09/08/2023 08:56 GMT+7

Tuổi mới của ASEAN: kỳ vọng và thách thức

Dù đã ở tuổi ngoại ngũ tuần nhưng với ASEAN đó mới chỉ là sự bắt đầu. Nhiều dự định vẫn đang trong quá trình hiện thực hóa, cùng với đó là những thách thức đến từ trong và ngoài khối.

Lễ thượng cờ ASEAN tại trụ sở Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 8-8 - Ảnh: DANH KHANG

Lễ thượng cờ ASEAN tại trụ sở Bộ Ngoại giao Việt Nam ngày 8-8 - Ảnh: DANH KHANG

Sáng 8-8, gần như đồng loạt ở thủ đô các nước ASEAN đã diễn ra lễ thượng cờ kỷ niệm 56 năm ngày thành lập khối. Một buổi lễ đặc biệt với sự tham dự của Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã diễn ra tại Jakarta, nơi đặt trụ sở Ban thư ký ASEAN.

ASEAN - khối kinh tế lớn thứ 5 thế giới

Đoàn người gồm Tổng thống Widodo, ngoại trưởng Indonesia cùng các đại sứ, đại diện thành viên ASEAN và các nước đối tác đã cùng lên chuyến tàu điện ngầm hướng thẳng về nhà ga mang tên ASEAN vào lúc 8h30. Đó là một hình ảnh vừa thường nhật vừa mang tính biểu tượng về tinh thần đoàn kết và cùng hướng về phía trước của ASEAN suốt nửa thế kỷ qua.

Tại Việt Nam, lễ thượng cờ diễn ra trang trọng tại trụ sở Bộ Ngoại giao dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn. "Dù 56 năm là khoảng thời gian dài với cuộc đời con người, đó chỉ là sự bắt đầu với khu vực. Với lợi thế về vị trí địa chiến lược, nguồn nhân lực trẻ, dồi dào và mong muốn hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện, ASEAN còn nhiều tiềm năng để phát triển", ông Bùi Thanh Sơn chia sẻ trong buổi lễ.

Theo ông Sơn, sau hơn nửa thế kỷ hình thành và phát triển, ASEAN ngày nay đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới. 10 nước thành viên đang hướng tới mục tiêu xây dựng Cộng đồng ASEAN dựa trên ba trụ cột: Cộng đồng kinh tế, Cộng đồng chính trị - an ninh và Cộng đồng văn hóa - xã hội.

Với hơn 660 triệu dân, tổng GDP hơn 3,3 ngàn tỉ USD và ở vị trí trung tâm nối Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, ASEAN trở thành lựa chọn tự nhiên của nhiều quốc gia lớn, là cứ điểm sản xuất của thế giới. Khối đã ký các hiệp định thương mại tự do (FTA) với Úc, Trung Quốc, Ấn Độ, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc và đang củng cố nền tảng cho một FTA với Mỹ, nền kinh tế số 1 thế giới.

ASEAN hoặc phần lớn các nước thành viên đã tham gia các sáng kiến thúc đẩy kinh tế, thương mại khu vực như Diễn đàn kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), hay Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

"Thành công của Việt Nam trên bước đường hội nhập đổi mới có hình bóng của ASEAN và ngược lại, trong thành công của ASEAN có sự góp mặt của Việt Nam. Bên cạnh đó, quan hệ giữa Việt Nam với các thành viên khác trong gia đình ASEAN cũng là những 'viên gạch' xây dựng nên mái nhà chung Cộng đồng ASEAN lớn mạnh, bền vững ngày nay", Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn nói.

Thật vậy, trong số 15 FTA mà Việt Nam đã tham gia và có hiệu lực (tính đến tháng 7-2023), có đến quá nửa "có hình bóng ASEAN", ví như Khu vực mậu dịch tự do ASEAN, FTA giữa ASEAN với Trung Quốc, Ấn Độ hay RCEP. Những điều này cho thấy quyết định gia nhập ASEAN của Việt Nam cách đây 28 năm là đúng đắn, không chỉ đánh dấu tiến trình hòa nhập khu vực mà còn mở cánh cửa vươn ra ngoài Đông Nam Á.

Còn nhiều thách thức

Trong không khí chào đón tuổi mới, vẫn còn những lo ngại về chặng đường sắp tới của khu vực. Tổng thống Widodo, trong một diễn đàn về ASEAN khai mạc ngày 7-8, đã chỉ ra thực tế các cuộc xung đột và thiệt hại kinh tế ngày càng tăng trong thập niên qua. Trong bối cảnh đó, ông hy vọng ASEAN có thể trở thành mỏ neo cho hòa bình, giữ được vai trò trung tâm trong các vấn đề quốc tế.

Trong bài phát biểu khác tại phiên khai mạc Đại hội đồng Liên nghị viện ASEAN thứ 44 (AIPA-44), ông Widodo kêu gọi tăng cường hơn nữa kết nối giữa các nền kinh tế thành viên và đặt lợi ích của người dân lên trên hết.

Dù thời gian qua có nhiều ý kiến cho rằng ASEAN ngày càng mất đi vai trò vì một số vấn đề đang xảy ra tại khu vực, song nếu nhìn lại chặng đường hơn nửa thế kỷ qua, giới học giả đều nhìn nhận thành tựu nổi bật nhất của khối chính là duy trì hòa bình và an ninh khu vực. 

Ra đời khi Chiến tranh lạnh đang ở cao trào, ASEAN đã linh hoạt thích ứng và ngày càng mở rộng về số lượng thành viên lẫn đối tác. Dù vẫn còn một vài bất ổn, song các xung đột đã lùi xa và giai đoạn là đối tác thay cho đối đầu đã trở thành xu hướng chủ đạo ở khu vực.

Nói như thế không có nghĩa thách thức không còn. Phát biểu của các ngoại trưởng ASEAN, dù khác nhau về câu chữ nhưng đều có điểm chung là cảnh báo về sự cạnh tranh nước lớn ngày càng gay gắt. Tuy thế, sự cạnh tranh đó có hai mặt, như lời một nhà ngoại giao ASEAN, là thách thức nhưng cũng là cơ hội nếu ASEAN biết "dĩ bất biến ứng vạn biến".

Từ phát biểu của Timor-Leste

Là nước sắp trở thành thành viên thứ 11 của ASEAN, nhân kỷ niệm thành lập khối, giữa tuần trước Timor-Leste cũng đã chia sẻ thông điệp của họ nhưng mang tính cảnh báo nhiều hơn chúc mừng. Thủ tướng Xanana Gusmão nói Timor-Leste sẽ nghĩ lại chuyện gia nhập ASEAN nếu khối không thể giải quyết được vấn đề Myanmar.

Tuyên bố hẳn nhiên gây phản ứng vì Timor-Leste chủ động xin gia nhập ASEAN. Song nhìn ở khía cạnh khác, đó là lời nhắc nhở ASEAN về những nỗ lực chung để giữ được vai trò trung tâm cũng như uy tín và hình ảnh của khối.

Thượng cờ kỷ niệm ASEAN bước sang tuổi 56Thượng cờ kỷ niệm ASEAN bước sang tuổi 56

Lá cờ ASEAN là biểu tượng cho niềm tự hào, là chứng nhân của những dấu mốc của ASEAN, mang theo khát vọng của hàng trăm triệu người dân Đông Nam Á về một cộng đồng hòa bình, thịnh vượng, đùm bọc và chia sẻ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên