03/09/2023 11:46 GMT+7

100 triệu người, 100 triệu ước mơ

Để tận dụng lợi thế của 100 triệu dân trên lộ trình phát triển bền vững, điều quan trọng là Việt Nam cần xác nhận thực tế "con người là giải pháp chứ không phải là vấn đề".

100 triệu người, 100 triệu ước mơ - Ảnh 1.

Ông Rémi Nono Womdim - phụ trách văn phòng Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) và trưởng đại diện của Tổ chức FAO tại Việt Nam có ý kiến như trên.

UNFPA là một tổ chức của Liên Hiệp Quốc, chuyên sâu về lĩnh vực dân số, sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục.

Ông Rémi Nono Womdim - phụ trách văn phòng Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA)

Ông Rémi Nono Womdim - phụ trách văn phòng Quỹ Dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA)

Chúng ta chỉ có thể có một tương lai giàu mạnh, bình an và bền vững nếu chúng ta tăng cường và đảm bảo các quyền của mỗi con người trên hành tinh này".
Ông Rémi Nono Womdim

Cơ hội dân số vàng chỉ còn 15 năm

* Việt Nam đang trong thời kỳ cơ hội dân số vàng và giai đoạn này dự báo sẽ kết thúc vào năm 2039. Theo ông, Việt Nam cần làm gì để tận dụng cơ hội dân số vàng để đạt được mục tiêu trở thành quốc gia công nghiệp hóa hiện đại vào năm 2045?

- Việt Nam chính thức bước vào thời kỳ cơ hội dân số vàng từ năm 2007. Điều này có nghĩa là Việt Nam đang có tỉ trọng dân số trong độ tuổi lao động lớn gấp hai lần nhóm dân số ở độ tuổi phụ thuộc (nhóm phụ thuộc gồm chủ yếu là trẻ em và người cao tuổi).

Theo thông tin cập nhật nhất của Ủy ban Quốc gia về thanh niên, Việt Nam hiện có hơn 22 triệu thanh niên, chiếm 22,5% tổng dân số và 36% dân số trong độ tuổi lao động.

Dự báo, thời kỳ cơ hội dân số vàng của Việt Nam sẽ kết thúc vào năm 2039. Như vậy trong 15 năm nữa, Việt Nam vẫn được hưởng lợi từ cơ hội duy nhất này để thúc đẩy phát triển bền vững.

UNFPA đánh giá cao những đầu tư phát triển nguồn nhân lực của Chính phủ Việt Nam trong những năm qua. Các chính sách, cơ chế và chương trình đều lấy phát triển con người là trung tâm.

Để tận dụng tối đa cơ hội dân số vàng trong 15năm tới, Việt Nam nên tiếp tục đầu tư vào các chính sách và chương trình ưu tiên cho giáo dục và đào tạo các kỹ năng kỹ thuật, kỹ năng sống, kỹ năng và kiến thức về sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục cũng như thúc đẩy các quyền của phụ nữ và thanh niên và thúc đẩy bình đẳng giới.

UNFPA tin rằng thúc đẩy bình đẳng giới - thông qua việc tiếp cận sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục, đảm bảo các quyền, nâng cao giáo dục đào tạo, có các chính sách lao động phù hợp và các quy chuẩn công bằng - sẽ tạo ra những gia đình khỏe mạnh, các nền kinh tế vững mạnh và những xã hội có khả năng chống chịu.

* UNFPA có những kiến nghị gì để Việt Nam khai thác hiệu quả tiềm năng của 100 triệu dân?

- 100 triệu người dân Việt Nam là "100 triệu người, 100 triệu ước mơ, 100 triệu tiềm năng". Nhờ những tiến bộ trong nỗ lực cải thiện tình trạng kinh tế - xã hội cho người dân, giờ đây Việt Nam có thể hưởng lợi từ nguồn nhân lực có kỹ năng ngày càng gia tăng.

Để tận dụng cơ hội từ 100 triệu dân, cách tốt nhất là mọi người dân được đảm bảo các quyền của mình, trong đó có quyền ra quyết định về tình dục và sinh sản cũng như bình đẳng giới.

Với tư cách là cơ quan chủ trì Hội nghị quốc tế về dân số và phát triển (ICPD) mà Việt Nam đã tham gia, UNFPA khuyến nghị đã đến lúc Việt Nam cần tuân thủ đầy đủ các nguyên tắc mà ICPD đã đưa ra.

Theo đó các cá nhân và các cặp vợ chồng nên được tự do quyết định một cách có trách nhiệm về số lần sinh, khoảng cách giữa các lần sinh và thời điểm sinh con.

Để làm được như vậy, tất cả chúng ta phải đảm bảo rằng mọi phụ nữ, mọi bà mẹ và mọi cặp vợ chồng đều có thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản có chất lượng, cũng như các dịch vụ hỗ trợ trẻ em và nhà ở, đặc biệt đối với các cặp vợ chồng trẻ.

Theo ước tính của UNFPA trên toàn cầu, cứ 1 USD đầu tư vào sức khỏe bà mẹ có thể mang lại 8,4 USD lợi tức kinh tế vào năm 2050. Tương tự như vậy, cứ 1 USD đầu tư vào công tác kế hoạch hóa gia đình sẽ thu về 10,1 USD lợi tức kinh tế.

Những thay đổi quan trọng về cơ cấu dân số đang diễn ra tại Việt Nam cũng như một phần của xu hướng chung toàn cầu đang thôi thúc Việt Nam lồng ghép một cách thận trọng yếu tố biến động dân số và phân tích nhân khẩu học vào chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như Kế hoạch hành động quốc gia vì sự phát triển bền vững.

Chúng ta cần đặc biệt chú ý đến nhu cầu đặc thù của các nhóm dân số dễ bị tổn thương như phụ nữ và trẻ em gái, thanh thiếu niên, người cao tuổi, dân tộc thiểu số, lao động di cư, người khuyết tật và nạn nhân của bạo lực gia đình và bạo lực giới.

Cần đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển bền vững của Việt Nam. Theo đó, một cách tiếp cận chung cho tất cả mọi người sẽ không phù hợp trong bối cảnh kinh tế - xã hội đa dạng của Việt Nam.

Người dân tộc Dao đỏ tỉnh Thái Nguyên - Ảnh: Lý Hoàng Long

Người dân tộc Dao đỏ tỉnh Thái Nguyên - Ảnh: Lý Hoàng Long

* Theo ông, Việt Nam cần làm gì để hỗ trợ tốt hơn những nhóm dân số dễ bị tổn thương, không bỏ ai lại phía sau?

- Với chất lượng cuộc sống được cải thiện, tuổi thọ trung bình tăng, số người cao tuổi của Việt Nam sẽ tăng. Dự báo Việt Nam sẽ vào nhóm nước có dân số già (tỉ lệ người từ 65 tuổi trở lên chiếm 14% tổng dân số, tương đương 15,5 triệu người) từ năm 2036.

Như vậy, khi Việt Nam đang trong thời kỳ cơ hội dân số vàng, đồng thời Việt Nam cũng trải qua giai đoạn già hóa dân số. Khi kết thúc thời kỳ dân số vàng, dân số Việt Nam đã ở thời kỳ dân số già.

Kinh tế xã hội phát triển nhanh, khoảng cách giàu nghèo sẽ có thể lớn, nhóm người nghèo, người dân tộc thiểu số lại càng phải đặc biệt quan tâm hơn để duy trì tiến độ phát triển bền vững.

Việt Nam cần dự tính nhu cầu của dân số già. Tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội là một trong những giải pháp cần thiết. Với vị thế hiện nay, Việt Nam hoàn toàn có thể chuẩn bị tốt để thích ứng với thời kỳ dân số già khi thời kỳ dân số vàng kết thúc.

Việt Nam là một trong sáu quốc gia duy nhất trên thế giới đạt được Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ thứ 5 (MDG 5) về giảm tử vong mẹ.

Tuy nhiên vẫn còn tồn tại những khác biệt giữa các vùng miền liên quan đến việc tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục.

UNFPA kiến nghị Việt Nam tăng cường tiếp cận và sử dụng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản và sức khỏe tình dục tổng hợp, có chất lượng dành cho các dân tộc ít người; nâng cao năng lực chuyên môn của cán bộ y tế tuyến huyện và tuyến xã tại các địa phương miền núi xa xôi về chăm sóc cấp cứu sản khoa trong quá trình mang thai và sinh con; thiết lập mạng lưới các cô đỡ thôn bản ở những vùng sâu vùng xa.

Cần kết hợp tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc sinh con tại các cơ sở y tế.

Bảo trợ xã hội và bảo hiểm xã hội đảm bảo hạnh phúc và khỏe mạnh khi về già - Ảnh: UNFPA

Bảo trợ xã hội và bảo hiểm xã hội đảm bảo hạnh phúc và khỏe mạnh khi về già - Ảnh: UNFPA

Lo cho mỗi giai đoạn của vòng đời mỗi người

* Việt Nam cần chuẩn bị gì cho thời kỳ dân số già, thưa ông?

- UNFPA tin rằng Chính phủ Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển và mở rộng bảo trợ xã hội, bao gồm bảo hiểm xã hội.

Tăng cường hệ thống bảo trợ xã hội là một trong những giải pháp cần thiết. Hệ thống bảo trợ xã hội của Việt Nam cần hỗ trợ những nhóm dân số dễ bị tổn thương, trong đó có người cao tuổi với việc áp dụng hướng tiếp cận vòng đời tích hợp và nhạy cảm giới.

Hướng tiếp cận vòng đời có nghĩa là cần đầu tư trong mỗi giai đoạn của cuộc sống của mỗi cá nhân, từ khi còn bé đến tuổi thanh thiếu niên và đến khi trưởng thành, có như vậy thì khi con người ta về già họ vẫn sẽ có một cuộc sống sung túc, hạnh phúc và khỏe mạnh.

Về bảo hiểm xã hội, cần mở rộng phạm vi bao phủ của hệ thống để bao gồm nhóm dân số dễ bị tổn thương, nhóm người cao tuổi. Bảo hiểm xã hội cần bền vững về tài chính. Một hệ thống bảo hiểm và bảo trợ xã hội được tích hợp tốt sẽ tạo ra những tác động tích cực tới quá trình phát triển kinh tế.

Người cao tuổi cần được đảm bảo an sinh xã hội để có thể tiếp tục tham gia đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Chính phủ cần tạo các điều kiện để người cao tuổi có thể tiếp tục cống hiến và đóng góp vào phát triển kinh tế - xã hội theo nhu cầu và mong muốn, phát triển nền kinh tế bạc (kinh tế phục vụ người cao tuổi) và thúc đẩy việc đạt được lợi tức dân số vàng. Giới trẻ cũng cần hiểu rõ người cao tuổi cần gì và để chuẩn bị tốt cho tuổi già của mình.

* UNFPA đang hỗ trợ gì để nâng cao chất lượng dân số cho Việt Nam?

- UNFPA tin rằng có dữ liệu tốt hơn, cuộc sống sẽ tốt hơn. Vì vậy UNFPA đã và đang tiếp tục hỗ trợ Việt Nam công tác xây dựng, chia sẻ và sử dụng dữ liệu phục vụ quá trình xây dựng và thực hiện các chiến lược, chính sách và các chương trình phát triển.

UNFPA đã đồng hành cùng Việt Nam hơn 45 năm qua. Chúng tôi đang hợp tác với Chính phủ thực hiện Chương trình Quốc gia lần thứ 10, giai đoạn 2022 - 2026. Những hỗ trợ của UNFPA ở Việt Nam cũng là để góp phần đạt được ba kết quả đột phá cấp toàn cầu vào cuối năm 2030 gồm:

Không có ca tử vong mẹ khi có thể ngăn ngừa, Không có nhu cầu kế hoạch hóa gia đình nào không được đáp ứng và Không bạo lực trên cơ sở giới và không có bất cứ thực hành nào có hại (như tảo hôn và lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới) đối với phụ nữ và trẻ em gái.

100 triệu người, 100 triệu ước mơ - Ảnh 6.

TP.HCM đang xây dựng dữ liệu người dân, phát triển đột phá kinh tế sốTP.HCM đang xây dựng dữ liệu người dân, phát triển đột phá kinh tế số

Xác định công nghệ số và dữ liệu số là những công cụ phát triển đột phá kinh tế số, TP.HCM đang tích cực xây dựng nhiều nhóm dữ liệu về người dân, tài chính, doanh nghiệp, đô thị…

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên