04/01/2024 10:05 GMT+7

Trường thu học phí: Quay mòng mòng với app, ví điện tử

Phụ huynh đã quen đóng học phí qua chuyển khoản, trường bất ngờ dừng và yêu cầu xài app. Chưa được bao lâu lại kêu chuyển khoản qua ngân hàng mới, mỗi học sinh có mã riêng...

Sinh viên trường ĐH thực hiện đóng học phí trực tuyến năm học 2023-2024 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Sinh viên trường ĐH thực hiện đóng học phí trực tuyến năm học 2023-2024 - Ảnh: NHƯ HÙNG

Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM vừa có văn bản chấn chỉnh việc thu học phí không dùng tiền mặt ở các trường. Nhiều phụ huynh được giải tỏa bức xúc khi đọc tin này, bởi thực tế việc thu học phí không tiền mặt đang ít nhiều rối rắm.

Hy vọng sau văn bản này, cơ quan quản lý sẽ sâu sát việc thu phí không tiền mặt và sẽ có giải pháp chấn chỉnh để việc thu học phí ngày càng đơn giản hơn, tiết kiệm hơn cho cả nhà trường và phụ huynh.

Khi con đầu của tôi còn nhỏ, việc đóng học phí cho con bằng tiền mặt (theo giờ hành chính, tại bộ phận tài vụ của trường) luôn là việc khá bất tiện. Công việc của vợ chồng tôi không tiện để ghé qua trường trong giờ làm việc. Những phụ huynh như tôi phải nhờ người khác đóng tiền giùm, có khi nhờ cô chủ nhiệm hoặc con lớn một chút sẽ tự đóng.

Khi nhà trường bắt đầu thông báo về việc thu phí không tiền mặt qua các ví điện tử hoặc chuyển khoản ngân hàng cho nhà trường..., việc đóng học phí gọn nhẹ hơn với nhiều phụ huynh. Tôi cảm ơn vì sự thuận tiện này.

Càng về sau, các hình thức thu học phí càng đa dạng, nhiều trường có 2-3 kênh thu không tiền mặt. Và cũng từ đó, quá nhiều đơn vị tham gia làm dịch vụ thu học phí không tiền mặt.

Ví điện tử, ứng dụng phần mềm (app) các kiểu, rồi nhiều ngân hàng vào cuộc với các kiểu nhận học phí (không thu phí và có thu phí)... Phụ huynh bắt đầu thấy bị phiền khi bị buộc phải thay đổi cách đóng tiền theo yêu cầu của nhà trường.

Trong đợt dịch COVID-19, nhiều trường thu học phí bằng cách nhận chuyển khoản vào tài khoản của trường. Hầu hết phụ huynh đã quen và hài lòng với cách thu học phí duy nhất này. Nhưng sau dịch, có quá nhiều kiểu dịch vụ thu học phí không tiền mặt. Một nhóm bạn bè 4-5 người ngồi với nhau có thể kể ra cả chục kiểu thu học phí ở những trường phổ thông mà con họ đang học.

Khi đa số phụ huynh tôi đã quen kiểu chuyển khoản ngân hàng vào tài khoản nhà trường, không hiểu sao nhà trường thông báo không thu qua tài khoản ngân hàng, yêu cầu phụ huynh cài app và đóng tiền qua app đó. Phụ huynh xôn xao, người bức xúc khi bị trừ 4.500 đồng mỗi lần đóng tiền, người bối rối không biết sử dụng, đến cả hai tháng sau mọi chuyện vẫn còn trục trặc.

Tôi thật sự khó chịu khi app buộc tôi khai quá nhiều thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng trong lần đầu tiên làm quen với app. Rồi trên app hiện ra đúng loại, đúng màu cái thẻ ngân hàng có tài khoản của mình thì tôi nghĩ thông tin của phụ huynh và con họ đều phải lộ.

Năm học mới, sau hai lần thu học phí qua app, trường đề nghị chuyển khoản qua ngân hàng đã chọn, mỗi học sinh có mã riêng. Tôi có hai con, hai cách nộp học phí khác nhau. Hỏi thăm bạn bè, ai cũng lắc đầu ngao ngán vì đã đổi quá nhiều cách đóng học phí không tiền mặt.

Tôi hiểu việc tăng cường thu học phí không tiền mặt là xu hướng tương lai, tiện lợi và tiết kiệm thời gian, công sức cho phụ huynh và nhà trường. Nhưng nay có thể thấy có cả lợi ích và sự cạnh tranh của các bên đang làm dịch vụ thu học phí nữa. Và mức phí phụ huynh chi thêm cho việc này cũng cao thấp khác nhau tùy sự chọn lựa dịch vụ nào của các trường.

Nên chọn cách tiết kiệm và ổn định nhất

Để có sự tiện lợi, ngồi bất cứ đâu cũng có thể đóng tiền cho con, hầu hết phụ huynh vui vẻ với vài ngàn đồng phí dịch vụ vì họ thấy hợp lý. Tôi cũng thấy yêu cầu tăng cường việc thu học phí không tiền mặt, đa dạng hình thức để phụ huynh chọn cái nào tiện hơn… là đúng. Nhưng khi đi vào thực tế lại thấy rõ sự bất ổn định của các kiểu thu học phí hiện nay. Chính các trường (có lẽ) cũng thấy chưa ổn nên ít lâu sau lại đổi cách thu học phí và mỗi lần như vậy phụ huynh lại thấy khó chịu.

Đa dạng dịch vụ không xấu, nhưng càng nhiều lại càng thấy rối. Tôi mong các trường chọn cách thu không tiền mặt đơn giản, tiết kiệm và ổn định nhất. Vì sao mỗi năm học thu một kiểu, thậm chí đầu năm thu cách này giữa năm phải chuyển sang cách khác? Và nếu có thể, các trường nên ưu tiên chọn cách thu tiết kiệm nhất cho phụ huynh.

Thu học phí không dùng tiền mặt: Trường nào làm sai sẽ bị xử lýThu học phí không dùng tiền mặt: Trường nào làm sai sẽ bị xử lý

Đó là khẳng định của ông Lê Hoài Nam, phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, trước phản ảnh của phụ huynh về việc thu học phí không dùng tiền mặt.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên