01/02/2024 13:50 GMT+7

Vé bay giá rẻ, tìm việc làm thêm, nhận quà trúng lớn... coi chừng là quả đắng mùa Tết

Lợi dụng lòng tin, tâm lý ham của rẻ, người dân có thể bị 'sập bẫy' của các đối tượng lừa đảo, nhất là những ngày cận Tết Nguyên đán.

Tội phạm công nghệ cao có thể hoạt động mạnh dịp Tết Nguyên đán - Ảnh minh họa: AI

Tội phạm công nghệ cao có thể hoạt động mạnh dịp Tết Nguyên đán - Ảnh minh họa: AI

Các phương thức, thủ đoạn của những đối tượng lừa đảo ngày càng tinh vi, khó lường, nhất là lừa đảo trực tuyến.

Cục An toàn thông tin trực thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông cảnh báo về các chiêu trò lừa đảo trực tuyến có thể được các đối tượng lừa đảo sử dụng nhiều trong dịp Tết Nguyên đán năm nay.

Đó là lừa đảo qua mua vé máy bay, du lịch giá rẻ dịp lễ, Tết; việc làm thêm thời vụ lương cao; giả danh công an hỗ trợ nạn nhân bị lừa; vay tiền qua app tín dụng đen…

Cẩn thận khi mua vé máy bay giá rẻ dịp lễ, Tết

Nhu cầu về quê, đi du lịch dịp Tết Nguyên đán hằng năm rất nhiều, khiến nhiều chuyến bay hết vé sớm.

Lợi dụng nhu cầu cần vé, nhiều đối tượng rao bán lại vé với giá rẻ, nhằm chiếm đoạt tài sản.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cẩn trọng khi thực hiện các giao dịch trên mạng xã hội, nhất là các quảng cáo giá siêu rẻ và ưu đãi lớn.

Người dân nên đặt vé trực tiếp qua website của hãng hàng không hoặc gọi trực tiếp đến tổng đài.

Đến khi giao dịch, người dân cần tìm hiểu kỹ, xác nhận thông tin mã vé, thông tin hành trình trước khi thanh toán, để không lâm vào cảnh tiền mất tật mang.

Ảnh minh họa: AI

Ảnh minh họa: AI

Làm việc tại nhà với lương hấp dẫn có thật không?

Nhu cầu việc làm thêm ngày Tết được nhiều đối tượng lừa đảo dòm ngó. Bởi thời gian này, nhiều doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng nhân viên thời vụ bán thời gian.

Lợi dụng việc thiếu thông tin và tâm lý nôn nóng kiếm nhiều tiền, nhiều người đã "sập bẫy".

"Mẹ bỉm sữa", học sinh, sinh viên, người lao động có thu nhập trung bình thấp… cần việc làm thêm là đối tượng kẻ lừa đảo hướng đến.

Vì vậy, người dân cần cẩn trọng với các lời giới thiệu việc làm trên mạng xã hội, không nên tin tưởng vào những đề nghị hấp dẫn, công việc dễ lương cao.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo không đặt cọc cho các đối tượng dưới bất cứ hình thức nào. Người có nhu cầu tìm việc nên tìm đến các văn phòng, công ty có uy tín, không cung cấp thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng hay mã xác thực 1 lần (OTP).

Ảnh minh họa: AI

Ảnh minh họa: AI

Lừa đảo qua "nhận quà trúng lớn"

Chiêu thức nhận quà trúng lớn không mới nhưng nhiều người vẫn bị lừa. Các đối tượng lừa đảo liên hệ với nạn nhân qua điện thoại rằng thông báo trúng thưởng và làm theo hướng dẫn.

Theo Cục An toàn thông tin, người dân không làm theo hướng dẫn của đối tượng khi chưa xác minh được danh tính, không truy cập vào các đường link lạ hoặc tải các ứng dụng lạ, không cung cấp thông tin cá nhân cho bất kỳ đối tượng nào.

Giả danh công an, luật sư hỗ trợ nạn nhân lấy lại tiền

Lợi dụng tâm lý của những người từng bị lừa đảo, nhiều đối tượng giả danh cán bộ an ninh mạng đứng ra hỗ trợ thu hồi tiền lừa đảo.

Các đối tượng này hướng dẫn và yêu cầu đóng phí để hỗ trợ hoặc rút tiền treo trên hệ thống khi có người chuyển tiền.

Cục An toàn thông tin đề nghị những người đã bị lừa đảo phải nâng cao cảnh giác.

Với những cuộc gọi nghi ngờ mạo danh, người dân có thể ghi âm, thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất.

Tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân để tránh bị đánh cắp thông tin sử dụng cho mục đích phi pháp.

Vay tiền qua app tín dụng đen

Các ứng dụng (app) "tín dụng đen" quảng cáo lãi suất thấp, giải ngân nhanh, thậm chí còn cho vay ưu đãi 0%, thủ tục vay không cần tài sản thế chấp.

Nhưng thực tế đây lại là một hình thức vay với lãi suất rất cao. Đối tượng lừa đảo thường dùng Zalo hoặc Facebook để điều hành giao dịch cho vay và thu hồi nợ.

Các ứng dụng này còn yêu cầu người vay nợ cho phép truy cập vào danh bạ điện thoại, tài khoản mạng xã hội, ảnh nhận diện.

Theo đó, khi đến hạn thanh toán, người vay không trả hoặc trả lãi chậm, kẻ lừa đảo sẽ truy cập vào điện thoại để gửi tin nhắn đe dọa, xúc phạm… nhằm gây áp lực ép người vay phải trả tiền.

Cục An toàn thông tin khuyến nghị người dân không cung cấp thông tin cá nhân hoặc tài khoản ngân hàng trên website hoặc ứng dụng, không để bên cho vay truy cập tài khoản và danh bạ điện thoại cá nhân; khi phát hiện điểm đáng nghi cần ngay lập tức hủy cài đặt ứng dụng.

Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thanh Hóa cho biết thời gian gần đây có một số đối tượng ẩn danh lợi dụng mạng xã hội mạo danh các cơ quan, tổ chức trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, các trang fanpage "Thị xã Nghi Sơn", fanpage "Bảo tàng Thanh Hóa"… không do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thiết lập.

Tại mục thông tin liên hệ, các fanpage sử dụng số điện thoại và thư điện tử công vụ, đồng thời đăng tải các thông tin câu "like", câu "view" người đọc dễ hiểu nhầm.

Việc các trang giả mạo đăng thông tin sai sự thật gây ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội và làm rối nhiễu thông tin, dư luận.

Rầm rộ chiêu trò lừa đảo mạng Rầm rộ chiêu trò lừa đảo mạng 'ăn theo' mùa Tết

Những ngày cận Tết, thông tin quảng cáo, tuyển dụng việc làm thêm liên tục được đăng tải rầm rộ tại các nhóm tìm việc online. Kẻ lừa đảo dùng nhiều số điện thoại, tài khoản mạng xã hội đánh vào ham muốn nhanh kiếm được tiền của nạn nhân.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên