08/11/2021 09:59 GMT+7

Vấn đề 'nóng' cử tri quan tâm: tự chủ vắc xin

NGỌC AN thực hiện
NGỌC AN thực hiện

TTO - Hôm nay (ngày 8-11), đợt 2 của kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV nhóm họp. Các đại biểu sẽ thảo luận nhiều vấn đề quan trọng về phát triển kinh tế, xã hội và chất vấn 4 trưởng ngành y tế, giáo dục, lao động, kế hoạch và đầu tư.

Vấn đề nóng cử tri quan tâm: tự chủ vắc xin - Ảnh 1.

Tiêm vắc xin cho học sinh tại Trường THPT Võ Thị Sáu, quận Bình Thạnh, TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Hoàng Mai - phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội - nhận định: "Bốn ngành được chọn chất vấn có nhiều vấn đề nóng đang được người dân rất quan tâm, nhất là khi phòng chống dịch COVID-19 chuyển hướng sang giai đoạn mới cần chiến lược dài hơi hơn".

Cần tập trung đầu tư, hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy nghiên cứu, sản xuất vắc xin trong nước để chủ động nguồn cung và giá thành phù hợp hơn. Đây là trách nhiệm rất lớn của ngành y tế.

Ông Nguyễn Hoàng Mai

Nhà nước vẫn nên chủ đạo mua vắc xin

* Những vấn đề được chất vấn lần này đều nóng, liên quan đến phục hồi, phát triển kinh tế, xã hội. Nhưng "nóng" nhất vẫn là vắc xin và những vấn đề liên quan ngành y tế?

- Cả 4 lĩnh vực được chất vấn với những vấn đề lớn trong từng lĩnh vực đều quan trọng và tác động mạnh mẽ đến chính sách phòng chống dịch và khôi phục kinh tế, xã hội sắp tới. Nhưng khi chuyển hướng phòng chống dịch sang thích ứng an toàn, linh hoạt, mở cửa lại các hoạt động kinh tế, xã hội, vấn đề ưu tiên hàng đầu và tiên quyết vẫn là vắc xin phòng COVID-19.

Khi đã xác định COVID-19 là đại dịch nên chiến lược vắc xin có ý nghĩa quan trọng. Cả hệ thống chính trị, các lãnh đạo cấp cao và bộ ngành đã vào cuộc trong ngoại giao để có vắc xin nhiều nhất, nhanh nhất. Trong thời gian rất ngắn chúng ta cũng phát động chiến dịch tiêm chủng quy mô lớn nhất trong lịch sử và không để thừa, phí. Việc phủ linh hoạt chọn đối tượng, khu vực ưu tiên, không tiêm đại trà mang lại hiệu quả nhất định. Con số gần 90 triệu mũi vắc xin được tiêm rất đáng ghi nhận.

Dù vậy, số lượng vắc xin về Việt Nam chưa đáp ứng đủ nhu cầu phòng dịch, mở cửa kinh tế. Nhiều tỉnh thành tỉ lệ người dân tiêm mũi 1 và mũi 2 còn rất thấp. Trong bối cảnh dịch bùng phát đã tạo sự lo lắng cho người dân. Trong khi việc sản xuất vắc xin trong nước đến nay chưa đạt kỳ vọng. Đợt bùng phát dịch lần này cũng cho thấy công nghiệp dược của ta chưa phát triển mạnh.

* Ngân sách đang khó khăn, theo ông, có nên tiếp tục duy trì việc tiêm miễn phí cho người dân?

- Cần tiếp tục duy trì quan điểm tiêm vắc xin miễn phí cho người dân. Kinh phí mua vắc xin lớn nhưng không phải không đáp ứng, thu xếp được. Nếu không tiêm chủng miễn phí một bộ phận người dân chần chừ, việc bao phủ vắc xin diện rộng gặp khó khăn dẫn đến nguy cơ dịch bệnh bùng phát. Khi người dân được an toàn, khỏe mạnh mới mở cửa lại nền kinh tế, có nguồn thu sẽ có tiền để mua vắc xin. Còn lâu dài, khi nguồn cung vắc xin tốt hơn, ta có nhiều kinh nghiệm và cơ chế kiểm soát dịch bệnh tốt sẽ tính toán thêm.

Vấn đề nóng cử tri quan tâm: tự chủ vắc xin - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Hoàng Mai - phó chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội

Sớm tính toán việc tiêm mũi 3 và mũi 4

* Vậy việc Chính phủ nêu ra cần nghiên cứu cơ chế xã hội hóa nguồn lực phòng chống dịch, trong đó có vắc xin cần tiếp cận như thế nào?

- Xã hội hóa vắc xin trước hết là cần huy động lực lượng y tế tư nhân vào tiêm vắc xin cho người dân. Việc đàm phán và mua vắc xin vẫn nên là Nhà nước thực hiện. Sáng kiến xây dựng quỹ vắc xin để các tổ chức, cá nhân đóng góp các nguồn lực rất phù hợp thực tiễn. Chính phủ, Bộ Y tế cũng cần tháo gỡ thủ tục, vướng mắc khi tổ chức, cá nhân tiếp cận và giới thiệu nguồn vắc xin để có thể phát huy nguồn lực này.

* Chiến lược vắc xin năm 2022 của Chính phủ đưa ra đã đủ để yên tâm hay chưa, thưa ông?

- Theo báo cáo của Chính phủ, đến cuối năm 2021, Việt Nam ký kết mua được 160 triệu liều vắc xin, đủ tiêm cho người dân để đạt miễn dịch cộng đồng. Nhưng đến nay thế giới đã chuẩn bị lo vắc xin để tiêm mũi thứ 3, thậm chí một số nơi tiêm mũi 4, nên Chính phủ, các cơ quan chức năng cần sớm tính toán, cân đối các nguồn để có chiến lược tiêm mũi 3 và dài hơi hơn là mũi 4 cho người dân một cách chủ động hơn. 

Đến nay đã có 8 loại vắc xin được cấp phép tại Việt Nam. Ngành y tế cần nghiên cứu, theo dõi, đánh giá tác động các loại vắc xin để lựa chọn sản phẩm phù hợp, hiệu quả và thích hợp nhất với người Việt. Khi nguồn cung dồi dào hơn, chúng ta sẽ có cơ sở chọn.

Cần có chiến lược sống chung linh hoạt

* Nói đến việc chống dịch mỗi nơi một kiểu, ông nhìn nhận nguyên nhân vì sao?

- Chúng ta thiếu một chiến lược tổng thể phòng chống dịch. Ta có chiến lược về y khoa nhưng chiến lược tổng thể phòng chống COVID-19 gắn với phát triển kinh tế, xã hội lại để trống. Thực tế khi làm, các ngành và địa phương lúng túng, chỉ biết khi có dịch thì khoanh vùng dập dịch, cách ly phong tỏa. Trong khi tình hình dịch mỗi địa phương khác nhau, yêu cầu khác nhau, cần có biện pháp linh hoạt phù hợp.

* Nghị quyết 128 của Chính phủ đã ban hành hướng dẫn tạm thời về thích ứng an toàn với dịch, theo ông, có khắc phục được tình trạng này không?

- Một thách thức cần nhìn nhận đầy đủ là dù cả thế giới đã chống dịch gần 2 năm rồi nhưng chưa hiểu hết về dịch. Đưa ra giải pháp nào, dù là "zero COVID", thích nghi từng phần hay mở cửa hoàn toàn cũng chưa phải là chiến lược hoàn hảo. 

Việt Nam cũng không ngoại lệ và ta phải vừa làm vừa rút kinh nghiệm để tìm giải pháp phù hợp. Cho nên, dù bây giờ ta xây dựng chiến lược tổng thể, các ban ngành hướng dẫn chỉ tạm thời, cần có thời gian thực hiện và điều chỉnh để thích ứng. Chúng ta chuyển hướng như vậy cũng là dò đường, đặc biệt khi việc tiêm chủng chưa đạt được miễn dịch cộng đồng nên vẫn phải rất cảnh giác.

* Vậy chiến lược tổng thể phòng chống dịch đang được Chính phủ xây dựng, theo ông, cần lưu ý gì? Ông sẽ chất vấn gì?

- Phải có một chiến lược tổng thể về phòng chống dịch với các giải pháp và kịch bản ứng phó, các ngành có hướng dẫn đi kèm phù hợp với từng lĩnh vực. Trong đó giải pháp quan trọng là nguồn lực tài chính, nhân lực, đảm bảo sự chủ động, vừa chống dịch vừa duy trì sản xuất kinh doanh. Việc chuyển sang trạng thái bình thường mới, mở nền kinh tế theo hướng thích nghi dần với dịch chứ không phải mở ngay. Để thích nghi dần, đòi hỏi không có sự cứng nhắc giống nhau ở tất cả các địa phương mà phải tùy tình hình dịch.

Những vấn đề chất vấn trong quá trình thẩm tra của Ủy ban Xã hội tôi đã nêu ra. Do đó, tôi sẽ dành phần chất vấn cho các đại biểu khác. Tuy vậy, tôi có thể tranh luận nếu tư lệnh ngành trả lời các đại biểu chưa thuyết phục.

Đầu tư để đảm bảo an toàn cho dân

* Trong tổng thể chiến lược phòng chống dịch, khôi phục kinh tế, ngoài vắc xin, theo ông, đâu là các vấn đề cần có chiến lược lâu dài?

- Ở châu Âu dù tiêm rất nhiều nhưng dịch vẫn bùng phát mạnh và có biến chủng mới xuất hiện. Trong nước, một số nơi như TP.HCM đã đạt ngưỡng "miễn dịch cộng đồng" song dịch vẫn bùng lên.

Vắc xin chỉ là điều kiện cần, chấp nhận sống chung an toàn, hiệu quả phải cần những yếu tố khác, trong đó phải tăng cường đầu tư nâng cao năng lực cho cơ sở y tế dự phòng. Khi đã lây nhiễm phải có đủ năng lực y tế trên diện rộng, từ cấp cơ sở, một cách đồng bộ để hạn chế tối đa người bệnh chuyển nặng, nguy cơ tử vong.

Tiếp theo là ý thức, nhận thức của người dân và cơ quan chức năng không được chủ quan. Góc độ rộng hơn về chính sách, khi có hướng dẫn sống chung, thích ứng an toàn, mỗi ngành phải có hướng dẫn chuyên biệt, phù hợp từng lĩnh vực.

Đây sẽ là cơ sở để các địa phương có căn cứ khoa học nhằm đưa ra giải pháp phòng chống dịch phù hợp nhất, tránh mỗi nơi một kiểu.

Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam):

Chính sách gì cho lao động về quê?

Trong 4 lĩnh vực chất vấn đợt này, tôi rất quan tâm đến vấn đề lao động và kế hoạch đầu tư. Đợt dịch bùng phát vừa qua ở TP.HCM và các tỉnh miền Nam khiến nhiều công nhân, người lao động mất việc phải về quê.

Câu hỏi đặt ra là sắp tới nguồn lao động này sẽ được hỗ trợ, bố trí đi ở như thế nào? Liệu ngành lao động với chức năng của mình có cần phối hợp với các tỉnh thành thống kê cụ thể số lượng, hay các đặc điểm về giới tính, độ tuổi, trình độ... của người về từng địa phương để phân tích và đưa ra chiến lược phục hồi nguồn lao động cho hoạt động sản xuất, kinh doanh?

Đây là cơ hội để ngành lao động đánh giá lại xu hướng, trình độ, đặc điểm lao động từng vùng miền, địa phương, từ đó có chính sách dài hơi về phân bổ lao động cho việc phục hồi và phát triển kinh tế sau này.

Thực tế lấy ví dụ như trong số hàng triệu người rời TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai về các tỉnh miền Trung, miền Tây không nhất thiết tất cả phải quay lại. Ngược lại, nếu có sự phân tích và chính sách cụ thể, các địa phương hoàn toàn có thể đưa ra chính sách để giữ lại một phần lao động ở địa phương.

Mặt khác, những chính sách hỗ trợ an sinh cho người lao động hiện nay cũng chỉ mới tạm thời. Về lâu dài vẫn phải có chiến lược đảm bảo công ăn việc làm, sinh kế bền vững cho họ. Vậy chính sách này như thế nào?

Riêng về lĩnh vực kế hoạch đầu tư, tôi sẽ chất vấn về quan điểm của lãnh đạo ngành chính sách về phân bổ nguồn vốn đầu tư công trong bối cảnh kinh tế ảnh hưởng nặng nề do dịch.

Rõ ràng với những khó khăn hiện tại do dịch bệnh buộc Quốc hội, Chính phủ phải xem xét lại các dự án đầu tư đã được thông qua. Doanh nghiệp và người dân cần biết được tầm nhìn cũng như chiến lược đầu tư công sắp tới.

Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng):

Củng cố y tế cơ sở, không được lơ là

Dịch bệnh vừa qua cho thấy năng lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất của ngành y tế ở cơ sở, từ y tế các xã đến trung tâm y tế cấp huyện ở từng địa phương còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là nguồn nhân lực còn yếu và thiếu, có quá nhiều bất cập. Hầu hết các địa phương phụ thuộc vào y tế của các thành phố lớn.

Ví dụ cả Đồng bằng sông Cửu Long phụ thuộc Cần Thơ, hay vùng Đông Nam Bộ lại phụ thuộc và đẩy bệnh nhân về TP.HCM. Thực tế này đòi hỏi chiến lược cụ thể về củng cố nhân lực, vật lực cho ngành y tế, đặc biệt y tế cơ sở của từng vùng, địa phương của ngành y tế.

Theo đó, xây dựng tuyến y tế cơ sở đủ năng lực thực hiện việc tiêm chủng, phòng chống dịch, hay tư vấn, khám chữa bệnh cho bà con nhân dân, tránh việc đưa lên tạo áp lực quá tải cho các tuyến trên.

Mặt khác, hiện nay độ che phủ và tỉ lệ tiêm chủng vắc xin ở các vùng, địa phương trên cả nước không đồng đều. Một số tỉnh thành hiện tỉ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 rất thấp gây khó khăn cho việc mở cửa. Vấn đề này cũng cần có ý kiến và giải pháp khả thi từ ngành y tế.

TIẾN LONG ghi

Sớm trả lời về thuốc điều trị và tự chủ vắc xin

Ông Nguyễn Huy Nga - nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế - chia sẻ với tư cách một cử tri, cho rằng năm 2021, Việt Nam tuy muộn nhưng đến nay đã nhập được nhiều vắc xin với nhiều chủng loại. Điều đáng mừng là người Việt tự nguyện tiêm chủng giúp tỉ lệ tiêm chủng được nâng cao, hiện tiêm được xấp xỉ 90 triệu mũi tiêm.

Nhưng nhìn lại làn sóng dịch thứ 4 đang diễn ra với những khó khăn, khốc liệt, phải nhìn nhận rằng có nguyên nhân do chúng ta không chuyển đổi kịp thời trạng thái chống dịch, theo đuổi quan điểm "zero COVID", dành thời gian truy vết quá lâu với lượng nhân lực lớn.

Một bộ phận người dân chủ quan tụ tập đông người. Chúng ta cách ly tập trung quá đông, từ đó lây lan trong khu cách ly, hệ thống y tế cơ sở không được sử dụng. Trong khi đó, đưa F0, F1 vào cách ly thì phải chăm sóc, dẫn đến phân tán lực lượng y tế, gây ra quá tải cơ sở y tế, bao gồm cả tăng tỉ lệ tử vong.

thuoc-molnupiravir

Thuốc kháng virus Molnupiravir đã được ngành y tế TP.HCM phân bổ về các quận huyện cấp phát cho các F0 có triệu chứng nhẹ - Ảnh: N.L.T.

Chiến lược "zero COVID" có thể giúp khống chế rất tốt giai đoạn đầu, nhưng virus gây bệnh đã biến chủng với nhiều điểm nguy hiểm hơn hẳn so với chủng cũ, thời điểm tháng 7 - 8 vừa qua nhờ các thay đổi về chiến lược chống dịch như cách ly F0 không triệu chứng và điều trị cho họ tại nhà, đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, hiệu quả phòng chống dịch mới được như hiện nay.

Nhưng khi tỉ lệ bao phủ tiêm chủng đã đạt mức nhất định rồi, việc triển khai tiêm ở vùng sâu vùng xa sẽ khó hơn, tốc độ tiêm chậm hơn. Là cử tri và là người nhiều năm làm việc trong ngành y tế, tôi cho rằng năm 2022 nên tập trung vắc xin, tiêm mũi bổ sung cho người cao tuổi, người có bệnh nền, người suy yếu miễn dịch trước, mong có chính sách để có nguồn vắc xin trong nước từ các nhà vắc xin nội địa hiện đang nghiên cứu, phát triển vắc xin COVID-19.

Thứ 2, cần tập trung tìm kiếm các thuốc đặc trị, thuốc có hiệu quả trong điều trị bệnh nhân nặng, tránh để xảy ra tử vong cao như vừa qua. Về kinh nghiệm điều trị, hiện chúng ta đã có chủ trương, với ca nhẹ cho điều trị tại nhà, bệnh viện điều trị ca bệnh nặng, nhưng nếu không có sự chuẩn bị về thuốc men, nguy cơ vẫn còn, vì ngay thời điểm hiện nay mỗi ngày vẫn có hàng chục ca tử vong do COVID-19.

L.ANH ghi

Nhiều địa phương giảm mạnh ca nhiễm

Theo Bộ Y tế, từ 16h ngày 6-11 đến 16h ngày 7-11 ghi nhận 7.646 ca nhiễm mới, trong đó 15 ca nhập cảnh và 7.631 ca ghi nhận trong nước (tăng 151 ca so với ngày trước đó). Số ca mới tăng mạnh tại Tây Ninh, Bình Phước và Đồng Tháp. Tại TP.HCM, có thêm 1.009 ca dương tính.

Các địa phương ghi nhận số ca nhiễm giảm nhiều nhất so với ngày trước: Cà Mau (-134), Bình Dương (-95), Đồng Nai (-88). Từ 17h30 ngày 6-11 đến 17h30 ngày 7-11 ghi nhận 61 ca tử vong, trong đó tại TP.HCM 31 ca. Trung bình số tử vong trong 7 ngày qua: 64 ca.

MINH ANH

Cơ hội nào cho vắc xin Việt? Cơ hội nào cho vắc xin Việt?

TTO - Cơ hội cho vắc xin Việt ra sao khi các đơn vị sản xuất hiện đang gặp một số khó khăn trong bối cảnh nước ta đang tăng cường nhập khẩu nhiều loại vắc xin để sớm đạt tỉ lệ bao phủ tiêm chủng thời gian tới.

NGỌC AN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên