09/09/2011 04:31 GMT+7

Trộm dây điện hoành hành

N.ẨN - M.TRƯỜNG - Y.TRINH
N.ẨN - M.TRƯỜNG - Y.TRINH

TT - Mỗi năm TP.HCM thiệt hại khoảng 30 tỉ đồng vì nạn trộm dây điện đèn chiếu sáng công cộng. Có nhiều tuyến đường trộm viếng lần thứ ba, ngành giao thông thiếu kinh phí tái lập nên đèn đường tắt ngúm và người dân... lãnh đủ!

Tỉnh lộ 15 (đoạn từ cầu Bến Nẩy đến làng nghề Củ Chi), xã Phú Hòa Đông; đường số 19, xã Tân Thông Hội; đường Vũ Duy Chí (huyện Củ Chi) là những tuyến đường đã bị mất dây điện đèn chiếu sáng trên ba lần.

Liên tục mất trộm

Hiện nay, mật độ trộm dây điện đang tăng cao dần từ khu vực trung tâm TP ra đến các quận ven và các huyện. Theo Khu Quản lý giao thông đô thị (QLGTĐT) số 1, trong bảy tháng đầu năm nay trên địa bàn Q.Tân Phú xảy ra 29 vụ trộm làm mất 1.528m dây điện chiếu sáng công cộng, gây thiệt hại gần 300 triệu đồng; Q.Bình Tân xảy ra 215 vụ trộm làm mất 15.572m dây điện, gây thiệt hại hơn 3 tỉ đồng. Khu QLGTĐT số 4 cho biết ở Q.8 có 76 vụ trộm dây điện trên 42 tuyến đường, Q.7 có 11 vụ trộm trên 9 tuyến đường, Cần Giờ 6 vụ trộm trên 5 tuyến đường và cao nhất là huyện Bình Chánh với 133 vụ trộm trên 41 tuyến đường.

Địa bàn do Khu QLGTĐT số 3 quản lý (gồm các quận, huyện: Gò Vấp, 12, Hóc Môn, Củ Chi) bị trộm dây điện nhiều nhất. Ông Võ Khánh Hưng - phó giám đốc Khu QLGTĐT số 3 - cho biết trong bảy tháng đầu năm nay đã xảy ra 382 vụ trộm dây điện gây mất điện hơn 2.422 bộ đèn. Trong đó, nhiều tuyến đường đã khôi phục nhiều lần nhưng tiếp tục bị trộm. Không chỉ có khu dân cư, trên tuyến đường cao tốc cũng bị trộm dây điện chiếu sáng...

Theo ông Kinh Thuận Hợp - cán bộ Khu QLGTĐT số 4, trộm lấy dây điện chiếu sáng để tuốt ra lấy lõi đồng bán với giá khoảng 110.000 đồng/kg (1kg đồng tương đương 3m dây điện). Trong khi đó, để phục hồi 1m dây điện phải tốn khoảng 200.000 đồng và mất rất nhiều thời gian làm thủ tục, xin kinh phí...

Đường tối: thêm tai nạn, cướp giật

Để mất dây điện hơn 3 lần, địa phương phải chịu kinh phí khắc phục

Theo chỉ đạo của Sở Giao thông vận tải TP.HCM, các khu quản lý giao thông đô thị đã yêu cầu các địa phương bị mất trộm dây điện lần thứ ba phải tổ chức lực lượng bảo vệ dây điện chiếu sáng. Nếu tiếp tục để xảy ra nạn mất trộm dây điện, các địa phương phải chịu kinh phí khắc phục.

Chuyện này xảy ra ở nhiều con đường bị mất trộm dây điện khiến đường tối như: đường số 11, Tam Bình, Kha Vạn Cân, B Trưng Trắc... (Q.Thủ Đức), Đất Mới (Q.Bình Tân), đường số 26 (Q.6), Dương Công Khi (huyện Hóc Môn), đại lộ Nguyễn Văn Linh (đoạn qua cầu Cần Giuộc, huyện Bình Chánh), xa lộ Hà Nội (đoạn qua Metro, Q.2), quốc lộ 13 (đoạn từ cầu Ông Dầu đến cầu Đúc Nhỏ, Q.Thủ Đức)...

Thời gian qua, báo Tuổi Trẻ liên tục nhận được phản ảnh của người dân về việc đèn chiếu sáng trên đường Nguyễn Ảnh Thủ (Hóc Môn) không hoạt động khiến tai nạn giao thông, cướp giật xảy ra liên tục. Anh N.D.T., ngụ tại đường Nguyễn Ảnh Thủ, P.Tân Chánh Hiệp, kể: “Đoạn đường từ Trường tiểu học Nguyễn Hữu Cầu kéo dài hơn 500m không có đèn đường, ban đêm tôi buôn bán ở đây chứng kiến không biết bao nhiêu vụ tai nạn giao thông. Nhiều người chở rau đi bỏ mối lúc 2-3 giờ khuya qua đây đã bị trấn lột do đường tối”.

Đêm 2 và 3-9, tại ngã ba đường Đình Phong Phú, P.Tăng Nhơn Phú B, Q.9 xảy ra hai vụ tai nạn giao thông làm hai người chết, hai người bị thương mà nguyên nhân ban đầu được xác định là do đường tối, hạn chế tầm nhìn của người điều khiển xe. Đèn chiếu sáng trên con đường thường xuyên ngập nước là đường Bến Phú Định, P.16, Q.8 cũng bị tắt ngúm hơn một tháng nay khiến xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông... Trong đó nhiều vụ nạn nhân bị bất tỉnh, phải đi cấp cứu.

Chị Nguyễn Thị Chung, nhà ở đường Lê Văn Sỹ, P.11, Q.Phú Nhuận, phản ảnh đèn chiếu sáng trên đường Lê Văn Sỹ bị tắt hơn một tuần nay khiến cướp giật hoành hành. “Khoảng 22g ngày 6-9, tôi đứng chờ người nhà mở cửa để vào nhà thì bất ngờ hai thanh niên chạy xe đến giật phăng chiếc túi xách tôi đang mang bên mình” - chị Chung kể. Người dân hai bên đường Lê Văn Sỹ cho biết từ ngày đèn đường bị tắt thì cách vài đêm là họ nghe tiếng kêu “cướp, cướp” thất thanh của người đi đường.

Giải pháp nào?

Theo các khu QLGTĐT, do hệ thống đèn chiếu sáng được lắp đặt trên địa bàn rất rộng nên đơn vị quản lý không thể bố trí đủ lực lượng tuần tra, bảo vệ để ngăn nạn trộm dây điện. Lãnh đạo các khu này cho rằng tổ dân phố, xóm ấp và chính quyền các địa phương phải có trách nhiệm bảo vệ hệ thống đèn chiếu sáng.

Thời gian qua, các khu QLGTĐT cũng đã áp dụng nhiều giải pháp kỹ thuật để chống trộm dây điện. Cụ thể, Khu QLGTĐT số 3 đã lắp cáp thép neo tại các trụ đèn chiếu sáng để trộm khó lấy dây điện. Thế nhưng, trong số 8.540 vị trí được lắp đặt cáp thép neo vẫn xảy ra 45 vụ trộm dây điện, làm tắt 240 bộ đèn. Ngoài giải pháp này, Khu QLGTĐT số 3 còn sử dụng dây điện có lõi bằng thép (thay cho dây có lõi bằng đồng) tại tám tuyến đường. Giải pháp này bước đầu đã có kết quả khi chỉ xảy ra hai vụ trộm dây điện và cả hai vụ này kẻ trộm đều “chê” lõi thép nên bỏ dây điện lại tại hiện trường! Trong tháng 9, Khu QLGTĐT số 3 tiếp tục thí điểm lắp đặt dây điện có lõi nhôm trên một số tuyến đường khác... Tuy nhiên, theo lãnh đạo các khu QLGTĐT, việc lắp đặt dây điện có lõi bằng thép, nhôm có thể chống trộm nhưng chất lượng truyền tải điện không cao bằng dây điện có lõi đồng. Cũng theo các vị này, chỉ có 1-2% số vụ trộm dây điện bị bắt quả tang và đưa ra tòa xét xử với mức phạt tù 1-3 năm đối với người phạm tội nên không đủ sức răn đe.

N.ẨN - M.TRƯỜNG - Y.TRINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên