​Ngày đầu tiên đứng lớp

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TT - “Mặc dù đã trải qua thời kỳ thực tập nhưng ngày đầu tiên chính thức trở thành giáo viên, đứng trước các em học sinh, mình vẫn run và hồi hộp vô cùng”.

Giờ dạy toán của cô Võ Thị Ánh Ngọc, giáo viên Trường tiểu học Phạm Văn Chí, Q.6, TP.HCM - Ảnh: H.HG.

Cô Võ Thị Ánh Ngọc, giáo viên Trường tiểu học Phạm Văn Chí, Q.6, TP.HCM, tâm sự.

“Tôi nhớ hôm ấy là một ngày giữa tháng 8, sau khi “ra mắt” ban giám hiệu, thầy hiệu trưởng đã đề nghị tôi nhận lớp ngay. Thầy nhờ thầy hiệu phó đưa tôi qua cơ sở 2 để làm quen với học sinh lớp 4/6.

Bước vào lớp, thầy hiệu phó trịnh trọng: “Thầy xin giới thiệu với các em đây là cô Võ Thị Ánh Ngọc - cô giáo chủ nhiệm của các em năm học này”. Cả lớp vỗ tay rần rần. Thầy còn hỏi: “Các em thấy cô có đẹp không?”. Cả lớp đồng thanh: “Dạ, đẹp!” làm cô giáo như mở cờ trong bụng” - Ngọc kể với giọng sôi nổi.

“Bí” và “chữa cháy”

* Cô Tô Thị Diệu Hiền (khối trưởng khối 4 Trường tiểu học Phạm Văn Chí):

Thế mạnh của giáo viên trẻ

Giáo viên mới ra trường thì không thể đòi hỏi phải lên tiết xuất sắc như những giáo viên thâm niên. Dù có sự bỡ ngỡ, có đôi chỗ chệch choạc nhưng lòng nhiệt huyết của những cô giáo, thầy giáo trẻ mới ra trường sẽ “cuốn” học sinh theo sự hào hứng đầy cảm xúc của mình trong mỗi tiết dạy.

Ngọc khẳng định: “Ngày đầu tiên chính thức làm cô giáo sẽ mãi là ngày Ngọc không bao giờ quên”. Bởi sau khi thầy hiệu phó ra về giao lớp lại cho cô, lúc đầu cô giáo rất vui vẻ, tự nhiên cho học sinh giới thiệu tên, họ của mình, cô hỏi thăm thêm vài điều rồi... không biết làm gì tiếp nữa. Thế là đành “chữa cháy” bằng cách: “Các con im lặng, chờ cô chút nhé!”.

Cô giáo vội vàng chạy sang lớp 4/5 cầu cứu thầy Phương - giáo viên chủ nhiệm lớp này. Thầy Phương hướng dẫn: nói cho trò biết những thông tin đầu năm như chuẩn bị dụng cụ học tập, sách, vở, nếu còn thời gian thì ôn tập phép nhân, phép chia.

Lúc ấy Ngọc nhớ đến những kiến thức đã biết từ hồi đi thực tập. Cô tổ chức cho học sinh chơi trò “hỏi nhanh, đáp nhanh” theo bảng cửu chương, em nào thua sẽ bị phạt “nặn tượng”. Thế là học sinh lớp 4/6 có những trận cười nghiêng ngả - ngày đầu tiên làm cô giáo của Ngọc sau những phút giây hồi hộp đã trôi qua trong rộn rã tiếng cười của cả cô và trò.

Trong khi đó, với Trần Thị Yến - giáo viên môn văn Trường THCS Nguyễn Văn Bé, Q.Bình Thạnh, TP.HCM - lại khác: “Ngày đầu tiên đứng lớp đồng thời được ban giám hiệu trường phân công làm giáo viên chủ nhiệm lớp 6/10, mình thì không run lắm nhưng học sinh tỏ ra dè dặt với cô giáo mới. Nhìn vào mắt các em, mình đọc được sự hoài nghi “cô trẻ quá, không biết có đủ kinh nghiệm dạy mình không?”.

Có lẽ vì thế mà những phút ban đầu cả lớp nhốn nháo, xôn xao, có em che miệng cười: “Cô trẻ thế”. Cô giáo thì tự nhủ: “Mình phải cẩn thận hơn trong từng lời nói, tác phong sao cho chuẩn mực, sao cho thuyết phục. Cũng may là sau đó các em tỏ ra thân thiện, cởi mở hơn” - Yến cho biết.

“Cô thấy đời con khổ chưa?”

“Sau những ngày đầu tiên làm quen với học sinh đồng thời xây dựng nề nếp lớp học, mình bắt tay vào việc chuẩn bị cho những tiết dạy chính thức. Giáo án đã soạn từ trong hè nhưng xem đi xem lại vẫn thấy chưa ưng ý, lại sửa vài chỗ. Ngày đầu tiên họp tổ chuyên môn được các thầy cô đi trước hướng dẫn, mình về sửa lại giáo án thêm một lần nữa. Khi giáo án đã tạm ưng ý, mình xem xét đến tác phong khi giảng bài và tập giảng bài với chiếc gương. Từ giọng nói đến cử chỉ, thái độ, sự biểu cảm của khuôn mặt cô giáo đều rất quan trọng, nhất là với bộ môn văn” - Yến kể.

Thế nhưng, nghề giáo không chỉ có những niềm vui: “Trước giờ tôi vô tư lắm, chỉ biết ăn và học. Bây giờ thành cô giáo cũng biết suy tư, trăn trở hơn rồi” - Ánh Ngọc vừa nói vừa cười.

Rồi cô trầm ngâm: “Đó là từ khi tôi biết được gia cảnh học sinh của mình, mới đầu năm đã có em nghỉ học. Hỏi tại sao, em trả lời nghỉ một buổi để phụ mẹ bán hàng; có em không được cha mẹ chăm sóc phải ở với bà. Có em ngày nào cũng phải đợi ba đến 17g30 mới được đón trong khi các bạn đã ra về lúc 16g15, có bữa em than với tôi với giọng điệu như ông cụ non: “Cô thấy đời con khổ chưa?”. Tôi đang học cách đối xử với các em tâm lý hơn và phù hợp hơn...”.

Hỏi Ngọc có cảm thấy buồn không khi được phân công về Trường Phạm Văn Chí, trường đã khó khăn mà Ngọc phải dạy ở cơ sở 2 nằm sâu trong con hẻm ngoằn ngoèo, Ngọc cười: “Ở đây đa số phụ huynh là người dân lao động nhưng học trò thì dễ thương lắm lắm. Chính các em mang lại niềm vui cho mình mỗi ngày khi đến trường.

Bữa trước mình hỏi bạn nào đến trường sớm nhất thì giặt giùm cô cái khăn lau bảng. Thế là cả lớp giơ tay, ai cũng giành “con đến sớm nhất”. Có bữa mình bước vào lớp với khuôn mặt rất nghiêm, các con hỏi: “Cô ơi, sao hôm nay cô đẹp giống Minh Hằng quá” làm cô phì cười”.

“Cháy” hết mình trong giảng dạy

Đây là năm đầu tiên Lê Trung Hiếu, 25 tuổi, giáo viên môn sinh học Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Q.Cái Răng, Cần Thơ), đứng trên bục giảng. Hiếu tâm sự cảm giác hồi hộp, náo nức, vui mừng xen lẫn lo âu trong lòng cứ như tràn ra ngoài khi ngoài phụ trách giảng dạy môn sinh cho hai lớp 10 và ba lớp 11, Hiếu còn đảm nhận thêm công tác chủ nhiệm lớp 11A6.

Để làm tốt công tác chủ nhiệm, trước tiên Hiếu tìm hiểu hoàn cảnh 39 học sinh trong lớp bằng cách hỏi giáo viên chủ nhiệm trước, sau đó theo lớp trưởng đến tận nhà. Qua đó Hiếu biết lớp có hai em thuộc diện nghèo, cận nghèo, ngoài ra một số em có hoàn cảnh khó khăn.

Từ đó, Hiếu đề xuất với trường biện pháp giúp đỡ cũng như động viên các em vượt qua khó khăn trước mắt. Vì vậy, Hiếu đã kịp thời ngăn chặn được một trường hợp bỏ học.

Ngày đầu tiên đi dạy, Hiếu chọn bộ trang phục mình tự tin nhất với hi vọng “buổi đầu tiên ra mắt” mọi chuyện sẽ tốt đẹp. Bài giảng đã chuẩn bị kỹ lưỡng nên Hiếu tự tin đứng trước lớp, dốc cạn lòng truyền thụ kiến thức cho các em. Hiếu quan niệm giáo án là một kịch bản, nếu chuẩn bị đầy đủ sẽ đảm bảo thành công của bài giảng.

Ngược lại, nếu chuẩn bị qua loa dễ làm người giảng rơi vào tình trạng lúng túng, bị động, gây nhàm chán đối với người học, chất lượng giảng không cao. Vì vậy, Hiếu rất chú trọng khâu soạn giáo án.

Tuy nhiên Hiếu cũng cho rằng khi giảng không thể chỉ bê nguyên xi giáo án vì làm như vậy chẳng khác nào “giáo án chết”, mà người dạy phải thường xuyên cập nhật kiến thức, tình hình thực tế rồi điều chỉnh và bổ sung những tư liệu mới để bài giảng sinh động và gắn với hơi thở cuộc sống...

Hiếu mang hoài bão, ước mơ trở thành thầy giáo chẳng những trang bị kiến thức cho trò mà còn dạy các em cách đối nhân xử thế, biết cách ứng xử giao tiếp trong gia đình và ngoài xã hội. Đó chính là động lực thôi thúc Hiếu toàn tâm toàn ý vì sự nghiệp “trồng người”. Hiếu sẽ “cháy” hết mình trong công tác giảng dạy để nâng cao chất lượng học tập.

“Các thầy hết mình, chỉ cần học trò cố hết sức, biết đâu sẽ có thay đổi từ trường vùng quê này...” - Hiếu bộc bạch.

MINH TÂM

Ngày khai giảng dành cho ai?

Đón con ở cổng trường, tôi hỏi: “Đi khai giảng có gì vui không con?”. Con thở dài: “Năm nào cũng thế mẹ ạ, có gì khác đâu mà vui hả mẹ?”. Vừa nói con vừa nhăn nhó ngồi lên xe mẹ chở về nhà.

Trước kỳ khai giảng năm học 2014-2015 từ hơn một tuần, trường con tổ chức tập luyện khai giảng cho học sinh. Cũng chỉ là những thủ tục quen thuộc như đứng dậy chào, ngồi xuống, vỗ tay sao cho thật đồng đều, tóm lại tất cả cử chỉ phải thật chuyên nghiệp.

Suốt cả tuần đội nắng chỉ để tập dượt những động tác ấy cho thật thuần thục, nhuần nhuyễn để thầy cô giáo ưng ý, vui lòng mới thôi. Con bảo rằng chỉ tập khai giảng cho xong nghĩa vụ vì cô giáo cũng lo nếu có học sinh lớp mình sai nhịp sẽ bị khiển trách.

Vậy nên hôm nào đi tập khai giảng về con đều kêu đau đầu, mệt mỏi. Có hôm con lả cả người, tôi định cho con nghỉ nhưng con khăng khăng bảo không được vì còn nằm trong đội văn nghệ của trường nữa.

Ban đầu con không muốn vào đội văn nghệ vì mấy năm trước năm nào cũng tập luyện vất vả nhưng cô giáo đe nẹt: “Không tham gia tức không có ý thức xây dựng phong trào của lớp”. Thế nên con cứ phải “theo”.

Lúc nào cô giáo cũng nói: “Có đại biểu về dự nên không được có bất cứ sai sót nào. Các con thương cô với”. Và vì “thương” cô giáo nên con tôi cũng như các bạn khác cứ gắng sức luyện tập chăm chỉ như thế.

Nhiều hôm con về mệt, ăn cơm không ngon, có khi còn không muốn ăn, tôi xót con mà chẳng biết làm gì. Cho đến ngày khai giảng, con chỉ mong kết thúc cho nhanh vì sự lặp đi lặp lại năm nào cũng giống năm nào, không có gì bất ngờ, mới mẻ nên không hào hứng, mong chờ.

Là một phụ huynh, tôi không hiểu nhà trường bỏ công sức cả tuần ra tập tành cho học sinh trở nên “chuyên nghiệp” trong buổi khai giảng để làm gì. Nhất là công sức các em bỏ ra chỉ để sử dụng ít ỏi hơn nửa giờ trong ngày khai giảng.

Tôi không biết nhà trường cố gắng tổ chức ngày khai giảng cho “to”, cho hoành tráng để làm gì khi bản thân các em cảm thấy không vui trong chính ngày mở màn năm học mới? Hài lòng ai? Đẹp lòng ai khi lễ khai giảng lẽ ra phải dành cho chủ nhân chính là các em thì ở đây, các em bỏ công sức vào vai chỉ để vui lòng người khác?

LINH (Hà Nội)

 

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên