25/07/2019 12:21 GMT+7

TP.HCM: Kiểm tra, phát hiện gần 19.000 vụ gian lận thương mại

NGỌC HIỂN - NGUYỄN TRÍ - NGỌC AN
NGỌC HIỂN - NGUYỄN TRÍ - NGỌC AN

TTO - Trong 6 tháng đầu năm 2019, các lực lượng chức năng tại TP.HCM đã kiểm tra 21.180 vụ vi phạm. Trong đó, có 1.900 vụ về hàng cấm, hàng nhập lậu, 18.920 vụ về gian lận thương mại và hàng giả là 348 vụ.

TP.HCM: Kiểm tra, phát hiện gần 19.000 vụ gian lận thương mại - Ảnh 1.

Phó chủ tịch UBND TP.HCM Trần Vĩnh Tuyến phát biểu tại hội nghị - Ảnh: NGỌC HIỂN

Tại hội nghị trực tuyến sáng 25-7, ông Trần Vĩnh Tuyến - phó chủ tịch UBND TP.HCM kiêm trưởng Ban Chỉ đạo 389 TP.HCM - cho biết đối với 21.180 vụ vi phạm liên quan đến hàng cấm, hàng lậu, gian lận thương mại trên địa bàn TP.HCM, cơ quan chức năng đã thu nộp ngân sách hơn 3,9 tỉ đồng, khởi tố hình sự 58 vụ việc.

Mới đây, các cơ quan chức năng tại TP.HCM tiến hành kiểm tra hành chính đối với chi nhánh Công ty TNHH MTV thương mại dịch vụ kho bãi Minh Tâm do bà Nguyễn Thị Minh Tâm làm giám đốc và các kho thuê của các tổ chức, cá nhân chứa hàng tại số 621 Phạm Văn Chí (Q.6) gồm 18 kho hàng. Kết quả kiểm tra 9 hộ kinh doanh thuê kho và 3 công ty tại địa chỉ trên, cơ quan chức năng đã phát hiện hàng loạt vi phạm.

Trong đó, các vi phạm chủ yếu như hàng hóa không xuất trình được hóa đơn chứng từ với hơn 32.000 sản phẩm các loại; lắp ráp, sản xuất thuộc đối tượng phải chứng nhận hợp quy nhưng không thực hiện chứng nhận hợp quy; hàng hóa có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt, cơ quan chức năng đã tạm giữ trên 53.000 sản phẩm các loại.

Đặc biệt, cơ quan chức năng đã tạm giữ trên 2.800 sản phẩm hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Đồng thời, gần 800 sản phẩm cũng bị tạm giữ bởi đây là các mặt hàng đồ chơi có hại tới nhân cách và sức khỏe của trẻ em, thuộc hàng hóa cấm kinh doanh.

Theo ông Tuyến, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là hoạt động kinh doanh, vận chuyển, chứa trữ hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ diễn biến ngày càng phức tạp, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế thị trường. Ngoài ra, tình trạng này cũng tác động không tốt đến nhiều tổ chức, cá nhân kinh doanh chân chính.

Đánh giá về đặc điểm chung của thực trạng hàng lậu, ông Tuyến cho rằng đa số mặt hàng nhập lậu có giá trị lớn, đa dạng về chủng loại mẫu mã, giá thành rẻ hơn so với nhậu khẩu chính thức. "Phương thức và thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu thường xuyên thay đổi, không theo trình tự thời gian cụ thể nên gây khó khăn cho công tác kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng" - ông Tuyến nói.

Theo ông Tuyến, việc thủ tục thành lập doanh nghiệp rất đơn giản, khi cơ quan chức năng phát hiện có vi phạm, tiến hành xác minh trụ sở, địa bàn của doanh nghiệp thì lại không có. Trong khi đó, người đại diện theo pháp luật lại là người được các đối tượng thuê, nhiều trường hợp người đại diện còn bị mất hành vi dân sự. 

Do đó, ông Tuyến cho biết việc kiểm tra, xử lý đối tượng chủ mưu, cầm đầu gặp nhiều khó khăn, thậm chí không thể xử lý hình sự các đối tượng này.

Trong thời gian tới, ông Tuyến cho biết TP.HCM sẽ thực hiện nghiêm túc những quy định pháp luật, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo 389 về đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Khởi tố vụ đồ điện tử hiệu Asanzo nhập Khởi tố vụ đồ điện tử hiệu Asanzo nhập 'nguyên con' từ Trung Quốc

TTO - Liên quan đến vụ nhập hàng điện tử gia dụng nhãn hiệu Asanzo và linh kiện tivi, máy lạnh từ Trung Quốc cung cấp cho Tập đoàn điện tử Asanzo lắp ráp có diễn biến mới, khi cơ quan điều tra khởi tố Công ty Sa Huỳnh để điều tra hành vi buôn lậu.

NGỌC HIỂN - NGUYỄN TRÍ - NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên