03/04/2024 11:26 GMT+7

Việt Nam là điểm sáng trong bản đồ tự do kinh tế toàn cầu, 'tam giác vàng' khởi nghiệp của ASEAN

Các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đánh giá Việt Nam là điểm sáng trong bản đồ tự do kinh tế toàn cầu; cùng với Indonesia, Singapore là 'tam giác vàng' khởi nghiệp của ASEAN.

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ - Ảnh: VGP

Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ - Ảnh: VGP

Ngày 3-4, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3-2024 và hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.

Yêu cầu phân tích tình hình của tháng 3 và quý 1, công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ và địa phương, các kết quả đạt được, Thủ tướng cho rằng đây sẽ là cơ sở để đánh giá tình hình, có các nhiệm vụ, giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả thời gian tới. 

Báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 3 và quý 1-2024, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, tăng trưởng kinh tế, sản xuất kinh doanh tiếp tục phục hồi đồng đều ở cả 3 khu vực nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ.

Nhiều doanh nghiệp lớn cam kết đầu tư vào Việt Nam

Các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đánh giá Việt Nam là điểm sáng trong bản đồ tự do kinh tế toàn cầu; cùng với Indonesia, Singapore là “tam giác vàng” khởi nghiệp của ASEAN.

Việt Nam cũng tăng 8 bậc từ vị trí 115 lên 107 trong Bảng xếp hạng chỉ số phát triển con người của UNDP.

Tăng trưởng GDP quý 1 ước tăng 5,66% so với cùng kỳ, vượt kịch bản đề ra tại nghị quyết số 01 của Chính phủ (5,2-5,6%), là mức tăng cao nhất trong quý 1 kể từ năm 2020 đến nay.

Tổng vốn FDI đăng ký đạt gần 6,2 tỉ USD, tăng 13,4% so với cùng kỳ năm 2023, vốn thực hiện đạt 4,6 tỉ USD, tăng 7,1%. Nhiều doanh nghiệp lớn đã cam kết đầu tư vào Việt Nam trong các ngành điện tử, chip, bán dẫn, năng lượng tái tạo…

Giải ngân vốn đầu tư công đạt 13,67% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (10,35%), số tuyệt đối cao hơn 16.500 tỉ đồng. 

Các doanh nghiệp, ngân hàng yếu kém, ngân hàng “0 đồng”, dự án chậm tiến độ tiếp tục được tập trung xử lý. 

Việc xử lý các dự án Công ty TNHH Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS), dự án gang thép Thái Nguyên (TISCO2), gang thép Lào Cai (VTM) tiếp tục có chuyển biến.

Các bộ, ngành, địa phương cũng đang tập trung triển khai, bảo đảm tiến độ công việc để thực hiện chính sách cải cách tiền lương từ ngày 1-7. Nhiều địa phương như TP.HCM, Hải Phòng, Nam Định... quyết liệt triển khai sắp xếp lại đơn vị hành chính. 

Tuy nhiên ông Dũng cũng chỉ ra những thách thức trong sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, thách thức.

Hội nghị trực tuyến với các địa phương - Ảnh: VGP

Hội nghị trực tuyến với các địa phương - Ảnh: VGP

Hai kịch bản tăng trưởng 

Sản xuất công nghiệp phục hồi còn chậm. Sản xuất nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long gặp nhiều khó khăn do hạn mặn tăng cao và có thể tiếp tục kéo dài.

Tình hình nắng nóng, hạn hán, thiếu nước dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rủi ro đến sản xuất nông nghiệp, phòng chống cháy rừng, sản xuất điện, cân đối nguồn điện. Thực tế đặt ra yêu cầu cần chủ động, sẵn sàng ứng phó kịp thời. 

Đáng chú ý, cầu tiêu dùng trong nước thấp hơn cùng kỳ và những năm trước dịch. Sức mua giảm cho thấy người dân thắt chặt chi tiêu, tâm lý thận trọng, tiết kiệm do những khó khăn của nền kinh tế. 

Một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính vẫn chậm được sửa đổi, gây phiền hà, khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Thêm nữa là áp lực lạm phát, tỉ giá; thị trường tài chính, tiền tệ, hệ thống ngân hàng còn tiềm ẩn rủi ro. Quản lý thị trường vàng còn bất cập, giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch lớn, khoảng 12,7 triệu đồng/lượng ghi nhận vào ngày 1-4.

Tỉ lệ nợ xấu nội bảng đến cuối tháng 1 là 4,79% (cuối năm 2022 là 2,03%, năm 2023 là 4,55%). Điều này ảnh hưởng đến khả năng giảm lãi suất cho vay, sức chống chịu trước các sức ép bên ngoài và có thể tiềm ẩn rủi ro đến an toàn hệ thống. Việc triển khai các dự án giao thông trọng điểm bị ảnh hưởng tiến độ do thiếu vật liệu. 

Trên cơ sở tình hình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cập nhật hai kịch bản tăng trưởng. Trong đó, kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế cả năm dự kiến đạt 6%; kịch bản 2, tăng trưởng cả năm đạt 6,5%.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị lựa chọn kịch bản 2. Trong điều kiện tình hình thế giới, trong nước chuyển biến thuận lợi hơn, tiếp tục nghiên cứu, triển khai các chính sách hỗ trợ mới về tài khóa, tiền tệ... để phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao nhất.

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Doanh nghiệp có niềm tin phục hồi, đơn hàng tăng trở lạiBộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Doanh nghiệp có niềm tin phục hồi, đơn hàng tăng trở lại

Kết quả thu hút FDI cho thấy niềm tin của doanh nghiệp vào triển vọng phục hồi kinh tế, trong khi chỉ số nhà quản trị mua hàng và đơn đặt hàng mới tăng trở lại với nhiều tín hiệu tích cực.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên