31/01/2023 09:33 GMT+7

Trẻ bị dị vật đường thở tăng

Chỉ trong 2 ngày mùng 6 và mùng 7 Tết (27, 28-1), Bệnh viện Nhi đồng 2 TP.HCM đã tiếp nhận 3 cháu bé bị hóc dị vật là hạt hướng dương, hạt dưa, hạt điều. Các bác sĩ nhận định số trẻ em bị dị vật đường thở tăng cao trong dịp Tết 2023.

Trẻ bị dị vật đường thở tăng - Ảnh 1.

Các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 đang nội soi cho một cháu bé bị dị vật đường thở - Ảnh: T.Phương

Mới đây, dư luận xôn xao về cháu T.Đ.L. bị tử vong do nghi hóc hạt bí, còn người nhà bệnh nhi tố cáo Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ngãi tắc trách khiến cháu tử vong. Còn tại Bệnh viện Nhi đồng 2, các bác sĩ cũng liên tục tiếp nhận, điều trị cho các cháu bé bị dị vật đường thở.

Dị vật đường thở nhiều ở trẻ dưới 3 tuổi

Ca nội soi gắp dị vật đầu tiên trong tối mùng 7 tháng giêng là một bé gái mới được 27 tháng tuổi, ngụ ở Rạch Giá, Kiên Giang. Theo người nhà cháu bé kể lại, mùng 4 Tết, cháu vừa ăn hạt hướng dương vừa đùa giỡn nên bị ho sặc, đỏ mặt, nôn khan. Tối cùng ngày, bé bắt đầu khò khè, người nhà đưa bé đi khám ở tỉnh được cho thuốc điều trị nhưng không giảm.

Hai ngày sau đó bé bắt đầu sốt, còn khò khè và thở mệt nên ba mẹ đưa bé lên Bệnh viện Nhi đồng 2.

Tại đây, các bác sĩ nghi ngờ bé bị sặc hạt hướng dương và tiến hành nội soi đường thở.

Trong lúc nội soi, các bác sĩ phát hiện phần thịt của hạt hướng dương nằm trong đường thở của bé. Vì đã nằm trong đường thở mấy ngày nên hạt hướng dương dễ vỡ, các bác sĩ đã phải gắp từng miếng nhỏ ra cho bệnh nhi. Hiện sức khỏe của bệnh nhi đã ổn định trở lại.

Với trường hợp này, dị vật đã lọt xuống đường thở ở phổi bên phải, nếu để lâu hơn nữa, không được gắp ra, dị vật sẽ gây viêm phổi nặng, nhiễm trùng... Còn ca nội soi gắp dị vật ngay sau trường hợp này là một bé trai 2 tuổi rưỡi, bị hóc dị vật là hạt điều, gây viêm xẹp phổi.

Trước đó một ngày, các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 2 cũng đã phải nội soi gắp hạt dưa nằm trong khí quản cho một bé trai 3 tuổi. Bé trai này đã cho một nắm hạt dưa vào miệng. Sau đó, bé cũng ói ra nhưng vẫn thở khò khè. Người nhà đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng 2 khám, đã được các bác sĩ nội soi đường thở để gắp dị vật ra.

Đã cảnh báo, ca dị vật đường thở vẫn tăng

Bác sĩ CK1 Đoàn Thị Thanh Hồng, khoa hô hấp 1 Bệnh viện Nhi đồng 2, cho biết dù đã được cảnh báo nhiều lần trên các phương tiện truyền thông đại chúng về việc cần lưu ý để trẻ vui chơi Tết an toàn, tránh bị hóc dị vật trong dịp Tết nhưng mỗi lần đến Tết Nguyên đán, khoa hô hấp 1 lại tiếp nhận nhiều trẻ bị dị vật đường thở, sau đó đã được bác sĩ nội soi hô hấp để lấy dị vật.

Dị vật đường thở là một tình huống cấp cứu thường gặp ở trẻ em, đặc biệt là ở trẻ nhỏ, có thể đe dọa đến tính mạng của trẻ do dị vật làm tắc nghẽn đường thở dẫn đến thiếu oxy.

Theo bác sĩ Thanh Hồng, dù bận rộn, ba mẹ không nên lơ là, thiếu cảnh giác mà luôn phải để mắt đến trẻ, không cho trẻ nhỏ tự ý ăn các loại hạt như hạt bí, hạt hướng dương, hạt đậu phộng.... Bên cạnh đó, các bậc cha mẹ cũng cần có những kiến thức để biết cách xử trí nếu trẻ bị hóc dị vật.

Hóc dị vật thường xảy ra đột ngột, trong khi trước đó trẻ hoàn toàn khỏe mạnh, sinh hoạt bình thường. Khi trẻ bị hóc dị vật sẽ có những cơn ho sặc sụa dữ dội, khó thở, tím tái. Một số trẻ kèm theo hoảng loạn, kích động. Trẻ lớn hơn, có thể ôm cổ và ra dấu hiệu đang bị nghẹn ở cổ.

Nếu dị vật gây tắc nghẽn hoàn toàn đường thở, trẻ sẽ có biểu hiện suy hô hấp, tím tái, ngưng tim. Trẻ bị dị vật đường thở có những biến chứng cấp tính như trẻ khó thở, nếu không kịp thời xử trí sẽ dẫn đến ngạt thở.

Còn khi dị vật có thể bị bỏ quên (qua giai đoạn ho sặc sụa ban đầu, trẻ sẽ cảm thấy thoải mái và giảm kích thích hơn do dị vật đã đi xuống dưới, nếu trẻ không được chứng kiến bởi người lớn trước đó thì sẽ bị bỏ qua) sẽ dẫn đến trẻ ho kéo dài, viêm phổi tái diễn...

Phòng ngừa dị vật đường thở ra sao?

Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo người chăm sóc trẻ không nên cho trẻ dưới 4 tuổi ăn những thức ăn cứng hoặc tròn như: kẹo, đậu phộng, nho, các loại hạt… Trẻ nên được ngồi thẳng khi ăn, và phải được giám sát bởi người lớn.

Trẻ nên được hướng dẫn cách nhai kỹ thức ăn và tránh la hét, nói cười, chạy nhảy hay khóc khi ăn. Để xa tầm tay trẻ những vật dụng hay những mảnh đồ chơi nhỏ. Khi trẻ có biểu hiện hóc dị vật, sau khi thực hiện các bước cấp cứu tại nhà, phụ huynh nên đưa trẻ đến bệnh viện ngay, để được xử trí kịp thời.

Trẻ bị dị vật đường thở tăng - Ảnh 4.

Các mảnh hạt hướng dương được lấy ra từ một trẻ bị dị vật đường thở - Ảnh: BSCC

Cần nhớ "vỗ lưng - ấn ngực" và thủ thuật Heimlich

Về chuyên môn, dị vật đường thở xuất hiện trong ba giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên là sự tác động của dị vật dẫn đến ho cấp tính, nghẹt thở, thở khò khè, suy hô hấp, tím tái.

Sau đó, bệnh nhân thường tiến triển sang giai đoạn thứ hai không có triệu chứng, do dị vật khu trú một vị trí cố định trong cây khí phế quản và giảm phản xạ ho theo thời gian.

Giai đoạn thứ ba liên quan đến các biến chứng thứ phát. Nếu dị vật đột ngột rời nơi khu trú thì có thể tiếp tục gây tắc nghẽn đường thở, nguy hiểm đến tính mạng.

Còn nếu nó nằm im một chỗ lâu ngày, nó sẽ gây nhiễm trùng như viêm phổi tái phát, ho dai dẳng, thở khò khè một bên hoặc các triệu chứng bắt chước bệnh hen suyễn. Sự chậm trễ hơn nữa trong chẩn đoán có thể dẫn đến giãn phế quản và tổn thương vĩnh viễn nhu mô phổi.

Theo các chuyên gia hồi sức cấp cứu, hiện nay chỉ có "vỗ lưng - ấn ngực" là phương pháp duy nhất, sớm nhất ở ngoài cộng đồng để cứu sống trẻ bị dị vật đường thở. Không cần bất cứ phương tiện hỗ trợ nào cả, chỉ cần dùng bàn tay của người sơ cứu là cứu sống được nạn nhân. Ở bệnh viện người ta dùng phương pháp nội soi phế quản để gắp dị vật ra ngoài.

Phương pháp "vỗ lưng - ấn ngực" chỉ dành cho trẻ dưới 2 tuổi

Khi phát hiện trẻ nhỏ bị hóc dị vật, ho sặc sụa, người sơ cứu nhanh chóng sơ cứu ngay, nếu để trẻ ngừng thở quá sáu phút, não không được cung cấp đủ oxy sẽ bị tổn thương vĩnh viễn:

1. Đặt trẻ nằm sấp, đầu thấp trên cánh tay trái, giữ chặt đầu và cổ trước bằng bàn tay trái. Dùng gót bàn tay phải (khu vực cùi bàn tay chứ không phải ngón tay) vỗ 5 cái thật mạnh vào lưng trẻ ở khoảng giữa hai bả vai.

2. Lật ngửa trẻ sang tay phải, nếu còn khó thở, tím tái, dùng hai ngón tay trái ấn mạnh ở vùng 1/2 dưới xương ức, ngang núm vú, ấn 5 cái.

3. Nếu dị vật vẫn chưa rơi ra ngoài, hãy lật người trẻ lại tiếp tục vỗ lưng. Luân phiên vỗ lưng và ấn ngực cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc được.

Đối với người lớn và trẻ lớn

Dùng thủ thuật Heimlich. Có hai trường hợp:

1. Nếu trẻ còn tỉnh: Đứng sau lưng trẻ, vòng hai tay ôm lấy thắt lưng trẻ. Nắm chặt bàn tay làm thành một quả đấm đặt ở vùng thượng vị, ngay dưới chóp xương ức, phía trên rốn. Ấn 5 cái dứt khoát theo hướng từ trước ra sau và từ dưới lên trên, mạnh và nhanh. Có thể lặp lại 6-10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở hoặc trẻ khóc la được.

2. Nếu trẻ hôn mê: Đặt trẻ nằm ngửa, quỳ xuống dạng hai chân cạnh đùi nạn nhân. Đặt gót lòng bàn tay lên vùng bụng, dưới mỏm xương ức, đặt tiếp bàn tay thứ hai chồng lên bàn tay thứ nhất, rồi ấn 5 cái dứt khoát, mạnh và nhanh vào bụng theo hướng từ dưới lên trên.

Có thể lặp lại 6-10 lần ấn bụng cho tới khi dị vật rơi khỏi đường thở.

Nếu nạn nhân ngưng thở, phải thổi ngạt hai cái chậm trước và xen kẽ thổi ngạt khi làm thủ thuật Heimlich hay vỗ lưng ấn ngực cho tới khi bệnh nhân thở lại hoặc la khóc được.

Sau khi lấy được dị vật, hoặc nạn nhân la khóc được, vẫn phải đưa nạn nhân đến cơ sở y tế để kiểm tra sức khỏe.

Bà con chú ý, nếu nạn nhân vẫn còn có thể ho, thở được hay la, khóc được thì không cần phải làm gì, chỉ cần đưa bé vào ngay bệnh viện. Đừng cố gắng móc vật lạ ra vì có nhiều khả năng dị vật rơi vào sâu hơn trong đường thở.

Bác sĩ Nguyễn Thành Úc

“Dị vật đường thở” – tai nạn thường gặp ở trẻ“Dị vật đường thở” - tai nạn thường gặp ở trẻ

Khi ăn, trẻ thường ngậm trong miệng, hay đùa nghịch, khóc làm sặc thức ăn rơi vào đường thở.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên