21/02/2024 15:19 GMT+7

Xác minh hơn 4.000 tàu cá không bật giám sát hành trình

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các địa phương rà soát, kiểm tra hơn 4.000 tàu cá không bật thiết bị giám sát hành trình trên 6 tháng qua.

Tàu cá Việt Nam thả neo tại khu vực quần đảo Trường Sa - Ảnh: C.TUỆ

Tàu cá Việt Nam thả neo tại khu vực quần đảo Trường Sa - Ảnh: C.TUỆ

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có công văn gửi các tỉnh, thành phố ven biển về việc thực hiện một số nội dung chống khai thác thủy sản bất hợp pháp.

Theo thống kê, thời gian qua vẫn có 7 tàu cá ở Kiên Giang (5 tàu cá), Quảng Ngãi, Tiền Giang vi phạm, vượt ranh giới trên biển. 

Có 4.375 tàu cá trên 15m không bật thiết bị giám sát hành trình trên 6 tháng, trong đó có 220 tàu cá trên 24m...

Hiện cả nước còn gần 15.200 tàu cá "3 không" (không đăng ký, không đăng kiểm, không cấp phép).

Để thực hiện tốt công tác chuẩn bị làm việc với đoàn thanh tra của Ủy ban châu Âu (EC) lần thứ 5, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, thành phố ven biển rà soát, kiểm tra và xác định rõ tình trạng các tàu cá mất kết nối VMS trên 6 tháng hiện đang ở đâu, đang hoạt động hay nằm bờ, chủ sở hữu, hồ sơ đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác. 

Đặc biệt là kiểm tra, xác minh tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên.

Đề nghị xử lý nghiêm minh, triệt để theo quy định của pháp luật, nhất là tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên vi phạm quy định về VMS và tàu cá vượt ranh giới trên biển, tàu cá khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.

Đồng thời tuyên truyền, hướng dẫn ngư dân thực hiện đăng ký tàu cá theo quy định đối với các tàu cá chưa đăng ký tại địa phương, không để phát sinh tình trạng tàu cá không đăng ký, không đăng kiểm, không giấy phép khai thác thủy sản hoạt động tại địa phương.

Đề nghị các địa phương tăng cường nguồn lực để triển khai thực hiện hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử thủy sản khai thác, nhật ký khai thác thủy sản điện tử nhằm minh bạch thông tin, kết nối dữ liệu liên thông phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác.

Đồng thời tập trung nguồn lực thực hiện quản lý tàu cá xuất, nhập bến, tàu cá ra, vào cảng để phát hiện và xử lý triệt để trường hợp tàu cá vi phạm các quy định về khai thác thủy sản bất hợp pháp tại địa phương.

Trong lần thanh tra thứ 4, EC vẫn duy trì cảnh báo "thẻ vàng" và tiếp tục đưa ra 4 nhóm khuyến nghị đối với Việt Nam.

Trong đó có nhóm vấn đề về tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, chưa kiểm soát tốt nguồn gốc thủy sản xuất khẩu và tàu cá, và việc thực thi pháp luật, trong đó có xử phạt tình trạng tàu cá mất kết nối, còn hạn chế.

Dự kiến tháng 4 tới đây, EC sẽ sang Việt Nam để thanh tra lần thứ 5. Đây được xem là cơ hội "cuối cùng" để Việt Nam gỡ thẻ vàng trước khi EU bầu cử.

Nếu không gỡ được thẻ vàng trong thời gian sắp tới thì có thể phải mất vài năm nữa mới có cơ hội gỡ, thậm chí có nguy cơ bị phạt "thẻ đỏ", bị hạn chế xuất khẩu thủy sản vào các thị trường quan trọng khác.

Chống khai thác IUU góp phần gỡ thẻ vàng EC, bảo vệ sinh kế cho ngư dânChống khai thác IUU góp phần gỡ thẻ vàng EC, bảo vệ sinh kế cho ngư dân

Đó là chia sẻ của Thiếu tướng Nguyễn Văn Dũng - chính ủy Bộ tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4 - trong buổi gặp mặt báo chí đầu xuân năm 2024 vào ngày 25-1, khi nói về giải pháp phòng chống tàu cá khai thác thủy hải sản vi phạm trên biển.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên