10/03/2024 13:32 GMT+7

TP.HCM: Thường xuyên gọi hỏi thanh thiếu niên hư, người có tiền án để ngăn phạm tội

Đây là một trong những giải pháp phòng tội phạm mà Công an TP.HCM nêu ra tại chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời sáng 10-3, với chủ đề Phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc - Phát huy sức mạnh của nhân dân.

Chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời do HĐND TP.HCM phối hợp với Đài truyền hình TP tổ chức

Chương trình Dân hỏi - Chính quyền trả lời do HĐND TP.HCM phối hợp với Đài truyền hình TP tổ chức

Các vụ trọng án khiến người dân hoang mang

Tại chương trình, cử tri Nguyễn Văn Dũng (huyện Hóc Môn) cho rằng thời gian qua có nhiều vụ trọng án xảy ra trên cả nước gây hoang mang trong người dân, Công an TP.HCM có giải pháp gì để ngăn chặn những vụ trọng án?

Trung tá Đới Ngọc Thắng - phó Phòng cảnh sát hình sự Công an TP.HCM - cho biết thời gian qua, trên địa bàn TP cũng xảy ra các vụ trọng án như tại huyện Hóc Môn, TP Thủ Đức. Khi phát hiện vụ việc, lực lượng công an đã khẩn trương truy xét, truy bắt nhanh các đối tượng. Tỉ lệ khám phá án là 100%.

Theo ông Thắng, Công an TP.HCM đã tham mưu, triển khai nhiều kế hoạch để trấn áp các loại tội phạm. Đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, nắm tình hình, không để hình thành các địa bàn, điểm nóng về hình sự, tệ nạn xã hội; phát huy các tổ tuần tra, giám sát như tổ công tác 363 để giải quyết những vụ việc khi mới phát sinh.

Trung tá Đới Ngọc Thắng - phó Phòng cảnh sát hình sự Công an TP.HCM - phát biểu tại chương trình

Trung tá Đới Ngọc Thắng - phó Phòng cảnh sát hình sự Công an TP.HCM - phát biểu tại chương trình

Lực lượng công an cũng thường xuyên gọi hỏi, răn đe những đối tượng như thanh thiếu niên hư, người có tiền án tiền sự, những người có khả năng nguy cơ phạm tội. 

Ngoài ra, Công an TP cũng phối hợp nâng cao phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và nhiều mô hình khác.

Tiếp tục phát huy tổ công tác 363

Nói về hiệu quả của tổ công tác 363 sau một năm hoạt động, thượng tá Lê Mạnh Hà - phó Phòng tham mưu, Công an TP.HCM - cho rằng lực lượng này ra đời nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn, trấn áp các loại tội phạm đường phố, tội phạm ma túy, vũ khí, hàng cấm, hàng nhập lậu…

Sau một năm hoạt động, lực lượng này đã phát hiện trên 26.800 đối tượng vi phạm, bàn giao cho công an địa phương xử lý. Công an TP sẽ tiếp tục phát huy lực lượng này như "quả đấm thép trong đấu tranh tội phạm đường phố".

Ông Phạm Minh Tuấn - phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM - phát biểu

Ông Phạm Minh Tuấn - phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM - phát biểu

Thông tin về phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, ông Phạm Minh Tuấn - phó chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM - đánh giá sau 10 năm triển khai, phong trào nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân, cá nhân, đơn vị.

Qua đó, người dân cũng tích cực tố giác tội phạm với trên 120.000 tin có giá trị, giúp ngành chức năng làm rõ hơn 35.000 vụ việc. Người dân cũng trực tiếp bắt 6.800 đối tượng phạm tội quả tang. Ban chỉ đạo của TP về phong trào sẽ tiếp tục các giải pháp để huy động sức mạnh của hệ thống chính trị cùng người dân tham gia giữ gìn an ninh trật tự tại cơ sở.

Người sau cai nghiện có thể vay tối đa 100 triệu đồng để làm ăn

Tại chương trình, cử tri Phạm Thị Phạm Hương (quận Bình Tân) đặt câu hỏi: Thời gian tới, TP có giải pháp nào để tạo điều kiện cho người tái hòa nhập cộng đồng có vốn làm ăn, kinh doanh?

Về vấn đề này, bà Huỳnh Lê Như Trang - phó giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP.HCM - cho biết người sau cai nghiện trên địa bàn TP có nhu cầu được vay có thể thông qua hai chương trình.

Thứ nhất là nguồn vốn cho vay giải quyết việc làm của TP với mức vay tối đa 100 triệu đồng, lãi suất 0,66%/tháng, vay không quá 120 tháng.

Thứ hai là nguồn vốn hỗ trợ giảm nghèo với mức vay tối đa 100 triệu, lãi suất 0,5%/tháng, vay không quá 120 tháng.

Người có nhu cầu vay vốn có thể liên hệ tới Tổ tiết kiệm và vay vốn của ngân hàng chính sách xã hội nơi sinh sống để được hướng dẫn làm thủ tục. Thời gian thực hiện từ 8-15 ngày sau khi có hồ sơ hợp lệ.

Phụ cấp bảo vệ dân phố 2,2 triệu/tháng đã không còn phù hợp

Cũng tại chương trình, cử tri Nguyễn Tấn Hòa (quận Bình Tân) cho rằng mức phụ cấp của lực lượng bảo vệ dân phố hiện nay là 2,2 triệu/người/tháng là quá thấp, so ra còn thấp hơn chuẩn hộ nghèo 36 triệu/người/năm. Ông đề nghị TP xem xét, điều chỉnh mức phụ cấp cho lực lượng này.

Bà Nguyễn Thị Hồng Thắm - phó giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM - thừa nhận mức phụ cấp cho lực lượng bảo vệ dân phố đã không còn phù hợp với thời giá tại đô thị đặc biệt như TP.HCM. UBND TP cũng đã giao Sở Nội vụ, Công an TP tham mưu điều chỉnh mức phụ cấp này.

Tuy nhiên, Quốc hội cũng vừa ban hành Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Trong đó quy định lực lượng bảo vệ dân phố, công an xã bán chuyên trách, dân phòng thuộc lực lượng này. Chính phủ đang khẩn trương ban hành quy định hướng dẫn thực hiện.

Ngày 1-7 tới đây, khi luật có hiệu lực, UBND TP sẽ trình HĐND TP ban hành nghị quyết xây dựng lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở với các chế độ chính sách mới.

Khởi tố, bắt tạm giam 4 tháng nghi phạm giết người, cướp tài sản ở Hóc MônKhởi tố, bắt tạm giam 4 tháng nghi phạm giết người, cướp tài sản ở Hóc Môn

Liên quan vụ giết người ở Hóc Môn rồi trốn xuống Long An, đến nay Cơ quan cảnh sát điều tra đã khởi tố, bắt tạm giam nghi phạm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên