15/05/2024 05:43 GMT+7

Vô tư giao xe cho con, coi chừng 'tiền mất, án mang' vì con gây tai nạn

Nhiều bậc phụ huynh thản nhiên giao xe cho con em chưa đủ tuổi lái, để rồi chỉ một giây lơ đãng dẫn đến hậu quả gây tai nạn nghiêm trọng.

Rất đông người dân theo dõi phiên tòa xét xử lưu động tại Nhà văn hóa xã Ia Lâu, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) - Ảnh: T.H.

Rất đông người dân theo dõi phiên tòa xét xử lưu động tại Nhà văn hóa xã Ia Lâu, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) - Ảnh: T.H.

Nhiều người mất tiền, mất con rồi dính cả vào vòng lao lý chỉ vì chủ quan, thiếu sự giám sát con em mình để gây tai nạn giao thông.

"Tiền mất, án mang" vì giao xe cho con gây tai nạn

Mới đây, Công an TP Huế (tỉnh Thừa Thiên Huế) đã khởi tố bị can, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với bà H.T.K.L. (46 tuổi, trú TP Huế) vì hành vi giao xe cho con chưa đủ tuổi, không có giấy phép lái xe gây tai nạn nghiêm trọng.

Trước đó vào năm 2023, con trai của bà L. là N.V.Q.H. (chưa đủ tuổi lái xe, chưa có bằng lái) đã lấy xe máy do bà L. đứng tên để sử dụng. Khi H. đến đường Minh Mạng (phường Thủy Xuân, TP Huế) thì không làm chủ được tay lái, đâm vào xe máy đi đối diện.

Vụ tai nạn khiến một người chết, một người bị thương. Bản thân H. cũng bị chấn thương sọ não, phải nhập viện cấp cứu.

Sau vụ việc, Công an TP Huế đã khởi tố vụ án hình sự vi phạm quy định giao thông đường bộ gây hậu quả nghiêm trọng. Bà L. bị khởi tố để làm rõ việc bà cố ý hay vô tình giao xe cho H. chạy gây tai nạn.

Cũng mới đây, TAND huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đã đưa vụ án giao xe cho con trai lái gây tai nạn khiến bốn người chết.

Tại phiên tòa, bà Rơ Ma Pil (38 tuổi, mẹ của Rơ Mah Tinh - người lái xe máy gây tai nạn) khóc cạn nước mắt khi đứng trước vành móng ngựa. Bà mẹ nghèo ít học không ngờ đến một ngày bà phải chịu cảnh vừa mất con vừa phải đối diện với án tù như vậy.

Theo đó, vào năm 2022 bà Pil bị gai cột sống nên giao xe máy cho con trai Rơ Mah Tinh (17 tuổi) chạy để chở bà đi làm và "đi loanh quanh trong làng". Đến tháng 10-2023, sau khi uống rượu cùng bạn bè, Tinh lái xe máy chở hai người bạn khác về nhà.

Khi cả ba đang chạy trên đoạn đường liên xã thì va chạm với một thanh niên đi xe máy chiều ngược lại. Hậu quả cả bốn người tử vong.

Sau tai nạn, bà Rơ Ma Pil cắn răng vượt qua nỗi đau mất con để đến lo đám tang cùng các gia đình người bị nạn. Đồng thời hỗ trợ mỗi gia đình nạn nhân một con heo và 500.000 đồng.

Giữa tòa, bà Pil ngây thơ nói rằng có biết con uống rượu nhưng không ngăn cản việc con chạy xe máy do ít học, không hiểu luật. Sau nỗi đau mất con, người phụ nữ nghèo nơm nớp lo sợ cảnh mình phải chịu án tù thì không ai lo lắng cho hai người con còn nhỏ ở nhà.

Xét hoàn cảnh đặc biệt, TAND huyện Chư Prông đã tuyên phạt bà Pil 24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"

Theo Công an tỉnh Thừa Thiên Huế, trong năm 2023 đã phát hiện, xử phạt khoảng 800 trường hợp thanh, thiếu niên, học sinh vi phạm Luật Giao thông đường bộ, tạm giữ hơn 700 xe máy.

Phần lớn trong con số trên là những vi phạm như không đội mũ bảo hiểm, lạng lách, đánh võng và không đủ tuổi, không có bằng lái xe.

Luật sư Võ Công Hạnh (Đoàn luật sư tỉnh Thừa Thiên Huế) cho biết Bộ luật Hình sự năm 2015 có quy định rõ về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Theo đó cha, mẹ giao xe cho con, cháu chưa đủ tuổi lái, gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe cho người khác, thiệt hại về tài sản hoặc làm chết người... có thể bị phạt tù cao nhất đến 7 năm.

Ngoài ra, việc giao xe cho người không đủ điều kiện để lái cũng sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2 triệu đồng đối với xe máy và từ 4 - 6 triệu đồng đối với ô tô.

Theo luật sư Hạnh, việc cha mẹ biết con cái mình chưa đủ tuổi lái xe nhưng vẫn cố tình hoặc làm ngơ, thậm chí giao xe máy hay ô tô để con chạy ra đường là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

"Chính quyền địa phương, nhà trường cần thường xuyên tuyên truyền về Luật Giao thông đường bộ, Luật Hình sự đến chính các bậc phụ huynh của các bạn thiếu niên, học sinh để họ hiểu hơn về pháp luật. Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng", khi xảy ra hậu quả rồi hối tiếc thì đã muộn", ông Hạnh nói.

TP.HCM yêu cầu phụ huynh ký cam kết không giao mô tô, xe máy cho học sinh

Ngày 9-4-2024, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đã có công văn số 2048/SGDĐT-CTTT do ông Dương Trí Dũng - phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM - ký về việc tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật; thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.

Theo đó, trong công văn này, Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM đề nghị thủ trưởng các đơn vị thực hiện các nội dung sau đây.

Thứ nhất, các cơ sở giáo dục tiếp tục tổ chức tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ và nghị định số 100/2019/NĐ-CP ngày 30-12-2019 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt.

Thứ hai, các phòng giáo dục và đào tạo rà soát việc tổ chức ký kết với công an TP Thủ Đức và quận, huyện về việc phối hợp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông trên địa bàn; các trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học (có cấp học cao nhất THPT), trường có yếu tố nước ngoài và các đơn vị trực thuộc chủ động tổ chức ký kết kế hoạch phối hợp đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông tại đơn vị.

Thứ ba, các cơ sở giáo dục rà soát công tác tổ chức ký cam kết giữa cha mẹ học sinh với nhà trường về nội dung bắt buộc đội mũ bảo hiểm cho con em mình khi ngồi trên mô tô, xe máy, xe máy điện, xe đạp điện, không giao mô tô, xe máy và xe máy điện cho học sinh chưa đủ tuổi và chưa có giấy phép lái xe theo quy định của pháp luật;

Tổ chức cho học sinh ký cam kết với nhà trường thực hiện việc điều khiển xe máy và các phương tiện xe hai bánh chạy bằng điện phải đội mũ bảo hiểm, không lạng lách, đánh võng, không chở quá số người theo quy định và không đi hàng hai, hàng ba khi tham gia giao thông.

Thứ tư, nhà trường không tổ chức giữ mô tô, xe máy của học sinh khi không có giấy phép lái xe hoặc chưa đủ tuổi; đề nghị cơ quan chức năng tại địa phương rà soát, kiểm tra các hộ giữ xe học sinh không đúng quy định khu vực xung quanh trường.

Thứ năm, có biện pháp xử lý, giáo dục học sinh khi vi phạm giao thông đúng theo quy định.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM, nội dung trong văn bản này được căn cứ vào các kế hoạch phối hợp giữa sở này và Công an TP về tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến, thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông tại khu vực trường học, bảo đảm an ninh, trật tự tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.

Đồng thời cũng căn cứ vào công tác phòng ngừa tội phạm và phòng chống vi phạm pháp luật cho học sinh, sinh viên đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn TP.HCM.

Giao xe cho con, trách nhiệm cha mẹ tới đâu?Giao xe cho con, trách nhiệm cha mẹ tới đâu?

Cục Cảnh sát giao thông vừa có chỉ đạo các tỉnh thành tăng cường kiểm tra, xử lý thanh thiếu niên và học sinh vi phạm luật giao thông, đi xe máy khi chưa đủ tuổi. Thực tế cho thấy nhiều em chưa đủ 18 tuổi vẫn vô tư phóng trên chiếc xe tay ga 125cc.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên