13/04/2023 09:56 GMT+7

TP.HCM triển khai chiến lược phòng chống ung thư

Trước tình trạng số ca mắc mới và tử vong do ung thư tăng, ngành y tế TP.HCM đã triển khai chiến lược phòng chống ung thư.

Bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM tham gia sinh hoạt về chuyên đề ung thư vú do bệnh viện tổ chức - Ảnh: THU HIẾN

Bệnh nhân ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM tham gia sinh hoạt về chuyên đề ung thư vú do bệnh viện tổ chức - Ảnh: THU HIẾN

Ngày 13-4, Sở Y tế TP.HCM cho biết trước thực trạng số ca mắc và tử vong do ung thư đang có khuynh hướng gia tăng, ngành y tế TP đã triển khai chiến lược phòng chống.

Theo sở này, tình trạng quá tải người bệnh ngày càng tăng tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM do cơ sở hạ tầng xuống cấp (cơ sở cũ).

Thêm vào đó, công tác phòng chống ung thư trên địa bàn TP trong thời gian qua chưa được triển khai hiệu quả do còn gặp không ít khó khăn.

Cụ thể, việc phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn còn phổ biến, nguyên nhân của việc này có thể là do các hoạt động tầm soát phát hiện sớm ung thư còn dàn trải, chưa tập trung nguồn lực đầu tư.

Đồng thời, rất ít chương trình tầm soát phát hiện sớm ung thư được thực hiện trong cộng đồng, năng lực chẩn đoán và điều trị ung thư hiện nay không đồng đều giữa các tuyến chuyên môn...

“Việc đầu tư xây dựng mới Bệnh viện Ung bướu hiện đại là rất cần thiết nhưng chưa đủ, cần tiếp tục huy động nguồn lực xã hội để triển khai hiệu quả chiến lược phòng chống ung thư mới thật sự là giải pháp vừa mang tính toàn diện, vừa mang tính khoa học và thực tiễn”, Sở Y tế cho hay.

Cụ thể, ngành y tế TP đã triển khai chiến lược phòng chống ung thư bao gồm các giải pháp cụ thể như: triển khai hiệu quả các giải pháp truyền thông, giáo dục sức khỏe, tiêm ngừa vắc xin... trong phòng ngừa ung thư.

Bên cạnh đó, xây dựng và củng cố mạng lưới y tế về chẩn đoán, điều trị ung thư rộng khắp từ tuyến y tế cơ sở đến các bệnh viện đa khoa, chuyên khoa trên địa bàn TP...

Ngành y tế TP.HCM sẽ triển khai các hoạt động cụ thể để phòng chống ung thư như sau:

- Xây dựng và phát triển mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng tham gia công tác tuyên truyền, phát hiện sớm những trường hợp nghi ngờ ung thư trong cộng đồng.

- Triển khai khám sức khỏe định kỳ cho người dân, nhất là người thuộc nhóm nguy cơ cao nhằm kịp thời phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ ung thư.

- Khuyến khích các bệnh viện đa khoa tư nhân phát triển chuyên khoa ung thư.

- Huy động nguồn lực xã hội xây dựng Trung tâm tầm soát và chẩn đoán sớm bệnh bằng công nghệ cao, giúp phát hiện sớm bệnh ung thư và các bệnh nguy hiểm khác ngay từ khi chưa có triệu chứng…

Tỉ lệ mắc ung thư Việt Nam tăng 9 bậc

Theo thống kê của Tổ chức Ung thư toàn cầu (GLOBOCAN) năm 2020, tình hình mắc và tử vong do ung thư trên toàn thế giới đều có xu hướng tăng. Việt Nam là một trong những nước thuộc nhóm có tỉ lệ mắc ung thư cao (97,3 -111,9/100.000 dân).

Điều đáng nói là tỉ lệ mắc ung thư mới tại Việt Nam đã tăng lên 9 bậc (xếp thứ 90/185 quốc gia), trong đó tỉ lệ tử vong do ung thư tăng 6 bậc (xếp thứ 50/185 quốc gia) so với ghi nhận của năm 2018.

Tại TP.HCM, theo số liệu ghi nhận ung thư quần thể (do Bệnh viện Ung bướu làm đầu mối) cho thấy số trường hợp ung thư trong năm 2017 đã lên đến con số trên 11.000 người (11.292 người), trong đó nam giới là 5.014 và nữ giới là 6.278.

Nhận biết những dấu hiệu sớm cảnh báo ung thư hạchNhận biết những dấu hiệu sớm cảnh báo ung thư hạch

Ung thư hạch, hay ung thư bạch huyết, là một loại ung thư đặc biệt nguy hiểm và khó chữa trị.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên