Từ kinh tế tri thức tới Kinh tế số: Những ước mơ và ngộ nhận

NHIÊN ANH 24/04/2024 14:46 GMT+7

TTCT - Khoảng 10 năm về trước, thuật ngữ được nhắc đến nhiều nhất trên các phương tiện truyền thông có lẽ là "kinh tế tri thức", nhấn mạnh nền kinh tế phát triển dựa trên nguồn lực chủ yếu là… tri thức, thay vì sức lao động, vốn tư bản hay máy móc.

Tăng trưởng xanh có ở lại lâu dài hay cũng chỉ là một trào lưu nhất thời khi mà những yếu tố tăng trưởng nền tảng hơn còn chưa được bảo đảm? Ảnh: ati.io

Tăng trưởng xanh có ở lại lâu dài hay cũng chỉ là một trào lưu nhất thời khi mà những yếu tố tăng trưởng nền tảng hơn còn chưa được bảo đảm? Ảnh: ati.io

Khái niệm này sau đó được diễn ngôn như là kim chỉ nam cho chiến lược phát triển kinh tế quốc gia, để rồi được ghi nhận bằng những thành tựu về số hóa, doanh số xuất khẩu phần mềm, hay có cả những tuyên bố về một mạng xã hội thuần Việt sẽ thay thế Facebook, một ứng dụng gọi xe có tiếp vĩ ngữ là… Việt.

Những đốm sáng lửa rơm đấy nhanh chóng lụi tàn sau một thập niên và những mỹ từ khác lại kế tục khởi sinh để dẫn dắt nền kinh tế quốc gia: chuyển đổi số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo… 

Động lực phát triển kinh tế quốc gia có vẻ đã được tái định hình liên tục, nhanh chóng, quyết liệt và mang tính tất yếu - phù hợp với chiến lược phát triển của các trào lưu đang dẫn đạo kinh tế thế giới - như thể chúng ta đã nhìn thấy được tương lai và sẽ đi tắt đón đầu.

Vẫn là vấn đề năng suất

Nhưng kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, công nghệ bán dẫn, trí tuệ nhân tạo sẽ không thể là chiến lược để chúng ta thôi bận tâm đến các chỉ số cũ kỹ như năng suất lao động, khả năng đo kiểm, chi phí đầu tư cho R&D của nhà máy… 

Phát triển kinh tế số, hạ tầng Internet phát triển, số thuê bao di động bằng 140% dân số và 80% dân số có tài khoản trên các nền tảng mạng xã hội cũng tốt, nhưng những tuyên bố diệu vợi và những con số đấy có thể gây ảo giác, làm sao nhãng nguồn lực cần thiết cho nền kinh tế thực, cho những gì sẽ thực sự nâng cao chất lượng sống cho người dân.

Giờ chắc ít ai còn nhớ trong thời điểm dịch Covid căng thẳng nhất, ứng dụng để toàn dân, thậm chí cả những quan chức chủ chốt sử dụng để giữ thông suốt liên lạc là Zalo, một ứng dụng miễn phí và phổ thông. 

Trong khi đấy, sản phẩm được cả hệ thống truyền thông chính thống cổ vũ người dân cài đặt và sử dụng, Bluezone, và cả công ty sáng tạo ra nó, được dẫn dắt bởi một hiệp sĩ công nghệ thông tin, lại trở thành trò cười, cho đến tận bây giờ.

Cơ quan phát ngôn của Bộ Công Thương là báo Công Thương vào giữa năm 2023 đưa tin: Việt Nam giữ vị trí top 6 thế giới về gia công xuất khẩu phần mềm, thông tin đáng phấn khởi hơn rất nhiều so với Báo cáo Chỉ số dịch vụ toàn cầu năm 2021 của hãng tư vấn AT Kearney, vốn xếp hạng Việt Nam ở vị trí thứ 6 sau các điểm đến Ấn Độ, Trung Quốc, Brazil, Malaysia và Indonesia với lợi thế cạnh tranh chủ yếu là... chi phí nhân công giá rẻ, thấp hơn 20-30% so với các quốc gia Đông Âu hay Nam Mỹ.

Chúng ta vẫn còn tự hào với hình ảnh các kỹ sư IT Việt Nam làm việc độc lập xuyên đêm với các khách hàng, đối tác châu Âu, châu Mỹ…, chứ không hiểu thêm rằng phần nhiều công việc đấy là viết code - công đoạn thấp nhất trong một dự án phần mềm, và kiểm thử - testing, công việc cũng bình thường về trình độ và đương nhiên đơn giá cũng khó mà cao so với cái mác kỹ sư phần mềm.

Nếu vẫn còn những niềm tự hào khác, chúng ta có thể có một phản ví dụ: Hãy kể tên một phần mềm ERP (hệ thống hoạch định tài nguyên doanh nghiệp) của Việt Nam, được doanh nghiệp FDI thuộc loại vừa và nhỏ sử dụng? 

Những gì đáng kể của doanh nghiệp IT Việt Nam trong lĩnh vực này hầu hết chỉ ở các giải pháp quản lý kế toán hay xuất nhập tồn kho. Còn liên quan sâu để ERP, tức giải pháp tổng thể cho một công ty chế tạo, các doanh nghiệp IT Việt Nam, có tự hào thì mới chỉ ở mức, tôi là công ty triển khai ERP của SAP, Oracle, Epicor…

Ảnh: ssir.org

Ảnh: ssir.org

Từ công nghệ bán dẫn

Nói rằng trình độ năng lực của kỹ sư IT hay công ty phần mềm Việt Nam là vượt trội hay cao hơn một chút so với mặt bằng trong khu vực Đông Nam Á, e cũng là đã lạc quan quá! Đơn giản, chúng ta thấy kỹ sư IT Việt Nam tầm trung đến các nước khác tìm việc chứ ít thấy chiều ngược lại.

Lại đùng một cái, nhiều trường đại học khối kỹ thuật trên toàn quốc đăng quảng cáo tuyển sinh ngành công nghệ bán dẫn, bao gồm cả lập trình, thiết kế, chế tạo, đóng gói, đo kiểm cái sản phẩm kỹ thuật cao đang gây ra thương chiến căng thẳng giữa hai siêu cường thế giới là Mỹ và Trung Quốc. 

Có cả trường mà ngành đào tạo chủ yếu là dược học, điều dưỡng, quản trị kinh doanh vẫn tự tin chiêu sinh ngành mới: công nghệ bán dẫn (như Đại học tư thục Đại Nam ở Hà Nội).

Cũng có cả những câu chuyện cảm động về tinh thần vượt khó của nhân tài Việt Nam trong lĩnh vực này: 

"Dù còn khó khăn, thiếu thốn về máy móc, trang bị thực hành nhưng các nhà nghiên cứu, sinh viên của Đại học Quốc gia Hà Nội vẫn say mê tìm tòi, nghiên cứu và gặt hái được những thành công trong thiết kế vi mạch bán dẫn. 20h tối thứ sáu, phòng làm việc của nhóm nghiên cứu Hệ thống tích hợp thông minh (SISLAB), Viện công nghệ thông tin, Đại học Quốc gia Hà Nội vẫn sáng đèn... [Những nhà nghiên cứu] đang thảo luận sôi nổi về quy trình thiết kế vi mạch bán dẫn sử dụng công cụ thiết kế mã nguồn mở trong khi chờ đợi chiếc máy tính đã có tuổi đời cả chục năm "khởi động"" (trang chủ của Đại học Quốc gia Hà Nội: vnu.edu.vn).

Riêng như chuyện ở Việt Nam đang có bao nhiêu kỹ sư làm việc ở lĩnh vực liên quan đến vi mạch, con số khoảng 4.550 người được đưa tin cả ở những trang chính thống, lại bắt nguồn từ Facebook "Cộng đồng vi mạch Việt Nam", tức là kể cả khi đấy là chiến lược phát triển của quốc gia thì dường như nó vẫn mang tính tự phát, nhất thời, dựa vào những sự kiện quốc tế xảy ra trong ngắn hạn.

Ảnh: Axios

Ảnh: Axios

Tới kinh tế xanh

Câu chuyện tương tự từng xảy ra với năng lượng tái tạo mà hàng trăm dự án đầu tư điện mặt trời cách đây mới mấy năm ở Nam Trung Bộ đang sống dở chết dở, để đến bây giờ, giữa mùa nóng gay gắt, đích thân người đứng đầu Chính phủ phải chạy đôn chạy đáo đốc thúc tiến độ thi công của một nhà máy nhiệt điện đang trễ tiến độ!

Việc chạy theo những mốt "kinh tế hiện đại" thời thượng không chỉ là vấn đề đơn lẻ của từng dự án, từng trào lưu, từng giai đoạn mà quan trọng hơn, những cú tăng giảm tốc đột ngột như vậy thực sự gây tổn hại to lớn cho nguồn lực quốc gia vốn quý giá, ít ỏi và phải khó khăn lắm mới gầy dựng được như bây giờ.

Những vòng lặp tiêu cực đấy có nguy cơ lặp lại trong tương lai không xa, với những thuật ngữ mới mẻ khác, như kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế trí tuệ nhân tạo, những thứ mà muốn làm được phải có rất nhiều tiền đầu tư để doanh nghiệp thay thế máy móc thiết bị, lắp đặt hệ thống, thuê công ty tư vấn…, những điều mà 99% doanh nghiệp quốc nội chưa đủ sức để làm vào lúc này.

Nếu cân nhắc chi phí lợi ích, không doanh nghiệp nào muốn đặt lên nghị trình giao ban mấy mỹ từ này. Còn làm, là buộc phải làm, do đấy là yêu cầu của khách hàng, chẳng hạn như nếu không có báo cáo cải thiện chỉ số khí thải, sẽ bị khách hàng đánh điểm liệt trong xếp hạng nhà cung cấp. 

Xét về dài hạn, khi đạo đức biến thành nghĩa vụ do phát thải net zero là cam kết của Chính phủ và cả thế giới thì doanh nghiệp sẽ buộc phải bỏ ra chi phí và nguồn lực.

Chi phí có thể có bởi dẫu sao cũng là việc nên làm, sớm hay muộn hoặc từ sự hỗ trợ của Chính phủ hoặc do doanh nghiệp tự xoay xở. Nhưng ở đây còn nhiều vấn đề khác ngoài tiền. 

Một sự thật là các chương trình net zero của doanh nghiệp nội địa hầu hết đang được/bị kiểm soát và hướng dẫn bởi một bộ phận chuyên môn của các tổ chức thiết lập tiêu chuẩn đâu đó bên Âu bên Mỹ. 

Đa số doanh nghiệp Việt Nam chỉ làm mỗi việc là thu thập thông tin tiêu thụ năng lượng của công ty mình, điền các form mẫu có sẵn và chờ họ kiểm tra, cho ra kết quả. Việc chuẩn bị cho công cuộc xanh hóa, tuần hoàn hóa của hệ thống sản xuất ở Việt Nam vừa bị động vừa thiếu thực tế. 

Số công ty Việt Nam có được chứng chỉ ISO 14067 về kiểm soát khí nhà kính cho đến giờ chỉ đếm trên đầu ngón tay và rơi vào những công ty sản xuất các sản phẩm buộc phải có để có thể xuất hàng đi châu Âu (như ngành thép ống).

Nếu mọi thứ vẫn cứ diễn ra theo kiểu đùng một cái như thế này thì chúng ta vẫn khó hy vọng sẽ phát triển nhanh và bền vững!■

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận