15/04/2012 10:49 GMT+7

Về thăm cầu ngói Thanh Toàn

THANH TÂM(Hà Tĩnh)
THANH TÂM(Hà Tĩnh)

AT - Nằm cách trung tâm thành phố Huế chừng 8km về hướng Đông, cầu ngói Thanh Toàn (thuộc xã Thủy Thanh, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế) được xếp vào loại hiếm và có giá trị nghệ thuật cao trong các loại cầu cổ ở Việt Nam.

Cầu không chỉ là một di tích kiến trúc có giá trị về mặt lịch sử, văn hóa mà nó còn là một thắng cảnh.

JjJvRJex.jpgPhóng to
Du khách ngồi nghỉ ở cầu ngói Thanh Toàn

Sự tích về cây cầu

Theo người dân kể lại, vào khoảng năm 1776 có một người cháu gái thuộc thế hệ thứ 6 của họ Trần đã cúng tiền cho làng xây dựng chiếc cầu gỗ để nhân dân trong vùng tiện bề qua lại. Vừa khỏi phải dùng đò ngang vừa có chỗ nghỉ ngơi, hóng mát trong những buổi trưa hè hay những đêm trăng sáng. Cầu còn là nơi cho lữ khách cùng người tha phương cầu thực có chỗ tạm dừng chân khi lỡ bước giữa đường.

Bà là Trần Thị Đạo, vợ thứ ba của một vị quan lớn dưới triều vua Lê Hiến Tông nhưng không có con. Vì vậy, bà muốn dùng tiền của mình để làm phúc cho dân làng và chiếc cầu là “đứa con tinh thần” mà bà để lại cho người đời.

Biết được nghĩa cử này, năm 1776 vua Lê Hiến Tông đã ban sắc khen ngợi bà và miễn cho dân làng nhiều thứ sưu dịch. Đến năm 1925, trong một sắc phong khác, vua Khải Định đã truy tặng cho bà tước vị Dực Bảo Trung Linh Hưng phò; hạ lệnh cho dân lập bàn thờ ngay trên cầu để thờ cúng bà và mong bà phò hộ cho dân chúng. Từ đấy, bà được dân làng tôn sùng, thờ phụng.

Cầu ngói Thanh Toàn được xây dựng theo lối “thượng gia, hạ kiều” (trên nhà, dưới cầu). Cầu làm bằng gỗ với dáng cong nhẹ nhàng, chiều dài 17m, chiều rộng 4m, được chia làm 7 gian, hai bên thân cầu có hai dãy bục gỗ và lan can để ngồi tựa lưng. Trên cầu có mái che lợp ngói lưu ly. Đây là loại ngói ngày xưa người ta rất quý, có tráng men và được sản xuất từ Trung Hoa, thường người ta chỉ sử dụng trong các công trình kiến trúc dành cho vua quan.

Chốn đồng quê mộc mạc, yên bình

Con đường về cầu ngói Thanh Toàn được xem là một trong những con đường làng đẹp nhất ở Huế. Hai bên đường là những cánh đồng lúa xanh biếc, những vườn cây trĩu quả... Màu xanh của những cánh đồng lúa mơn mởn sẽ làm dịu đi cái nắng hè gay gắt. Đạp xe trên con đường làng ấy bạn sẽ quên đi cái nắng gắt, mệt nhọc bởi mùi thơm của lúa non, mùi khói rơm đốt đồng lẫn trong mùi đất hay mùi thơm từ trái cây chín... Không khí thật trong lành, mát mẻ.

Phong cảnh làng quê càng mộc mạc bao nhiêu thì con người nơi đây cũng chân tình và giản dị bấy nhiêu. Dường như chính con người nơi đây đã tạo ra vẻ đẹp thơ mộng ấy. Những hình ảnh đã không còn xuất hiện ở nhiều làng quê Việt Nam thì con người nơi đây lại gìn giữ như một báu vật. đó là những sinh hoạt ngày mùa như xay lúa, đạp nước, nghe hò đối đáp, hò giã gạo... Từ trên cầu phóng tầm mắt ra xa, bạn sẽ được chiêm ngưỡng cây đa cổ thụ trước sân đình, bến nước và cả những con đò.

Cạnh cầu ngói là một khu chợ quê tuy không tấp nập nhưng mang lại cho du khách cảm nhận về một làng quê Việt Nam xanh mướt và bình dị. Bên trong chợ là những phụ nữ đang mải miết chằm nón lá. Tại phiên chợ quê ấy, du khách sẽ được thưởng thức những món ăn dân dã, đậm đà hương vị Huế do chính người dân địa phương chế biến như bánh khoai cá kình, bún hến Vĩ Dạ, bánh canh Thủy Dương... Ngoài ra, những chai rượu làng Chuồn, rượu Thanh Vinh nổi tiếng cũng được bày bán tại phiên chợ quê này.

Cách cầu chừng 20m là Nhà trưng bày của xã Thủy Thanh. Tại đây trưng bày hàng trăm hiện vật gồm các dụng cụ nhà nông và hoạt động của văn minh lúa nước như cày, bừa, liềm, cuốc, cối xay lúa... Ngoài ra còn có các dụng cụ thường ngày để bắt cá đồng như lưới, nơm, oi cùng các đồ lưu niệm bằng tre, mây. Chính nơi đây đã góp phần tô thêm vẻ đẹp trong quần thể di tích cầu ngói Thanh Toàn.

Cầu ngói gắn liền với tổng thể không gian làng Thủy Thanh trong đó bao gồm cả hệ thống nhà thờ họ, đình chùa, nhà vườn có kiểu kiến trúc và bài trí khá đặc sắc. Cách cầu ngói khoảng 5km còn có đình làng Vân Thê, nhà thờ Tôn Thất Thuyết - một di tích lịch sử cách mạng.

Cầu ngói Thanh Toàn trở thành một điểm đến tuyệt vời cho du khách trong và ngoài nước. Ở đây du khách sẽ có dịp thưởng thức vẻ đẹp kiến trúc truyền thống đặc biệt của cây cầu và ngưỡng mộ lòng vị tha của một đấng nữ lưu. đồng thời du khách được trải nghiệm cảm giác thú vị về một sinh hoạt cộng đồng mang đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc và cảm nhận được sức hút của vùng đất đã đi vào ca dao:

Ai về cầu ngói Thanh ToànCho em về với một đoàn cho vui.

S4BsMx7V.jpgPhóng to

Áo Trắng số 6 ra ngày 01/04/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo.

Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này.

THANH TÂM(Hà Tĩnh)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên