29/06/2023 09:19 GMT+7

Tọa đàm, giao lưu trực tuyến 'Bảo quản vắc xin an toàn - Bạn biết gì về vắc xin?'

Sáng nay 29-6, báo Tuổi Trẻ với sự đồng hành của Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC tổ chức tọa đàm và giao lưu trực tuyến 'Bảo quản vắc xin an toàn - Bạn biết gì về vắc xin?'.

Tọa đàm, giao lưu trực tuyến Bảo quản vắc xin an toàn - Bạn biết gì về vắc xin? - Ảnh 1.

Quang cảnh buổi tọa đàm sáng nay 29-6 - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Mở đầu buổi tọa đàm, nhà báo Nguyễn Hoàng Nguyên - phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ - cho rằng vắc xin có tầm quan trọng đối với mọi người, đặc biệt là ở trẻ em. 

Việc bảo quản vắc xin đúng cách cũng rất quan trọng nhằm đảm bảo tính hiệu quả và an toàn của vắc xin. 

Có thể đơn cử, gần đây báo chí thỉnh thoảng đưa tin sự cố tiêm vắc xin ở trẻ, điển hình như sự việc 4 trẻ ở Thanh Hóa bị tiêm vắc xin hết hạn với nguyên nhân vì bảo quản vắc xin không đúng hạn. Dù sức khỏe trẻ chưa ghi nhận bất thường nhưng khiến nhiều phụ huynh lo ngại.

Tọa đàm, giao lưu trực tuyến Bảo quản vắc xin an toàn - Bạn biết gì về vắc xin? - Ảnh 2.

Nhà báo Nguyễn Hoàng Nguyên, phó tổng biên tập báo Tuổi Trẻ, phát biểu mở đầu buổi tọa đàm - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Trong khi đó, nhìn toàn cảnh, theo nhận định Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu ở khu vực Tây Thái Bình Dương có tỉ lệ tiêm vắc xin cao. Điều đó cho thấy nỗ lực của Chính phủ và cộng đồng trong bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tuy nhiên vẫn còn đó rất nhiều câu hỏi của người dân cần được giải đáp. 

Tọa đàm này là hoạt động của Tuổi Trẻ nhằm cung cấp thông tin và làm rõ hơn một số vấn đề bạn đọc quan tâm trong thời gian qua.

Tiếp nối phần chia sẻ mở đầu, nhà báo Cao Huy Thọ - phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ truyền thông báo Tuổi Trẻ - cho hay đây là lần đầu tiên báo Tuổi Trẻ và VNVC tổ chức buổi tọa đàm kết hợp với giao lưu trực tuyến. 

Hơn một tuần trước, báo Tuổi Trẻ và VNVC đã phát động cuộc thi viết "Tiêm ngừa - Chuyện chưa kể". Ông ví von chuyện tiêm vắc xin là chuyện "khổ lắm nói mãi" nhưng cần phải tiếp tục nói vì tầm quan trọng của chúng trong việc phòng bệnh. Rất nhiều câu hỏi của bạn đọc đã gửi về báo Tuổi Trẻ và được chọn lọc để gửi đến các chuyên gia, bác sĩ trả lời.

Làm sao bảo quản vắc xin an toàn, hiệu quả?

Câu hỏi mở đầu đã được chuyển đến đại diện VNVC. Trước câu hỏi "làm sao bảo quản vắc xin an toàn, hiệu quả đến tay người sử dụng?", và với thực tiễn của một đơn vị như VNVC đang có 114 trung tâm tại 47 tỉnh, thành trên khắp cả nước, bà Ngô Thị Tuyết Sương, giám đốc chất lượng Hệ thống tiêm chủng VNVC, cho biết: Vắc xin là một chế phẩm sinh học đòi hỏi điều kiện bảo quản nghiêm ngặt 2-8 độ C ở tất cả các khâu: sản xuất, vận chuyển, bảo quản và sử dụng. 

Mỗi kho lạnh của VNVC luôn có tối thiểu 2 dàn lạnh và hoạt động luân phiên. Việc bố trí hai dàn lạnh là để dự phòng khi một trong hai dàn lạnh gặp sự cố. Mỗi kho lạnh được bố trí tối thiểu từ 2 nguồn điện, gồm điện lưới quốc gia và máy phát điện công suất lớn. 

Khi có sự cố về nguồn điện sẽ có máy phát điện dự phòng trong vòng 2 phút sau sẽ vận hành. Kho lạnh có hệ thống giám sát chặt chẽ có màn hình hiển thị hằng ngày tại kho lạnh. 

Hệ thống giám sát rất đa dạng, giám sát nhiệt độ tự động tại chỗ. Cảnh báo tại chỗ bằng tín hiệu còi và đèn, cảnh báo từ xa qua tin nhắn SMS và cảnh báo thông qua email đến những người có trách nhiệm như thủ kho, quản lý kho, quản lý chất lượng và bảo trì… nếu nhiệt độ ở ngưỡng nguy hiểm.

Tọa đàm, giao lưu trực tuyến Bảo quản vắc xin an toàn - Bạn biết gì về vắc xin? - Ảnh 3.

TS Nguyễn Hoàng Tùng - phó viện trưởng Viện Kiểm định quốc gia về vắc xin và sinh phẩm y tế - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Trao đổi cụ thể thêm về câu chuyện vắc xin, ông Nguyễn Hoàng Tùng - phó viện trưởng Viện Kiểm định quốc gia về vắc xin và sinh phẩm y tế (Bộ Y tế) - cho biết thực tế Viện Kiểm định đã đồng hành với VNVC trong nhiều năm qua. Hằng năm viện sẽ có đánh giá về hiệu quả, VNVC là đơn vị đầu tiên trong lĩnh vực tiêm chủng vắc xin dịch vụ tại Việt Nam.

Đối với quy trình bảo quản vắc xin sẽ phải tuân thủ theo quy định và từng loại vắc xin sẽ có cách bảo quản khác nhau. 

Qua nhiều năm, VNVC là đơn vị tuân thủ quá trình bảo quản vắc xin tốt và vượt trội hơn so với nhiều đơn vị tiêm chủng mở rộng. Quá trình đảm bảo vắc xin liên quan đến nhiều yếu tố khác như: bảo quản kho lạnh, đào tạo đội ngũ cán bộ, cách thức vận chuyển… Đặc biệt là phải có thiết bị theo dõi. 

Các đơn vị phải có thiết bị làm lạnh, thiết bị nhiệt để bảo quản vắc xin đúng nhiệt độ nhà sản xuất cho phép với mỗi loại. Vắc xin trên thị trường sẽ được kiểm tra chất lượng nghiêm ngặt từ khâu sản xuất đến quá trình bảo quản theo quy trình khép kín, tùy từng loại sẽ có cách bảo quản khác nhau. 

Đối với các vắc xin nhập khẩu từ từng lô một đều được kiểm định chất lượng và tính an toàn, phải chứng minh được dây chuyền sản xuất về đến kho và cách bảo quản tại Việt Nam để đảm bảo an toàn.

Ngoài ra, người dân có thể kiểm tra đối chiếu bằng mắt thường bằng cách phối hợp với nhân viên y tế, lắc lọ vắc xin để xem mức độ tan của vắc xin ra sao, xem hướng dẫn sử dụng… để đảm bảo an toàn.

Tọa đàm, giao lưu trực tuyến Bảo quản vắc xin an toàn - Bạn biết gì về vắc xin? - Ảnh 4.

ThS.BS Lê Hồng Nga - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Những tín hiệu cho vắc xin phòng bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết

Cũng tại buổi tọa đàm, nhà báo Huy Thọ đặt vấn đề khi mới đây, thế giới có một số vắc xin ngừa ung thư đã thành công (trong đó có ung thư tuyến tiền liệt) được đông đảo bạn đọc báo Tuổi Trẻ và người dân cả nước quan tâm.

Còn gần hơn, về bệnh tay chân miệng, được biết Bộ Y tế đang tiếp nhận những hồ sơ nhập vắc xin thì khi nào có được?

Tọa đàm, giao lưu trực tuyến Bảo quản vắc xin an toàn - Bạn biết gì về vắc xin? - Ảnh 5.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Bác sĩ Trương Hữu Khanh - phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM - tiếp nối phần tọa đàm trước vấn đề về vắc xin phòng bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết. 

Bác sĩ Khanh cho hay qua theo dõi vắc xin từ lâu, theo ông, bệnh tay chân miệng không cần có vắc xin phòng bệnh chung, mà cần là vắc xin phòng vi rút EV71 - tác nhân rất nguy hiểm, gây bệnh nặng và tử vong. 

Gần đây, một số quốc gia trên thế giới đã có vắc xin phòng tay chân miệng và sốt xuất huyết. Tại Việt Nam hiện chưa có vắc xin phòng tay chân miệng nặng là thiệt thòi khi chi phí điều trị rất lớn, cao hơn cả bệnh thủy đậu và sởi. 

Ngừa và phòng bệnh là tất yếu. Ngoài cần vắc xin phòng tay chân miệng từ tác nhân EV71, bác sĩ Khanh mong muốn nước ta cần có thêm vắc xin khác là sốt xuất huyết.

Tọa đàm, giao lưu trực tuyến Bảo quản vắc xin an toàn - Bạn biết gì về vắc xin? - Ảnh 6.

PGS.TS Phạm Quang Thái - phó trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

PGS.TS Phạm Quang Thái - phó trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương - cũng cho biết hiện thế giới đã có vắc xin phòng ung thư, trong đó ung thư tiền liệt tuyến, hay gần đây nhất là vắc xin phòng zona thần kinh. 

Riêng vắc xin zona thần kinh là một trong những vắc xin được khuyến cáo người dân ở Hoa Kỳ, đặc biệt trên 45 tuổi tiêm để phòng bệnh. 

PGS Phạm Quang Thái cũng nhắc đến một số sai lầm trong quá trình tiêm chủng, có thể gây ra tác dụng phụ. Điển hình một số loại vắc xin có thành phần muối nhôm, nếu không lắc kỹ trước khi tiêm có thể gặp các phản ứng phụ như sốt…

Thực tế đã gặp những trường hợp này và qua giám sát, đánh giá nguyên nhân cán bộ y tế không lắc các loại vắc xin có thành phần muối nhôm, khiến 90% người tiêm bị sốt.

Ngược lại với những vắc xin có thành phần muối nhôm, lắc kỹ trước khi tiêm thì cũng có nhiều loại vắc xin không cần lắc kỹ trước khi dùng.

Về ung thư tiền liệt tuyến, ông Thái cho hay đây là loại ung thư có tỉ lệ tái phát rất cao. Nếu chúng ta có vắc xin phòng bệnh nặng thì giảm gánh nặng điều trị rất lớn. 

Về bệnh tay chân miệng, có nhiều tác nhân gây bệnh. Hiện trên thế giới có vắc xin thương mại phòng tác nhân EV71 gây bệnh tay chân miệng nặng. 

Ông Thái hy vọng VNVC sớm có những vắc xin này khi là đơn vị hàng đầu cung cấp vắc xin dịch vụ cho người dân. Còn trong chương trình tiêm chủng mở rộng thì không thể đầu tư, rất khó để đạt chất lượng tốt.

Ông Nguyễn Hoàng Tùng cho biết thêm, trước đó vắc xin sốt xuất huyết của Sanofi được đưa đến Hội đồng cấp số đăng ký để được cấp phép, tuy nhiên sau khi xem xét hội đồng thống nhất loại vắc xin này chưa thể tương thích với người Việt Nam và đã không đồng ý cấp phép. 

Có thể sau này sẽ bổ sung hồ sơ, quy trình sản xuất cho type sốt xuất huyết khác có lẽ sẽ vào Việt Nam.

Đối với vắc xin chân tay miệng, tùy thuộc vào đơn vị dịch vụ chịu trách nhiệm đăng ký vào Việt Nam. Hiện có một loại vắc xin tay chân miệng của Đài Loan đã gửi hồ sơ đăng ký để được cấp phép và khá tương thích với người Việt, thời gian sắp tới sẽ đưa ra hội đồng để được cấp phép.

Trước tình hình dịch bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết cùng tăng tại TP.HCM trong thời gian gần đây, ThS.BS Lê Hồng Nga - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) - cho hay công tác phòng chống những bệnh này trong cộng đồng luôn duy trì thường xuyên và liên tục, đặc biệt trong những đợt cao điểm của bệnh. 

Hiệu quả của vắc xin rất lớn, không thể chối cãi khi giúp phòng bệnh và giảm mức độ nặng nếu chẳng may mắc bệnh, cải thiện sức khỏe người dân toàn TP nói riêng và cả nước. Về việc lưu hành vắc xin mới, bà Nga cho hay phải được Bộ Y tế cấp phép. 

Dưới góc độ của thành phố, bà Nga luôn ủng hộ có được vắc xin mới phòng bệnh truyền nhiễm được Bộ Y tế cấp phép. Đồng thời tăng cường, giám sát công tác tiêm chủng trong các chương trình tiêm chủng, đảm bảo an toàn.

Tọa đàm, giao lưu trực tuyến Bảo quản vắc xin an toàn - Bạn biết gì về vắc xin? - Ảnh 8.

Bà Vũ Thị Thu Hà - giám đốc cung ứng Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Bà Vũ Thị Thu Hà - giám đốc cung ứng Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC - cũng bày tỏ nếu không có vắc xin thì rất thiệt thòi cho người dân, trên thế giới có rất nhiều loại vắc xin mà Việt Nam chưa có. Một trong những khó khăn chung trên toàn cầu là hiện nay các hãng vắc xin sẽ có ưu tiên cho các quốc gia khác nhau. 

May mắn, Việt Nam được coi là quốc gia ưu tiên trên bản đồ vắc xin. Đối với vắc xin sốt xuất huyết và vắc xin tay chân miệng, hai vắc xin này đang được xem xét. Đây là hai loại vắc xin được Bộ Y tế quan tâm phát sinh dịch hằng năm. 

VNVC hy vọng sẽ là đơn vị được các hãng tin tưởng và triển khai dịch vụ các loại vắc xin phòng bệnh tay chân miệng và vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết. Ngoài ra, VNVC sẽ cố gắng trong thời gian tới sẽ tiếp cận và đưa về các loại vắc xin cần thiết cho người dân để phòng các bệnh như: zona thần kinh, các vắc xin khác dành cho người lớn, phụ nữ mang thai…
Bà Vũ Thị Thu Hà

Bà Hà chia sẻ thêm, một trong những sứ mệnh khi VNVC xuất hiện tại Việt Nam hướng tới là có đầy đủ tất cả các loại vắc xin hiện đang có ở nước ta. Đồng thời cố gắng tìm kiếm những vắc xin mới, thật sự hữu ích cho người dân và phù hợp với dịch tễ Việt Nam.

Tọa đàm, giao lưu trực tuyến Bảo quản vắc xin an toàn - Bạn biết gì về vắc xin? - Ảnh 10.

Bác sĩ Bạch Thị Chính - giám đốc y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Bác sĩ CKI Bạch Thị Chính - giám đốc y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC - cũng cho biết thêm, trẻ em có hệ miễn dịch chưa hoàn thiện, người già hệ miễn dịch suy yếu, do vậy nếu bị bệnh nguy cơ chuyển nặng sẽ rất cao nếu không được tiêm vắc xin phòng cúm. 

Trong trường hợp người nhiễm cúm nếu không được tiêm vắc xin phòng bệnh kèm theo nhiều bệnh nền sẽ có nguy cơ bị nhồi máu cơ tim cao gấp 17 lần so với người bình thường. 

Đặc biệt, đối với các bệnh truyền nhiễm khi tỉ lệ tiêm ngừa cao, nguy cơ mầm bệnh lây lan trong cộng đồng sẽ giảm.

Tọa đàm, giao lưu trực tuyến Bảo quản vắc xin an toàn - Bạn biết gì về vắc xin? - Ảnh 11.

Bà Ngô Thị Tuyết Sương - giám đốc chất lượng Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Trước thắc mắc làm sao để biết được nhiệt độ bảo quản vắc xin luôn được đảm bảo?, bà Ngô Thị Tuyết Sương - giám đốc chất lượng Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC - cho biết với chất lượng dịch vụ, khách hàng có thể khảo sát, về chất lượng chuyên môn khách hàng sẽ khó đánh giá hơn. 

Tuy nhiên, với mỗi công tác đảm bảo vắc xin, tất cả các doanh nghiệp, đơn vị tiêm chủng đều phải tuân thủ theo hướng dẫn đã quy định, phải đạt tiêu chuẩn GSP quốc tế.

Tất cả các khâu bảo quản vắc xin phải có nhiệt kế ghi nhiệt độ liên tục, và nhiệt kế này sẽ lưu lại nhiệt độ suốt đời của sản phẩm, khi cần tra cứu sẽ dễ dàng kiểm tra được. Bên cạnh đó, tất cả các đơn vị đều có hệ thống giám sát chất lượng của các cơ quản quản lý nhà nước.

Bà Tuyết Sương cũng nói thêm về quá trình vận chuyển vắc xin đến điểm tiêm ra sao để đảm bảo độ an toàn, là khi vắc xin được đưa đến địa điểm tiêm chủng, VNVC sẽ dùng hệ thống xe lạnh chuyên dụng để duy trì nhiệt độ, sao cho nhiệt độ luôn được đảm bảo từ 2-8 độ C. 

Đặc biệt là trong suốt quá trình vận chuyển nhiệt kế luôn đặt nhiệt độ 1 phút sẽ lưu lại nhiệt độ 1 lần, nhằm chứng minh vắc xin luôn được bảo quản đúng trong nhiệt độ từ 2-8 độ. 

Ngoài những người làm công tác chuyên môn, khách hàng sẽ luôn được giám sát trên tất cả công đoạn bảo quản chất lượng vắc xin. VNVC sẵn sàng giới thiệu đến khách hàng công đoạn bảo quản để chứng minh được sự an toàn của vắc xin.

Tọa đàm, giao lưu trực tuyến Bảo quản vắc xin an toàn - Bạn biết gì về vắc xin? - Ảnh 12.

Toàn cảnh buổi tọa đàm và giao lưu trực tuyến - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Trả lời câu hỏi về hồ sơ thủ tục nhập một vắc xin mới trong thời gian tới, như zona thần kinh thường mất thời gian bao lâu, bà Vũ Thị Thu Hà cho biết về chức năng nhập khẩu, phân phối vắc xin, VNVC luôn sẵn sàng phối hợp với các hãng. 

Tuy nhiên ở các hãng vắc xin lớn hiện nay ở nước ta đều có thông tin nhập khẩu. Công tác nộp hồ sơ tại các hãng là chủ động và nhập hàng về Việt Nam, sau đó phân phối cho các đơn vị tiêm chủng. 

Bà Vũ Thị Thu Hà cho rằng việc thúc đẩy nhanh những vắc xin cần thiết và nói chung đang được ưu tiên, vì đây là nhu cầu cần thiết. Với những thay đổi này, theo bà Hà, công tác tiêm phòng vắc xin sẽ có những bước tiến trong thời gian tới.

Để tạo lòng tin cho người dân khi đi tiêm vắc xin? 

Với những người không có điều kiện kinh tế dồi dào, cần ưu tiên tiêm vắc xin theo cấp độ như thế nào? BS CK2 Nguyễn Minh Tiến, phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng TP, trả lời: Muốn tạo niềm tin cho các gia đình đưa con đi tiêm vắc xin, nhân viên y tế cần giải thích đầy đủ những lợi ích của tiêm vắc xin, những tác dụng phụ có thể xảy ra. 

Cách bác sĩ giải thích đầy đủ về những điều các bậc cha mẹ đang lo lắng về vắc xin sẽ tạo được niềm tin cho các bậc cha mẹ đưa con đi tiêm vắc xin. 

Ngoài ra, nhóm chăm sóc khách hàng trước đó cũng đã giải thích sơ bộ về quá trình tiêm chủng và cung cấp số điện thoại để người dân có thể gọi trực tiếp khi có vấn đề sau khi tiêm. 

"Chúng tôi luôn theo tinh thần hết lòng phục vụ bệnh nhân với chất lượng tốt nhất để tạo niềm tin khi đến Bệnh viện Nhi đồng TP để bệnh nhân tin tưởng và mong muốn quay trở lại.

Về vấn đề ưu tiên tiêm vắc xin nào, tôi thấy những vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia hiện nay rất quan trọng vì giải quyết vấn đề phòng ngừa bệnh ở trẻ em. Bởi nếu không có chương trình này thì sẽ xuất hiện các trường hợp trẻ bại liệt, mắc các bệnh như bạch hầu, ho gà nặng... ảnh hưởng đến tính mạng. 

Ở góc độ nhà lâm sàng, chúng tôi thấy bệnh lý hô hấp xuất hiện phổ biến ở trẻ em, trong đó tác nhân phế cầu khuẩn ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe bệnh nhi, như: viêm phổi, tràn mủ màng phổi, viêm màng não mủ, viêm tai giữa... gây khó khăn cho những bác sĩ điều trị. 

Chúng ta đã có vắc xin ngừa hemophilus influenzae type B (HiB) trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã giảm được tỉ lệ mắc và tử vong do tác nhân này gây ra. 

Trong khi tỉ lệ bệnh nhi viêm phổi cũng như các bệnh lý do tác nhân phế cầu khuẩn gia tăng đòi hỏi phải có chiến lược phòng ngừa cho trẻ em. Do vậy, nên đưa vắc xin phế cầu vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng" - bác sĩ Tiến nêu ý kiến.

Bác sĩ Khanh cho hay, khi muốn đưa một vắc xin nào vào Chương trình Tiêm chủng mở rộng phải tính toán đến gánh nặng về y tế. Tùy theo nguy cơ của mỗi người mà nên chọn tiêm những loại vắc xin phù hợp. 

"Đến độ tuổi phù hợp, nên rà soát lại các loại bệnh đã mắc hay chưa, hoặc tiêm các mũi nhắc lại như: uốn ván, cúm… ưu tiên tiêm những vắc xin quan trọng. Đồng thời, nên tính toán lại nguy cơ bệnh và xác suất của bệnh để ngăn chặn chuyển nặng", bác sĩ Khanh cho hay.

Cuối buổi tọa đàm, ông Phạm Quang Thái cũng cho rằng nếu không có vắc xin phòng bệnh kịp thời, chi phí điều trị sẽ tăng lên rất nhiều so với khâu được dự phòng, phòng bệnh và được chẩn đoán. Ngoài vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, ông Thái hy vọng các đơn vị tư nhân cùng chung tay đem vắc xin đến với người dân. 

Cũng theo ông Thái, không phải tất cả mọi người đều có thể tiếp cận được những loại vắc xin, từ giờ đến năm 2030 Việt Nam sẽ đưa thêm 4 loại vắc xin vào trong chương trình tiêm chủng mở rộng như: HPV, phế cầu, Rota, cúm mùa… 

Tất cả cán bộ y tế trong hệ thống cả nước và y tế tư nhân đều phải có sự nỗ lực. Trong khoảng tháng 7-2023, vắc xin 5 trong 1 sẽ được triển khai sớm để tiêm cho trẻ để không còn trường hợp nào thiếu vắc xin.

Theo các chuyên gia, nhờ có vắc xin, hàng triệu trẻ em không bị tử vong do bệnh truyền nhiễm, người được tiêm chủng không bị mắc bệnh hay di chứng do dịch bệnh gây ra.

Bảo quản vắc xin là một yếu tố cực kỳ quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng và hiệu quả của vắc xin cũng như quy trình tiêm chủng. Việc lưu trữ và vận chuyển đúng quy trình sẽ bảo vệ trọn vẹn chất lượng vắc xin, đảm bảo sự an toàn và hiệu quả tối đa cho người được tiêm.

Chương trình nhằm tạo cơ hội cho người dân hiểu thêm về vắc xin và tiêm chủng, hướng đến việc tuyên truyền, định hướng xã hội trong việc nâng cao ý thức giữ gìn sức khỏe, đặc biệt là công tác tăng cường phòng chống bệnh tật, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng...

Hiện có bao nhiêu loại vắc xin? Phòng bao nhiêu bệnh? Chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đã cung cấp bao nhiêu loại vắc xin? Có vắc xin nào mới? Sau tiêm vắc xin trẻ cần được chăm sóc và theo dõi như thế nào? Vắc xin được bảo quản như thế nào để đảm bảo chất lượng khi đưa đến tay người sử dụng?

Đây là những câu hỏi đang được nhiều bậc cha mẹ quan tâm, bởi mỗi năm có tới trên 1,5 triệu trẻ chào đời và tất cả đều cần tiêm vắc xin phòng các bệnh truyền nhiễm, bảo vệ sức khỏe trong tương lai.

Bạn đọc quan tâm, có thể gửi câu hỏi cho các khách mời qua email tiemngua@tuoitre.com.vn; hoặc qua ô đặt câu hỏi trực tiếp phía dưới bài.

Câu trả lời sẽ được cập nhật trên tuoitre.vn từ 9-11h ngày 29-6.


Tọa đàm, giao lưu trực tuyến Bảo quản vắc xin an toàn - Bạn biết gì về vắc xin? - Ảnh 14.

Đại diện Ban biên tập báo Tuổi Trẻ tặng hoa các khách mời dự buổi tọa đàm và giao lưu trực tuyến sáng 29-6 - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Nhiều chuyên gia uy tín đầu ngành sẽ tham dự sự kiện như: 

TS Nguyễn Hoàng Tùng - phó viện trưởng Viện Kiểm định quốc gia vắc xin và sinh phẩm y tế; PGS.TS Phạm Quang Thái - phó trưởng khoa kiểm soát bệnh truyền nhiễm, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương; ThS.BS Lê Hồng Nga - phó giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM; 

BS CKII Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng Thành phố; BS Trương Hữu Khanh - phó chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM; BS CKI Bạch Thị Chính - giám đốc y khoa Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC;

Bà Ngô Thị Tuyết Sương - giám đốc chất lượng Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC; bà Vũ Thị Thu Hà - giám đốc cung ứng Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC.

Bạn muốn biết gì về vắc xin, mời đặt câu hỏi cho chúng tôiBạn muốn biết gì về vắc xin, mời đặt câu hỏi cho chúng tôi

Sáng 29-6, tọa đàm và giao lưu trực tuyến 'Những điều quan trọng để bảo quản vắc xin an toàn và chất lượng - Bạn biết gì về vắc xin?' được báo Tuổi Trẻ với sự đồng hành của Hệ thống Trung tâm tiêm chủng VNVC tổ chức.

Đặt câu hỏi đến
Gửi câu hỏi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên