19/03/2024 13:57 GMT+7

Tim Allhoff: Hãy mở lòng, ngừng định kiến với nhạc cổ điển

Là nghệ sĩ nổi tiếng của âm nhạc Đức đương đại, Tim Allhoff vừa biểu diễn tại Lễ hội âm nhạc cổ điển Việt Nam ở Đà Lạt. Anh trò chuyện với Tuổi Trẻ trước ngày về nước.

Tim Allhoff tự nhận mình là kẻ lấn biên, không bó buộc trong một dòng nhạc hay phong cách nào - Ảnh: NVCC

Tim Allhoff tự nhận mình là kẻ lấn biên, không bó buộc trong một dòng nhạc hay phong cách nào - Ảnh: NVCC

Tim Allhoff là một nghệ sĩ đa màu sắc, vừa sáng tác và biểu diễn jazz, cổ điển cũng như đương đại.

Anh từng phát hành chín album, trong đó có hai abum nhận giải ECHO danh giá của Đức.

Đây là lần thứ hai tôi sang Việt Nam. Là một người ăn chay, tôi thấy bất ngờ về sự đa dạng và ngon của những món chay ở đây. Ở đây, mọi thứ thoạt trông có vẻ hối hả, bận rộn, nhưng thực ra lại có điều gì đó rất yên bình, không nghiêm trọng hóa (vốn là điều rất khác với ở Đức).

Nghệ sĩ Tim Allhoff

Việt Nam đã có khán giả nghe nhạc cổ điển

* Lễ hội âm nhạc cổ điển lần đầu diễn ra ở Việt Nam. Điều gì khiến anh gật đầu đến nơi chưa có "truyền thống" về nhạc cổ điển?

- Tôi rất vui. Việt Nam đã có một lớp khán giả của nhạc cổ điển. Họ đến đây vì muốn thưởng thức âm nhạc và không thật đặt nặng vấn đề thể loại. Đây là điều tôi thấy rất quý.

* Ở Đức, cách người ta nâng niu những tài năng trẻ ra sao, nhìn từ trường hợp của anh?

- Mọi chuyện đến tự nhiên: tôi bắt đầu chơi đàn lúc khoảng 5 tuổi. 

Tôi tìm kiếm và có mong muốn thể hiện chính xác những nốt nhạc từ khi còn rất bé. Rồi nhanh chóng học nhạc một cách bài bản, chuyên nghiệp.

Nhưng tôi sẽ khó lòng có được vị trí hôm nay nếu không được thụ hưởng được nền giáo dục âm nhạc của nước Đức.

* Anh có thể nói cụ thể về sự phát triển của nhạc cổ điển Đức hiện nay?

- Khung cảnh văn hóa và âm nhạc đặc trưng của nước Đức đã biến nơi đây thành một trung tâm toàn cầu về âm nhạc, văn hóa.

Dường như chưa một thời kỳ nào trôi qua mà nước Đức không có một nghệ sĩ cổ điển lừng danh thế giới. Từ Händel tới Bach, Beethoven tới Brahms, Schumann tới Wagner, Hindemith tới Stockhausen.

Theo tác giả George Terris, quyển Những nhà soạn nhạc Đức vĩ đại, sự hình thành, phát triển của âm nhạc Đức gần như gắn liền với những sự kiện quan trọng trong lịch sử nghệ thuật, văn hóa châu Âu tiền hiện đại và hiện đại.

Ngày nay, nước Đức có hơn 130 dàn giao hưởng chuyên nghiệp, 10.000 nhạc công được nhà nước chu cấp và hơn 80 đoàn vũ nhạc kịch trình diễn cố định, ngang với toàn bộ đoàn vũ kịch của cả thế giới gộp lại, trình diễn ở nhà hát dày đặc hơn bất kỳ quốc gia nào.

Trong 83 triệu dân Đức có 14 triệu người chơi nhạc cụ hoặc tham gia một đội hợp xướng; hộ gia đình có thành viên có thể biểu diễn ít nhất một loại nhạc cụ; 33% người Đức yêu thích nhạc cổ điển (ở Anh 15%, ở Mỹ 17%), chỉ có Nga và Nhật sánh ngang.

Ở vùng North Rhine-Westphalia, cứ bốn đường dẫn vào cao tốc (Autobahn) thì một sẽ có một nhà hát, một sảnh diễn, một dàn nhạc, vô số dàn hợp xướng và chí ít một liên hoan âm nhạc để công chúng tiếp cận.

Tim Allhoff diễn độc tấu và work shop về chủ đề Sáng tạo trong dòng chảy thời gian tại Lễ hội âm nhạc cổ điển Việt Nam - Ảnh: Đài Trang

Tim Allhoff diễn độc tấu và work shop về chủ đề Sáng tạo trong dòng chảy thời gian tại Lễ hội âm nhạc cổ điển Việt Nam - Ảnh: Đài Trang

Nhạc cổ điển không khó nghe

* Sang Việt Nam lần này, anh chơi một số bản nhạc trong album Silence Is Something You Can Actually Hear phát hành năm ngoái. Anh tin gì vào sức mạnh của sự lặng im?

- Khi thế giới ngày càng ồn ào, hối hả, album này thực sự muốn mở một đối trọng. Nhạc mục của tôi phủ rộng từ các tác phẩm cổ điển của Bach (Air), Grieg (Arietta), cho tới các bản cover ca khúc sáng tác, từ jazz tới pop, cũng như các sáng tác mới của tôi.

Chúng giống nhau ở bầu không khí ấm áp, trìu mến, có đôi phần bí ẩn. Thử mở ra một thế giới âm thanh hoàn toàn thinh lặng, và thử mở lòng đón lấy lời mời, biết đâu ta sẽ khám phá ra cả một thế giới nội tâm khác ngự ở bên trong.

Lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, lễ hội âm nhạc cổ điển Việt Nam (diễn ra từ 10 tới 17-3), với nhiều sự kiện trong khuôn khổ) thu hút sự quan tâm của khán giả yêu nhạc - Ảnh: BTC

Lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam, lễ hội âm nhạc cổ điển Việt Nam (diễn ra từ 10 tới 17-3), với nhiều sự kiện trong khuôn khổ) thu hút sự quan tâm của khán giả yêu nhạc - Ảnh: BTC

* Là một nghệ sĩ "không có giới hạn" và khó phân loại phong cách, việc nới rộng những "tiếng nói" khác nhau, mang đến cho anh một trải nghiệm âm nhạc như thế nào?

- Mọi hình thái, dạng thức nghệ thuật đều dang tay chào đón sự đa dạng, ảnh hưởng từ khắp nơi, thay vì tự giới hạn bản thân và chỉ thu về những mục đích hết sức giới hạn. 

Hay chí ít đó là cách tiếp cận của tôi đối với nghệ thuật.

Rốt cuộc đều là âm nhạc cả, ta hoặc sẽ bị lay động bởi nó, hoặc không mà thôi. Hà cớ gì phải dán nhãn?

* Một số nghệ sĩ Việt Nam nỗ lực pop hóa nhạc cổ điển để đến được với số đông công chúng nhưng cũng không ít nghi ngại cho rằng như thế sẽ "phá" nhạc cổ điển. Góc nhìn của anh?

- Chắc chắn không hề "phá". Còn việc nhiều người "sợ", dè chừng nhạc cổ điển, cho rằng nó quá "hàn lâm", "trí tuệ" hay quá đỗi phức tạp đối với họ thì hãy đặt chân vào sảnh hòa nhạc, nơi một buổi diễn diễn ra, cho phép mình thả theo cảm xúc tự nhiên.

Khi đó bản thân họ sẽ nhận ra nhạc cổ điển có thể "dễ nghe", dễ cảm như thế nào.

Lễ hội âm nhạc cổ điển Việt Nam Lễ hội âm nhạc cổ điển Việt Nam 'khai sinh' tại Đà Lạt

Lễ hội âm nhạc cổ điển Việt Nam đã được 'khai sinh' tại Đà Lạt với sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ trong nước và quốc tế.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên