Thuốc chống trầm cảm, giảm đau mãn tính

N.T.H. (TP.HCM) 17/05/2011 11:05 GMT+7

TTCT - Tôi năm nay 53 tuổi, bị đau ở vùng hông lưng từ nhiều tháng qua, đã đi khám và điều trị ở nhiều bệnh viện và các phòng mạch tư nhưng tình trạng không cải thiện là bao. Gần đây, tôi được bác sĩ chỉ định ngưng thuốc giảm đau và dùng thuốc chống trầm cảm. Lạ thay, tôi giảm đau hẳn. Tôi bị trầm cảm?

Phóng to

Lạc quan để giảm đau - Ảnh: Gia Tiến

Đau... lung tung, dai dẳng

Bệnh nhân bị chứng đau này thường than đau ở nhiều nơi như vùng lưng, hông, chân, cổ gáy... Khi được yêu cầu chỉ ra một điểm đau nhất trên “vùng đau”, người bệnh không đáp ứng được. Cường độ đau ở mức vừa phải, không dữ dội và khốc liệt đến nỗi phải đi cấp cứu. Thời gian đau kéo dài nhiều tháng (thường trên sáu tháng). Đau có khuynh hướng tăng lên vào buổi chiều, giảm vào buổi sáng. Và đặc điểm quan trọng nhất là đau không kèm theo những tổn thương thực thể như teo cơ, yếu liệt cơ, mất cảm giác, bí tiểu...

Người bệnh này thường dễ mất kiên nhẫn, lo lắng và bi quan về tình trạng của mình. Họ không hài lòng lâu với phác đồ điều trị của một bệnh viện hay bác sĩ nào mà đi điều trị nhiều nơi, bởi vì tình trạng đau vẫn tồn tại một cách dai dẳng. Triệu chứng kèm theo thường gặp nhất là mất ngủ, lo âu, sầu muộn.

Các triệu chứng trên không giảm khi tăng liều thuốc giảm đau hoặc kết hợp nhiều loại thuốc giảm đau. Trong những trường hợp đau mãn tính có kèm mất ngủ, các thuốc an thần rất ít tác dụng trong việc làm giảm tình trạng mất ngủ. Nguyên nhân mất ngủ ở những bệnh nhân này là vì tình trạng lo lắng chứ không phải vì đau nhiều.

Kết quả xét nghiệm cho thấy có sự không tương xứng giữa tình trạng tổn thương thực thể ở những cơ quan và bộ phận cơ thể với cường độ và thời gian đau. Nghĩa là những tổn thương thực thể không thể giải thích được tình trạng đau của bệnh nhân.

Đa số người than đau mãn tính là nữ, ở xung quanh tuổi tiền mãn kinh. Những người sống tình cảm, nữ tính, hay than thở trong khi trò chuyện, yếm thế thường bị đau mãn tính nhiều hơn những người mạnh mẽ. Những bệnh nhân đau mãn tính nếu không được phát hiện và chữa trị đúng cách, về sau sẽ bị thêm các bệnh dạ dày, ruột, có thể suy thận vì dùng quá nhiều thuốc giảm đau.

Đau mãn tính đáp ứng khá tốt với các thuốc chống trầm cảm ba vòng (*), có trường hợp cần phối hợp với một loại thuốc giảm đau, có trường hợp chỉ cần sử dụng thuốc chống trầm cảm đơn lẻ cũng đủ giảm đau cho bệnh nhân.

Lạc quan để giảm đau

Trong não có những đường dẫn truyền xung động thần kinh đi xuống truyền những chất ức chế đau. Những chất này gọi là morphin nội sinh, được bài tiết ra nhiều khi cơ thể hưng phấn. Điều này giải thích tại sao khi vui vẻ, lạc quan thì đau giảm đi, còn khi đang ở tâm trạng buồn, nản cảm nhận đau sẽ nhiều hơn. Các thuốc chống trầm cảm ba vòng cũng làm tăng morphin nội sinh, các thuốc giảm đau sử dụng trong gây mê cũng tác động một phần thông qua cơ chế này.

Sự cảm nhận về đau thường là phức tạp bởi một phần vì đau là một nhận thức hơn cảm giác. Tình trạng thể chất, kinh nghiệm trải qua và sự lường trước của người đó, hết thảy đều ảnh hưởng đến cách người ta đánh giá đầu vào của cảm giác đau. Chẳng hạn, Quan Công có thể ngồi yên để Hoa Đà mổ cánh tay mà không dùng bất cứ thuốc giảm đau nào, trong khi một vài người chỉ cần nhìn thấy kim tiêm thuốc là xanh mặt vì sợ.

Ở những người đau mãn tính, lượng morphin nội sinh ít được tiết ra và có lẽ ngưỡng đau của họ thấp hơn bình thường.

__________

(*) Có bốn nhóm thuốc chống trầm cảm, trong đó nhóm ba vòng là tốt nhất, được sử dụng chủ yếu để trị những rối loạn tâm thần. Ba nhóm kia là: nhóm ức chế men monoamine oxidase, nhóm ức chế tái hấp thu chọn lọc trên serotonin, nhóm ức chế hấp thu trên serotonin và noradrenaline.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận