28/09/2023 05:30 GMT+7

2 kỹ thuật cao nào giúp Bệnh viện Chợ Rẫy chữa thành công ca ung thư hạch?

Một bệnh nhân nữ 46 tuổi ung thư hạch tái phát, kháng trị nhiều phác đồ đã được các bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) cứu chữa thành công nhờ áp dụng đồng thời hai kỹ thuật cao, chuyên sâu.

Mắc ung thư hạch tái phát, điều trị không đáp ứng, bệnh nhân 46 tuổi đã hồi phục ngoạn mục nhờ áp dụng thành công đồng thời hai kỹ thuật cao, chuyên sâu: ghép tế bào gốc đồng loài và phác đồ điều kiện hóa diệt tủy có xạ trị toàn thân (TBI) - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Mắc ung thư hạch tái phát, điều trị không đáp ứng, bệnh nhân 46 tuổi đã hồi phục ngoạn mục nhờ áp dụng thành công đồng thời hai kỹ thuật cao, chuyên sâu: ghép tế bào gốc đồng loài và phác đồ điều kiện hóa diệt tủy có xạ trị toàn thân (TBI) - Ảnh: Bệnh viện cung cấp

Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam có bệnh viện công lập áp dụng thành công cùng lúc hai kỹ thuật cao, chuyên sâu điều trị thành công cho bệnh nhân ung thư hạch tái phát, kháng trị nhiều phác đồ, thay vì trước đây chỉ được một kỹ thuật hoặc nếu hai kỹ thuật thì ở bệnh viện tư hoặc ra nước ngoài.

Áp dụng cùng lúc hai kỹ thuật cao

Ngày 27-9, Bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ thông tin về việc phối hợp hai kỹ thuật cao, chuyên sâu điều trị thành công cho bệnh nhân N.H.O. (nữ, 46 tuổi, ngụ Bình Dương) bị ung thư hạch. Đó là phương pháp ghép tế bào gốc đồng loài với phác đồ điều kiện hóa diệt tủy bằng phương pháp xạ trị toàn thân (TBI).

Bác sĩ Trần Thanh Tùng - trưởng khoa huyết học Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết cách đây hơn một năm, khoa tiếp nhận bệnh nhân O. với chẩn đoán u lympho (có kích thước khoảng 15cm) tái phát, kháng trị với nhiều phác đồ điều trị.

Khai thác bệnh sử cho thấy bệnh nhân phát hiện vùng cổ xuất hiện hạch nên đi khám, kết quả chẩn đoán bị ung thư hạch (hay còn gọi là lymphoma). Tại cơ sở y tế đầu tiên, bệnh nhân đã được điều trị đầu tiên bằng phương pháp hóa trị đơn thuần.

Sau hai năm, bệnh nhân bị tái phát lần 1 và được hóa trị thì cũng đáp ứng. Tuy nhiên, sau hai năm nữa, bệnh nhân lại tiếp tục bị tái phát lần 2, được hóa trị lần 2, vẫn đáp ứng. Năm 2021 tái phát lần 3, nhưng liệu pháp điều trị không còn đáp ứng nữa.

Bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy đánh giá đây là trường hợp ung thư hạch tái phát và kháng trị nên êkip điều trị quyết định chọn những phương pháp điều trị mới cho bệnh nhân. Sau nhiều lần hội chẩn, êkip điều trị đã quyết định thực hiện đồng thời hai kỹ thuật cao, chuyên sâu để điều trị cho người bệnh: ghép tế bào gốc đồng loài phối hợp với phác đồ điều kiện hóa diệt tủy có xạ trị toàn thân (TBI).

Do bệnh nhân O. tái phát kháng trị nên không thể lấy tế bào gốc của bệnh nhân vì trong máu bệnh nhân còn tế bào ung thư. Do đó buộc phải áp dụng phương pháp ghép tế bào gốc đồng loài. May mắn là người chị ruột của bệnh nhân khỏe mạnh hoàn toàn, có các chỉ số phù hợp nên đã tặng tế bào máu gốc của mình cho em gái, và bệnh nhân đã được ghép tế bào gốc đồng loài thành công.

Sức khỏe bệnh nhân đã ổn định

Bệnh nhân O. được áp dụng phác đồ điều trị trên với 3 ngày xạ trị toàn thân, mỗi ngày hai lần (sáng và chiều), mỗi lần từ 35 - 40 phút. Trong suốt quá trình điều trị, các bác sĩ phải đảm bảo nghiêm ngặt quy trình chống nhiễm khuẩn cho bệnh nhân, vì có thể gây ra những biến chứng, thậm chí thất bại ngay trong quá trình điều trị.

Sau ghép tế bào gốc 30 ngày, bệnh nhân được đánh giá là ghép thành công và được xuất viện sau ghép 45 ngày. Hiện sau điều trị, sức khỏe bệnh nhân ổn định, đã đi làm và quay trở lại với cuộc sống sinh hoạt thường ngày.

Bác sĩ Lê Phước Đậm - đơn vị ghép tế bào gốc, khoa huyết học Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết thêm tổng chi phí điều trị cho bệnh nhân là khoảng 290 triệu đồng, trong đó bảo hiểm y tế thanh toán 170 triệu đồng, số tiền còn lại do bệnh nhân tự chi trả. Dù được điều trị thành công, đến nay bệnh nhân vẫn tái khám định kỳ để đánh giá tác dụng phụ và khả năng tái phát.

Chia sẻ về quá trình phương pháp xử lý triệt để tế bào ung thư, êkip phẫu thuật cho biết thêm bệnh nhân cần được hóa trị để "làm sạch" các tế bào ung thư. Sau đó, TBI giống như một "vũ khí" sẽ quét sạch các tế bào còn sót lại ẩn giấu trong cơ thể. Cuối cùng, bệnh nhân được ghép các tế bào máu mới thì sẽ được (chữa khỏi) ổn định.

Ông Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - chia sẻ thêm: "Bệnh viện đã mở ra cơ hội cho các bệnh nhân ung thư bởi phương pháp này ít tác dụng phụ, ít biến chứng và thời gian nằm viện cũng ngắn hơn...

Trong tương lai, hy vọng rằng sẽ có sự kết hợp giữa bệnh viện với các bệnh viện huyết học để tăng cường hiệu quả điều trị cho các bệnh nhân ung thư máu, góp phần cải thiện được chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân".

Chợ Rẫy - bệnh viện công đầu tiên dùng kỹ thuật cao chữa thành công ung thư hạchChợ Rẫy - bệnh viện công đầu tiên dùng kỹ thuật cao chữa thành công ung thư hạch

Lần đầu tiên tại Việt Nam, một bệnh viện công lập - Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) đã thực hiện đồng thời hai kỹ thuật cao, chuyên sâu điều trị thành công cho bệnh nhân ung thư hạch tái phát, kháng trị nhiều phác đồ.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên