20/02/2020 15:04 GMT+7

Tiến sĩ Trung Quốc nhiễm COVID-19 bị kỳ thị dù đã xuất viện, cha mẹ vạ lây

CẢNH CHÁNH
CẢNH CHÁNH

TTO - Cho đến nay, trên thế giới đã có gần 17.000 bệnh nhân được chữa khỏi dịch bệnh COVID-19, trong đó phần lớn ở Trung Quốc. Dù đã xuất viện và không còn virus trong người, những bệnh nhân này vẫn bị kỳ thị ở ngay chính quê nhà.

Tiến sĩ Trung Quốc nhiễm COVID-19 bị kỳ thị dù đã xuất viện, cha mẹ vạ lây - Ảnh 1.

Công tác phòng chống dịch ở làng Lương Điền, thành phố Quảng Châu, Trung Quốc - Ảnh: news.dayoo.com

Anh Dương Viễn (24 tuổi, tên nhân vật đã được thay đổi), đang theo học bậc tiến sĩ tại Trường đại học công nghệ Hoa Trung Vũ Hán, là con một của một gia đình bình thường ở Hồ Bắc, anh vừa khỏi bệnh COVID-19 ra viện ngày 11-2 là một trong những người đó.

Anh Viễn vốn là người ít nói, anh cũng khá e dè khi chia sẻ câu chuyện của mình trên tài khoản mạng xã hội Weibo của bảng Hải ngoại tờ Nhân Dân Nhật Báo Trung Quốc ngày 19-2.

Anh bị nhiễm bệnh vào ngày 16-1, khi từ Vũ Hán đi tàu cao tốc đến thành phố Đông Quảng, tỉnh Quảng Đông thăm bố mẹ, họ làm việc và sinh sống cùng vợ con anh ở đó. Sau khi đến thành phố Đông Quảng, anh bắt đầu có biểu hiện sốt nhưng tưởng chỉ là chuyện nhỏ nên không để ý.

Chúng tôi những người từng nhiễm bệnh COVID – 19 chính là nạn nhân của virus, nếu còn gặp thêm sự kỳ thị của xã hội, thì chúng tôi sẽ khó mà chấp nhận được.

Dương Viễn

Bố mẹ bị chủ nhà "đuổi" vì con bị nhiễm

Tiến sĩ Trung Quốc nhiễm COVID-19 bị kỳ thị dù đã xuất viện, cha mẹ vạ lây - Ảnh 3.

Giấy chẩn đoán bệnh của Dương Viễn. Ảnh: WEIBO

Đến 23-1 anh Viễn mới đi kiểm tra, bác sĩ nghi ngờ nhiễm bệnh COVID-19, cho vào viện cách ly theo dõi, sau đó xét nghiệm cho kết quả dương tính. Anh cũng không rõ mình nhiễm bệnh khi nào, chỉ nhớ từ trường đến nhà ga xe lửa bằng tàu điện ngầm, lúc đó không ai đeo khẩu trang.

Hôm về đến nhà bố mẹ, anh cũng không chủ động đeo khẩu trang hay cách ly gì vì hầu như không ai có biện pháp phòng chống dịch bệnh. Đây có thể chính là nguyên nhân dịch bệnh bùng phát. Chữa trị hơn nửa tháng, đến ngày 11-2 anh khỏi bệnh xuất viện.

Bố mẹ anh làm việc ở Đông Quảng nên có thuê căn nhà 2 phòng ở một ngôi làng của thị trấn Liêu Bộ. Họ ở đó mười mấy năm trời, rất thân thiết với chủ nhà, cũng không có hợp đồng gì.

Năm nào anh cũng từ Vũ Hán đến Đông Quảng ăn tết với bố mẹ. Nhưng hôm 27-1, sau khi nghe tin anh bị nhiễm bệnh COVID-19, chủ nhà đột nhiên yêu cầu bố mẹ anh phải nhanh chóng dọn đi, không cho thuê nữa.

Hôm 28-1, chính quyền địa phương đón bố mẹ anh đến khách sạn cách ly tập trung 16 ngày, kết quả xét nghiệm của họ đều âm tính.

Sau khi bị chủ nhà đòi lại nhà, bố mẹ anh đi tìm thuê nhà khắp nơi, nhưng các chủ nhà thấy hộ khẩu Hồ Bắc thì đều lắc đầu. Trong làng có khách sạn cho người bị cách ly ở, tuy nhiên người Hồ Bắc cũng không thể tự vào đó được, phải được chính quyền xác nhận mới cho ở.

Khách sạn cũng xua đuổi

Hết cách anh tìm đến Ủy ban thôn, Ủy ban thôn cấp cho tờ chứng nhận đã hết bệnh, hết thời gian cách ly, trong đó ghi rõ sức khỏe gia đình anh đều tốt an toàn. Nhưng chỉ cần nhìn thấy chữ Hồ Bắc trên hộ khẩu, cho dù có chứng nhận của Ủy ban thôn cũng như không, chủ nhà từ chối, khách sạn cũng không vào được.

Gia đình già trẻ lớn bé 5 người không nơi tá túc, anh đành viết thư cầu cứu trên mạng xã hội của trường. Trong thư anh viết "Chúng tôi chiến thắng virus Corona nhưng lại bị kỳ thị, cách ly như virus, nay không nơi tá túc".

Được sự giúp đỡ của nhà trường, may mắn là sau đó chính quyền thị trấn đã kịp thời can thiệp, bố trí khách sạn tạm cho gia đình anh ở miễn phí. Trước khi dịch bệnh kết thúc, gia đinh anh chỉ còn cách ở khách sạn.

Anh Viễn vì mới ra viện nên cũng muốn tự cách ly thêm một thời gian, mặc dù người nhà không cần cách ly. Anh dự định sẽ đi hiến máu sau khi sức khỏe ổn định. Giờ đồ đạc ở nhà cũ vẫn chưa dọn vì gia đình vẫn chưa tìm được nhà.

Chủ nhà cũng không còn cách nào khác, đánh nhượng bộ cho gửi đồ đến khi hết dịch bệnh. Tạm thời gia đình anh không phải đóng tiền nhà, chủ nhà bảo miễn là gia đình anh dọn đi, tiền nhà không quan trọng.

Theo anh Viễn, bạn bè đồng hương đến làm việc ở Đông Quảng rất nhiều, trước đó 80% dân trong thôn là người ngoài tỉnh. Một số đồng hương của anh không về quê ăn tết thì không bị chủ nhà đuổi đi. Nhưng giờ người Hồ Bắc mà đi thuê nhà chắc chắn sẽ gặp khó khăn như gia đình anh.

Qua câu chuyện của mình, anh nhắn nhủ người dân làm tốt công tác phòng chống dịch, không nên hoang mang. Rất nhiều người nghe tin trong khu dân cư có người mắc bệnh COVID-19 là cuống hết cả lên, thậm chí muốn đuổi cổ gia đình đó ra khỏi khu dân cư, đó là điều không cần thiết.

Vì bệnh nhân sẽ được đưa đến bệnh viện, người nhà thì cách ly, khu dân cư thì được khử trùng. Người khỏi bệnh ra viện cũng phải phòng chống, nhưng sẽ không lây bệnh cho người khác nữa.

Ông Lương Hồng, phó chủ nhiệm Trung tâm dự phòng nghiên cứu nguy cơ tâm lý Bắc Kinh, trả lời phỏng vấn của Thanh Niên Bắc Kinh cho biết đường dây nóng của trung tâm tiếp nhận khá nhiều cuộc điện thoại nhờ tư vấn tâm lý.

Theo ông, các tổ chức, công đồng cần quan tâm đến gia đình người từng bị nhiễm bệnh COVID-19, nhất là người bệnh ngoài nỗi đau thể xác còn tổn thương tâm hồn, thậm chí có người hoảng loạn sau khi mắc bệnh. Do đó, cần phải xóa bỏ sự kỳ thị của xã hội đối với người đã khỏi bệnh.

Cơ quan bảo hộ lao động cần tổ chức điều tra chuyên ngành, cấm đơn vị tuyển dụng kỳ thị người từng nhiễm bệnh, cho thôi việc hoặc không tuyển dụng người từng nhiễm bệnh COVID-19. Phải tích cực nguy cơ tâm lý thời dịch mới có thể chiến thắng dịch bệnh, ổn định cuộc sống cho người dân.

Người gốc Việt bị kỳ thị ở châu Âu vì virus từ Trung Quốc Người gốc Việt bị kỳ thị ở châu Âu vì virus từ Trung Quốc

TTO - Không ít người dân châu Âu đang đánh đồng tất cả những người da vàng là người Trung Quốc và kỳ thị họ như thể tất cả đang mang trong người virus corona. Nhiều người Việt ở Pháp đã phải nhận những lời khó nghe là vì thế.

CẢNH CHÁNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên