24/08/2022 08:57 GMT+7

'Việc nhẹ lương cao': Rất nhiều lời cầu cứu từ Campuchia

TIẾN TRÌNH - ĐAN THUẦN (từ Sihanoukville, Campuchia)
TIẾN TRÌNH - ĐAN THUẦN (từ Sihanoukville, Campuchia)

TTO - Trước vụ việc nhiều lao động Việt Nam bị lừa sang Campuchia làm việc với hứa hẹn "việc nhẹ lương cao", phóng viên Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Ngọc Lý, tổng lãnh sự Việt Nam tại tỉnh Preak Sihanouk, Campuchia.

Việc nhẹ lương cao: Rất nhiều lời cầu cứu từ Campuchia - Ảnh 1.

Một nhóm cảnh sát túc trực đối diện cổng casino Golden Phoenix (bờ sông nơi 42 người Việt nhảy xuống để thoát thân) - Ảnh: L.D.

Preak Sihanouk là địa phương có nhiều casino, sòng bài nhất Campuchia. Đây là một trong những điểm nóng của tình trạng lao động bất hợp pháp bị lừa từ nước khác sang, trong đó có lao động Việt Nam bằng chiêu trò "việc nhẹ lương cao".

Cầu cứu, đề nghị hỗ trợ, giúp đỡ

* Thành phố Sihanoukville (tỉnh Preak Sihanouk) là điểm nóng của nạn lừa gạt lao động sang làm việc bất hợp pháp, trong đó có nhiều nạn nhân là công dân Việt Nam. Lãnh sự quán Việt Nam tham gia bảo hộ công dân như thế nào, thưa ông?

- Tình trạng lao động Việt Nam được đưa sang làm việc bất hợp pháp tại các cơ sở của người nước ngoài hoạt động tại Sihanoukville diễn ra từ cuối năm 2020 và ngày càng nhiều, phức tạp. Hằng ngày tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Sihanoukville tiếp nhận nhiều thông tin nạn nhân và thân nhân. Họ cầu cứu, đề nghị hỗ trợ, giúp đỡ đưa các công dân này về nước an toàn.

Lãnh sự quán đã trực tiếp tham gia nhiều cuộc hỗ trợ, phối hợp các cơ quan chức năng của Campuchia để giải cứu công dân Việt Nam khỏi các cơ sở lao động bất hợp pháp. Tính từ đầu năm 2021 đến tháng 8-2022, Lãnh sự quán đã hỗ trợ, phối hợp giải cứu hơn 600 người Việt Nam bị đưa sang lao động bất hợp pháp ở Campuchia. Trong đó có những vụ việc hết sức phức tạp.

* Trong những vụ việc rất phức tạp, việc xử lý, hỗ trợ các nạn nhân ra sao?

- Một vụ điển hình mới đây là việc phối hợp với chính quyền tỉnh Preak Sihanouk giải cứu gần 300 nạn nhân khỏi cơ sở lao động bất hợp pháp của người nước ngoài, diễn ra vào cuối tháng 4 vừa qua. Trước khi diễn ra cuộc giải cứu, ngày 19-4, có khoảng 30 người Việt Nam tháo chạy khỏi khu nhà do người nước ngoài quản lý. Chúng tôi đã tổ chức đưa các công dân Việt Nam về nước.

Vài hôm sau, chính quyền tỉnh Preak Sihanouk đã điều rất đông cảnh sát bao vây khu nhà, giải cứu thêm 270 lao động Việt Nam. Ngoài ra cũng có nhiều công dân của các nước khác được giải cứu trong đợt này. Trong số 270 lao động được đưa từ Việt Nam sang làm việc trong cơ sở bất hợp pháp này, chỉ có 50 lao động có giấy tờ đầy đủ, chúng tôi tổ chức đưa về nước. Còn lại trên 200 lao động không có đầy đủ giấy tờ, vi phạm luật pháp Campuchia thì được giữ tại chỗ để chờ nhận lệnh trục xuất sau đó.

Cảnh giác với cả chiêu trò "giải cứu"

* Trước thực trạng đó, Lãnh sự quán có khuyến cáo gì?

- Có thể thấy nhiều người sang Campuchia nhưng không có giấy tờ cần thiết. Họ vi phạm luật xuất nhập cảnh và cư trú trái phép ở Campuchia. Sau đó họ trở thành nạn nhân của tình trạng lao động bất hợp pháp. Nhiều người khai bị ngược đãi, bị cưỡng bức lao động...

Một điều thấy rõ là lao động Việt Nam đưa sang làm việc trái phép ở Campuchia phần lớn tuổi đời còn rất trẻ và đến từ khắp các tỉnh thành của Việt Nam. Đông nhất là độ tuổi từ 20 - 30. Cá biệt có những cháu mới 13 tuổi.

Chúng tôi đề nghị tất cả các địa phương Việt Nam cần tuyên truyền cho bà con biết, cảnh giác với những tuyển dụng lôi kéo người đi làm "việc nhẹ lương cao". Đừng tin vào hứa hẹn, kể cả đó là bạn bè, người thân. Nếu có nhu cầu xuất khẩu lao động sang Campuchia thì đến các cơ sở tuyển dụng lao động hợp pháp ở địa phương, hoặc liên hệ với các cơ quan đại diện của Việt Nam tại Campuchia.

* Nhiều gia đình Việt Nam có người thân bị giữ ở Campuchia thường xuyên nhận được đề nghị "giải cứu" và nhiều người tiếp tục bị lừa. Đây cũng là một chiêu trò phải cảnh giác?

- Đúng như vậy, đã có tình trạng trên mạng xã hội xuất hiện những cá nhân, các hội nhóm xưng là "hiệp sĩ" với những hứa hẹn có thể "giải cứu" lao động bị ngược đãi đưa về Việt Nam. Tuy nhiên có trường hợp người nhà của nạn nhân chuyển tiền cho những người này, nhưng họ không thể "giải cứu" các nạn nhân. Vì vậy cần phải cảnh giác và không chuyển tiền cho người lạ với những hứa hẹn "giải cứu", "chuộc người"... nếu không có đầy đủ thông tin cần thiết.

Công dân, lao động Việt Nam tại Preak Sihanouk hay các tỉnh lân cận, khi cần thiết có thể gọi đến đường dân nóng: 00855977988666 hoặc đường dây bảo hộ công dân: 0085597933999, hoặc liên hệ email: baohocongdan@gmail.com TLSQVN tại Preak Sihanouk để được hỗ trợ, giúp đỡ.

Mong Bộ Công an vào cuộc

Chiều 23-8, đại tá Đinh Văn Nơi, giám đốc Công an tỉnh An Giang, cho biết đến thời điểm này đã xác định có 4 đường dây mua bán người xảy ra tại 4 tỉnh thành trong vụ 40 người Việt Nam tháo chạy khỏi casino Campuchia bơi sang sông Bình Di về nước vào ngày 18-8.

"4 đường dây có dấu hiệu hoạt động tội phạm mua bán người này có sự móc nối với một số người ở Campuchia đưa lao động người Việt Nam vào các casino lao động bất hợp pháp. Chúng tôi báo cáo Bộ Công an chỉ đạo điều tra. Riêng đường dây đưa người xuất cảnh trái phép trên địa bàn tỉnh An Giang chúng tôi thụ lý", ông Nơi nói.

Nói thêm về vụ việc, ông Nguyễn Thanh Bình, chủ tịch UBND tỉnh An Giang, khẳng định: "Chúng tôi yêu cầu phải siết chặt biên giới, cấm người qua lại vượt biên trái phép. Tôi đang chỉ đạo Công an tỉnh An Giang qua lời khai của 40 người này, phải điều tra làm rõ đường dây đưa người vượt biên trái phép".

B.ĐẤU - H.T.DŨNG

Hàng trăm người Đài Loan cũng bị lừa

Các nhà chức trách cho biết hàng trăm người Đài Loan nằm trong số những nạn nhân bị giam giữ và bị ép buộc làm việc cho các mạng lưới lừa đảo do các nhóm buôn người điều hành tại Đông Nam Á. Cảnh sát tại Đài Loan, Trung Quốc, Hong Kong, Macau và Việt Nam đã triển khai các chiến dịch lớn để giải cứu công dân và chặn đứng các đường dây buôn người, báo Guardian đưa tin ngày 23-8.

Thông qua mạng xã hội, những kẻ buôn người đang nhắm đến những người trẻ châu Á, hứa hẹn "việc nhẹ lương cao" và chỗ ở tại các nước như Campuchia, Thái Lan, Myanmar và Lào.

Nhiều nhóm tội phạm chọn Campuchia, đặc biệt là thành phố Sihanoukville. Khi đến nơi, các nạn nhân bị tịch thu hộ chiếu. Họ bị bán cho những nhóm khác nhau, và bị buộc làm việc cho các công ty chuyên lừa đảo qua điện thoại hoặc trực tuyến. Nhóm nạn nhân lớn nhất dường như đến từ Trung Quốc, Việt Nam và Đài Loan.

Giới chức Đài Loan cho biết gần 5.000 người dân hòn đảo đã đến Campuchia nhưng không trở về. Cảnh sát Đài Loan xác nhận ít nhất 370 người trong số này đang bị giam giữ trái ý muốn, song con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Các báo cáo khác nhau cho thấy những kẻ buôn người đến từ Đài Loan, Trung Quốc, Thái Lan và Campuchia.

ANH THƯ

Bị tạm giam còn nhận "đề nghị giải cứu"

6Benngoaitraigiam 1(Read-Only)

Bên ngoài trại giam thành phố Sihanoukville - Ảnh: ĐAN THUẦN

Trong cuộc đào thoát của hơn 270 lao động Việt Nam tại Sihanoukville (Campuchia), có nhóm 4 thanh niên Việt Nam đang vướng vào lao lý và đang bị giam giữ chờ ngày ra tòa.

Tuổi Trẻ đã gặp Lê Ngọc Hà (22 tuổi, quê Thanh Hóa) là 1 trong 4 người đang bị giam giữ tại trại giam ở Sihanoukville và tìm đến gia đình của Hà tại Thanh Hóa. Hà kể thông qua môi giới anh nhập cảnh vào Campuchia từ cửa khẩu Mộc Bài.

Địa điểm làm việc mà Hà được đưa đến là một casino ở trung tâm thành phố Sihanoukville vào cuối tháng 2 năm nay. "Đó là một casino do cặp vợ chồng người Trung Quốc - Việt Nam quản lý, điều hành. Casino này không có khách vào chơi mà thực chất là dùng để hoạt động các ứng dụng, trò chơi cờ bạc trực tuyến", Hà kể thêm.

"Tụi em phải lên mạng giới thiệu, hướng dẫn người Việt tham gia các trò chơi cờ bạc trực tuyến rồi lừa hết tiền họ. Ai không làm, làm không đủ chỉ tiêu hoặc phản ứng lại, bỏ trốn thì bị trừ lương, bị đánh đập. Rất nhiều người Việt mình bị người chủ tra tấn. Sau 18 tiếng làm việc mỗi ngày thì tụi em không được đi đâu ra ngoài, sinh hoạt không khác gì nhà tù là mấy", Hà nói.

Về lý do bị tạm giam, Hà cho biết do sợ và không biết đường nên nhóm của Hà vẫn ở lại casino, tuy nhiên sau đó cảnh sát ập vào bắt giữ. Đến khi có phiên dịch thì mới biết lý do vì có người tố cáo nhóm của Hà lừa đảo, nhưng đến nay Hà vẫn một mực kêu oan.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, tổng lãnh sự Việt Nam tại Preak Sihanouk Vũ Ngọc Lý cho biết Lãnh sự quán đang theo dõi chặt chẽ và sẽ có những bước bảo hộ công dân theo quy định với Hà và những người còn lại.

Ông Lê Văn Thái và bà Nguyễn Thị Tân (bố và mẹ của Hà), trú tại phường Nam Ngạn, TP Thanh Hóa, cũng ăn ngủ không yên từ khi con đi sang Campuchia làm "việc nhẹ lương cao". Bởi hai ông bà luôn bị các cuộc điện thoại đòi tiền chuộc con trai từ Campuchia gọi về. Hà cũng gọi điện thoại về cho bố mẹ "cầu cứu", gửi sang 160 triệu đồng để chuộc mình về, nhưng vô vọng vì gia đình không có tiền.

"Có ngày vợ chồng tôi nghe đến hàng chục cuộc điện thoại từ các số máy lạ đòi tiền chuộc con trai. Vợ chồng tôi mất ăn mất ngủ, sút cân, buôn bán gặp khó khăn vì chuyện tiền chuộc con trai về nước", bà Tân nói.

T.TRÌNH - Đ.THUẦN - H.ĐỒNG

Cục Cảnh sát hình sự:

Người lao động cần tìm đến tư vấn của cơ quan chức năng

Trao đổi với Tuổi Trẻ, thượng tá Khổng Ngọc Oanh, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an), cho biết kẻ lừa đảo thường lấy lòng tin người lao động. Thông qua chiêu trò "việc nhẹ lương cao" qua trò chuyện trên mạng xã hội, thậm chí ứng tiền trước, các kẻ xấu lừa đưa người Việt sang Campuchia lao động bất hợp pháp.

Họ sẽ bị đưa vào các cơ sở sản xuất kinh doanh giữa rừng sâu, khu vực hẻo lánh, ít người hoặc casino, sòng bài trá hình. Các chủ người nước ngoài, quản lý cơ sở sẽ dùng các chiêu bài giam giữ, cắt cử nhóm côn đồ kiểm soát, ngăn chặn việc bỏ trốn về nước.

Thượng tá Oanh khuyên người lao động cần tìm đến tư vấn của cơ quan chức năng, gia đình, nhà trường và chia sẻ cụ thể nơi đến làm việc, thông tin người đi cùng, công việc cụ thể, thời gian dự kiến về nước. Bộ Công an cũng phối hợp với các cơ quan chức năng xác minh, giải quyết tin tố giác tội phạm buôn người và điều tra, xử lý nghiêm hành vi vi phạm nếu đủ căn cứ.

Còn ông Trần Ngọc Túy, cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội (Bộ Lao động - thương binh và xã hội), cho hay các đường dây lừa đảo sẽ lợi dụng tâm lý tìm việc nhanh chóng, trả lương thưởng hậu hĩnh để lừa bán người ra nước ngoài làm "việc nhẹ lương cao" nhưng thực chất là lao động cưỡng bức, bóc lột.

Nếu có thắc mắc, nghi ngờ cần tìm hiểu thông tin tại website http://www.dolab.gov.vn/New/Default.aspx hoặc đường dây nóng của Cục Quản lý lao động ngoài nước: 024.3824.9517 (số máy lẻ 511, 512, 513).

HÀ QUÂN

Tích cực triển khai bảo hộ công dân Việt Nam bị lừa, cưỡng bức lao động ở Campuchia Tích cực triển khai bảo hộ công dân Việt Nam bị lừa, cưỡng bức lao động ở Campuchia

TTO - Liên quan vụ việc nhóm người đào thoát khỏi một sòng bạc ở tỉnh Kandal (Campuchia) hôm 18-8 và các trường hợp liên quan, trong những ngày qua, Đại sứ quán Việt Nam tại Vương quốc Campuchia đã tích cực triển khai công tác bảo hộ công dân.

TIẾN TRÌNH - ĐAN THUẦN (từ Sihanoukville, Campuchia)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên