28/06/2023 11:45 GMT+7

Vào đại học: Dễ hay khó? - Kỳ 5: Sàn đấu cuối cùng

Phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT vẫn được các trường dành ít nhất 20-30% chỉ tiêu, có những trường dành 80-90% chỉ tiêu xét tuyển.

Giám thị kiểm tra thông tin thí sinh trong buổi làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT ở một điểm thi Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Giám thị kiểm tra thông tin thí sinh trong buổi làm thủ tục dự thi tốt nghiệp THPT ở một điểm thi Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN

Nhưng ở những ngành, trường có sức hấp dẫn lớn thì đây thực sự là cửa hẹp khiến nó trở thành sàn đấu cuối cùng rất khắc nghiệt.

Những ca khó đỡ

Bài học của mùa tuyển sinh đã qua nhưng chưa chắc đã là kinh nghiệm cho thí sinh năm nay trong việc lựa chọn nguyện vọng xét tuyển liên quan tới phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Hai năm trước, Nguyễn Thị Lan (thí sinh ở Tiền Giang) từng đăng ký ba phương thức xét tuyển (ưu tiên xét tuyển, kết quả thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia TP.HCM và điểm thi THPT).

Mỗi phương thức Lan chọn một ngành khác nhau. Hai phương thức đầu đã trúng tuyển nhưng đã không xác nhận nhập học vì gia đình... không thích.

Tự tin có thể trúng tuyển với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, Lan đăng ký ngành công nghệ thông tin theo ý muốn của ba mẹ nhưng không ngờ điểm chuẩn ngành này cao quá nên đã trượt.

Vậy là tay trắng, Lan phải chờ một năm để xét tuyển lại nhưng vẫn không thể đậu được công nghệ thông tin mà chỉ vào được ngành môi trường từng là ngành thí sinh đã đủ điều kiện trúng tuyển năm trước.

Trường hợp Phạm Thị Hà (thí sinh ở TP.HCM) của năm trước cũng trắng tay trong tình huống tương tự. Hà đã nhận được giấy báo trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm của năm trường đại học.

Nhưng mong muốn của Hà là đậu ngành báo chí của Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia TP.HCM). Hà từng đăng ký xét tuyển vào báo chí bằng điểm thi đánh giá năng lực nhưng không đạt nên đã tiếp tục "cày" ngày đêm để thi tốt nghiệp THPT với hy vọng có thể đậu bằng phương thức xét điểm thi.

Kết quả thi của Hà khá cao, đạt 26,5 điểm với tổ hợp C00. So với mức điểm chuẩn của trường này năm trước, Hà chắc mẩm có thể trúng tuyển.

Vì thế trên hệ thống xét tuyển của Bộ GD-ĐT, Hà không đăng ký các nguyện vọng đã trúng tuyển sớm trước đó mà đăng ký duy nhất vào ngành báo chí bằng phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT.

Trường hợp của Hà là điển hình của cách "bỏ trứng vào một rổ" để rồi tay trắng khi ngã ngửa với mức điểm chuẩn 27,5 của ngành báo chí.

Cũng mơ vào báo chí, Hương Giang, thí sinh ở Chí Linh, Hải Dương, đã đăng ký nhiều phương thức xét tuyển sớm nhưng đều chỉ thiếu một chút ít. Không cam tâm, Giang quyết tâm đạt mục tiêu bằng điểm thi.

Giang có điểm ưu tiên khu vực 2 nhưng em nhẩm tính để đỗ vào báo chí phải cố gắng đạt mức điểm 9-9,5/môn thi ở tổ hợp C00.

Kết quả thi của Giang rất cao, một điểm 9 và hai điểm 9,5, cộng với điểm ưu tiên khu vực. Với mức điểm này, Giang và gia đình đều hy vọng em đỗ báo chí nhưng không ngờ điểm ngành báo chí của trường này lên 29,9.

Để đỡ uổng phí, Giang vào học một ngành khác nhưng vẫn nuôi chí thi lại năm nữa để học báo chí.

Đặt cược vào cơ hội cuối cùng

Năm nay cũng có hai nhóm thí sinh dồn tâm sức, hy vọng vào kỳ thi tốt nghiệp THPT giống như đặt cược tất cả vào cơ hội cuối cùng để trúng tuyển đại học.

Thứ nhất là những thí sinh không có điều kiện thuận lợi để xét tuyển sớm. Thứ hai là những thí sinh đã trượt hết các nguyện vọng xét tuyển sớm, được ăn cả, ngã về không ở "sàn đấu" này.

Hoàng, học sinh Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), đăng ký xét tuyển sớm theo phương thức IELTS kết hợp SAT vào Trường ĐH Ngoại thương nhưng điểm quy đổi chỉ đạt 27,5 trong khi các ngành đăng ký đều 28 và 28,5 điểm.

Mặc dù đã đủ điều kiện trúng tuyển vào một trường khác cũng bằng phương thức này nhưng Hoàng quyết tâm thi để lấy kết quả xét tuyển.

Khoảng thời gian cuối học kỳ 2 lớp 12, Hoàng vẫn chỉ học ở trường và tự ôn là chính. Nhưng khi đã trượt các nguyện vọng xét tuyển sớm, Hoàng phải tăng tốc, đăng ký học online cả sáng, chiều và tối.

Đêm đến lại tự học. Hoàng tính toán hai môn văn, toán phải đạt được 9 và 9,5 thì may ra mới đỗ Ngoại thương vì em đã có chứng chỉ IELTS 7.5, quy ra được 9,5 điểm.

Hoàng nhớ lại hành trình ôn thi mà em gọi là hành xác: Hai tuần cuối, em gần như không ngủ một cách hẳn hoi. Lúc nào mệt quá ngủ gục luôn trên bàn. Cậu xác định làm hết sức cho cuộc đua cuối, không đỗ cũng không ân hận.

Qua lời Hoàng kể, có hai người bạn cùng cảnh ước mơ thi vào Trường ĐH Y Hà Nội và Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Cả hai cũng có chứng chỉ tiếng Anh IELTS 7.0 nhưng để đỗ vào hai trường đầu bảng trong khối sức khỏe và kỹ thuật cũng phải trầy vẩy với những tuần ôn cấp tốc.

Quang, một trong hai người bạn của Hoàng, xác nhận lời kể của bạn bằng hai từ "kinh hoàng" khi nói về hai tuần tổng ôn. Gia đình Quang có điều kiện, nên trả phí cao để thuê thầy dạy 1-1. Nhưng Quang vẫn tham gia các nhóm trên Facebook, Zalo.

"Học với nhiều thầy, với cả ca học đắt đỏ và bình dân, em nhận thấy nếu không tự chủ trong việc ôn tập sẽ rơi vào mê cung. Và em từng rơi vào mê cung đó, đến nỗi cảm thấy mình sắp trầm cảm. Giờ có đỗ hay không thì cũng chấp nhận", Quang nói.

Những thí sinh ở các tỉnh không có điều kiện để xét tuyển sớm thì thi tốt nghiệp là con đường duy nhất. Nguyễn Thanh Hải (Ninh Thắng, Ninh Bình) kể lớp em chỉ có vài học sinh dự thi đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia Hà Nội để xét tuyển, còn lại đều trông chờ vào thi tốt nghiệp.

Cả lớp, đứa nào cũng đăng ký từ 1 đến 3-4 lớp học online, hoặc đóng tiền để được cấp tài khoản vào các trang có video bài giảng, tài liệu ôn tập hay xem livestream các bài tổng ôn.

Khác với Hải, một số thí sinh lại tìm kiếm các trang luyện thi 0 đồng, nguồn tài liệu miễn phí. Uyên Như (Nghĩa Lộ, Yên Bái) kể lớp chỉ có gần một nửa dự định vào đại học. Rất ít bạn có điều kiện luyện thi bên ngoài, chủ yếu tự ôn.

Nhưng cũng vì ít cơ hội đi ôn luyện nên Như cho biết em cày đi cày lại bài tập trong sách giáo khoa liên quan tới các mảng kiến thức, dạng bài theo cấu trúc đề thi tham khảo và làm những đề luyện thi các năm công khai trên mạng.

Thí sinh xem danh sách phòng thi, chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 - Ảnh: NAM TRẦN

Thí sinh xem danh sách phòng thi, chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 - Ảnh: NAM TRẦN

Cơ hội xét điểm thi tốt nghiệp vẫn lớn

Sàn đấu cuối cùng chỉ khắc nghiệt với những thí sinh đặt kỳ vọng vào các trường thuộc tốp đầu hoặc các lĩnh vực luôn có điểm chuẩn rất cao như Y Dược. Nhưng ở các phân khúc khác, cơ hội vẫn nhiều.

Hầu hết các trường đại học phía Nam, trong đó có cả các trường tốp trên vẫn dành chủ yếu chỉ tiêu cho phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT với 60-90% chỉ tiêu.

Ví dụ Trường ĐH Y Dược TP.HCM xét tuyển chủ yếu theo hai phương thức: dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT và dựa vào điểm thi tốt nghiệp THPT kết hợp sơ tuyển chứng chỉ tiếng Anh quốc tế.

Các trường thành viên thuộc ĐH Quốc gia TP.HCM áp dụng nhiều phương thức nhưng đều dành phần lớn chỉ tiêu xét tuyển dựa trên kết quả thi tốt nghiệp THPT.

Tương tự, Trường ĐH Kinh tế TP.HCM cũng coi xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT là phương thức chủ đạo. Chính vì vậy điểm chuẩn ở phương thức xét kết quả thi tốt nghiệp THPT hằng năm tại các trường phía Nam những năm qua ít biến động.

Ít nhất là năm nay sàn đấu cuối cùng vẫn đáp ứng nhiều nguyện vọng, dù có sự dễ chịu nhưng cũng mùi khốc liệt.

Khu vực phía Bắc, các trường đại học đều sử dụng phương thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc sử dụng phương thức kết hợp điểm thi tốt nghiệp với các tiêu chí khác, với chỉ tiêu khoảng 25-70% tổng chỉ tiêu.

Tỉ lệ này nhiều hơn ở một số trường tốp dưới. Tuy nhiên, vẫn có nhiều trường tốp đầu dành chỉ tiêu tương đối lớn cho phương thức này.

Chẳng hạn ĐH Bách khoa Hà Nội dành khoảng 30-40% chỉ tiêu xét điểm thi tốt nghiệp. Trường ĐH Kinh tế quốc dân dành khoảng 55% cho các phương thức kết hợp giữa xét điểm thi tốt nghiệp THPT và các tiêu chí khác.

Trường ĐH Y Hà Nội dành hầu hết chỉ tiêu cho các phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT hoặc kết hợp IELTS và điểm thi tốt nghiệp THPT.

---------------

Vì sao các cơ sở đào tạo phải chia nhỏ chỉ tiêu cho nhiều phương thức xét tuyển? Điều gì đảm bảo thí sinh có một cuộc đua bình đẳng để được tuyển sự công bằng giữa các phương thức?

Kỳ tới: Thi bình đẳng, tuyển công bằng?

Vào đại học: Dễ hay khó? - Kỳ 4: "Dễ như ăn kẹo?"Vào đại học: Dễ hay khó? - Kỳ 4: 'Dễ như ăn kẹo?'

Mới đây, nhiều thí sinh đăng ký xét học bạ vào Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM ngỡ ngàng khi vừa nộp hồ sơ đã trúng tuyển.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên