22/07/2023 06:07 GMT+7

Tin tức sáng 22-7: Cả nước gần 40.000 cơ sở không có khả năng khắc phục phòng cháy, chữa cháy

Một số tin tức đáng chú ý: Đã hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về phòng cháy chữa cháy khoảng 10.000 cơ sở; Bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng ở TP.HCM tiếp tục tăng; Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ 1-1-2024...

Đại đa số người lao động muốn được tăng lương tối thiểu - Ảnh: HÀ QUÂN

Đại đa số người lao động muốn được tăng lương tối thiểu - Ảnh: HÀ QUÂN

Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ 1-1-2024

Theo Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, cơ quan này đã có nhiều đoàn khảo sát tiền lương, đời sống và nhu cầu, nguyện vọng của người lao động.

Công đoàn chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp hiện nay, song tin tưởng rằng các doanh nghiệp có trách nhiệm với xã hội, muốn sản xuất kinh doanh lâu dài sẽ thấu hiểu, chia sẻ khó khăn của người lao động trong bối cảnh hiện nay.

Đại đa số người lao động muốn được tăng lương tối thiểu. Đó là quy định đã có trong luật và nhu cầu thực tế khi nhiều người lao động đang gặp khó khăn. Mức cụ thể sẽ thông qua thương lượng, trao đổi. Qua nắm bắt, người lao động mong muốn tăng lương từ 1-1-2024. Mong muốn của người lao động cũng là mong muốn của công đoàn.
Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu

Gần nhất, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã thống nhất tăng lương tối thiểu vùng 6% từ 1-7-2022. Cụ thể, vùng I tăng 260.000 đồng, từ 4,42 triệu đồng/tháng lên 4,68 triệu đồng/tháng. Vùng II tăng 240.000 đồng, từ 3,92 triệu đồng/tháng lên 4,16 triệu đồng/tháng. Vùng III tăng 210.000 đồng, từ 3,43 triệu đồng/tháng lên 3,64 triệu đồng/tháng. Vùng IV tăng 180.000 đồng, từ 3,07 triệu đồng/tháng lên 3,25 triệu đồng/tháng.

Hơn 38.000 cơ sở không có khả năng khắc phục phòng cháy, chữa cháy

Theo tin tức từ Cục Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Bộ Công an), quá trình tổng rà soát, kiểm tra đối với 100% các cơ sở đã phát hiện 47.719/1.182.722 cơ sở được rà soát còn tồn tại, vi phạm về phòng cháy chữa cháy.

Diễn tập phòng cháy chữa cháy tại một nhà máy ở tỉnh Nam Định - Ảnh: TOÀN MINH

Diễn tập phòng cháy chữa cháy tại một nhà máy ở tỉnh Nam Định - Ảnh: TOÀN MINH

Trên cơ sở tổ chức hướng dẫn, đã tháo gỡ khó khăn, vướng mắc được khoảng 10.000 cơ sở.

Đến nay còn 38.140 cơ sở từng hoạt động nhưng không có khả năng khắc phục theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về phòng cháy chữa cháy tại thời điểm thẩm duyệt hoặc đưa vào sử dụng, buộc phải sửa chữa, khắc phục.

Hiện cục đang tích cực tham mưu cho Bộ Công an sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và triển khai nhiều giải pháp để hướng dẫn các cơ sở khắc phục tồn tại, vi phạm về phòng cháy chữa cháy.

Còn theo Hiệp hội Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ Việt Nam, trong tháng 3 qua đã nhận được 232 ý kiến từ các doanh nghiệp về các khó khăn vướng mắc.

Trong đó, 74% liên quan đến khó khăn vướng mắc đối với quy chuẩn 06 của Bộ Xây dựng. 14% khó khăn vướng mắc liên quan đến quy chuẩn 03 của Bộ Công an và 12% liên quan đến các vấn đề quy chuẩn 3890 của Bộ Khoa học và Công nghệ.

TP.HCM và các tỉnh miền Tây bàn về giao thông liên vùng

Tin tức Sở Giao thông vận tải TP.HCM, TP Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long cho biết vừa tổ chức buổi tọa đàm, họp bàn và góp ý về các dự án giao thông liên vùng như: dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ, tuyến đường bộ ven biển phía Nam và các tuyến đường thủy kết nối.

Quốc lộ 1 (đoạn quận Bình Tân đi hướng các tỉnh miền Tây) thường xuyên bị ùn ứ xe cộ - Ảnh: CHÂU TUẤN

Quốc lộ 1 (đoạn quận Bình Tân đi hướng các tỉnh miền Tây) thường xuyên bị ùn ứ xe cộ - Ảnh: CHÂU TUẤN

Cụ thể, đối với dự án đường sắt TP.HCM - Cần Thơ có tổng chiều dài hơn 175km, hiện Bộ Giao thông vận tải đang lấy ý kiến các địa phương để hoàn thiện báo cáo. Dự kiến trong năm 2025 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và triển khai trước năm 2030.

Còn đối với tuyến đường bộ ven biển phía Nam mang tính chất kết nối liên vùng cao nhưng hiện nay chưa được đầu tư, nâng cấp, nhiều đoạn tuyến hiện hữu còn rời rạc, thiếu liên kết…

Do đó, TP.HCM và các tỉnh cần đề xuất nghiên cứu, phát triển tuyến đường bộ ven biển này và kết nối cùng các cao tốc trục ngang để tạo động lực cho phát triển kinh tế.

Về tăng cường kết nối giao thông thủy, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đề xuất một số tuyến đường thủy để khai thác vận chuyển hàng hóa cũng như đẩy mạnh du lịch cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long.

Honor trở lại thị trường Việt Nam

Ngày 21-7, thương hiệu Honor công bố quay trở lại thị trường Việt Nam bởi sức hấp dẫn và tính cạnh tranh cao của đất nước hình chữ S. Doanh nghiệp Trung Quốc này đánh dấu sự trở lại bằng việc ra mắt dòng sản phẩm smartphone X-series.

Honor quay lại thị trường Việt Nam vì sự tiềm năng và tính cạnh tranh mạnh mẽ - Ảnh: ĐỨC THIỆN

Honor quay lại thị trường Việt Nam vì sự tiềm năng và tính cạnh tranh mạnh mẽ - Ảnh: ĐỨC THIỆN

Ông Lê Hồng Phong, giám đốc kinh doanh Honor Việt Nam, đánh giá: "Việt Nam là một thị trường tiềm năng với lượng người dùng các sản phẩm công nghệ lớn, đi cùng với đó là tính cạnh tranh cao giữa các thương hiệu công nghệ, đặc biệt trên thị trường điện thoại di động".

Trước đây, Honor từng có nhiều năm hoạt động tại Việt Nam như một thương hiệu con của Hãng Huawei. Tuy nhiên, sau lệnh cấm vận của Mỹ với công ty Trung Quốc từ năm 2020, Huawei đã phải bán Honor, và thương hiệu này cũng dần biến mất khỏi thị trường Việt Nam.

Theo số liệu từ Công ty nghiên cứu công nghệ Counterpoint Research, Honor đã có mức tăng trưởng kỷ lục tại thị trường châu Âu, Trung Đông và châu Phi, châu Mỹ Latin trong quý 1-2023.

Doanh số smartphone của Honor ở bên ngoài Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần trong quý đầu tiên của năm 2023 khi so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, cao nhất đạt đến 700% so với cùng kỳ 2022 ở châu Mỹ Latin.

Bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng ở TP.HCM tiếp tục tăng

Theo tin tức từ báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM tối 21-7, trong tuần 28 (từ ngày 10 đến 16-7), số ca mắc tay chân miệng tại TP tiếp tục tăng, với 2.172 ca. So với trung bình 4 tuần trước tăng gấp 2,1 lần (1.020 ca).

Tất cả các quận huyện đều ghi nhận số ca mắc tay chân miệng trong tuần 28 tăng so với trung bình 4 tuần trước. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm quận Bình Tân, huyện Bình Chánh và quận Tân Phú.

Còn bệnh sốt xuất huyết, cùng thời gian này ghi nhận 238 ca, tăng 16,7% so với trung bình 4 tuần trước. Các quận huyện có số ca mắc trên 100.000 dân cao bao gồm: quận 1, huyện Bình Chánh và quận 8.

Về cung ứng thuốc điều trị bệnh tay chân miệng, Sở Y tế TP.HCM cho biết tuy đã chuẩn bị, nhưng cơ số thuốc dự trữ của TP dự kiến không đủ đáp ứng trước tình hình dịch bệnh diễn biến nhanh và TP luôn phải tiếp nhận người bệnh nặng từ các tỉnh chuyển đến như hiện nay.

Để phòng bệnh sốt xuất huyết, ngành y tế TP.HCM khuyến cáo mỗi người, mỗi nhà chủ động truy tìm và loại bỏ nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh. Người dân khi phát hiện các điểm nguy cơ, có thể phản ánh lên ứng dụng y tế trực tuyến.

Đối với bệnh tay chân miệng, để phòng bệnh, người chăm sóc trẻ và trẻ em cần thường xuyên rửa tay, vệ sinh các vật dụng, đồ chơi của trẻ, bàn ghế, sàn nhà... Nếu phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc bệnh, phụ huynh hãy đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế.

Dự kiến một số tin tức trong nước từ ngày 22-7 đến 4-8

Hoạt động kỷ niệm 55 năm Chiến thắng Đồng Lộc:

- 22-7: Chương trình "Cõi thiêng Đồng Lộc - Nối mạch ngàn năm" tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc

- 23-7: Khánh thành Di tích quốc gia Làng K130 tại thị trấn Nghèn, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh

- 24-7: Lễ giỗ lần thứ 55 của 10 nữ Anh hùng liệt sĩ Thanh niên xung phong, tại Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc

- 22-7: Ngày hội lựa chọn nguyện vọng xét tuyển đại học, cao đẳng năm 2023

- 22-7: Tại Khánh Hòa, hội thảo quốc tế "Đổi mới và phát triển biển bền vững 2023"

- 22-7: Ngày hội Gia đình phòng, chống đuối nước trẻ em

- 24-7: Lễ trao tặng "Giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh" lần thứ IV, năm 2023

- 26-7: Tại Quảng Trị, Lễ dâng hương và thắp nến tri ân tưởng niệm liệt sĩ

- Từ ngày 1 đến 8-8: tại Hà Giang, Giải Quần vợt trẻ VTF-3

- Từ ngày 2 đến 3-8: Trình diễn tác phẩm ballet "Giselle" tại Nhà hát lớn Hà Nội

- Từ ngày 4 đến 6-8: Lễ hội Sông nước TP.HCM lần thứ nhất năm 2023.

Tin tức chính trên Tuổi Trẻ nhật báo hôm nay 22-7. Để đọc Tuổi Trẻ báo in phiên bản E-paper, mời bạn đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY

Tin tức chính trên Tuổi Trẻ nhật báo hôm nay 22-7. Để đọc Tuổi Trẻ báo in phiên bản E-paper, mời bạn đăng ký Tuổi Trẻ Sao TẠI ĐÂY

Tin tức thời tiết hôm nay, 22-7

Tin tức thời tiết hôm nay, 22-7

Nghề tàu hũ ky - Ảnh: TRƯƠNG NGUYÊN

Nghề tàu hũ ky - Ảnh: TRƯƠNG NGUYÊN

Tin tức sáng 19-7: Điểm chất lượng bệnh viện tư TP.HCM cao hơn công lập; Cảnh báo lừa tuyển mẫu nhíTin tức sáng 19-7: Điểm chất lượng bệnh viện tư TP.HCM cao hơn công lập; Cảnh báo lừa tuyển mẫu nhí

Tin tức đáng chú ý: Điểm chất lượng của nhóm bệnh viện tư TP.HCM cao hơn bệnh viện công lập; Cảnh báo thủ đoạn lừa thông qua tuyển "mẫu nhí"; Tuần này họp giải quyết khó khăn trong di dời dân vùng sạt lở ở TP.HCM...

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên