09/03/2022 07:48 GMT+7

Tin sáng 9-3: Ca COVID-19 mới tăng nhiều ở nhóm 18 - 49 tuổi

L.ANH - T.DƯƠNG - TTXVN
L.ANH - T.DƯƠNG - TTXVN

TTO - Đến nay Việt Nam ghi nhận trên 4,77 triệu ca COVID-19. Có 2,8 triệu bệnh nhân khỏi bệnh. So với tháng trước, số ca cộng đồng tăng hơn 2 lần, nhưng số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 24,5%, tử vong giảm 47%, số ca nặng, nguy kịch giảm 43%.

Tin sáng 9-3: Ca COVID-19 mới tăng nhiều ở nhóm 18 - 49 tuổi - Ảnh 1.

Nhân viên y tế làm việc tại khoa cấp cứu Bệnh viện hồi sức COVID TP Thủ Đức - Ảnh: DUYÊN PHAN

Phân bổ ca nhiễm theo độ tuổi so với tháng trước, nhóm 18-49 tuổi chiếm 54,3%, tăng 2,5 lần so với tháng trước; nhóm 50-65 tuổi chiếm 10,8%, tăng 2,2 lần so với tháng trước; nhóm dưới 12 tuổi là 24,3%, tăng gấp rưỡi so với tháng trước...

Tin sáng 9-3: Ca COVID-19 mới tăng nhiều ở nhóm 18 - 49 tuổi - Ảnh 2.

Đồ họa: NGỌC THÀNH

TP.HCM: Đến từng nhà, rà từng người trên 65 tuổi, có bệnh nền

Theo UBND TP, thời gian gần đây, tuy số ca tử vong do COVID-19 vẫn duy trì ở mức thấp nhưng số ca mắc mới trên địa bàn TP tăng nhanh, tương ứng số ca nặng, số ca thở máy có xu hướng tăng.

Theo kết quả phân tích của ngành y tế, phần lớn các trường hợp nặng và tử vong do COVID-19 trên địa bàn TP có đặc điểm chung là người trên 65 tuổi và có bệnh nền, có trường hợp vẫn chưa tiêm vắc xin.

Đặc biệt, khi có triệu chứng cần nhập viện thì những trường hợp này đã ở mức độ nặng và chưa được phát hiện là F0 trước đó nên chưa được sử dụng thuốc kháng virus.

Ngày 8-3, UBND TP.HCM đã có văn bản khẩn gửi Sở Y tế, Sở Thông tin và truyền thông, UBND các quận, huyện, thành phố Thủ Ðức, UBND các phường, xã, thị trấn về việc triển khai đợt cao điểm chiến dịch bảo vệ người thuộc nhóm nguy cơ cao. Thời gian của đợt cao điểm từ nay đến ngày 31-3-2022; đối tượng là những người trên 65 tuổi, có bệnh nền.

Theo đó, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 phường, xã, thị trấn tổ chức triển khai "Đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng" để cập nhật danh sách những người thuộc nhóm nguy cơ cao (trên 65 tuổi có kèm bệnh nền). 

Hoạt động này hoàn thành trước ngày 15-3-2022. Ngoài ra, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 phường, xã, thị trấn triển khai thực hiện xét nghiệm nhanh kháng nguyên đối với những người thuộc nhóm nguy cơ cao theo danh sách đang quản lý và danh sách đã được cập nhật. Thời gian hoàn thành xét nghiệm trước ngày 20-3-2022.

Tăng cường tuyên truyền, thuyết phục và phấn đấu tiêm vắc xin cho tất cả người thuộc nhóm nguy cơ cao nhưng chưa được tiêm. Thời gian hoàn thành tiêm vắc xin cho người thuộc nhóm nguy cơ cao trước ngày 29-3-2022.

Tách riêng F0 trong hộ gia đình ra khỏi nơi lưu trú của người thuộc nhóm nguy cơ cao, đảm bảo giảm thiểu thấp nhất nguy cơ mắc COVID-19.

Tin sáng 9-3: Ca COVID-19 mới tăng nhiều ở nhóm 18 - 49 tuổi - Ảnh 3.

Nhân viên y tế xét nghiệm nhanh COVID-19 cho người dân - Ảnh: TỰ TRUNG

Ưu tiên ngân sách mua vắc xin cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi

Trong báo cáo gửi Ban Chỉ đạo phòng chống dịch quốc gia, Bộ Y tế cho biết dự toán kinh phí phòng chống dịch của các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế năm 2022 là hơn 6.200 tỉ đồng, trong số này riêng mua vắc xin cho trẻ 5 đến dưới 12 tuổi là 3.700 tỉ đồng.

Trong phần kinh phí này, Bộ Y tế cho biết có 4.656 tỉ chuyển từ năm 2021 sang.

Số này sẽ ưu tiên khoản 3.700 tỉ mua vắc xin cho trẻ em, phần kinh phí chống dịch của các đơn vị tạm cấp 50% so với nhu cầu, trường hợp dịch tiếp tục bùng phát sẽ đề nghị bổ sung.

Được biết lô vắc xin cho trẻ em 5 đến dưới 12 tuổi đầu tiên dự kiến gồm 3 triệu liều sẽ về đến Việt Nam vào cuối tháng này. Sau khi hoàn tất các thủ tục kiểm định và hồ sơ, sẽ bắt đầu triển khai tiêm ngừa cho trẻ từ đầu tháng 4.

Đáng chú ý trong dự toán ngân sách kể trên, Bộ Y tế cho biết khoản kinh phí kể trên chưa bao gồm tiền mua vắc xin tiêm mũi 4. Trước mắt, người cao tuổi, có bệnh nền, người tiêm vắc xin có lịch tiêm 3 mũi (vắc xin Abdala) sẽ tiêm 4 mũi vắc xin.

Tin sáng 9-3: Ca COVID-19 mới tăng nhiều ở nhóm 18 - 49 tuổi - Ảnh 4.

Tổ tiêm lưu động thuộc phường 9, quận 5, TP.HCM đến tận nhà tiêm cho người cao tuổi - Ảnh: DUYÊN PHAN

Hà Nội đánh giá mức độ lây nhiễm với biến chủng Omicron để kịp thời ứng phó

Theo báo cáo của Bộ Y tế, biến thể Omicron có xu hướng gia tăng lây nhiễm nhanh trong thời gian gần đây ở các tỉnh, thành phố, nhất là ở Hà Nội, TP.HCM. Biến thể này thay thế dần biến thể Delta.

Tại Hà Nội, biến thể Omicron đã ghi nhận ở 20/30 quận, huyện, thị xã; trong đó biến thể BA.2 chiếm tới 87% tổng số mẫu phát hiện biến thể Omicron. Biến thể phụ BA.2 có khả năng lây lan nhanh hơn 1,5 lần biến thể gốc BA.1 và có khả năng tránh tác động miễn dịch của các loại vắc xin hiện tại hơn biến thể gốc BA.1 khoảng 30%.

Sở Y tế Hà Nội cũng yêu cầu các đơn vị liên quan đề xuất các kịch bản, phương án, biện pháp khi số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng trong thời gian tới để kịp thời tham mưu UBND, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch thành phố.

Tin sáng 9-3: Ca COVID-19 mới tăng nhiều ở nhóm 18 - 49 tuổi - Ảnh 5.

Phát thuốc cho F0 tại nhà ở quận Đống Đa (Hà Nội) - Ảnh: HÀ QUÂN

Tình hình dịch bệnh ở một số tỉnh thành

- Ngày 8-3 Hà Nội phát hiện 32.650 ca COVID-19 mới, trong đó có 13.692 ca cộng đồng. Số ca mắc mới hôm nay cao hơn hôm qua 333 ca. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Đông Anh (1.674); Sóc Sơn (1.645); Long Biên (1.541); Hoài Đức (1.536); Hoàng Mai (1.474); Nam Từ Liêm (1.441); Hà Đông (1.429).

Tính đến hết ngày 7-3 có 773 người cách ly tại cơ sở thu dung, điều trị của thành phố và của các quận, huyện, thị xã; 5.196 người điều trị tại các bệnh viện tầng 2-3 của thành phố và 360 ca điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2 và Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. 

Đến nay, tổng số lượt bệnh nhân điều trị khỏi là 755.904 người. Ngày 7-3, Hà Nội có 18 ca tử vong, nâng tổng số người tử vong do COVID-19 (tính từ ngày 27-4-2021 cho đến nay) là 1.196 người.

- Cao Bằng từ 17h ngày 7-3 đến 17h ngày 8-3 ghi nhận thêm 2.364 ca COVID-19 mới (tăng 107 F0 so với đỉnh ca mắc ngày 5-3). Lũy kế từ ngày 5-11-2021 đến nay, tỉnh Cao Bằng ghi nhận 28.167 ca COVID-19, trong đó có 27.685 ca tại các địa phương trong tỉnh, 482 ca từ các tỉnh, thành có dịch trở về. TP Cao Bằng là địa phương ghi nhận số ca mắc cao nhất toàn tỉnh (khoảng 800 - 1.000 ca F0/ngày). 

- Sau thời gian ghi nhận số ca mắc mới ở mức 2 con số, những ngày gần đây, số ca mắc COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bến Tre có chiều hướng tăng trở lại, trong đó xuất hiện nhiều ca mắc trong trường học. Ngày 8-3, Bến Tre ghi nhận thêm 835 ca. Trước đó, ngày 7-3, địa phương cũng ghi nhận 913 ca; ngày 6-3 là 1.072 ca… 

Như vậy, tính đến 18h ngày 8-3, toàn tỉnh Bến Tre đã ghi nhận 50.022 ca COVID-19, trong đó 43.632 bệnh nhân đã được điều trị khỏi, 406 người tử vong. Trong số 835 ca COVID-19 ghi nhận ngày 8-3, có gần 300 ca trong trường học, nâng tổng số ca liên quan cơ sở giáo dục là 2.899 ca. 

Tin COVID-19 chiều 8-3: Cả nước 162.435 ca, số mắc mới ở TP.HCM giảm mạnh Tin COVID-19 chiều 8-3: Cả nước 162.435 ca, số mắc mới ở TP.HCM giảm mạnh

TTO - Bản tin của Bộ Y tế cho biết cả nước ghi nhận 162.435 ca mới, tăng hơn 15.000 ca so với ngày trước đó. Đáng chú ý ngoài Hà Nội với trên 32.000 ca, có tỉnh Nghệ An ghi nhận trên 15.000 ca và Bắc Ninh trên 10.700 ca.

L.ANH - T.DƯƠNG - TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên