05/12/2020 10:48 GMT+7

Trung Quốc đăng ảnh bêu xấu lính Úc: Phát hiện nhiều tài khoản giả

BÌNH AN
BÌNH AN

TTO - Công ty an ninh mạng Cyabra của Israel đã phát hiện 'bằng chứng về một chiến dịch đưa thông tin sai lệch được dàn dựng ở quy mô lớn' nhằm lan truyền rộng rãi bài đăng của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc.

Trung Quốc đăng ảnh bêu xấu lính Úc: Phát hiện nhiều tài khoản giả - Ảnh 1.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên - Ảnh chụp màn hình

Hãng tin Reuters ngày 5-12 đưa tin một công ty an ninh mạng Israel và các chuyên gia Úc đã phát hiện bài đăng trên Twitter gây tranh cãi của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã được lan truyền rộng rãi khắp mạng xã hội bởi các tài khoản "bất thường".

Cụ thể, công ty Cyabra của Israel cho biết có khả năng cao một chiến dịch được dàn dựng đã tham gia lan rộng bài đăng của ông Triệu Lập Kiên.

Công ty an ninh mạng này đã phát hiện 57,5% tài khoản tương tác với bài đăng trên Twitter của ông Triệu Lập Kiên là giả. Họ tuyên bố đã phát hiện "bằng chứng về một chiến dịch đưa thông tin sai lệch được dàn dựng ở quy mô lớn" nhằm khuếch đại thông điệp của bài đăng.

Cyabra không nói ai đứng sau chiến dịch này. Họ đã phân tích 1.344 hồ sơ trên mạng xã hội và nhận thấy nhiều tài khoản được tạo ra vào tháng 11 và được sử dụng chỉ một lần để chia sẻ bài đăng của ông Triệu Lập Kiên.

Phản hồi trước thông tin trên, Bắc Kinh nói tuyên bố của công ty Cyabra "không có cơ sở". Bộ Ngoại giao Trung Quốc đáp trả: "Tuyên bố này là một ví dụ kinh điển về việc lan truyền thông tin sai. Twitter có các quy định riêng của họ giúp quản lý các bài đăng".

Chuyên gia Tim Graham đến từ Đại học Công nghệ Queensland (Úc) cũng phân tích 10.000 bình luận dưới bài đăng của ông Triệu Lập Kiên. Ông nhận thấy các tài khoản bắt nguồn ở Trung Quốc hoạt động tích cực nhất và có 8% câu trả lời là của các tài khoản được tạo ra trong ngày hoặc trong 24 giờ trước.

"Lúc không đăng bài về trẻ em Afghanistan, họ sẽ đăng bài về vấn đề Hong Kong" - ông Graham nói.

Bà Ariel Bogle, một nhà nghiên cứu tại Viện chính sách chiến lược Úc, nói rằng bà cũng nhận thấy "hành vi bất thường" của các tài khoản Twitter bày tỏ yêu thích hoặc chia sẻ bài đăng của ông Triệu Lập Kiên. Bà nói rằng có nhiều tài khoản được tạo ra vào ngày 30-11 và 1-12. Ngày ông Triệu Lập Kiên đăng bài viết trên là 30-11.

Bài đăng của ông Triệu Lập Kiên có chứa bức ảnh cho thấy binh sĩ Úc kề dao vào cổ một em bé Afghanistan đang ôm con cừu. Úc nói đây là ảnh giả và yêu cầu Trung Quốc xin lỗi, nhưng Trung Quốc từ chối xin lỗi. Theo Hãng tin Reuters, bài đăng này đã khiến Úc nổi giận.

Liên minh châu Âu chỉ trích Trung Quốc

Theo báo Guardian, Liên minh châu Âu (EU) đã lên án Trung Quốc vì bài đăng "vô trách nhiệm, vô cảm" liên quan quân đội Úc. Họ cũng lấy làm tiếc về tình trạng ngày càng xấu đi trong quan hệ Trung - Úc.

Úc đã yêu cầu Twitter xóa bài đăng của ông Triệu Lập Kiên, nhưng Twitter từ chối. Tính đến sáng 5-12, bài đăng này vẫn còn xuất hiện trên tài khoản của ông Triệu.

Hôm 4-12, nói với Đài ABC, đại sứ quán Trung Quốc ở thủ đô Canberra nói rằng yêu cầu xin lỗi của Thủ tướng Úc Scott Morrison càng gây thêm nhiều sự chú ý tới cuộc điều tra nhắm vào các hoạt động của binh sĩ Úc ở Afghanistan.

Thủ tướng Úc lên WeChat chỉ trích, WeChat xóa bài Thủ tướng Úc lên WeChat chỉ trích, WeChat xóa bài

TTO - Ứng dụng WeChat của Trung Quốc đã xóa bài viết của Thủ tướng Úc Scott Morrison khi nhà lãnh đạo xứ sở chuột túi chỉ trích vụ người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đăng ảnh giả.

BÌNH AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên