24/10/2017 09:42 GMT+7

Trung Quốc bị tố ép trẻ em xài kích thích để lấy thành tích

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Trung Quốc được cho đã tiêm doping cho 10.000 vận động viên (VĐV) nước này trnah tài cấp quốc tế trong những năm 1980 và 1990. Đây là chương trình bắt buộc, ai chống đối sẽ bị bỏ tù.

Trung Quốc bị tố ép trẻ em xài kích thích để lấy thành tích - Ảnh 1.

Các nữ VĐV thể dục dụng cụ Trung Quốc nhận huy chương tại Olympic 2008 ở Bắc Kinh (Trung Quốc) - Ảnh: AFP

Tiêm doping - hay nói đơn giản là mánh khóe đưa chất kích thích vào cơ thể các VĐV - luôn là vấn đề được nhắc đi nhắc lại mỗi lần các thế vận hội Olympic diễn ra.

Ngay đầu tháng 8 vừa qua, Nga lần đầu tiên đã công khai xin lỗi vì xì-căng-đan dùng doping để "cướp mất của VĐV các nước khác những huy chương vàng và bạc tại các giải quốc tế đã qua".

Tiêm doping từ cuối thế kỷ 20

Vấn đề này lại tiếp tục làm dư luận dậy sóng khi một cựu bác sĩ Trung Quốc mới đây tiết lộ một bí mật động trời liên quan tới chiêu trò của người láng giềng của Nga là Trung Quốc.

Trong một cuộc phỏng với Đài phát thanh ARD của Đức phát ngày 22-10, bà Xue Yin Xian (Tiết Ấm Nhàn) - một bác sĩ từng tham gia trong vấn đề chăm sóc sức khỏe cho các VĐV cấp quốc gia Trung Quốc tham gia Olympic - tiết lộ rằng hơn 10.000 VĐV Trung Quốc đã tham gia vào một chương trình tiêm doping mang tính hệ thống ở tất cả các môn dự thi.

Theo bà, mỗi một huy chương mà Trung Quốc thắng được trong các cuộc thi lớn vào những năm 1980 và 1990 đều có liên quan tới việc dùng chất kích thích.

Nữ bác sĩ 79 tuổi, hiện tị nạn chính trị tại Đức, khẳng định các VĐV dù mới 11 tuổi cũng bị bắt buộc phải tham gia chương trình này. Việc tiêm doping được thực hiện rộng rãi ở tất cả các môn thể thao, gồm bóng đá, bóng chuyền, các môn điền kinh… Những ai chống đối tham gia chương trình này sẽ phải ngồi tù.

Các huy chương vàng, bạc, đồng mà Trung Quốc giành được đều bị nhiễm độc doping. Phải có hơn 10.000 người tham gia vào chương trình bảo trợ này. Người ta tin rằng chỉ bằng cách sử dụng doping, các VĐV mới được xem là đang bảo vệ quốc gia mình. Do đó, tất cả huy chương quốc tế mà Trung Quốc thắng được vào thời điểm đó nên bị thu hồi"

Nữ bác sĩ Trung Quốc Xue Yin Xian

Trung Quốc bị tố ép trẻ em xài kích thích để lấy thành tích - Ảnh 3.

Bác sĩ Xue Yin Xian, người từng phụ trách tuyển quốc gia Trung Quốc dự Olympic - Ảnh: ARD

Ngay sau khi thông tin trên được đài ARD công bố, Cơ quan phòng chống doping thế giới (WADA) đã vào cuộc. Theo hãng tin AP, trong một tuyên bố đưa ra ngày 23-10, WADA cho biết "đội điều tra và tình báo độc lập của WADA (I&I) sẽ bắt đầu quá trình điều tra để thu thập và phân tích thông tin với sự hợp tác của các đối tác bên ngoài" về nghi vấn Trung Quốc tiêm doping cho các VĐV vào những năm 1980 và 1990.

Tuy nhiên, những người hiểu việc còn chỉ trích WADA đã cố tình ém nhẹm vụ việc vì bà bác sĩ Xue từng đưa ra tố cáo tương tự trong một bài phỏng vấn trên báo Sydney Morning Herald của Úc hồi năm 2012, tức 5 năm về trước.

Có lẽ những phát ngôn của bác sĩ Xue không được đánh giá cao do lẽ bà là một người sống tị nạn ở nước ngoài và việc chứng minh bằng những bằng chứng cụ thể về vụ việc mang tính hệ thống lớn như trên không hề dễ dàng.

Thách thức đặt ra là WADA chỉ được thành lập vào tháng 11-1999 như một cơ quan quốc tế có nhiệm vụ phòng chống doping trong thể thao. Còn Bộ quy tắc phòng chống doping lại có hiệu lực từ năm 2003, tức trước thời điểm bà Xue đề cập.

Doping, thành tích và lòng yêu nước

Bà Xue đã tham gia công tác chăm sóc sức khỏe cho một số đội tuyển quốc gia của Trung Quốc từ những năm 1970.

Tuy nhiên, đến năm 1988, bà đã bị sa thải sau khi từ chối thực hiện chương trình doping cho lứa VĐV tuổi thiếu niên tại Olympic cùng năm ở Seoul (Hàn Quốc). Sau đó, bà bị luân chuyển làm việc cho các cuộc thi mang tầm cỡ thấp hơn.

Năm 2012, bà Xue cùng con trai đã bỏ trốn khỏi Trung Quốc sau khi lên tiếng phản đối việc tiêm doping cho các VĐV.

"Ai chống lại việc dùng doping thì tức gây thiệt hại cho quốc gia, và bất cứ ai gây thiệt hại cho quốc gia thì sẽ phải ngồi tù" - bà Xue nói với ARD. "Họ đã cảnh báo tôi nói về các vụ dùng doping. Họ muốn tôi im lặng và cả hai mẹ con tôi đều đã mất việc làm".

Trung Quốc bị tố ép trẻ em xài kích thích để lấy thành tích - Ảnh 5.

Các VĐV điền kinh Trung Quốc tập luyện tại Tây Tạng năm 2000 dưới sự giám sát của HLV Ma Junren. HLV họ Mã là người gây nhiều nghi ngờ trong làng điền kinh thế giới về chuyện cho VĐV xài doping và đạt được thành tích cao ngất ngưỡng - Ảnh: REUTERS

Nữ bác sĩ cho biết lần đầu tiên bà nhận thức được sự nguy hiểm của vấn đề là khi một huấn luyện viên đến bày tỏ lo ngại với bà về các thay đổi thể chất bên trong cơ thể của các VĐV nam độ tuổi 13-14.

"Các đội thể thao trẻ tuổi đều phải dùng doping. Trẻ nhất là các VĐV 11 tuổi. Nếu bạn từ chối tiêm doping, bạn phải rời đội" - bà Xue cho biết.

Theo bà Xue, doping có thể khiến các VĐV mắc nguy cơ ung thư gan hoặc ung thư não trong vòng 20 năm sau đó do các tác dụng phụ. Các nữ VĐV nếu dùng doping còn có khả năng bị vô sinh và mọc râu như nam giới.

Tại Olympic 1988 ở Seoul, đoàn thể thao Trung Quốc giành được chỉ 5 huy chương vàng, tức bằng 1/3 số huy chương vàng vào năm 1984. Trung Quốc ngay sau đó xem đây là một thất bại nhục nhã và bắt đầu đổ lỗi cho nhiều ngôi sao thể thao vào thời điểm đó.

Hiện các phóng viên đài ARD đã cố gắng liên lạc với Ủy ban Olympic của Trung Quốc và Bộ Thể thao nước này để hỏi về vấn đề trên. Tuy nhiên, họ chưa nhận được hồi đáp.

Đầu năm nay, kết quả điều tra của Ủy ban Olympic quốc tế cho thấy có ba VĐV đẩy tạ của Trung Quốc dương tính với kiểm tra doping. Điều này đồng nghĩa với việc họ phải đối mặt với việc trả lại các huy chương đã giành được tại Olympic 2008 ở Bắc Kinh.

Trung Quốc là một trong 9 quốc gia (trong đó có Nga) đã bị cấm tham gia phần thi đẩy tạ trong vòng một năm sau kết quả điều tra này.

Trong khi đó, đoàn thể thao Nga hiện bị cấm tham dự các giải thế giới do có tới hơn 1.000 vận động viên dính doping trong giai đoạn 2011-2015.

Theo Ủy ban Olympic châu Âu, doping là việc sử dụng những loại chất kích thích và những phương pháp nhằm làm tăng thành tích thể thao, nhưng lại làm tổn hại đến tinh thần thể thao chân chính cùng sự lành mạnh về thể chất, tâm lý và đạo đức của VĐV.

Các loại chất này đều có tác dụng đẩy nhanh tốc độ tuần hoàn máu, tăng cường lượng máu chảy về tim, nhờ đó làm tăng thể lực cùng sự tập trung cho các VĐV, giúp họ đạt thành tích cao hơn khả năng thực sự của bản thân.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên