16/03/2022 10:08 GMT+7

Tuyển lao động, mãi vẫn chưa đủ!

B.MAI - Đ.THIỆN - N.HIỂN
B.MAI - Đ.THIỆN - N.HIỂN

TTO - Không chỉ các doanh nghiệp sản xuất, nhiều doanh nghiệp dịch vụ, bán lẻ, công nghệ... đang có nhu cầu tuyển dụng rất lớn để đáp ứng nhu cầu khôi phục và mở rộng hoạt động trong bối cảnh "bình thường mới".

Tuyển lao động, mãi vẫn chưa đủ! - Ảnh 1.

Ngoài lương, các công ty chú ý hơn chế độ ưu đãi để thu hút lao động. Trong ảnh: thông báo tuyển dụng của một công ty may mặc ở Khu chế xuất Tân Thuận (TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG

Sau Tết Nguyên đán, người lao động từ các tỉnh đổ về các TP lớn, các trung tâm công nghiệp khá đông sau một thời gian dài về quê tránh dịch. Tuy nhiên, cũng từ sau Tết, lượng người mắc COVID-19 (F0) cũng tăng chóng mặt. 

Dù số ca chuyển nặng không nhiều nhưng các F0 buộc phải tự cách ly khiến nhiều doanh nghiệp (DN) lâm cảnh khốn đốn vì thiếu người làm.

Đóng cửa hàng vì thiếu người

Chị Tường Vi - công nhân một công ty may ở TP.HCM - cho biết từ sau Tết đến nay trong công ty thường xuyên xuất hiện F0 nên công việc cũng bị ảnh hưởng, tiến độ sản xuất cũng giảm. Một dây chuyền có 13 người gồm thợ phụ lẫn chính nhưng có lúc có đến 8 người là F0 phải nghỉ làm. Có những thời điểm thiếu người nên dây chuyền không chạy được, phải đóng bớt.

Theo chị Vi, sau Tết nhiều đồng nghiệp đã nghỉ việc, ở lại quê thay vì lên TP làm việc. Dù có nhiều lý do, song chị Vi cho hay lý do chính là nhiều người vẫn còn "ám ảnh" thời điểm dịch căng thẳng, lại phập phồng lo những ngày đau ốm không có người thân chăm nom. 

"Một số người ở miền Bắc, miền Tây sau khi làm ở đây một thời gian cảm thấy không ăn thua, công ty không có những phúc lợi như mong muốn, rồi dịch nữa, nên họ muốn về quê làm để được gần nhà. Bây giờ nhiều nơi tuyển công nhân lắm, đi đâu cũng thấy treo bảng tuyển đầy đường", chị Vi nói.

Bà Nguyễn Thị Cẩm Tiên - giám đốc marketing của Công ty TNHH sản xuất và in ấn Hoàng Phát (quận 12) - cũng lo lắng vì thời gian qua đã nỗ lực tuyển thêm thợ để sản xuất túi vải bố, túi canvas nhưng đến nay vẫn thiếu người trầm trọng. 

"Đơn hàng tăng, có khách đặt may phải giao gấp, giá không thành vấn đề. Nhưng bên mình phải từ chối vì không đủ người làm. Xưởng tăng ca tới 8h tối cả nửa tháng nay rồi", bà Cẩm Tiên cho hay.

Còn đối với ngành dịch vụ, giám đốc một DN ẩm thực tại TP.HCM cho hay thời điểm này có quá nhiều nhân viên mắc COVID-19 nên ảnh hưởng đến hoạt động của DN. 

Có cửa hàng thiếu nhiều nhân viên do nhiễm bệnh đến mức không thể hoạt động, phải đóng cửa tạm thời, sau đó phải điều nhân viên từ những nơi khác đến, cho người lao động tăng ca để bù đắp lượng nhân viên đang cách ly.

Ông Lê Hoài Nam - phó tổng giám đốc vận hành Công ty QSR Việt Nam - cho biết hơn 130 nhà hàng, quán ăn của DN này hiện gặp khó vì chỉ 50% nhân sự trên tổng số hơn 3.500 nhân viên quay lại sau Tết, do nhiều người là sinh viên chưa trở lại TP. 

Hơn nữa, thời gian qua nhiều nhân viên là F0, thậm chí có nhà hàng 29 nhân viên nhưng chỉ có 3 nhân viên đi làm, dẫn đến một số nhà hàng tại Hà Nội phải tạm thời đóng cửa hoặc không bán buổi trưa. Dù vẫn điều phối nhân viên, tăng bán giao đi, giảm bán phục vụ tại chỗ nhưng ông Nam cho hay hiện vẫn gặp khó khăn về nhân sự.

Trong khi đó, nhiều công ty bán lẻ cũng đang thiếu hụt nhân sự nghiêm trọng kể từ sau Tết. 

Tại hệ thống bán lẻ sản phẩm công nghệ 24hStore, nhân sự phát sinh thiếu hụt do nhiều nhân viên nghỉ việc về quê tránh dịch hoặc phải cách ly do F0. Từ đó buộc hệ thống phải tuyển mới hầu hết các bộ phận từ bán hàng, marketing, chăm sóc khách hàng đến tài chính kế toán. 

Bà Ánh Hồng - giám đốc marketing hệ thống 24hStore - cho hay mức độ tuyển dụng trong thời điểm này tại 24hStore tăng từ 40-50% so với khoảng thời gian trước dịch nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Tuyển lao động, mãi vẫn chưa đủ! - Ảnh 2.

Một cửa hàng trên đường Lê Văn Duyệt, quận Bình Thạnh treo bảng tuyển nhân viên - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Tăng tuyển dụng vẫn không đủ

Đánh giá về thị trường lao động hiện nay, bà Trần Đỗ Uyên Thi - giám đốc Công ty TNHH nhân lực cao cấp P.H.R Việt Nam - cho biết thời gian này nhiều công ty rơi vào tình trạng thiếu hụt nhân sự. Trong đó có tình trạng gặp trục trặc trong quá trình phỏng vấn vì cả người tuyển dụng và ứng viên đều bị nhiễm COVID-19. 

Tuy nhiên, đối với những nhân sự đang làm việc thì việc nhiễm COVID-19 hay cách trở về địa lý hiện không còn là quan ngại quá lớn đối với một số công ty có đặc thù công việc có thể cho nhân sự làm từ xa.

"Trong hơn hai năm hứng chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh, doanh thu và cả lợi nhuận của nhiều DN bị sa sút, phải giảm bớt nhân sự mới cầm cự lại được. Bây giờ nền kinh tế dần hồi phục, các công ty cũng muốn tuyển thêm người vào làm nhưng quỹ lương không còn dồi dào như trước nữa, cơ chế tuyển dụng cũng có một số thay đổi", bà Thi nói. 

Theo bà Thi, các công ty thực sự đang rất cần người có mong muốn cống hiến và chấp nhận một mức lương vừa phải để cùng nhau san sẻ trong giai đoạn khó khăn này. 

Tuy nhiên, lao động nghĩ rằng họ có năng lực cao, muốn cải thiện đời sống kinh tế hơn nữa nên mong đợi mức lương cao như kỳ vọng. Do đó, bà Thi cho hay thị trường lao động có nhiều thay đổi so với trước, khó tuyển dụng hơn.

Còn bà Ánh Hồng nhận định việc thiếu nhân sự đang là tình hình chung của rất nhiều DN, không chỉ riêng bán lẻ. Bên cạnh đó, nhiều công ty hiện nay có xu hướng tìm kiếm những ứng viên trình độ cao, chuyên môn tốt để có thể thích ứng linh hoạt với những thay đổi liên tục của công việc do dịch bệnh. 

Điều đó càng khiến thị trường việc làm và tuyển dụng trong thời gian tới được dự báo sẽ là cuộc cạnh tranh mạnh mẽ giữa các ứng viên cũng như các headhunter (bộ phận, công ty "săn đầu người"). 

Đơn cử, hệ thống bán lẻ sản phẩm công nghệ Di Động Việt sẽ mở thêm 7 - 15 cửa hàng trong thời gian tới nên dù đang duy trì tuyển dụng nhưng vẫn thiếu ứng viên. Theo hệ thống này, lượng hồ sơ nhận được khá nhiều nhưng chất lượng đáp ứng nhu cầu vị trí tuyển dụng còn thấp. 

Ông Nguyễn Ngọc Đạt - tổng giám đốc Di Động Việt - cho hay DN này đang phải "căng mắt" tìm kiếm một lượng lớn nhân lực chất lượng để đáp ứng mục tiêu mở rộng hệ thống mà DN đề ra.

Nhân sự ngành công nghệ: đã "khát" càng thêm khát

Nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ hoặc có sử dụng nhân lực về công nghệ cho biết "khát" nhân sự gần như quanh năm vẫn khó tuyển dụng.

Nguyên nhân là do những vị trí đặc thù khó tìm được người phù hợp với mô hình công ty, nhân sự không đáp ứng được yêu cầu hoặc nếu đáp ứng thì đòi lương quá cao; nhân sự nhảy việc liên tục, ảnh hưởng của dịch bệnh...

QD_DienThoaiDiDong_DiDongViet_2 1(Read-Only)

Nhiều doanh nghiệp đang "khát" nhân viên bán hàng - Ảnh: Q.ĐỊNH

Chia sẻ với Tuổi Trẻ, ông Trần Viết Quân - nhà sáng lập ứng dụng chuyển đổi số Tanca - cho biết: "Đối với lĩnh vực phát triển phần mềm, khát nhân sự thường xảy ra ở bộ phận bán hàng và sản phẩm".

Cụ thể, theo ông Quân, bộ phận phát triển sản phẩm do việc thiếu hụt nhân sự của cả thị trường nên các vị trí lập trình cao cấp đều rất khó tuyển người hoặc chi phí tuyển dụng vị trí này đang rất cao.

"Các vị trí lập trình về công nghệ mới như AI, Bigdata... đều cực kỳ khó tuyển đối với start-up. Chúng tôi đành phải tuyển các ứng viên có năng lực thấp hơn để đào tạo về lâu dài, tuy nhiên nguồn ứng viên chất lượng cũng không nhiều.

Thị trường này cũng đang thiếu hụt do nhu cầu tuyển dụng của các công ty công nghệ lĩnh vực này còn rất lớn và khách hàng đang có nhu cầu cho các dịch vụ chuyển đổi số", ông Quân cho biết.

ĐỨC THIỆN

Giải pháp trước mắt: tăng giờ làm

Các chuyên gia về lao động cho rằng việc tăng giờ làm thêm giúp doanh nghiệp ứng phó với tình trạng thiếu nhân lực trong ngắn hạn, nhưng nếu áp dụng trong thời gian dài có thể sẽ ảnh hưởng đến năng suất, sức khỏe người lao động.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Phạm Minh Huân, nguyên thứ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội, cho rằng giải pháp tốt nhất hiện nay là khống chế dịch để F0 nhanh chóng khỏi bệnh đi làm trở lại và kiểm soát F1 đi làm tại doanh nghiệp (DN), cơ quan. 

Ông Huân cho rằng việc tăng giờ làm thêm là phù hợp trong bối cảnh hiện nay để sớm phục hồi kinh tế. Quan trọng nhất là DN thỏa thuận với người lao động. "Bao giờ giải pháp này cũng có hai mặt. 

Tăng giờ làm thêm thì thúc đẩy năng suất lao động, DN đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, giải quyết hàng tồn đọng, tăng xuất khẩu, người lao động tăng thu nhập. Về lâu dài, sức khỏe người lao động có thể bị ảnh hưởng. Về mặt khoa học, cần theo dõi chặt chẽ để tính toán, xác định mức nào an toàn, đáp ứng nhu cầu DN và đảm bảo sức khỏe cho người lao động. 

Quan trọng là các cơ quan nghiên cứu y học lao động cần theo dõi sát sao vấn đề tăng cường độ làm việc sẽ ảnh hưởng như thế nào đến sức khỏe, năng suất. Vì không phải tăng nhiều giờ là năng suất sẽ cao, cường độ kéo dài thì năng suất đạt giới hạn và tụt xuống", ông Huân nhận định.

Tuyển lao động, mãi vẫn chưa đủ! - Ảnh 5.

Lao động có tay nghề và chịu tăng ca có thể thu nhập 12 - 15 triệu đồng/tháng - Ảnh: Hiền Văn

Trong khi đó, TS Vũ Minh Tiến - viện trưởng Viện Công nhân và công đoàn - cho hay để giải quyết thiếu lao động hiện nay cần đẩy mạnh kết nối cung cầu qua trung tâm việc làm, thông tin đại chúng, mạng xã hội, người thân hoặc bạn bè của lao động để "thúc đẩy" người lao động đi tìm việc. 

DN cần liên hệ trực tiếp với công đoàn, địa phương nhiều lao động và cam kết chế độ tiền lương, tiền thưởng, làm thêm giờ, bảo đảm việc làm. Bởi nếu chẳng may đứt gãy đơn hàng do dịch bệnh, có hỗ trợ như thế nào vì người lao động như "chim sợ cành cong", họ sợ nhất khi tham gia thị trường lao động là mất việc.

Theo ông Tiến, việc nới trần giờ làm thêm là cần thiết nhưng chỉ nên áp dụng trong năm 2022. Số giờ bình quân trung bình 2 - 2,5 giờ/ngày và từ 52 - 60 giờ/tháng là hợp lý thay vì 72 giờ, để người lao động tái tạo sức lao động, không gây xáo trộn lớn. 

Chuyên gia này lưu ý tăng làm thêm giờ không có nghĩa là dồn công việc 2 - 3 tuần vì lợi ích trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài. Thêm nữa, áp dụng giải pháp này trong năm 2022 thay vì áp dụng lâu dài để xem xét, cân đối lợi ích. 

Ngoài ra, DN cân đối dồn 1 - 2 dây chuyền lại để bù đắp thiếu hụt nhân công, chia sẻ đơn hàng cho các đơn vị vệ tinh. TS Tiến có nhận định khá lạc quan rằng khi tỉ lệ thất nghiệp lớn, nhiều người sẵn sàng đi làm ngay, một bộ phận sinh viên sắp ra trường hứa hẹn sẽ giải quyết bài toán thiếu lao động. 

Về lâu dài, DN chăm lo chế độ phúc lợi xã hội như bảo hiểm, nhà ở, nhà trẻ cho con em công nhân...

Theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cơ quan này đề xuất giải quyết thiếu hụt lao động như các cơ sở đào tạo nghề đẩy mạnh đào tạo ngắn hạn, cung cấp số lượng lớn nguồn lao động cấp tốc, kịp thời cho doanh nghiệp.

Các cơ quan chuyên môn cần tăng cường tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động. Quốc hội, Chính phủ và các ban, bộ, ngành nghiên cứu ban hành chính sách nhằm thu hút người lao động đến làm việc tại các vùng kinh tế trọng điểm...

HÀ QUÂN

Về quê "săn" lao động

Nhận thêm đơn hàng mới nên nhu cầu về lao động cũng theo đó tăng lên, nhiều doanh nghiệp đã chủ động đặt hàng các tỉnh, thậm chí thuê người len lỏi tận xóm để tìm tuyển lao động.

"Nghề" mới của Phạm Thị Diệu Thảo - đoàn viên thanh niên xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, An Giang - từ sau Tết đến nay là hằng ngày rảo đến các chợ, đi sâu vào từng phum, sóc cộng đồng Khmer từ huyện Tri Tôn qua Tịnh Biên để tìm lao động cho Công ty Samho An Giang.

Vừa qua có trên 90.000 người từ các tỉnh thành về quê tránh dịch COVID-19, đến nay đã có trên 80% có việc làm tại các công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh. Còn khoảng 20% ở lại địa phương chuyển đổi nghề nghiệp hoặc tự khởi nghiệp tại quê nhà.

Ông CHÂU VĂN LY (giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh An Giang)

Giúp người lao động vững tin

"Nhờ là thanh niên tình nguyện trước đây mà mình biết nhiều nơi, quen biết nhiều thanh niên, nhiều chỗ có người chưa có việc làm trong cộng đồng Khmer. Ngoài việc giới thiệu, dán thông báo tuyển lao động, khi ai có nhu cầu lao động thì mình sẽ tư vấn và kiêm luôn làm hồ sơ cho họ. Sau đó liên hệ với công ty để sắp xếp việc làm", Thảo chia sẻ về công việc của mình.

Ông Nguyễn Thành Tâm - chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Tri Tôn - cho biết Thảo là một trong các cộng tác viên tuyển lao động do huyện giới thiệu cho Công ty Samho An Giang. Công ty chuyên sản xuất giày này có nhà máy tại huyện Châu Thành, An Giang và ở Củ Chi, TP.HCM. 

"Vùng này lao động người Khmer đang ở nhà còn khá nhiều. Từ đầu năm 2022 đến nay, Samho An Giang đã tuyển gần 500 lao động ở Tri Tôn", ông Tâm nói.

Theo ông Tâm, cách tuyển lao động từ cơ sở của Công ty Samho cho thấy họ thật sự tận tâm trong việc tìm nguồn lao động ở địa phương. Họ có đội ngũ, có cộng tác viên, có các tờ rơi giới thiệu phát tận tay và người tư vấn tận nơi cho người lao động ở nông thôn. 

Những lao động phổ thông còn nhiều rụt rè ở nông thôn sẽ vững tin hơn rất nhiều khi thấy khâu tuyển dụng được chăm chút, cũng như họ thuận lợi hơn trong việc lựa chọn công việc tương lai cho mình.

Tương tự tại Sóc Trăng, khi dịch COVID-19 lắng xuống, Công ty TNHH Tài Kim Anh nhanh chóng tuyển thêm 600 lao động. Ông Đỗ Ngọc Tài - tổng giám đốc công ty - cho biết thường sau khi nghỉ Tết, công nhân có xu hướng quay trở lại tìm việc làm ở các tỉnh thành khác. 

Do vậy, ngay trong những ngày vui xuân đón Tết, công ty đã thông báo tuyển dụng lao động qua các kênh như báo đài, Zalo, Facebook. Sau khi kết nối được với người lao động, công ty hướng dẫn họ làm hồ sơ, hẹn ngày phỏng vấn. 

"Cách tuyển dụng này đỡ nhiêu khê, không còn lệ thuộc vào nhiều tầng nấc trung gian như trước đây", ông Tài chia sẻ.

Ông Tài cho biết tính luôn số công nhân mới tuyển, hiện tổng số lao động của công ty khoảng 2.600 người. Trong số này, có khoảng 50% công nhân được công ty tổ chức xe đưa đón từ nhà đến chỗ làm. 

"Không chỉ tiết kiệm, an toàn cho người lao động, công ty cũng được lợi. Có xe đưa đón tập trung, giờ giấc được đảm bảo, công ty chủ động sản xuất có sản phẩm tôm xuất khẩu cho khách hàng", ông Tài cho biết.

Tuyển lao động, mãi vẫn chưa đủ! - Ảnh 8.

Phạm Thị Diệu Thảo, cộng tác viên của Công ty Samho An Giang, đến từng nhà phát tờ rơi và tư vấn tuyển dụng lao động - Ảnh: B.ĐẤU

Nơi nào cũng muốn "giữ chân lao động"

Ông Châu Văn Ly, giám đốc Sở Lao động - thương binh và xã hội (LĐ-TB&XH) tỉnh An Giang, cho biết các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh cần tuyển dụng hơn 13.000 lao động tại An Giang. Trong đó, có 3 doanh nghiệp ngoài tỉnh cần tuyển trên 9.000 lao động. Đến nay, số lao động đã tuyển được hơn 50%, số còn lại các doanh nghiệp đang tiếp tục tuyển dụng. 

"Tôi yêu cầu các doanh nghiệp khi có nhu cầu phải đăng ký trực tuyến với trung tâm giới thiệu việc làm thuộc sở. Phương án thứ 2 là gửi văn bản để sở thông báo với các địa phương. Phương án thứ 3 là nếu doanh nghiệp có nhu cầu đào tạo lao động thì địa phương sẽ hỗ trợ đào tạo. 

Đến nay đã có gần 1.000 lao động được đào tạo lại cho 6 doanh nghiệp, với tổng chi phí trên 6 tỉ đồng", ông Ly nói. 

Ông Võ Thanh Quang, giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Sóc Trăng, cho biết từ sau Tết đến nay có hàng chục công ty, xí nghiệp từ TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An đến Sóc Trăng nhờ tuyển dụng lao động. 

"Những công ty nào yêu cầu lao động có tay nghề, chúng tôi phối hợp đào tạo theo đơn đặt hàng, còn không thì tuyển dụng trực tiếp, đã giới thiệu được gần 30.000 lao động", ông Quang cho biết. Theo ông Quang, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh cũng có nhu cầu lao động rất lớn. Tỉnh đang đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để níu giữ công nhân ở lại quê nhà.

Ông Nguyễn Thanh Trong, giám đốc Ban quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Sóc Trăng, cho biết hiện 36 công ty, xí nghiệp thuê đất trong Khu công nghiệp An Nghiệp đã phục hồi, sản xuất lại với khoảng 22.000 công nhân. Đến cuối năm 2022, sẽ có thêm 6 nhà máy, xí nghiệp hoạt động, cần thêm ít nhất 10.000 lao động. 

"Khi có nhà ở xã hội, giải quyết được căn cơ nhu cầu an cư của công nhân, khả năng sẽ giữ chân được người lao động, không xảy ra tình trạng khan hiếm lao động tại chỗ những lúc vào mùa vụ sản xuất", ông Trong nói.

Tại Long An, dù cho lao động quay trở sau dịch COVID-19 đã gần 100% nhưng nhu cầu lao động tại tỉnh vẫn rất cao.

Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH tỉnh Long An, trong 2 tháng đầu năm 2022, 210 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng với tổng số 4.867 vị trí việc làm, tập trung chủ yếu ở các khu, cụm công nghiệp và các doanh nghiệp trên địa bàn các huyện Bến Lức, Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc và TP Tân An.

Trong đó, tuyển dụng nhiều nhất là các ngành may mặc, giày da, may balô, túi xách, sản xuất các sản phẩm từ plastic, sản phẩm cơ khí, nhà thép tiền chế, bao bì...

"Dự báo trong năm 2022 nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh khoảng 51.000 vị trí việc làm, trong đó lao động phổ thông chiếm 71,8%, chế biến, chế tạo chiếm 17,75%, kỹ thuật cơ khí, công nghệ chiếm 7,57%, kinh tế, văn phòng chiếm 7,58%", ông Nguyễn Đại Tánh, phó giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Long An, cho biết.

BỬU ĐẤU - KHẮC TÂM - SƠN LÂM

Nhiều nhà máy tôm Sóc Trăng trả lương cao, tuyển hàng ngàn lao động Nhiều nhà máy tôm Sóc Trăng trả lương cao, tuyển hàng ngàn lao động

TTO - Trả lương cao và thực hiện nhiều chính sách đãi ngộ, các nhà máy chế biến tôm xuất khẩu ở Sóc Trăng hy vọng sẽ chung tay giữ chân người lao động ở lại làm việc tại quê nhà, không bỏ xứ đi làm ăn xa.

B.MAI - Đ.THIỆN - N.HIỂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên