26/02/2017 09:27 GMT+7

Từ Cung đàn xưa đến mơ về sô đương đại khác

QUỲNH NGUYỄN
QUỲNH NGUYỄN

TTO - Với 19 ca khúc được thể hiện qua phần hòa âm dày công sức và những giọng ca giàu cảm xúc, nhiều nội lực, live show Cung đàn xưa đã là một “hồi” đáng nhớ trong “kỷ yếu” 35 năm thành lập của Công ty văn hóa Phương Nam.

Ca sĩ Tấn Minh và nhóm 5 Dòng Kẻ mở đầu chương trình bằng ca khúc Đàn chim Việt của nhạc sĩ Văn Cao - Ảnh: Gia Tiến
Ca sĩ Tấn Minh và nhóm 5 Dòng Kẻ mở đầu chương trình bằng ca khúc Đàn chim Việt của nhạc sĩ Văn Cao - Ảnh: Gia Tiến

Trong 35 năm đó, Phương Nam đã khai phá và để lại tiếng tăm trong nhiều lĩnh vực: sản xuất băng đĩa nhạc, làm sô, làm phim, làm sách, kinh doanh các chuỗi bán lẻ…

Vậy nên live show Cung đàn xưa, một trong những hoạt động “đinh” cho đợt kỷ niệm này, vì thế không thể sơ sài hay thiếu đi những gì tinh hoa nhất của Phương Nam.

Ca khúc Ngày mùa của Văn Cao được thể hiện bởi nhóm Mặt Trời Mới - Ảnh: Gia Tiến
Ca khúc Ngày mùa của Văn Cao được thể hiện bởi nhóm Mặt Trời Mới - Ảnh: Gia Tiến

Làng nhạc Việt không thiếu những tác giả và tác phẩm xuất sắc. Nhưng việc đưa được những tuyệt phẩm ấy đến với người nghe không phải là chuyện dễ dàng: tìm kiếm những tác phẩm thất lạc, được sự đồng ý của tác giả, được sự cho phép của đơn vị quản lý, chọn được nhạc sĩ hòa âm và ca sĩ thể hiện mới phù hợp…

Với Cung đàn xưa, người nghe có hai tác giả độc đáo là Văn Cao và Phạm Duy với toàn tuyệt phẩm (trong đó những bài vừa được cấp phép trở lại); có đạo diễn “cứng cựa” nhất showbiz hiện nay là Phạm Hoàng Nam; có bốn nhạc sĩ hòa âm mà nhiều ca sĩ thèm được hợp tác nhất là: Hoài Sa, Võ Thiện Thanh, Đức Trí và Việt Anh; có dàn ca sĩ sáng sân khấu và giàu nội lực: Tuấn Ngọc, Đức Tuấn, Tấn Minh, Hồ Trung Dũng cùng các ca sĩ khách mời Nguyên Thảo, Uyên Linh, 5 Dòng Kẻ, Mặt Trời Mới…

Việc quy tụ và kết hợp được từng đó những người tài không chỉ nhờ “mạnh vì gạo” mà còn phải từ uy tín rất lớn của nhà sản xuất. Và dĩ nhiên, bạn yêu nhạc đã rất háo hức chờ xem những anh tài này tỏa sáng ra sao trên sân khấu của 35 năm chắt chiu gầy dựng.

Trước đêm diễn vào tối 25-2 tại nhà hát Hòa Bình, đạo diễn Phạm Hoàng Nam đã tiết lộ ông sẽ dùng chính những video ghi lại cuộc trò chuyện của hai cố nhạc sĩ để dẫn dắt chương trình, dẫn vào từng tác phẩm. Và ý tưởng này đã hình thành từ khi nhạc sĩ Phạm Duy còn sống.

Đó quả là các đoạn đối thoại quý báu của đôi bạn thân Văn Cao - Phạm Duy, mang đến cho khán giả sự hiểu biết hơn với từng tác phẩm, chia sẻ hơn với nhạc sĩ và cả những tiếng cười vì sự chân thành, dí dỏm của hai “cây đại thụ” đã về với đất mẹ.

Ca sĩ Đức Tuấn với nhạc phẩm Trương Chi của Văn Cao - Ảnh: Gia Tiến
Ca sĩ Đức Tuấn với nhạc phẩm Trương Chi của Văn Cao - Ảnh: Gia Tiến

Nếu như Trương Chi (Văn Cao) được Đức Tuấn thể hiện đầy tâm trạng của một trái tim khát yêu thương, một kẻ lụy tình trong thương cảm thì với Khối tình Trương Chi (Phạm Duy), Tấn Minh chọn cho mình cách kể câu chuyện âm nhạc bằng lối hát đong đưa, ngân luyến nhiều cảm xúc.

Nhạc sĩ Hoài Sa đệm đàn cho Nguyên Thảo trình bày 2 bài hát của Văn Cao là Cung đàn xưa và Thiên thai. Một trong những dấu ấn đẹp của chương trình là các nhạc sĩ hòa âm sẽ tự mình đệm đàn cho ca sĩ thể hiện bản hòa âm của mình. Sắp xếp chính của chương trình là: Hoài Sa - Tuấn Ngọc, Võ Thiện Thanh - Đức Tuấn, Đức Trí - Hồ Trung Dũng và Việt Anh - Tấn Minh - Ảnh: Gia Tiến
Nhạc sĩ Hoài Sa đệm đàn cho Nguyên Thảo trình bày hai bài hát của Văn Cao là Cung đàn xưaThiên thai. Một trong những dấu ấn đẹp của chương trình là các nhạc sĩ hòa âm sẽ tự mình đệm đàn cho ca sĩ thể hiện bản hòa âm của mình. Sắp xếp chính của chương trình là: Hoài Sa - Tuấn Ngọc, Võ Thiện Thanh - Đức Tuấn, Đức Trí - Hồ Trung Dũng và Việt Anh - Tấn Minh - Ảnh: Gia Tiến

Cung đàn xưa, Nguyên Thảo, dù là ca sĩ khách mời, lại rất nổi trội với ba ca khúc “khó trần thân”: Cung đàn xưa - Thiên thai - Tiếng sáo thiên thai. Xuất hiện cùng chiếc áo dài xưa nổi bật, Nguyên Thảo thu hút người nghe bằng những thanh âm rất nhẹ rồi bất chợt lướt vút cao trong giọng hát của mình. Nếu chỉ so với chính cô thì tối 25-2, Nguyên Thảo đã có được những màn trình diễn xuất sắc, thoát được “cái bóng” của những người đi trước và đậm chất Nguyên Thảo nhất trong những lần hát live trên sân khấu lớn của cô.     

Nhóm 5 Dòng Kẻ với nhạc phẩm Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao - Ảnh: Gia Tiến
Nhóm 5 Dòng Kẻ với nhạc phẩm Mùa xuân đầu tiên của Văn Cao - Ảnh: Gia Tiến

5 Dòng Kẻ luôn là một lựa chọn an toàn và cũng luôn thể hiện tốt nhất ca khúc được giao, mà lần này chính là Mùa xuân đầu tiên với bản phối đầy thách thức.

Hai ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy được ca sĩ Hồ Trung Dũng biểu diễn là Tạ ơn đời và Em hiền như Ma Soeur - Ảnh: Gia Tiến
Hai ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy được ca sĩ Hồ Trung Dũng biểu diễn là Tạ ơn đờiEm hiền như ma soeur - Ảnh: Gia Tiến

Nếu như Đức Tuấn đã khẳng định được tên tuổi với nhạc Phạm Duy, Văn Cao thì Hồ Trung Dũng chính là một “ẩn số” của Cung đàn xưa khi anh không phải là giọng ca chuyên trị nhạc trữ tình xưa. Với sự hỗ trợ hết mình từ nhạc sĩ Đức Trí, Hồ Trung Dũng đã hoàn thành tốt Em hiền như ma soeur và Tạ ơn đời. Cũng như Hồ Trung Dũng, Uyên Linh diễn “đạt” cho lần thử nghiệm này của ban tổ chức và của chính cô.

Ca sĩ Tuấn Ngọc với hai ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy: Bao giờ biết tương tư, Mùa thu chết - Ảnh: Gia Tiến
Ca sĩ Tuấn Ngọc với hai ca khúc của nhạc sĩ Phạm Duy: Bao giờ biết tương tư, Mùa thu chết - Ảnh: Gia Tiến

Và dẫu giọng hát không còn ở thời đỉnh cao, Tuấn Ngọc vẫn là ca sĩ truyền được cảm hứng nhiều nhất đến khán giả của đêm nhạc qua Bao giờ biết tương tư và Mùa thu chết. Đặc biệt là với ca khúc Mùa thu chết được cả bốn nhạc sĩ của đêm nhạc: Hoài Sa - Đức Trí - Võ Thiện Thanh - Việt Anh cùng đệm đàn trên sân khấu, tiết mục này của Tuấn Ngọc sẽ mãi là dấu ấn khó phai trên sân khấu nhạc Việt. 

Bốn nam ca sĩ: Hồ Trung Dũng, Tấn Minh, Tuấn Ngọc và Đức Tuấn (từ trái qua)  kết thúc chương trình bằng ca khúc Tình ca của nhạc sĩ Phạm Duy - Ảnh: Gia Tiến
Bốn nam ca sĩ: Hồ Trung Dũng, Tấn Minh, Tuấn Ngọc và Đức Tuấn (từ trái qua) kết thúc chương trình bằng ca khúc Tình ca của nhạc sĩ Phạm Duy - Ảnh: Gia Tiến

Tình ca (Phạm Duy) là một cái kết đẹp cho chương trình với phần hòa giọng đầy đặn của bốn giọng ca: Tuấn Ngọc - Đức Tuấn - Tấn Minh - Hồ Trung Dũng. Đó là cái kết đầy gợi mở khi trên sân khấu của Cung đàn xưa, nơi đã có đầy đủ những câu chuyện xưa và nay, những giọng ca cũ và mới, những bản phối sâu hơn, đậm chất đương đại hơn…   

Và từ những ca khúc, tác giả “tiền đề” của Cung đàn xưa lại sáng lên những ý tưởng cho hàng loạt tác giả cùng giọng ca đẹp của ngày hôm nay, bắt đầu từ chính bốn nhạc sĩ hòa âm, nhà sản xuất âm nhạc tài hoa, đương thời của chương trình.

Các nghệ sĩ tham gia chương trình chào tạm biệt khán giả tại Nhà hát Hòa Bình tối 25-2 - Ảnh: Gia Tiến
Các nghệ sĩ tham gia chương trình chào tạm biệt khán giả tại nhà hát Hòa Bình tối 25-2 - Ảnh: Gia Tiến

Biết là quá khó để làm sô có khán giả, có tiếng lại có lời trong thời buổi hiện tại (dù là một sô nhạc hay). Nhưng tại sao không khi đã có trên 35 năm kinh nghiệm cùng nhiều vốn quý âm nhạc luôn sẵn sàng được “cháy” cùng khán giả mộ điệu?

QUỲNH NGUYỄN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên