Tính sổ FDI để đổi chiều đi

LÊ ĐÔNG ĐÔ 12/01/2004 04:01 GMT+7

TTCN - Đang có những dự báo khác nhau về đầu tư nước ngoài (FDI) vào VN năm 2004 từ phía các chuyên gia cả trong và ngoài nước.

 
 

Những người lạc quan cho rằng sẽ có làn sóng đầu tư mới khi mà kinh tế VN đang tăng trưởng nhanh, môi trường đầu tư đang trong tiến trình cải thiện và xu hướng hội nhập đang ngày càng rõ rệt. Nhưng cũng không ít ý kiến dự báo dè dặt hơn cho rằng “khó có nổi những làn sóng mà chỉ có gợn sóng li ti trên mặt hồ”.

Trước hết, thử tính sổ xem FDI năm 2003 ra sao?

Dẫn lại Báo cáo đầu tư thế giới 2003 xếp hạng VN ở vị trí 50/140 nước về thu hút FDI, các chuyên gia của Viện Kinh tế học (Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia) nhận định rằng mặc dù trên thực tế VN vẫn thu hút được hơn 2 tỉ USD/năm nhưng vốn FDI giải ngân thực hiện các dự án đầu tư thật sự đang ở mức thấp nhất kể từ khi có FDI đến nay.

Đáng quan tâm hơn là chúng ta chủ yếu thực hiện các cam kết cũ, chứ gần đây chưa thấy có dự án đầu tư lớn. Phó giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư TP.HCM Lương Văn Lý tỏ ra lo ngại: thu hút FDI của TP năm 2003 chỉ đạt 550 triệu USD (kế hoạch là 700 triệu USD) và 50% số ấy là của các nhà đầu tư cũ (báo cáo tại kỳ họp HĐND TP.HCM ngày 7-1).

Đây quả là tín hiệu báo động đỏ vì FDI không chỉ là vốn mà còn là công nghệ, trình độ quản lý, kỹ năng lao động, năng lực cạnh tranh và cơ hội tiếp cận thị trường thế giới. 

Điều mà một số chuyên gia tâm huyết lo ngại nhất là sự “tách biệt nội lực và ngoại lực một cách cơ học” vô hình trung tạo nên ảo tưởng thiếu FDI VN vẫn phát triển tốt, vẫn đủ khả năng đuổi kịp các nước nhờ huy động nội lực.

Nhóm phân tích kinh tế của GSTS Đỗ Hoài Nam (giám đốc Trung tâm Khoa học xã hội và nhân văn quốc gia) cảnh báo đây là một quan niệm phiến diện và sai lầm, nhưng nguy hiểm là quan niệm này dễ được nâng lên thành quan điểm chỉ đạo. 

Nó có nguồn gốc từ cách hiểu truyền thống về độc lập tự chủ kinh tế mà nay đã không còn thích hợp trong quan điểm phát triển mới (độc lập về đường lối, giữ vững ổn định vĩ mô và có tiềm lực kinh tế đủ mạnh).

Người ta đang lo ngại quan niệm truyền thống bị đẩy lên mức cực đoan thành một thứ “sôvanh nước nhỏ” một cách khéo léo khó nhận biết.

Không phủ nhận “sự sụt giảm của dòng FDI có nguyên nhân sức hút quá mạnh của Trung Quốc”, nhưng đây không phải là nguyên nhân chủ yếu. 

Có những nguyên nhân quan trọng khác thuộc về yếu kém từ bên trong như chi phí đầu vào quá cao, cải cách hành chính lẫn cải cách doanh nghiệp nhà nước đều quá chậm, những nỗ lực điều chỉnh cơ cấu thiếu đồng bộ, không nhất quán, xu hướng bao cấp, bảo hộ, độc quyền tăng làm giảm hiệu quả của những cố gắng hội nhập...

Cách phản ứng chính sách chung quanh vấn đề nội địa hóa xe máy cuối 2002 - đầu 2003 chỉ là một ví dụ đơn lẻ, song nó thể hiện cách đặt vấn đề FDI của ta chưa có chiến lược và bài bản rõ ràng.

Vì thế, khi phải xử lý tình huống, chúng ta thường dễ rơi vào tình cảnh bị động, giật cục và tự làm giảm uy tín quốc gia. Hệ quả là một nguồn lực, đồng thời là động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu về mặt dài hạn này đã không được huy động và tận dụng tốt.

Có một thực tế trái ngược bộc lộ rõ trong khoảng 4-5 năm trở lại đây rất đáng lưu ý: dòng ODA (viện trợ phát triển) tiếp tục duy trì ở mức cao, chứng tỏ các nhà tài trợ phát triển chính thức - các chính phủ và các định chế tài chính quốc tế - đánh giá cao triển vọng phát triển của VN. 

Nhưng dòng FDI lại rơi vào tình trạng đáng buồn vì chưa thấy rõ lắm dấu hiệu phục hồi. Điều đó phản ánh sự lo ngại của các nhà đầu tư tư nhân nước ngoài về độ rủi ro cao khi đổ tiền vào VN.

Đối với họ, mặc dù VN được chấm điểm cao về sự ổn định chính trị, song môi trường chính sách và môi trường kinh doanh không được điểm cao vì tính không rõ ràng của quyết tâm và lộ trình cải cách, sự không nhất quán trong các ứng xử chính sách và giải pháp.

Trong khi đó, triển vọng rút ngắn cuộc “chạy việt dã” công nghiệp hóa, hiện đại hóa của VN nhìn từ góc độ nguồn lực đầu vào phụ thuộc không nhỏ vào chất lượng FDI. Bức tranh FDI hiện tại cho thấy có tới 70% đến từ châu Á mà phần lớn là của các doanh nghiệp nhỏ và vừa nên vị thế và uy tín không cao.

Xét theo phương diện tiềm lực công nghệ, quản lý, vốn và thị trường thì đây chỉ là dòng FDI “hạng 2” của thế giới. Trong số 500 công ty xuyên quốc gia chỉ mới có gần 100 công ty vào làm ăn ở VN với qui mô không lớn. Đành rằng không nên đánh giá thấp dòng vốn FDI “hạng 2” này, nhưng nếu đa số FDI đổ vào VN có chất lượng như vậy thì khó mà tạo được bứt phá.

Theo nhiều nhà đầu tư nước ngoài, sở dĩ vốn FDI từ châu Á vào VN cao là vì chỉ có các nhà kinh doanh châu Á, nhất là Đông Á, do đặc thù về văn hóa kinh doanh mới có thể chấp nhận, thích nghi, tồn tại và thu lợi được trong môi trường kinh doanh của VN.

Tính chụp giật, xoay xở, tệ quan liêu, tham nhũng, môi trường chính sách thường xuyên thay đổi không thể là nơi mà các công ty lớn làm ăn nghiêm túc chọn để đầu tư tài sản của mình.

Tuy nhiên, các chuyên gia tâm huyết cũng cảnh báo rằng trong lúc sa sút FDI thì càng phải để tâm nhiều hơn đến chất lượng của nó, không nên nới lỏng những đòi hỏi hay tiêu chuẩn chất lượng để cố thu hút thật nhiều theo kiểu bảo đảm số lượng, sẵn sàng hi sinh chất lượng.

Nhóm của GSTS Đỗ Hoài Nam đề nghị phải coi đây là lúc suy ngẫm lại bài học về hậu quả cơ cấu hướng nội mà dòng FDI những năm trước để lại nhằm thay đổi mạnh mẽ tư duy liên quan đến chính sách FDI. 

Một cuộc tính sổ đầy đủ sẽ bật ra các giải pháp cần thiết để sớm đổi chiều FDI.




Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận