13/03/2024 11:50 GMT+7

Vụ Vạn Thịnh Phát: Bà Trương Mỹ Lan nói tiền của mình đã cho rồi thì không nhớ

Sáng 13-3, phiên tòa xét xử bà Trương Mỹ Lan và các đồng phạm vụ Vạn Thịnh Phát tiếp tục với phần xét hỏi của các luật sư.

Các bị cáo tại phiên tòa sáng 13-3 - Ảnh: HỮU HẠNH

Các bị cáo tại phiên tòa sáng 13-3 - Ảnh: HỮU HẠNH

Tại phiên tòa sáng nay, các luật sư tập trung hỏi bị cáo Trương Mỹ Lan và các cựu cán bộ Ngân hàng SCB về thủ đoạn cho vay và đảo nợ tại ngân hàng này.

Qua đó, bị cáo Lan khẳng định hàng chục tỉ đồng đã cho thì không nhớ đến nữa.

Đọc thêm về vụ án Vạn Thịnh Phát TẠI ĐÂY

Hầu hết khoản vay tại SCB là vay để đảo nợ

Trả lời luật sư bào chữa cho mình, bà Trần Thị Mỹ Dung (nguyên phó tổng giám đốc Ngân hàng SCB) cho biết khoản vay đã cơ cấu là khoản vay đã tới thời hạn trả nhưng không trả thì được cơ cấu khoảng thời gian dài hơn, gồm cơ cấu cả gốc và lãi hoặc cơ cấu gốc trả lãi.

Thực tế hầu như tại SCB là khoản vay ngắn hạn, khi tới hạn chỉ có 2 phương pháp là trả vào hoặc cơ cấu. Trả vào là có khoản vay mới để đáo hạn khoản vay cũ. Khoản vay mới thì dòng tiền không đi ra ngoài, mà để trả khoản vay cũ.

Được hỏi về 617 hồ sơ vay vốn từ tháng 9-2019 đến tháng 8-2022 có bao nhiêu khoản vay không có giải ngân mà chỉ tất toán nợ cũ, tạo nợ mới, bà Dung nói không nhớ được vì số lượng nhiều, thời gian lâu, cũng không thống kê khoản nào rút ra, khoản nào đi tiền mặt nên không có số liệu chính xác về giải ngân bao nhiêu và nợ bao nhiêu.

Có nhiều khoản vay vào thời trước khi bà Dung bị bắt, là thời điểm đến hạn rút nhiều khoản vay tại SCB, hầu hết là vay để thanh toán khoản vay cũ.

"Bị cáo nghĩ mình làm sai, mình nhận, không né tránh. Nhưng số liệu quá lớn lên đến 200.000 tỉ. Số giải ngân không chỉ trả cái cũ.

Bị cáo nghĩ hành vi chỉ là che giấu, chứ số tiền thất thoát đã có từ trước rồi. Nên bị cáo mong tòa xem xét phần số liệu thất thoát cho rằng do bị cáo gây nên" - bà Dung nói.

Bà Dung cũng thừa nhận đối với khoản vay 1.500 tỉ của Công ty Tường Việt, bà đã làm sai quy trình tín dụng.

Thời điểm thực hiện, tài sản đảm bảo là khoảng 39 triệu cổ phần của Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Sài Gòn. Công ty này có dự án lớn bên quận 2, bị cáo đánh giá cao cổ phần đó. Sau này, khối tài sản đảm bảo được rút ra và đổi bằng tài sản khác.

Bà Dung xin hội đồng xét xử xem xét lại thiệt hại. Dự án được thế chấp tại SCB tương đương 35% cổ phần, khoảng 35.000 tỉ, nên tài sản đó đảm bảo nhiều khoản vay tại SCB.

Bà Trương Mỹ Lan không nhớ việc cho tiền lãnh đạo SCB

Được hỏi về lý do tại sao chọn ông Bùi Anh Dũng làm chủ tịch hội đồng quản trị SCB, bà Trương Mỹ Lan khẳng định việc này không phải bà chọn.

Về việc thưởng cho ông Bùi Anh Dũng 40 tỉ vào các năm 2020 và 2021, bà Lan nói không nhớ.

Bà Trương Mỹ Lan nói tiền của mình đã cho rồi thì không nhắc, không nhớ

"Tôi không nhớ. Tôi chỉ biết anh Dũng làm chủ tịch, vợ anh làm ở SCB, con cũng làm ở SCB. Anh Thành mới nhờ tôi nói là vợ con làm chung vậy kỳ lắm. Tôi nói với anh Dũng cho vợ nghỉ đi, chị cho ít tiền yên ổn đời sống. Bởi tôi đâu có nhờ anh Dũng gì đâu. Tôi không nhớ 20 tỉ hay 40 tỉ" - bà Lan khai.

Tương tự, luật sư hỏi bà Lan về quan hệ giữa bà và bị cáo Trương Khánh Hoàng (nguyên quyền tổng giám đốc Ngân hàng SCB) thì bà Lan cho rằng không có quan hệ gì.

Được hỏi bị cáo có thưởng cho Hoàng không, bà Lan nói: "Cái gì tôi cho rồi thì tôi không nhắc, không nhớ tới nữa".

"Việc bị cáo xác định có cho và cho tổng thể nhân viên. Bị cáo xác định cho tiền thì có liên quan đến hội đồng quản trị hay tổng giám đốc phải xét duyệt số cổ phần cho nhân viên SCB không?" - luật sư hỏi.

Bà Lan nói không biết ai thực hiện xét duyệt cổ phần cho nhân viên SCB. "Tôi chỉ cho thôi. Toàn bộ là tiền của tôi, tôi không lấy tiền bất cứ ai đem cho" - bà Lan nói.

Luật sư hỏi: "Lấy gì chứng minh tiền bị cáo cho bộ phận nhân viên SCB?" thì bà Lan trả lời: "Tôi không cần chứng minh vì nó rất nhỏ với tôi".

Cho vay năm 2021, định giá tầm nhìn đến 2025

Luật sư tiếp tục hỏi ông Dương Tấn Trước (tổng giám đốc Công ty Tường Việt) về chênh lệch trong việc định giá liên quan đến dự án Mũi Đèn Đỏ với trị giá 180.000 tỉ và định giá của Công ty Hoàng Quân chỉ hơn 17.000 tỉ, ông Trước từ chối trả lời.

"Tôi không liên quan đến SCB, độc lập hoàn toàn, tôi chỉ có quan hệ với chị Lan và rơi vào tình cảnh hôm nay. Vì vậy tôi chỉ đọc phần liên quan tôi trong cáo trạng, kết luận chứ không đọc gì thêm" - ông Trước nói.

Luật sư tiếp tục hỏi bị cáo Trương Khánh Hoàng (nguyên quyền tổng giám đốc Ngân hàng SCB) về việc năm 2021 dự án Mũi Đèn Đỏ được định giá hơn 180.000 tỉ.

Ông Hoàng cho biết việc định giá 180.000 tỉ là định giá giá trị tương lai, thời điểm cho vay là 2021, công ty này định giá tầm nhìn đến 2025.

Bà Trương Mỹ Lan xin tòa xem xét lại định giá bất động sản theo giá thị trườngBà Trương Mỹ Lan xin tòa xem xét lại định giá bất động sản theo giá thị trường

Sáng nay, 13-3, phiên tòa tiếp tục phần xét hỏi với sự tham gia xét hỏi của các luật sư. Trước đó, các luật sư đã đặt nhiều câu hỏi đối với bà Trương Mỹ Lan nhằm làm rõ vai trò của bà Lan trong vụ án.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên