09/11/2009 08:26 GMT+7

Vung tiền như "đại gia" Trung Quốc

HIẾU TRUNG
HIẾU TRUNG

TT - Trong khi tỉ phú ở các nước phát triển đang oằn mình với những khoản lỗ lên đến hàng tỉ USD, thì giới nhà giàu mới phất tại Trung Quốc lại đang chứng tỏ đẳng cấp “đại gia” của mình khi đốt hàng núi tiền cho xe sang và đồ hiệu.

Vung tiền như “đại gia” Trung Quốc

TT - Trong khi tỉ phú ở các nước phát triển đang oằn mình với những khoản lỗ lên đến hàng tỉ USD, thì giới nhà giàu mới phất tại Trung Quốc lại đang chứng tỏ đẳng cấp “đại gia” của mình khi đốt hàng núi tiền cho xe sang và đồ hiệu.

ImageView.aspx?ThumbnailID=373903

Khách hàng Trung Quốc ngắm nghía những chiếc xe sang trọng trong một triển lãm xe hơi ở Bắc Kinh - Ảnh: Getty Images

Đường Tân Bảo ở thủ đô Bắc Kinh là khu mua sắm cao cấp dành riêng cho giới tỉ phú. Từng là một mê cung với vô vàn ngõ nhỏ, giờ đây con đường dài 800m này lại là nơi các hãng xe loại sang như Rolls-Royce, Bugatti, Lamborghini hay các hiệu thời trang cao cấp như Gucci, Louis Vuitton, Cartier đặt cửa hiệu. “100% khách hàng của chúng tôi là người Trung Quốc và họ cực giàu” - ông Wilson Ho, giám đốc điều hành chi nhánh Lamborghini tại Bắc Kinh, cho biết.

Mua xe triệu đô trong một giờ

Ông Ho, đại diện cả hãng xe Bugatti và Rolls-Royce tại Bắc Kinh, mô tả các khách hàng của mình là “những doanh nhân thành đạt từ các ngành địa ốc, giải trí, tài chính, khai thác than và sản xuất thép”. Họ đều còn rất trẻ, phần lớn mới chỉ ngoài 20 tuổi. “Với một số người, tiền chẳng khác gì giấy vụn. Họ đến và mua một chiếc xe sang trọng chỉ trong vỏn vẹn một giờ... và họ trả tiền đầy đủ. Tôi không nói đến những chiếc xe vài chục nghìn USD, mà hàng trăm nghìn, thậm chí cả triệu USD”.

Ông kể một số “đại gia” Trung Quốc là những người mê xe đến phát cuồng, nhu cầu xe hơi sang trọng ở Bắc Kinh và các thành phố lớn tại Trung Quốc rất lớn. “Một số người thậm chí có tới 10 chiếc xe trong gara. Đối với họ, đó chỉ là tiền tiêu vặt. Cũng dễ hiểu thôi, họ là tỉ phú mà”. Hiện Bắc Kinh là thị trường lớn thứ ba trên thế giới của loại xe Rolls-Royce, chỉ sau Dubai và Abu Dhabi (UAE). Năm 2008, Rolls-Royce đã bán được tổng cộng 52 xe Phantom với giá 1-1,5 triệu USD/chiếc tại Bắc Kinh, tương đương mỗi tuần một chiếc.

“Trong khi hầu hết các thị trường đều sụt giảm do khủng hoảng kinh tế, thị trường Trung Quốc tiếp tục tăng trưởng rất mạnh” - ông Klaus Maier, chủ tịch Hãng Mercedes-Benz Trung Quốc, cho biết. Doanh số toàn cầu của Mercedes-Benz sụt 17,5% trong bảy tháng đầu năm nay, nhưng tăng vọt 49% tại Trung Quốc. Hãng BMW cũng cho biết doanh số cả năm 2009 ở Trung Quốc sẽ rất “tích cực”.

Theo khảo sát của Hãng nghiên cứu thị trường JD Power Asia-Pacific, khoảng 50% khách hàng mua xe BMW, Mercedes và Audi ở Trung Quốc có độ tuổi trung bình 30-40, trong khi ở các nước phương Tây là 55.

Nhìn chung, giới nhà giàu Trung Quốc ưa chuộng các loại xe sang thuộc đẳng cấp cao nhất, kích thước lớn hơn là các loại xe cỡ nhỏ. “Các đại gia Trung Quốc, từ những ông chủ tư nhân cho đến lãnh đạo các tập đoàn nhà nước, đều thích loại xe cỡ lớn bởi như vậy thể diện của họ càng to hơn” - ông Tang Sai-Kit, một nhà bình luận trong ngành ôtô ở Hong Kong, nhận xét.

Thị trường hàng hiệu khổng lồ

Ở Trung Quốc, khi bạn đã lái một chiếc BMW thì không thể đeo một chiếc đồng hồ nội địa rẻ tiền. Bên cạnh xe hơi, thị trường hàng hiệu cũng bùng nổ với tốc độ chóng mặt. Các cửa hàng của những hiệu thời trang hàng đầu thế giới như Louis Vuitton, Cartier hay Gucci tại Bắc Kinh luôn đông nghẹt người mua vào các buổi chiều. Năm nay liên tục mỗi tuần Louis Vuitton mở một cửa hiệu mới tại Trung Quốc và khẳng định doanh số của hãng năm nay thuộc loại “hiếm có”.

Ở một cửa hàng Cartier, những chiếc đồng hồ gắn kim cương đều có giá lên đến 185.000 USD. “Công việc kinh doanh của chúng tôi ở đây rất tốt - bà Bonnie Bao, quản lý cửa hàng, cho biết - Khách hàng của chúng tôi rất giàu, họ mua mà chẳng cần để ý đến giá tiền”. Cartier đã mở 11 cửa hiệu ở Trung Quốc trong năm 2008 và sẽ mở thêm tám cửa hiệu nữa trong năm nay.

Đại diện một nhãn hàng hiệu khác cho biết 99% khách hàng của hãng là người Trung Quốc. “Khủng hoảng kinh tế chẳng ảnh hưởng gì đến khách hàng của chúng tôi - người đại diện này tiết lộ - Và lượng khách Trung Quốc đến với chúng tôi ngày càng nhiều”.

Công việc kinh doanh của nhà hàng sang trọng Lan Club trên đường Tân Bảo cũng chẳng có vẻ gì là thất bát. Tại đây, một chai cognac có giá 5.400 USD, một đĩa cua giá 775 USD nhưng luôn kín chỗ. Còn câu lạc bộ Jockey Club cũng trên con đường này thu hút tới 300 hội viên, phần lớn là người Trung Quốc, dù phí thành viên lên đến 36.600 USD.

Theo khảo sát của Hiệp hội Hàng xa xỉ thế giới (WLA), thị trường hàng xa xỉ Trung Quốc đã lên tới 8,6 tỉ USD trong vòng 14 tháng qua, qua mặt Mỹ để đứng hàng thứ hai thế giới chỉ sau Nhật. WLA dự báo Trung Quốc sẽ vượt Nhật và trở thành quốc gia tiêu thụ hàng xa xỉ lớn nhất thế giới vào năm 2015.

HIẾU TRUNG

(Theo China Daily, Asia Online,WSJ)

HIẾU TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên