đang dày công nghiên cứu về y phục, kiến trúc miền Nam...; thư viện số Nguyễn An Ninh tự đặt mục tiêu sẽ là nơi ươm mầm, đỡ đầu cho những người trẻ luôn trân quý, tìm tòi, tái hiện các vẻ đẹp trong kho báu văn hóa của cha ông.

Các không gian trải nghiệm của thư viện số Nguyễn An Ninh cũng sẽ là nơi hội tụ để các bạn trẻ có cơ hội trình diễn sản phẩm của mình.

Kho tàng văn hóa phương Nam đang dần được tíchhợp trên thuviennguyenanninh.vn

Kho tàng văn hóa phương Nam đang dần được tíchhợp trên thuviennguyenanninh.vn

Thách thức và kỳ vọng

Dự án Trung tâm lưu trữ tài liệu về Nam Bộ đã được bà Nguyệt và các cộng sự ấp ủ từ năm 2018, và rồi những khó khăn tài chính trong và sau đại dịch COVID-19 đã khiến dự án phải hoãn lại.

Không bỏ cuộc, kế hoạch được linh hoạt thay đổi: thành lập thư viện số trước, thư viện vật lý sau.

Và năm 2024 này, Thư viện số Nguyễn An Ninh sẽ thiết kế những không gian trải nghiệm tại Đường sách TP.HCM, các đường sách sắp khai trương khác, cũng như tại các lễ hội văn hóa.

Người đọc sẽ được xem sách trưng bày theo các chuyên đề (chẳng hạn: Các nhà báo Nam Bộ, Nghệ thuật Nam Bộ...), trải nghiệm việc tìm sách tại thư viện số qua các máy tính, iPad được trang bị sẵn.

Mô hình mẫu của không gian trải nghiệm dự kiến ra mắt ở Đường sách Tết 2024 trên đường Lê Lợi.

Là người con của mảnh đất phương Nam, có thâm niên trong ngành xuất bản, bà Quách Thu Nguyệt am hiểu thị trường sách và có nhiều lợi thế trong việc kết nối những người yêu sách tâm huyết với văn hóa, các thư viện trường đại học, các nhà xuất bản, hãng phim... tiếp sức cho thư viện.

Như sự “tiếp sức” của Nhà xuất bản Trẻ khi tặng cho thư viện số Nguyễn An Ninh bộ ebook có bản quyền của nhà văn Sơn Nam phục vụ bạn đọc miễn phí trong ba tháng. Thư viện François-Mitterrand - nơi lưu trữ lớn nhất của Thư viện Quốc gia Pháp - cũng chia sẻ tài liệu.

Hay như sự dốc sức xây dựng thư viện từ những tình nguyện viên trẻ từng là học trò của bà Nguyệt. Tất cả đều làm việc với tinh thần cống hiến bởi quỹ hiện chỉ có thể trả lương cho một tình nguyện viên duy nhất.

Về nguồn tài nguyên số, theo Quỹ Hoa Sen, thư viện chưa thể cập nhật nhiều và nhanh do tuân thủ Luật Bản quyền sở hữu trí tuệ, nhiều tác phẩm cần có thời gian thương thảo. Trước mắt, thư viện tập trung khai thác trước các tài liệu đã hết thời hạn bản quyền.

Nhưng bản quyền cũng chưa hẳn là vấn đề chính, điều khiến những người làm thư viện số cân nhắc nhiều là làm sao để không gây ảnh hưởng đến đối tác - các nhà xuất bản cần bảo đảm doanh thu sách giấy.

Nhiều khó khăn như vậy, thư viện số vẫn đang nỗ lực dù mới ở giai đoạn thử nghiệm. Trong số các đầu sách được số hóa, bà Quách Thu Nguyệt còn hy vọng vực dậy cả những cuốn sách giá trị đã không còn trên thị trường.

Không dừng lại như một nơi lưu trữ tư liệu, thư viện còn chủ động tạo lập các ấn phẩm về Nam Bộ bổ sung cho nguồn tài nguyên này, như đầu tư thực hiện bộ sách quy mô về văn học dân gian Nam Bộ - công trình do nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng cầm trịch và đã ra mắt bạn đọc bốn trong tổng số bảy bộ sách.

Thư viện cũng sẽ tạo nên nhiều điểm khác biệt khi mở các bảo tàng/nhà lưu niệm ảo cho các nhân vật như luật sư Nguyễn Hữu Thọ, nhà cách mạng Trương Văn Bang, nhà văn Sơn Nam...

Năm năm ấp ủ để ra mắt bản thử nghiệm, Thư viện số Nguyễn An Ninh đặt mục tiêu Năm năm nữa (2028) sẽ trở thành một thư viện hoàn thiện.

Những người sáng lập hầu hết đã lớn tuổi mong muốn các “truyền nhân” trẻ sẽ tiếp quản việc vận hành thư viện, cũng như giới trẻ trong và ngoài nước sẽ cùng làm giàu cho tài sản chung này của mọi người con đất phương Nam.

Bà Quách Thu Nguyệt giới thiệu thư viện số buổi ra mắt - Ảnh: TỰ TRUNG

Bà Quách Thu Nguyệt giới thiệu thư viện số buổi ra mắt - Ảnh: TỰ TRUNG

Biểu diễn âm nhạc dân tộc trong không gian trải nghiệm của thư viện - Ảnh: H.Q.

Biểu diễn âm nhạc dân tộc trong không gian trải nghiệm của thư viện - Ảnh: H.Q.

Chờ đợi U20 cùng "tìm về nét Việt"

Dự án Thư viện số Nguyễn An Ninh là một trong các dự án của Quỹ Hoa Sen - một quỹ hiến tặng với tiêu chí hỗ trợ giáo dục khai phóng, bảo tồn và phát triển văn hóa.

Dự án nằm trong tôn chỉ “Tìm về nét Việt”, một trong năm tôn chỉ hành động của quỹ. “Tìm về nét Việt” tài trợ các dự án bảo tồn văn hóa; di sản văn hóa, lịch sử, kiến trúc; các chương trình, công trình về văn hóa Việt Nam, văn hóa các dân tộc, văn hóa biển, văn hóa miền Nam.

Trong bối cảnh kinh tế gặp khó mọi mặt, các “tiền bối” U80 vẫn tiên phong mở đường để Thư viện số Nguyễn An Ninh ra đời và hoạt động với hy vọng các thế hệ sau, U30, U20 giàu kỹ năng, không ngừng học hỏi và đầy sáng tạo sẽ nhiệt thành nối dài hành trình “Tìm về nét Việt” nhiều thử thách nhưng thật đẹp và ý nghĩa.

Nguyễn An Ninh là tấm gương tiêu biểu ở cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 trong việc tự ý thức tìm kiếm tư liệu sách vở, luôn luôn học hỏi, luôn luôn tìm kiếm tri thức mới. Với việc bồi đắp tủ sách gia đình mình như một kho tàng giá trị, ông đã gìn giữ cho thế hệ sau một nguồn tri thức lớn... Vì vậy mà chúng tôi chọn tên Nguyễn An Ninh cho thư viện số này.

Quách Thu Nguyệt

Thư viện số miễn phí cung cấp tư liệu quý cho người trẻThư viện số miễn phí cung cấp tư liệu quý cho người trẻ

Sáng 10-10, trong buổi khai mạc chuỗi hoạt động chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia và 'Tuần lễ doanh nhân và sách' tại Đường sách TP.HCM, có hai thư viện số miễn phí được giới thiệu đến đông đảo độc giả.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên