13/12/2015 14:53 GMT+7

Văn hóa đọc bắt nguồn từ gia đình

LÊ TẤN THỜI (giáo viên Trường THCS thị trấn Chợ Mới, An Giang)
LÊ TẤN THỜI (giáo viên Trường THCS thị trấn Chợ Mới, An Giang)

TT - Nhân đọc bài viết “Kiến nghị có giờ đọc sách trong nhà trường” (Tuổi Trẻ ngày 11-12).

Cả nhà tôi ai cũng mê sách. Thói quen đọc sách bắt đầu hình thành từ thuở ấu thơ và lớn dần theo năm tháng. Ngay từ nhỏ tôi đã mê mẩn với tủ sách gia đình mình. Những quyển sách được gìn giữ một cách cẩn thận để mọi người trong nhà ai cũng có thể tiếp thu những nền tảng tri thức của nhân loại.

Bà tôi kể rằng những năm tháng chiến tranh, ông tôi không sợ mất đi những đồ đạc quý giá khác mà chỉ sợ tủ sách của mình bị mai một!

Ba mẹ tôi cũng là những người yêu sách. Cả hai dành dụm những đồng lương giáo viên ít ỏi của mình để bổ sung những quyển sách có giá trị vào tủ sách.

Gia đình cũng có một dấu mộc riêng cho tủ sách. Phía bên trên là dòng chữ “Tủ sách”, phía dưới là “gia đình” và ở chính giữa bỏ trống để sách của ai thì người đó đóng tên mình vào.

Ngay từ nhỏ tôi đã có một thú vui khác với bạn bè cùng trang lứa, đó là tìm sách đọc. Nào là Hội hè đình đám, Nếp cũ của Toan Ánh, Việt Nam phong tục của Phan Kế Bính...

Cũng thật lạ, ba tôi hay la rầy khi tôi lục lọi những đồ vật khác trong nhà nhưng không hề la khi bắt gặp tôi mở tủ tìm sách đọc mặc dù ông có thể mất thời gian sắp xếp lại tủ sách cho ngăn nắp.

Điều quan trọng hơn nữa là ông giúp tôi hình thành nên thói quen tự học qua việc đọc sách. Ông hướng dẫn tôi cách chọn sách phù hợp với tâm sinh lý lứa tuổi cũng như đánh dấu hay ghi chép lại những câu văn mà mình tâm đắc. Khi thắc mắc về vấn đề nào đó, ba mẹ khuyên tôi nên tìm đọc những quyển sách, tạp chí... có liên quan để tìm câu trả lời. Khi nào tôi thật sự bí thì ba mẹ mới giải thích.

Qua cách hướng dẫn của ba mẹ, dần dần tôi có được thói quen tự học và đọc sách lúc nào không hay. Qua việc đọc sách, tôi rút ra được những bài học cho chính mình cũng như hình thành nên khả năng tư duy một cách khoa học và có chiều sâu hơn. Những bài học từ sách giúp tôi hiểu được thế nào là biết sống, biết yêu thương và biết chia sẻ, cũng như chiêm nghiệm lại chính bản thân mình giữa dòng đời tất bật.

Nói không quá lời, văn hóa đọc của gia đình đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi và cho tôi có được vốn sống phong phú bên cạnh những điều học được ở trường.

Hầu như mỗi tháng tôi đều đến nhà sách một lần để khám phá cái thế giới diệu kỳ mà mình đam mê từ thuở nhỏ và không bao giờ tôi rời khỏi nhà sách mà không có quyển sách nào trong tay. Những lần hội chợ sách, tôi luôn thu xếp công việc để tham dự và mang về nhà những quyển sách hay.

Cho đến nay, số lượng sách của gia đình tôi không quá nhiều nhưng không thể nói là ít. Tôi luôn ao ước có được một căn phòng nhỏ để làm nên một thư viện trong gia đình mình. Chắc chắn rằng ở nơi đây, sách sẽ được sắp xếp một cách khoa học hơn theo thư mục, tác giả hay thể loại để tiện việc tra cứu mỗi khi cần. Thú vị hơn nữa, đó chính là nơi gia đình tôi có được những giây phút thư giãn tuyệt vời bên những quyển sách của mình.

Trong thời đại công nghệ thông tin phát triển mạnh mẽ hiện nay, việc đọc sách trên mạng không khó. Nhưng thật tình mà nói, tôi vẫn thích lật từng trang sách và đọc từng dòng chữ để cảm nhận được cái hay, cái đẹp trong thế giới của riêng mình. Có cảm giác nào vui sướng hơn khi cầm trên tay quyển sách mà mình yêu thích? Có hạnh phúc nào bằng khi được người thân, bạn bè tặng cho một quyển sách hay?

Văn hóa đọc bắt nguồn từ gia đình qua việc hình thành và nuôi dưỡng thói quen đọc sách ngay từ thuở ấu thơ.

LÊ TẤN THỜI (giáo viên Trường THCS thị trấn Chợ Mới, An Giang)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên