21/03/2024 08:02 GMT+7

Vì sao cần bố trí hơn 10.000 tỉ đồng để xử lý 8 dự án BOT gặp khó khăn?

Bộ Giao thông vận tải kiến nghị Chính phủ thống nhất, trình Quốc hội chấp thuận giải pháp, cho phép bố trí 10.342 tỉ đồng vốn nhà nước để xử lý khó khăn, vướng mắc tại 8 dự án BOT do bộ quản lý.

Dự án mở rộng hầm Hải Vân thuộc dự án BOT hầm Đèo Cả cần được hỗ trợ 2.800 tỉ đồng vì dự án không được thu phí đường La Sơn - Túy Loan theo hợp đồng đã  ký - Ảnh: NHẬT LINH

Dự án mở rộng hầm Hải Vân thuộc dự án BOT hầm Đèo Cả cần được hỗ trợ 2.800 tỉ đồng vì dự án không được thu phí đường La Sơn - Túy Loan theo hợp đồng đã ký - Ảnh: NHẬT LINH

Đó là nội dung tờ trình mới nhất được Bộ Giao thông vận tải gửi Chính phủ sau nhiều lần trình, tiếp thu ý kiến của các cấp có thẩm quyền và bộ ngành liên quan kể từ năm 2018 tới nay về phương án xử lý các dự án BOT gặp khó khăn, vướng mắc.

Chia 8 dự án BOT thành 3 nhóm để xử lý

Tờ trình của Bộ Giao thông vận tải nêu các nguyên tắc, giải pháp xử lý khó khăn, vướng mắc 8 dự án BOT và đề xuất giải pháp xử lý, chia làm 3 nhóm:

Nhóm 1: Sửa đổi hợp đồng, bổ sung khoảng 1.557 tỉ đồng vốn nhà nước hỗ trợ để tiếp tục thực hiện hợp đồng với 2 dự án BOT có doanh thu sụt giảm không có khả năng phục hồi gồm dự án BOT cầu Thái Hà vượt sông Hồng nối Thái Bình và Hà Nam, dự án BOT xây dựng cầu Việt Trì - Ba Vì (cầu Văn Lang).

Trong đó, dự án BOT cầu Thái Hà cần bổ sung 1.024 tỉ đồng vốn nhà nước hỗ trợ vì dự án có doanh thu 3 năm 2021-2023 sụt giảm, chỉ đạt 15 - 19% so với hợp đồng. 

Nguyên nhân khiến doanh thu dự án này sụt giảm vì đường vành đai 5 vùng thủ đô Hà Nội chưa triển khai dù quy hoạch đặt mục tiêu hoàn thành trước năm 2020; cầu Hưng Hà nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng và Cầu Giẽ - Ninh Bình hoàn thành năm 2019, không thu phí khiến lượng xe qua cầu Thái Hà sụt giảm.

Dự án BOT cầu Văn Lang có doanh thu 3 năm 2021-2023 sụt giảm chỉ đạt khoảng 30% so với hợp đồng do địa phương đầu tư 2 tuyến đường tỉnh, mở thêm nút giao với cao tốc Nội Bài - Lào Cai khiến lượng xe tải, xe container qua cầu Văn Lang chỉ đạt hơn 20% so với phương án tài chính.

Nhóm 2: Bổ sung vốn nhà nước khoảng 2.280 tỉ đồng cho dự án BOT hầm Đèo Cả (hạng mục đầu tư mở rộng hầm Hải Vân) do dự án không được thu phí đường La Sơn - Túy Loan theo cơ chế hỗ trợ của Nhà nước như hợp đồng đã ký.

Nhóm 3: Chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đối với 5 dự án gồm dự án BOT cầu đường sắt Bình Lợi và đường vành đai phía Tây TP Thanh Hóa đã hoàn thành nhưng không được thu phí;

2 dự án BOT chỉ được thu phí 1 trạm trong 2 trạm nên doanh thu sụt giảm, đã áp dụng giải pháp bổ sung vốn nhà nước nhưng vẫn không khả thi là dự án BOT nâng cấp, cải tạo quốc lộ 91, TP Cần Thơ (không được thu phí tại trạm T2) và dự án BOT xây dựng tuyến đường Thái Nguyên - Chợ Mới (không được thu phí tại trạm quốc lộ 3);

1 dự án sụt giảm doanh thu và tiềm ẩn nguy cơ mất an ninh trật tự là dự án BOT nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh đoạn km1.738+148 đến km1.763+610, tỉnh Đắk Lắk bị sụt giảm doanh thu (năm 2022, 2023 doanh thu đạt 36 - 43% so với hợp đồng) do đầu tư tuyến tránh thị xã Buôn Hồ. 

Dự án này được UBND tỉnh Đắk Lắk đề nghị chấm dứt hợp đồng, bố trí vốn để thanh toán cho nhà đầu tư nhằm bảo đảm ổn định về an ninh trật tự và tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội các địa phương vùng Tây Nguyên.

Đã có tiền lệ xử lý dự án BOT của các địa phương

Tuy đề xuất nhu cầu vốn nhà nước cần bố trí để xử lý 8 dự án BOT trên khoảng 10.650 tỉ đồng nhưng Bộ Giao thông vận tải cho biết mức vốn nhà nước thực tế thanh toán cuối cùng sẽ được đàm phán với nhà đầu tư, ngân hàng cho dự án vay vốn về mức chia sẻ của các bên khi thực hiện giải pháp và phải được kiểm toán trước khi thanh toán.

Về nguồn vốn, bộ kiến nghị sử dụng nguồn vốn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách trung ương năm 2023.

Theo Bộ Giao thông vận tải, trước thời điểm Luật PPP có hiệu lực (trước 1-1-2021), cả nước đã huy động khoảng 712.774 tỉ đồng đầu tư 242 dự án giao thông theo phương thức PPP. Trong đó bộ huy động 226.011 tỉ đồng để đầu tư 72 dự án; các địa phương huy động 486.763 tỉ đồng để đầu tư 170 dự án.

Về cơ bản, khó khăn, vướng mắc hiện nay tập trung chủ yếu tại các dự án BOT triển khai giai đoạn trước năm 2015.

Theo hợp đồng tại 8 dự án gặp vướng mắc cần xử lý, vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư huy động chiếm khoảng 10 - 15% tổng vốn đầu tư, còn 85 - 90% vay từ ngân hàng. 

Do đó việc bố trí vốn nhà nước xử lý vướng mắc các dự án trên sẽ giải ngân cho các ngân hàng cho dự án vay vốn nhằm giảm thiểu nợ xấu, bảo đảm an toàn cho hoạt động ngân hàng. Qua đó, tiếp tục khơi thông nguồn vốn tín dụng cho các dự án PPP sắp triển khai.

Về cơ sở thực tiễn, Bộ Giao thông vận tải cho biết thời gian qua một số địa phương đã và đang chủ động dùng ngân sách để xử lý khó khăn, vướng mắc các dự án BOT do địa phương quản lý như dự án BOT cải tạo, nâng cấp quốc lộ 14 đoạn Cây Chanh - Cầu 38 và đoạn Đồng Xoài - Chơn Thành do Bình Phước là cơ quan có thẩm quyền; dự án BOT xây dựng cầu Tân Kỳ - Tân Quý do TP.HCM là cơ quan có thẩm quyền; dự án BOT xây dựng đường tỉnh 743 do Bình Dương là cơ quan có thẩm quyền; dự án BOT xây dựng đường tỉnh 768 do Đồng Nai là cơ quan có thẩm quyền.

Bộ Giao thông vận tải cho biết thực tế các nước có phương thức đầu tư PPP phát triển cũng thực hiện chấm dứt hợp đồng trước thời hạn và thanh toán cho nhà đầu tư, điển hình Chính phủ Úc chấm dứt hợp đồng dự án hầm Sydney Cross City Tunel do doanh thu của hầm không đạt dự kiến vì phân tích dự báo sai về lưu lượng và mức thu phí không hợp lý; Chính phủ Anh đã thỏa thuận chấm dứt hợp đồng trước hạn, bồi thường cho nhà đầu tư dự án đường cao tốc Nottingham Express Transit do thay đổi một số nội dung trong quy hoạch…

Đường cao tốc vắng vốn tư nhânĐường cao tốc vắng vốn tư nhân

Nhiều nhà đầu tư tư nhân không còn mặn mà với việc làm đường cao tốc. Nguyên nhân vì sao?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên