29/12/2021 08:04 GMT+7

Vào đại học từ gánh ve chai của mẹ

NHẬT LINH
NHẬT LINH

TTO - 12 năm học trên lớp, Hồng Anh đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Bí quyết của cô học trò nghèo không gì khác ngoài nỗ lực gấp bội.

Gia cảnh khó khăn, chưa bao giờ Hồng Anh nghĩ đến chuyện bỏ học - Video: NHẬT LINH - HUỲNH VY

Mặc cho cái rét cắt da giữa mùa mưa dầm xứ Huế, bà Hoàng Thị Hà vẫn dắt chiếc xe đạp cà tàng rảo bước quanh các góc phố để lục tìm ve chai. Những vỏ chai nhựa, lon bia được người khác vứt chính là gạo cơm, là học phí của cô con gái đầu lòng vừa vào đại học.

Thương mẹ tảo tần, vừa thi xong đại học thì bạn Nguyễn Hoàng Hồng Anh (tân sinh viên Trường ĐH Y dược - ĐH Huế) đã xin đi làm thêm tại một quán cà phê. Nhưng mức lương hơn 1 triệu mỗi tháng không đủ để giúp Hồng Anh bước đến giảng đường.

Dù nhà nghèo lại mồ côi cha nhưng Hồng Anh chưa bao giờ tự ti về hoàn cảnh của mình. Ngược lại bạn ấy vượt qua khó khăn, trở thành một học sinh giỏi của lớp, rất đáng khâm phục.

Thầy Trần Công Nghĩa (giáo viên Trường THPT Hai Bà Trưng, TP Huế)

Gánh ve chai của mẹ

Căn nhà tình nghĩa nằm tít sâu trong một con hẻm nhỏ trên đường Nguyễn Huế (TP Huế), chưa đầy 25m2 là nơi trú ngụ của 4 mẹ con bà Hà. Kể từ ngày chồng mất vì đột quỵ cách đây hơn 10 năm, bà Hà làm đủ mọi việc để nuôi 3 người con ăn học.

Không có nghề nghiệp ổn định nên ai mướn gì bà đều nhận làm hết cả, từ phụ hồ, bốc vữa đến lau dọn nhà cửa cho người ở phố, phụ nấu ăn, rửa bát cho nhà hàng.

Vào đại học từ gánh ve chai của mẹ - Ảnh 3.

Vừa thi xong đại học, Nguyễn Hoàng Hồng Anh xin làm thêm tại một quán cà phê để kiếm tiền trang trải học phí - Ảnh: N.LINH

Những ngày không có việc, bà Hà lại dắt chiếc xe đạp cũ kỹ rảo đi khắp phố Huế lượm ve chai. Mỗi lần rong ruổi trên phố, thấy thứ gì còn sử dụng được như chiếc bàn, cái ghế thì bà đều nhặt đem về căn nhà nhỏ. Còn chai nhựa, túi nilông được bà gom lại đem đổi lấy vài chục ngàn về mua lon gạo, mớ rau.

Đang lục chiếc thùng rác bên đường thì điện thoại của bà Hà reo lên. Người phụ nữ có khuôn mặt khắc khổ mừng ra mặt khi đầu dây bên kia gọi bà đến phụ dọn dẹp một công trình mới xây xong.

"Ngoài tiền công dọn dẹp ra, người ta còn cho tôi lấy thêm mớ ve chai ở công trình về bán. Tui ít chữ nên không có việc làm ổn định. Vì rứa nên tui không muốn con tui thất học như mình" - bà Hà trải lòng.

Không có điều kiện đi học thêm như chúng bạn nên Hồng Anh tự học. Gặp bài tập khó thì bạn chong đèn học đến khuya, khi nào giải xong mới chịu đi ngủ.

Nhưng rồi nỗi buồn một lần nữa ập xuống căn nhà nhỏ. Trong một lần học bài, Hồng Anh bỗng thấy chóng mặt, người mệt mỏi, cổ hơi phình sưng. Vào bệnh viện, bác sĩ nói Hồng Anh mắc chứng bệnh viêm tuyến giáp hashimoto, phải uống thuốc thường xuyên và không được làm việc căng thẳng, quá sức.

"Nghe bác sĩ nói mà tui rớt nước mắt. Tiền đâu mua thuốc cho con khi bữa ăn hằng ngày cũng nhờ láng giềng người ta thương tình cho con cá, mớ rau. Thôi đành gắng đi lượm ve chai nhiều hơn thôi" - bà Hà nước mắt lưng tròng, nói.

Cô học trò nghị lực

Bức tường cạnh cửa chính trong căn nhà nhỏ của Hồng Anh treo kín giấy khen. Đó là nỗ lực từng ngày của ba chị em Hồng Anh suốt các năm học và cũng là nơi bà Hà cảm thấy rất đỗi tự hào.

Dù hoàn cảnh khó khăn lại mang trong mình bệnh tật nhưng chưa bao giờ Hồng Anh nghĩ đến chuyện bỏ học. 12 năm học trên lớp, bạn đều đạt danh hiệu học sinh giỏi. Bí quyết của cô học trò nghèo không gì khác ngoài nỗ lực gấp bội. Thi được 26 điểm, Anh đậu vào ngành dược - Trường ĐH Y dược Huế.

"Ngành dược là niềm mong ước từ lâu của mình, kể từ lần mẹ bật khóc khi hay tin hằng tháng phải lo tiền thuốc men chữa bệnh cho mình. Mình muốn sau này mẹ sẽ không phải đi nhặt ve chai nữa", cô sinh viên chia sẻ.

Vừa thi xong đại học, Hồng Anh liền lên mạng xin việc làm thêm. Công việc bưng bê ở quán cà phê với mức lương hơn 1 triệu đồng mỗi tháng giúp bạn phụ thêm vào bữa cơm gia đình con cá, con tôm.

"Giờ dịch bệnh ở Huế đang phức tạp nên nhiều nơi không tuyển nhân viên làm thêm. Sau này khi dịch được kiểm soát, mình sẽ xin làm thêm buổi tối, làm nhiều việc để kiếm tiền nộp học và phụ thêm cho mẹ lo cho gia đình", Hồng Anh nói.

29-12: Tiếp sức 90 tân sinh viên

Báo Tuổi Trẻ phối hợp với Tỉnh đoàn Thừa Thiên Huế sẽ trao học bổng "Tiếp sức đến trường" cho 90 tân sinh viên nghèo vượt khó vào ngày 29-12.

Trong số đó có 10 suất học bổng đặc biệt trị giá 15 triệu đồng/suất dành cho các bạn sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. 80 suất học bổng còn lại trị giá 10 triệu đồng/suất.

Toàn bộ học bổng dành cho các bạn sinh viên do CLB Tiếp sức đến trường Thừa Thiên Huế, Hội Khuyến học tỉnh Thừa Thiên Huế tài trợ.

Lễ trao học bổng sẽ diễn ra trực tuyến vào chiều 29-12 tại điểm cầu chính ở Trung tâm Hoạt động thanh thiếu nhi tỉnh Thừa Thiên Huế (57 Lâm Hoàng, TP Huế) và các điểm cầu tại các huyện, thị nhằm đảm bảo không tập trung đông người.

Cũng trong chiều 29-12, báo Tuổi Trẻ sẽ trao 50 suất học bổng "Tiếp sức ngành y" cho sinh viên ngành y dược ở Thừa Thiên Huế. Mỗi suất học bổng này trị giá 5 triệu đồng, do Ủy ban tương trợ người Việt Nam tại Đức tài trợ.

47 suất học bổng 47 suất học bổng 'Tiếp sức đến trường' đến với tân sinh viên Quảng Ngãi

TTO - 47 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn tại Quảng Ngãi nhận học bổng "Tiếp sức đến trường", đây là điểm tựa để các em bước vào giảng đường đại học.

NHẬT LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên