27/03/2012 02:17 GMT+7

Tiếng chiêng sẽ tắt?

BaoChau
BaoChau

TT - Nhà nghiên cứu âm nhạc Bùi Trọng Hiền cho biết: trong cuộc khảo sát mới nhất tại Tây nguyên, đến gần một nửa số nghệ nhân tham gia hồ sơ Không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên trình Unesco năm 2005 đã từ bỏ cồng chiêng.

Góp tiền mua cồng chiêng cho buôn làngDu lịch: lợi thế hay nguy cơ của di sản?

58BZ7xXF.jpgPhóng to

Những chiếc chiêng lâu rồi chẳng được dùng đến của H’Mut - Ảnh: H.Hương

"Có nhiều làng tôi từng dừng lại để làm khảo sát, giờ cồng chiêng hoàn toàn bị xóa sổ", nhà nghiên cứu này nói.

Tiếng chiêng của một người

H’Mut ngồi trầm tư bên hiên nhà, bần thần gõ từng tiếng vào chiếc groi (chiêng lớn). Tiếng chiêng vang xa trong chiều Tây nguyên tháng 3 cháy nắng... Chiêng của H’Mut đầy bụi, lâu rồi chẳng được dùng đến, nằm im lìm dưới gậm giường.

H’Mut người Gia Rai ở xã Iaka (huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai), là một trong những nghệ nhân tham gia hồ sơ cồng chiêng trình Unesco năm 2005, đã học đánh cồng chiêng từ bé.

Lúi húi lôi hai bộ cồng chiêng bụi phủi từ dưới gậm giường, H’Mut bảo: "phải giấu ở đây để phòng khi mình lên rẫy bị ăn trộm. Một bộ nữa mình cất ở chái nhà bên kia. Từ hồi được Unesco công nhận, nhiều nhà bị mất trộm cồng chiêng lắm". Ba bộ cồng chiêng của H’Mut được truyền từ đời ông bà đến nay. Thi thoảng có lễ, H’Mut lại cho thanh niên trong làng mượn đánh vì "bọn trẻ chịu đánh cồng chiêng là may rồi, chứ chúng nó làm sao mua được cồng chiêng".

Gõ gõ trên từng chiếc chiêng, H’Mut nói: "Lâu rồi không có lễ mừng lúa mới, ngày trước uống rượu và đánh chiêng cả ngày cả đêm. Phải nhà giàu, nhiều lúa mới có thể mua trâu cúng thần núi thần nước. Mấy năm nay chẳng còn ai đủ sức làm".

Iaka cách thủy điện Yaly 8km vừa qua mấy mùa khô hạn, thóc lúa ít đi, đến cơm ăn còn khó nói gì đến mở hội. Rừng đã lùi đi rất xa, nguồn nước cũng không đến từ sông suối nữa. Cho nên làng của H’Mut không cúng thần rừng, thần nước như ngày xưa. Chỉ khi có đám chết mới có những đêm cồng chiêng mê mải.

Làng trắng cồng chiêng

Ðó là làng Bluk Blui (xã Iaka), Rơ Châm Thuân (cán bộ văn hóa xã Iaka) kể: huyện có chủ trương đưa cồng chiêng về các buôn làng, giao cho xã tìm những làng không còn cồng chiêng để phân về. Khi giao cồng chiêng xuống làng họ nói: trả cồng chiêng lại cho Nhà nước, nếu cho làng đàn organ thì làng nhận.

Rơ Châm Thuân thở dài: "Cả làng nói thế, xã đành trả về huyện, chắc giờ phân cho xã khác. Nhiều nhà còn bán cồng chiêng cho hàng sắt vụn nữa chứ". Thế nên dù là cán bộ văn hóa xã, khi thiếu người Rơ Chăm Thuân cũng tham gia đội dù chẳng biết mấy về cồng chiêng. Khi được hỏi không biết cồng chiêng nhỡ đánh sai thì sao, anh cán bộ này hồn nhiên: cứ gõ theo nhịp thôi, mà nếu sai cũng chả ai biết đâu!

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân (trưởng phòng di sản văn hóa - Sở VHTT&DL, tỉnh Gia Lai) cho biết: Ðó không phải câu chuyện riêng của Iaka mà là nỗi xót xa chung của không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên. Riêng Gia Lai, kể từ sau khi cồng chiêng được công nhận di sản, không có một làng nào có thể giữ nguyên vẹn không gian văn hóa của chính mình.

Những không gian đã mất

Cồng chiêng im tiếng bởi không gian sinh tồn duy nhất của nó là lễ hội truyền thống đã dần mất đi. Một nhà nghiên cứu văn hóa Tây nguyên chua xót: có đi dọc hạ lưu sông Ba mới hiểu hết cái mất mát của văn hóa Tây nguyên. Sau dự án thủy điện, dòng sông Ba đổi dòng và biến mất theo nó là những tập tục, nghi lễ của người Ba Na nơi hạ lưu con sông này. Người ta không còn nước, không còn rừng, đồng nghĩa với việc người ta không còn cúng thần rừng, cúng bến nước nữa. Khi đó ai còn đánh cồng chiêng?

Ông Trương Bi (phó giám đốc Sở VH-TT&DL Ðắk Lắk) - người nghiên cứu rất sâu về văn hóa Tây nguyên - cũng chia sẻ: quá trình tan rã của không gian văn hóa cồng chiêng Tây nguyên đã bắt đầu cách đây 10 năm. Chúng ta tước mất rừng, mất nước của đồng bào và không gian sống nguyên thủy của văn hóa đã bị phá vỡ. Lễ cúng bến nước mất đi vì làm gì còn nguồn nước, rừng cũng bị phá từ bao giờ, nghi lễ vòng đời của cây lúa cũng đã không còn nữa. Cồng chiêng sống trong không gian lễ hội, lễ hội mất thì cồng chiêng mất.

Mất không gian sống, cồng chiêng từ một vật thiêng trong lễ hội của người Tây nguyên biến thành đồ trang trí hoặc nhạc cụ đơn thuần. Dẫu với một số người, thà thành nhạc cụ còn hơn là không có gì. Nhưng như một cơ thể sống hoàn chỉnh, khi không gian đã mất, cồng chiêng sẽ như một con người mất đi hơi thở của mình.

Thủy điện tác động đến không gian văn hóa cồng chiêng

Quá trình tan rã không gian sinh tồn của cồng chiêng càng được thúc đẩy nhanh hơn bởi sự có mặt của những nhà máy thủy điện nơi đầu nguồn các dòng sông. Ở phía hạ lưu, những mảnh đất khô cháy, xác xơ và những buôn làng trắng cồng chiêng ngày càng nhiều. "Buôn Ðôn là một ví dụ điển hình, đầu nguồn dòng Serepok có tới bảy thủy điện, thác không còn nước, nguồn nước sống và tưới tiêu đã không còn nữa. Người dân ra bến nước chỉ gặp toàn sỏi đá, điều đó bắt buộc họ đến với cuộc sống hiện đại với nước của nhà máy. Và như thế cồng chiêng không còn" - ông Trương Bi (phó giám đốc Sở VH-TT&DL Ðắk Lắk) nói.

HÀ HƯƠNG

BaoChau
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên