15/07/2023 06:49 GMT+7

Tin tức sáng 15-7: Đề xuất thêm trường hợp xe máy được chở 3 người

Một số tin tức đáng chú ý: Đề xuất thêm trường hợp xe máy được chở 3 người; Bến Bạch Đằng TP.HCM tiếp tục tiếp nhận phương tiện thủy; Xuất khẩu hạt điều đạt 1,61 tỉ USD...

Xe cộ lưu thông trên quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Tân Túc (huyện Bình Chánh)  - Ảnh: LƯU DUYÊN

Xe cộ lưu thông trên quốc lộ 1 đoạn qua thị trấn Tân Túc (huyện Bình Chánh) - Ảnh: LƯU DUYÊN

Đề xuất thêm trường hợp xe máy được "tống ba"

Theo dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, xe máy được phép chở ba người trong các trường hợp sau: người bệnh đi cấp cứu; áp giải người có hành vi vi phạm pháp luật; trẻ em dưới 14 tuổi và người già yếu hoặc người khuyết tật.

Như vậy, so với luật hiện hành, dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã bổ sung thêm một trường hợp được chở ba là người già yếu, người khuyết tật. 

Cạnh đó, dự thảo luật quy định người lái xe máy không được dùng xe mình đang chạy để kéo, đẩy xe khác, vật khác; dẫn dắt vật nuôi; chở vật cồng kềnh; chở người đứng trên xe; sử dụng chân chống hoặc vật khác quệt xuống đường khi xe đang chạy...

Xuất khẩu hạt điều đạt 1,61 tỉ USD

Phơi điều thô tại Bình Phước - Ảnh: N.TRÍ

Phơi điều thô tại Bình Phước - Ảnh: N.TRÍ

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, tháng 6-2023, Việt Nam xuất khẩu 56.000 tấn hạt điều với trị giá đạt 325 triệu USD, tăng 20,2% về lượng và 13,8% về trị giá so với cùng kỳ 2022.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam xuất khẩu 276.000 tấn hạt điều với 1,61 tỉ USD, tăng lần lượt 10,5% và 7,7% so với cùng kỳ năm trước. 

Như vậy, hạt điều là một trong 4 mặt hàng nông sản (cùng với rau quả, gạo và cà phê) có kim ngạch xuất khẩu đạt trị giá từ 1 tỉ USD trở lên trong nửa đầu năm 2023.

Năm 2023, Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) đặt mục tiêu xuất khẩu hạt điều đạt 3,1 tỉ USD, tăng 30 triệu USD so với 2022. Với kết quả đạt được trong nửa đầu 2023, ngành điều đã hoàn thành 51% kế hoạch xuất khẩu năm đã đề ra. 

Dù vậy theo Vinacas, hoạt động sản xuất cũng như chuỗi cung ứng ngành điều toàn cầu tiếp tục còn gặp rất nhiều khó khăn do nhu cầu tiêu thụ điều nhân toàn cầu ảm đạm kéo dài. 

Người Việt dành 64 giờ/tháng cho ứng dụng di động trong nước

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng số lượng người dùng hằng tháng trên các ứng dụng di động Việt Nam nửa đầu năm 2023 vượt mức 500 triệu, tăng gần 16% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bình quân mỗi người dùng dành 64 giờ/tháng để sử dụng các ứng dụng di động Việt, chủ yếu thanh toán online và giải trí.

Hiện có khoảng 60 nền tảng, ứng dụng di động của Việt Nam có trên 1 triệu người dùng sử dụng bình quân hằng tháng. Trong đó nền tảng có số lượng người dùng nhiều nhất đạt gần 75 triệu người sử dụng bình quân hằng tháng.

Riêng hai nền tảng dịch vụ công là VNeID và VssID đạt lần lượt 8,5 triệu và 7,5 triệu người dùng hằng tháng.

Tàu thuyền hoạt động ở bến Bạch Đằng ra sao?

Khu vực bến Bạch Đằng (quận 1) được quy hoạch tiếp tục tiếp nhận phương tiện thủy - Ảnh: T.T.D.

Khu vực bến Bạch Đằng (quận 1) được quy hoạch tiếp tục tiếp nhận phương tiện thủy - Ảnh: T.T.D.

Sở Giao thông vận tải TP.HCM vừa thông tin trong thời gian tới, khu vực bến Bạch Đằng (quận 1) được quy hoạch tiếp tục tiếp nhận phương tiện thủy.

Cụ thể, đối với cầu bến số 1 tiếp tục phục vụ hoạt động tuyến buýt sông số 1 (Bạch Đằng - Linh Đông), ca nô cao tốc du lịch. Tại đây được tiếp nhận tàu có sức chở đến 75 hành khách.

Các cầu bến số 2, 3, 4 công viên bến Bạch Đằng sử dụng cho các phương tiện thủy, tàu nhà hàng ra, vào đón trả khách (không neo đậu, lưu trú) nhằm phục vụ hoạt động vận tải hành khách, du lịch đường thủy.

Các tàu nhà hàng chỉ hoạt động theo khung giờ từ 18h đến 21h hằng ngày. Dự kiến sẽ có nâng cấp bến để tăng năng lực khai thác tàu có sức chở đến 600-900 khách (tàu nhà hàng).

Ngoài ra, Sở Giao thông vận tải TP.HCM cũng kiến nghị UBND TP.HCM cho phép sở này phối hợp Sở Du lịch TP.HCM xây dựng phương án tổ chức khai thác hoạt động bến thủy nội địa tại các cầu bến 2, 3, 4 công viên bến Bạch Đằng và cầu bến B - cầu bến Ba Son.

Chấn chỉnh hoạt động sàn giao dịch bất động sản

Sở Xây dựng TP.HCM yêu cầu các sàn giao dịch bất động sản phải kiểm tra hồ sơ pháp lý của bất động sản trước khi đưa vào kinh doanh - Ảnh minh họa: NGỌC HIỂN

Sở Xây dựng TP.HCM yêu cầu các sàn giao dịch bất động sản phải kiểm tra hồ sơ pháp lý của bất động sản trước khi đưa vào kinh doanh - Ảnh minh họa: NGỌC HIỂN

Sở Xây dựng TP.HCM vừa có văn bản chỉ đạo nhằm chấn chỉnh việc chấp hành quy định pháp luật về kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản.

Theo đó, các doanh nghiệp cần chấp hành nghiêm quy định về điều kiện thành lập sàn, nghĩa vụ của doanh nghiệp kinh doanh; thực hiện đúng quy định công khai thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh; có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ pháp lý của bất động sản trước khi đưa vào kinh doanh, nếu đủ điều kiện giao dịch mới được giới thiệu cho khách hàng, chịu trách nhiệm trước khách hàng và trước pháp luật về thông tin đã cung cấp. 

Đặc biệt, các hoạt động dịch vụ của sàn phải được thực hiện thông qua hợp đồng. Cạnh đó, các sàn phải có ít nhất 2 người có chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản còn thời hạn; phải lập báo cáo hằng tháng về tình hình giao dịch gửi sở xây dựng địa phương và Bộ Xây dựng; có trách nhiệm cung cấp thông tin, dữ liệu về tình hình giao dịch chuyển nhượng, mua bán bất động sản thông qua sàn...

Lập hồ sơ đề nghị công nhận công viên địa chất toàn cầu Lạng Sơn

UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết đã giao Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan và UBND các huyện: Bắc Sơn, Bình Gia, Cao Lộc, Chi Lăng, Hữu Lũng, Lộc Bình, Văn Quan và TP Lạng Sơn triển khai lập hồ sơ trình UNESCO công nhận công viên địa chất Lạng Sơn là công viên địa chất toàn cầu.

Công viên địa chất Lạng Sơn có tổng diện tích khoảng 4.842,58 km2. Phía đông tiếp giáp với huyện Đình Lập; phía bắc tiếp giáp với huyện Văn Lãng, một phần của huyện Bình Gia, Cao Lộc; phía nam tiếp giáp với Bắc Giang; phía tây tiếp giáp với Thái Nguyên, Bắc Kạn.

Việc được công nhận công viên địa chất toàn cầu sẽ giúp bảo vệ cảnh quan thiên nhiên, môi trường, thu hút đầu tư phát triển kinh tế, du lịch bền vững. Đồng thời bảo tồn, phát huy các giá trị của di sản địa chất.

TP.HCM mở chiến dịch "vực" mức sinh thấp và già hóa dân số nhanh

Ngày 14-7, TP.HCM phát động chiến dịch nâng cao chất lượng dân số. Theo ông Phạm Chánh Trung - chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (TP.HCM), đây là lần đầu tiên TP.HCM tổ chức chiến dịch này. 

Chiến dịch có ba hoạt động, bao gồm truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ nâng cao chất lượng dân số tại vùng có mức sinh thấp năm 2023; Tư vấn, khám kiểm tra sức khỏe trước khi kết hôn cho các cặp nam, nữ chuẩn bị kết hôn và khám sàng lọc trước sinh cho các bà mẹ mang thai; Khám và chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi.

Chiến dịch diễn ra trong bối cảnh cảnh báo về tổng tỉ suất sinh của TP.HCM hiện đang ở mức rất thấp so với mức sinh thay thế của cả nước (tổng tỉ suất sinh năm 2022 dự ước là 1,39 con/phụ nữ). TP.HCM cũng là địa phương được xếp trong nhóm 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp.

Mức sinh thấp kéo dài sẽ để lại nhiều hệ lụy như làm cho quá trình già hóa dân số nhanh hơn, thiếu hụt nguồn lao động, ảnh hưởng đến an sinh xã hội...

TP.HCM rà soát lượng thuốc, vật tư, trang thiết bị đã mua sắm

UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch thực hiện nghị quyết số 80/2023 của Quốc hội về tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1-1-2023 đến ngày 21-12-2024.

Theo đó, Sở Y tế phối hợp Sở Tài chính và các sở liên quan hướng dẫn các cơ sở y tế trên địa bàn rà soát, tổng hợp báo cáo số lượng thuốc, vật tư, hóa chất sinh phẩm, trang thiết bị đã mua sắm cao hơn nhu cầu thực tế và phương án xử lý để khẩn trương giải quyết.

Các cơ sở y tế rà soát, tổng hợp số lượng mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất, trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 đã thực hiện dưới các hình thức tạm ứng, vay, mượn, huy động và tiếp nhận tài trợ, viện trợ báo cáo Bộ Y tế...

Tin tức COVID-19: 60 ca mới, 5 bệnh nhân phải thở oxy

Bộ Y tế cho biết ngày 14-7 có 60 ca COVID-19 mới, cao nhất 6 ngày qua. Trong ngày có 5 bệnh nhân khỏi, nhưng bệnh nhân thở oxy cũng tăng lên 5 người.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.621.288 ca nhiễm, trong đó 10.640.231 ca khỏi, 43.206 trường hợp tử vong.

Tin tức đáng chú ý trên Tuổi Trẻ nhật báo ngày 15-7. Để đọc Tuổi Trẻ báo in phiên bản E-paper, mời bạn đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY

Tin tức đáng chú ý trên Tuổi Trẻ nhật báo ngày 15-7. Để đọc Tuổi Trẻ báo in phiên bản E-paper, mời bạn đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY

Báo Tuổi Trẻ Cười phát hành ngày 15-7 với nhiều nội dung hấp dẫn.

Báo Tuổi Trẻ Cười phát hành ngày 15-7 với nhiều nội dung hấp dẫn.

Dự báo thời tiết ngày 15-7.

Dự báo thời tiết ngày 15-7.

Tin tức sáng 15-7: - Ảnh 7.

Nghiên cứu bổ sung hai kịch bản đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - NamNghiên cứu bổ sung hai kịch bản đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

Trên cơ sở các kịch bản đầu tư đã nghiên cứu, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải giao các đơn vị liên quan nghiên cứu bổ sung kịch bản đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam chỉ chở khách và chở khách kết hợp hàng hóa.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên