11/03/2019 10:35 GMT+7

Tự chủ bệnh viện có khiến chi phí 'đè' người bệnh?

L.THANH - L.ANH
L.THANH - L.ANH

TTO - Liên doanh, liên kết với khu vực tư, việc đẩy giá trị của nhiều máy móc, thiết bị khi vào bệnh viện lên gấp đôi, đồng nghĩa với việc chi phí trả cho máy sẽ kéo dài thời gian hơn, 'đè' người bệnh.

Tự chủ bệnh viện có khiến chi phí đè người bệnh? - Ảnh 1.

Người dân làm thủ tục để khám bệnh tại khoa khám bệnh theo yêu cầu - Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội, một trong những bệnh viện đã sớm thực hiện tự chủ tài chính - Ảnh: NAM TRẦN

Bộ Y tế đánh giá điểm được nhất khi thực hiện tự chủ tài chính là tạo sự cạnh tranh giữa các cơ sở y tế. Thế nhưng vẫn còn thiếu nhiều chính sách để "quản" tự chủ, đặc biệt người bệnh sẽ "thiệt đơn thiệt kép", bởi khi liên doanh liên kết, giá thiết bị, máy móc bị đẩy cao lên so với thực tế.

Đến nay, đã có 25/42 bệnh viện tuyến trung ương thực hiện tự chủ hoàn toàn kinh phí chi thường xuyên. Ở tuyến tỉnh, riêng Nghệ An cũng đã có 15 bệnh viện thực hiện tự chủ.

Tự chủ, đàn piano và "dịch vụ có thu"

Trước Ngày thầy thuốc Việt Nam 27-2, các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) nhận được thư của một nữ bệnh nhân ở Việt Yên, Bắc Giang đã điều trị tại bệnh viện này 20 ngày. Trải qua cơn bạo bệnh, nữ bệnh nhân chia sẻ khi được về với gia đình, bà vẫn nhớ từng cử chỉ ân cần, tỉ mỉ, chu đáo của điều dưỡng Vân, bác sĩ Từ...

Đây chỉ là một trong những sự thay đổi của bệnh viện công thời gian qua. Đó cũng là xu thế các bệnh viện đang tự cạnh tranh, tự đổi mới để thu hút người bệnh.

Nói về vấn đề đổi mới trong tự chủ, ông Nguyễn Nam Liên, vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính (Bộ Y tế), cho biết đến nay 100% số đơn vị sự nghiệp y tế trong cả nước đã được phân loại, giao quyền tự chủ.

Thống kê sơ bộ đến cuối năm 2018, cả nước có khoảng 160 đơn vị đã tự đảm bảo chi thường xuyên, chiếm 7,6% tổng số đơn vị sự nghiệp. Có gần 1.400 đơn vị tự chủ được 80 - 90% chi thường xuyên.

Các bệnh viện khi tự chủ đã thực hiện nhiều giải pháp để phát triển chuyên môn kỹ thuật cao như ghép tạng, tán sỏi ngoài cơ thể, phẫu thuật nội soi, tim mạch, chẩn đoán và điều trị ung thư sớm... Ngân sách năm 2018 giảm cấp cho các bệnh viện khoảng 9.000 tỉ đồng/năm so với 3 năm trước.

"Chưa có thống kê đầy đủ tại các bệnh viện của cả nước về cắt giảm biên chế, nhưng tại 23 bệnh viện do Bộ Y tế quản lý, nhờ tự chủ toàn bộ chi thường xuyên nên đã giảm hơn 25.000 người hưởng lương từ ngân sách nhà nước, tương ứng gần 1.250 tỉ đồng" - ông Liên nói.

Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) Phạm Văn Tác chia sẻ, ông nhận thấy các bệnh viện đã có nỗ lực khi thực hiện tự chủ, nếu không nỗ lực thì bệnh nhân không đến. Gần đây, có bệnh viện đưa nghệ sĩ dương cầm và đàn piano đàn cho bệnh nhân nghe, có bệnh viện treo tranh, tạo không gian ấm cúng.

Ngoài ra, do tự chủ mà các thiết bị y tế kỹ thuật cao, mới tại nhiều bệnh viện liên tục được đầu tư, mua sắm nhằm cạnh tranh, thu hút người bệnh.

Tuy nhiên, theo đại diện của Bộ Y tế, hiện nay chưa có cơ chế rõ ràng về việc bệnh viện tự chủ thì được quyền hạn như thế nào. Khi viện phí chưa tính đủ chi phí, phải phân biệt rõ các hoạt động, dịch vụ theo chức năng, nhiệm vụ và dịch vụ y tế được coi là "dịch vụ có thu trong bệnh viện".

Tự chủ bệnh viện có khiến chi phí đè người bệnh? - Ảnh 2.

Việc ứng dụng robot giúp bác sĩ phát huy được khả năng chữa bệnh cho bệnh nhân bằng kỹ thuật tiên tiến - Ảnh: Bệnh viện Nhân dân 115 cung cấp

Gánh nặng "đè" người bệnh, nếu...

Trong khi đó, Bộ Y tế chưa ban hành đầy đủ các quy định chuyên môn, kỹ thuật, quy trình khám chữa bệnh và hướng dẫn điều trị để đảm bảo việc chỉ định điều trị hợp lý, hiệu quả, ngăn ngừa trục lợi quỹ bảo hiểm y tế.

Hiện cũng chưa có hướng dẫn về chất lượng dịch vụ theo tiêu chuẩn chuyên môn và định mức tính giá của Bộ Y tế. Từ đó, đã có lúc bảo hiểm lại đòi "xuất toán" vì cho rằng bệnh viện chi không hợp lý.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Đình Thăng, kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành 3, cho biết qua kiểm toán, việc liên doanh, liên kết với khu vực tư đã đẩy người bệnh "thiệt đơn thiệt kép". Giá trị của nhiều máy móc, thiết bị khi vào bệnh viện được nâng lên gấp đôi. Điều này đồng nghĩa với việc chi phí trả cho máy sẽ kéo dài thời gian hơn, "đè" người bệnh.

Cụ thể, ông Thăng cho biết có trường hợp, theo giá thực thời gian đặt máy chỉ 7 năm, đến năm thứ 8, máy đó thuộc bệnh viện. Thế nhưng cũng cái máy ấy đã được nâng giá lên gấp đôi, nên máy phải được sử dụng 10 - 15 năm. Trong thời gian đó, người bệnh vẫn phải trả tiền.

"Đây là một vấn đề mà Bộ Y tế cần phải giám sát chặt chẽ, có cơ chế để ngăn chặn tình trạng này" - ông Thăng nói.

Để người dân được chăm sóc sức khỏe tốt nhất, ông Lê Đình Thăng cho rằng nên phát triển y tế cơ sở để khám bệnh cho người dân ở các địa phương. Còn ở trung ương, nơi có điều kiện thì phát triển những dịch vụ thuộc phân khúc cao mà tuyến dưới chưa phát triển được.

"Việt Nam có mức chi tiêu y tế xếp vào hàng cao nhất trong khu vực với 6% GDP, trong đó 43% chi cho dược phẩm. Đây là mức chi tiêu bất hợp lý. Do đó, việc hoàn thiện khung pháp lý trong cơ chế tự chủ cho bệnh viện công lập sẽ giúp tiết giảm chi tiêu ngân sách và giảm áp lực cho người khám chữa bệnh", ông Thăng kiến nghị.

Tự chủ bệnh viện có khiến chi phí đè người bệnh? - Ảnh 3.

Một bệnh viện ở TP.HCM thu tiền khám nhanh 100.000 đồng và khám thường là 50.000 đồng. Đa số người bệnh muốn khám trước, nên trả gấp đôi để được khám nhanh. Do lượng người muốn khám nhanh nhiều, khi khám nhanh hóa ra bằng thời gian với khám thường - Ảnh: T.T.D.

"Nợ" hướng dẫn tự chủ tài chính

Sau tự chủ, đổi mới rất rõ ở những bệnh viện có nguồn thu cao, có tiếng ở tuyến trung ương. Trong khi đó, người bệnh "thiệt đơn thiệt kép".

Về giá dịch vụ y tế hiện nay, ông Nguyễn Nam Liên cho biết tới đây sẽ có hướng dẫn mới. Thực tế một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thể có 3 loại giá dịch vụ y tế áp dụng cho 3 đối tượng gồm người tham gia bảo hiểm y tế, không tham gia bảo hiểm y tế, dịch vụ theo yêu cầu.

Trong đó, với giá áp dụng cho đối tượng tham gia bảo hiểm y tế, trong năm 2019 Bộ Y tế sẽ rà soát, sắp xếp lại các dịch vụ kỹ thuật y tế, khảo sát tính toán lại định mức và ban hành mức giá mới, tiền lương theo lương cơ sở 1.490.000 đồng, tính thêm chi phí quản lý theo lộ trình. Dự kiến chính sách này sẽ ban hành và áp dụng vào cuối năm 2019.

Như vậy, giá dịch vụ (áp dụng cho nhóm bệnh nhân bảo hiểm) sẽ tiếp tục tăng, cùng với đó là người bệnh sẽ được nhận chất lượng dịch vụ cao hơn.

Chính sách phải đi kịp với thực tế, dù có tự chủ hay không, đó là điều mà bệnh viện và người bệnh cùng đòi hỏi.

Nhiều chuyên gia y tế cho rằng nghị định 16/2015 của Chính phủ được ban hành đã quá lâu nhưng đến nay Bộ Y tế vẫn còn "nợ" hướng dẫn tự chủ tài chính riêng cho ngành y tế. Từ đó để xảy ra tình trạng bệnh viện (và các nhà đầu tư thiết bị) cứ "chạy" trước, các chính sách quản lý đi sau.

Đó cũng là lý do vô tình đẩy những thiệt thòi, khó khăn, chi phí khám chữa bệnh tăng... về phía người bệnh.

Tự chủ bệnh viện có khiến chi phí đè người bệnh? - Ảnh 4.

Đồ họa: N.KH.

TP.HCM: giảm chi ngân sách 1.300 tỉ đồng

Trong báo cáo của Sở Y tế TP.HCM tại các kỳ họp Hội đồng nhân dân thành phố năm 2018, có 42/55 bệnh viện công lập đã được giao tự chủ chi thường xuyên. Nhờ đó ngân sách chi thường xuyên năm 2018 giảm 1.300 tỉ đồng so với năm 2016.

Năm 2018, Sở Y tế đã triển khai 4 đề án xã hội hóa theo nghị quyết số 93 của Chính phủ. Cụ thể đề án hợp tác công - tư giữa Bệnh viện Nhân dân 115 với Công ty TNHH Bệnh viện quốc tế Hoa Lâm; Bệnh viện Ung bướu và Bệnh viện đa khoa tư nhân Hồng Đức; Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện đa khoa Hồng Đức... (Hoàng Lộc)

Ông PHẠM VĂN TÁC (vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế):

Không để đau đầu mà chụp chiếu ở chân

15 bệnh viện của tỉnh Nghệ An thực hiện tự chủ, ngân sách không phải chi lương cho gần 4.300 cán bộ. Thế nhưng, ở vùng sâu, xa, vùng khó khăn thì tự chủ cần dè dặt, không thực hiện tự chủ theo kiểu đồng nhất đâu cũng như nhau, mà nên uyển chuyển để phù hợp với điều kiện từng nơi.

Về lo ngại có lạm dụng thiết bị, chỉ định khi thực hiện tự chủ, hiện đã có những quy định chuyên môn và có giám sát của phía bảo hiểm, bệnh nào thì cần xét nghiệm bệnh đó, không để đau đầu mà chụp chiếu ở chân, bụng...

Ông LÊ ĐÌNH THĂNG (kiểm toán trưởng Kiểm toán Nhà nước chuyên ngành 3): Nhà nước vẫn phải trợ cấp

thang

Ông LÊ ĐÌNH THĂNG

Chỉ các bệnh viện công tuyến trên chuyển sang cơ chế tự chủ, còn bệnh viện công ở tuyến dưới, nhất là tuyến huyện thì Nhà nước vẫn phải lo.

Nhiều người hiểu tự chủ là bệnh viện phải tự lo, ngân sách nhà nước sẽ không cấp nữa. Song đây chỉ là một phần thôi. Khi chuyển cơ chế tự chủ không có nghĩa Nhà nước không trợ cấp tiền mà đơn vị sẽ được quyền quyết định chức năng, nhiệm vụ của mình trên cơ sở nguồn lực Nhà nước giao. Bệnh viện được quyền gì, trả lương cho ai, mức lương bao nhiêu…

Bà ĐÀO THỊ THU VĨNH (phó kiểm toán trưởng chuyên ngành 7, Kiểm toán Nhà nước): Dịch vụ y tế phải đảm bảo

thu vinh

Bà ĐÀO THỊ THU VĨNH

Qua kiểm toán giá dịch vụ trong kiểm tra hồ sơ sổ sách kế toán, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện có nhiều loại vật tư y tế không được sử dụng cho người bệnh nhưng vẫn thanh toán từ quỹ bảo hiểm y tế.

Do đó, Kiểm toán Nhà nước đề nghị xuất toán khoản này theo nguyên tắc trong Luật bảo hiểm y tế nêu rõ những gì người bệnh không sử dụng thì không được thanh toán.

Chất lượng dịch vụ y tế phải đảm bảo khi thực hiện cơ chế tự chủ đối với các bệnh viện công. Do đó, cùng với việc ban hành kịp thời các chính sách về tự chủ, cần phải có cơ chế đảm bảo chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh tại các bệnh viện.

Giám đốc một bệnh viện công ở TP.HCM:

Tự chủ… nửa vời

Trước bối cảnh tự chủ ở rất nhiều bệnh viện công hiện nay, tôi cho rằng thực tế nói là tự chủ nhưng lại không cho bệnh viện toàn quyền tự quyết thì chẳng khác nào tự chủ… nửa vời.

Tự chủ tức là cho bệnh viện quyền tự quyết về mọi mặt, trong đó có chi phí điều trị, miễn sao chất lượng điều trị của bệnh viện đó đáp ứng với nhu cầu của người sử dụng dịch vụ.

Xét cho cùng, nếu quản lý tốt việc các bệnh viện tự chủ sẽ mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh. Nhờ đó người bệnh được tiếp cận với các hệ thống máy móc hiện đại, kỹ thuật điều trị tiên tiến mà không cần phải bỏ ra một chi phí quá lớn để đi nước ngoài điều trị.

Bà HOÀNG THỊ DIỄM TUYẾT (giám đốc Bệnh viện Hùng Vương):

Mới chỉ "mở" tự chủ tài chính

hoangthidiemtuye

Bà HOÀNG THỊ DIỄM TUYẾT

Nói là tự chủ bệnh viện nhưng thực chất Chính phủ mới chỉ "mở cửa" về "tự chủ tài chính hoàn toàn". Các mặt khác khá quan trọng về nhân sự, tổ chức… chưa được tự chủ, từ đó kéo theo rất nhiều khó khăn, vướng mắc cho các bệnh viện.

Theo tôi, nếu chỉ cho phép tự chủ hoàn toàn về tài chính để vận hành một bộ máy bệnh viện thì chưa đủ mà cần phải có nhiều tự chủ khác may ra mới "cởi trói" được cho các bệnh viện.

Ví dụ hiện nay hầu như các cơ sở y tế đều tích lũy một khoản quỹ phát triển sự nghiệp. Tuy nhiên để được sử dụng khoản quỹ này buộc phải xin ý kiến sử dụng giống như đó là nguồn ngân sách và quy trình xin sử dụng gặp muôn vàn khó khăn.

Hay như về mặt tuyển dụng, một đơn vị muốn tuyển nhân sự phải trải qua rất nhiều khâu nhưng khi tuyển xong mà sử dụng không hiệu quả, không mang lại năng suất, đơn vị mong muốn đào thải vô cùng nhiêu khê.

So với không tự chủ thì tự chủ giúp bệnh viện đỡ hơn rất nhiều. Tuy nhiên vẫn còn nhiều bất cập cần được tháo gỡ để các bệnh viện bớt khó khăn hơn.

L.THANH - H.LỘC ghi

Vì sao bệnh viện thành con nợ? Vì sao bệnh viện thành con nợ?

TTO - Đã sang tháng 3-2019, nhưng nhiều bệnh viện vẫn chưa được Bảo hiểm xã hội trả nốt khoản tiền đã chi cho khám chữa bệnh của năm 2017, lên tới hàng ngàn tỉ đồng.

L.THANH - L.ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên