17/11/2020 16:14 GMT+7

Trẻ em bị bỏ rơi, không rõ cha mẹ cũng có quốc tịch Việt Nam

HỒNG QUÂN
HỒNG QUÂN

TTO - Ngày 17-11, Bộ Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) phối hợp với Ban thư ký ASEAN và Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người tị nạn (UNHCR) ra mắt báo cáo khu vực về thúc đẩy hòa nhập bền vững của cộng đồng ASEAN, đặc biệt vấn đề phi quốc tịch.

Trẻ em bị bỏ rơi, không rõ cha mẹ cũng có quốc tịch Việt Nam - Ảnh 1.

Lễ ra mắt Báo cáo khu vực về thúc đẩy địa vị pháp lý cho phụ nữ và trẻ em trong ASEAN - Ảnh: HỒNG QUÂN

Báo cáo khu vực về thúc đẩy hòa nhập bền vững của cộng đồng ASEAN tập trung vào việc đảm bảo địa vị pháp lý của phụ nữ và trẻ em trong ASEAN.

Báo cáo thể hiện cam kết mạnh mẽ của các quốc gia thành viên ASEAN trong việc xây dựng Cộng đồng ASEAN, lấy con người làm trung tâm, phát triển bền vững thông qua việc tăng cường đăng ký hộ tịch và giấy tờ chứng minh cá nhân.

Từ đó, ngăn chặn tình trạng không quốc tịch và thực hiện quyền có quốc tịch cho phụ nữ và trẻ em trong ASEAN thông qua việc thực thi luật pháp quốc gia.

Nhiều chuyên gia nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đăng ký khai sinh và cấp quyền công dân, vì chỉ khi hai yếu tố này được đảm bảo thì một người mới có được địa vị pháp lý rõ ràng. Đặc biệt khi nhiều nước trên thế giới chưa tham gia công ước 1954 về vị thế của người không quốc tịch, 1961 về giảm tình trạng người không quốc tịch.

Tại lễ ra mắt báo cáo, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh việc đảm bảo mỗi phụ nữ, trẻ em sẽ được hưởng đầy đủ các quyền như đã được quy định trong Công ước về quyền trẻ em và Công ước CEDAW, vì một Cộng đồng ASEAN không bỏ ai lại phía sau.

Bà Hà cho rằng kết quả nghiên cứu này sẽ là cơ sở quan trọng để các quốc gia thành viên, các cơ quan liên quan của ASEAN cùng UNHCR và các đối tác phát triển xem xét các cơ hội, thách thức liên quan, thực hiện những khuyến nghị về các biện pháp đảm bảo quyền và địa vị của phụ nữ và trẻ em.

Tại một số nước, nhiều người vẫn không có giấy khai sinh. Tập trung vào nhóm người lao động di cư xin tị nạn, nhóm người ở vùng sâu vùng xa còn thiếu hiểu biết về đăng ký khai sinh, trẻ em theo bố mẹ di dân…

Để hạn chế việc không quốc tịch, cần triển khai nhóm đăng ký khai sinh di động đến những nơi khó khăn (Việt Nam, Philippines...); số hóa dân cư ở Singapore...

Ông Nguyễn Công Khanh - vụ trưởng Vụ hộ tịch, quốc tịch và chứng thực, Bộ Tư pháp - cho biết Việt Nam có những quy định đơn giản để mọi người dân đều có quốc tịch, giải quyết số lượng người trước đây do chiến tranh, thiên tai... di cư đến. Luật quốc tịch (2014) với nhiều điểm mới đảm bảo quyền đăng ký khai sinh, xác định quốc tịch cho trẻ em.

"Hiện nay trẻ em bị bỏ rơi, tìm thấy trên lãnh thổ Việt Nam không rõ cha mẹ là có quốc tịch Việt Nam ngay, thủ tục đơn giản" - ông Khanh khẳng định.

HỒNG QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên