07/02/2022 10:30 GMT+7

Tìm về một mùa lễ hội an vui

THIÊN ĐIỂU
THIÊN ĐIỂU

TTO - Một mùa lễ hội xuân vừa được mở ra khá yên vui khi trên cả nước các lễ hội ngừng tổ chức khai hội nhưng đền chùa, di tích danh thắng vẫn mở cửa cho người người thư thả đi lễ đầu năm.

Tìm về một mùa lễ hội an vui - Ảnh 1.

Khách mua vé du thuyền vào tham quan chùa Tam Chúc - Ảnh: NAM TRẦN

Mùa lễ hội năm nay cũng chính là dịp một số chùa lớn, di tích lớn ở miền Bắc như chùa Bái Đính, Tam Chúc, Yên Tử bắt đầu mở cửa đón khách trở lại sau một thời gian phải đóng cửa để phòng chống dịch COVID-19.

Đi chùa là để tĩnh tâm nên rất cần tránh chen lấn, ồn ào, cố gắng giữ thân tâm thư thái, nhẹ nhàng, hạn chế đốt nhiều hương, tiền vàng, lễ mặn. Đặc biệt, ai cũng có ước nguyện, mong cầu nhưng phải phù hợp, không thái quá.

Thượng tọa Thích Minh Quang

Văn hóa đi chùa đang dần lan vào người trẻ

Thời tiết lạnh ráo mấy ngày Tết thuận lợi cho việc du xuân nên các chùa lớn ở Hà Nội như Quán Sứ, Trấn Quốc... hay Bái Đính ở Ninh Bình, Tam Chúc ở Hà Nam đều thu hút đông người dân đi lễ Phật.

Theo thống kê từ ban quản lý khu du lịch Tam Chúc và thượng tọa Thích Minh Quang - phó trụ trì chùa Bái Đính - thì từ mùng 2 Tết Nhâm Dần, mỗi ngày hai chùa này đều đón vài ngàn khách tham quan.

Đặc biệt ngày 5-2 (tức mùng 5 Tết Nhâm Dần), chùa Bái Đính đón khoảng 6.000 - 7.000 khách, chùa Tam Chúc cũng đạt chừng đó khách.

Tìm về một mùa lễ hội an vui - Ảnh 3.

Nghi lễ rước nước lần đầu tiên được tổ chức tại chùa Bái Đính - Ảnh: Chùa Bái Đính

Một điều đặc biệt, theo quan sát ngày 6-2, khách đến tham quan, lễ Phật ở hai ngôi chùa này phần nhiều là người trẻ, số còn lại là những đoàn gia đình gồm người lớn, trẻ em, người già.

Văn hóa đi chùa đang dần lan vào người trẻ, nhưng còn có một lý do khác: hai ngôi chùa lớn này không chỉ là nơi lễ Phật mà còn là một điểm du lịch hấp dẫn với nhiều người dân, đặc biệt là người dân các tỉnh lân cận.

Anh Quang Thắng là một trong số những người trẻ đến với chùa Bái Đính ngày 6-2. Quê gốc ở huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, anh Thắng đã có vài lần lễ chùa Bái Đính.

Gần đây anh lập nghiệp ở Đồng Nai nhưng có dịp về quê ăn Tết anh lại đi lễ chùa. Với anh, đầu năm đi lễ chùa để lòng thêm thư thái, chuẩn bị đón một năm bận rộn, đã trở thành nếp sống.

Trong dòng khách đi lễ chùa Bái Đính sáng 6-2 có gia đình anh Hưng lặn lội đi từ huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương, đại gia đình bà Hòa từ huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa.

Tìm về một mùa lễ hội an vui - Ảnh 4.

Đi lễ chùa Bái Đính - Ảnh: NAM TRẦN

Đầu năm đi lễ, gia đình anh Hưng, bà Hòa vừa vãn cảnh du xuân, vừa cầu mong sức khỏe, bình an và may mắn cho cả nhà.

Chọn thuê dịch vụ trọn gói, với hướng dẫn viên du lịch và xe điện đưa tới tận cửa, không phải đi bộ, anh Hưng hài lòng với dịch vụ nhanh gọn. Đây cũng là lựa chọn của nhiều người khi về lễ tại Bái Đính.

Đến Tam Chúc khách du xuân còn có thêm những dịch vụ "VIP" như du thuyền VIP, buffet... Đi chùa giờ đây với một số người như một chuyến du lịch với dịch vụ nhanh gọn, hơn là một chuyến hành hương chậm và sâu về với Phật, với đất trời và về với chính mình. Âu cũng là một sự phù hợp với nhịp sống gấp gáp của xã hội công nghiệp.

Tìm về một mùa lễ hội an vui - Ảnh 5.

Khách lễ chùa Bái Đính ngày 6-2 - Ảnh: NAM TRẦN

Ít đi lễ lạt, mong cầu

Thượng tọa Thích Minh Quang cho biết đầu xuân năm mới mọi người tìm đến nơi cửa Phật, những chốn tâm linh để cầu mong sức khỏe, yên vui, mọi việc thuận lợi, đồng thời tham quan, vãn cảnh để tìm về sự tĩnh tâm, thư thái để suy nghĩ lại chính bản thân mình. Đây là truyền thống đã có từ lâu đời của dân tộc.

Thượng tọa nhắn gửi người đi lễ chùa giữ truyền thống đẹp này một cách lành mạnh. "Đi chùa là để tĩnh tâm nên rất cần tránh chen lấn, ồn ào, cố gắng giữ thân tâm thư thái, nhẹ nhàng, hạn chế đốt nhiều hương, tiền vàng, lễ mặn.

Đặc biệt, ai cũng có ước nguyện, mong cầu nhưng phải phù hợp, không thái quá. Đến cửa Phật thì cần tĩnh tâm và soi xét lại mình, nhắc mình về 3 cái nghiệp thân, khẩu, ý mà gắng giữ mình nói lời hay, làm việc tốt, giữ tâm thiện. Đi chùa chỉ nên cầu sức khỏe, an vui.

Nhưng nhiều người hiện nay cầu xin mua may bán đắt, một vốn bốn lời... là hơi thái quá", thượng tọa Thích Minh Quang nói.

Tìm về một mùa lễ hội an vui - Ảnh 6.

Lễ chùa Tam Chúc - Ảnh: NAM TRẦN

GS Trần Ngọc Vương (Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ sự thấu hiểu khi năm qua đại dịch khó khăn, lòng người bất an nên khó tránh việc người người tìm về chốn linh thiêng cầu thịnh vượng.

Chùa chiền không còn là nơi người ta tìm về sự cứu rỗi hay buông xả, nơi mọi người trồng cây, vãng cảnh, tìm niềm vui tĩnh mịch mà nặng vật chất, mong cầu. Dẫu buồn lòng, ông Vương lạc quan rằng "có những thứ phải chờ", văn hóa là thứ phải chờ, tới khi phú quý đủ, văn hóa sẽ khá lên.

Tại di tích, danh thắng Yên Tử, riêng ngày 5-2 đón 22.000 lượt khách. Các đền, chùa, di tích khác trong tỉnh Quảng Ninh cũng đón lượng khách du xuân, lễ chùa đông đảo.

Việc Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) phải tạm đóng cửa từ ngày 5-2 do ngày 4-2 đông nghẹt người chen lấn thắp hương khấn vái xin lộc, "vay vốn" đầu năm, khiến nhiều người phải buồn lòng về những mong cầu lợi lộc thái quá của nhiều người.

Người dân vái vọng, livestream khi không thể vào lễ hội Gò Đống Đa Người dân vái vọng, livestream khi không thể vào lễ hội Gò Đống Đa

TTO - Sáng 5-2 (tức mùng 5 Tết), nhiều người dân đứng bên ngoài hàng rào vái vọng, dùng điện thoại livestream cho người thân tại lễ kỷ niệm 233 năm chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa (1789 - 2022) tại Gò Đống Đa (Hà Nội).

THIÊN ĐIỂU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên