06/01/2019 09:15 GMT+7

40 năm giải cứu Campuchia - Kỳ cuối: Cái giá của sự hi sinh

TIẾN TRÌNH - MY LĂNG
TIẾN TRÌNH - MY LĂNG

TTO - Để giải cứu dân tộc Campuchia khỏi họa diệt vong, cái giá hi sinh của Việt Nam không hề nhỏ.

40 năm giải cứu Campuchia - Kỳ cuối: Cái giá của sự hi sinh - Ảnh 1.

Cựu chiến binh Lê Thanh Hiếu (bìa phải, ngồi) cùng đồng đội trong ngày gặp mặt nhân dịp 40 năm giải phóng Campuchia - Ảnh: NVCC

Không có sự giúp đỡ của Việt Nam thì Campuchia không có ngày nay. Dứt khoát là thế!

Chủ tịch Quốc hội Campuchia Heng Samrin

Cuộc chiến bắt buộc

"Thời gian giúp bạn ở Kampong Chhnang, tôi chứng kiến không biết bao nhiêu chuyện đau lòng. Người mẹ chiến sĩ từ Việt Nam sang thăm con. Bà tới nơi lúc con trai của bà đang hành quân, truy đuổi tàn quân Pol Pot. Bao nhiêu náo nức chờ được gặp con, để rồi khi đoàn quân kéo về thì con của bà đã hi sinh" - ông Trần Văn Tư (nguyên trưởng đoàn chuyên gia 9902, giúp tỉnh Kampong Chhnang) cho biết.

Đó là cuộc chiến bắt buộc. Khi quân Pol Pot liên tục gây hấn, giết hại trên 5.230 đồng bào sống ở biên giới, khi địch đã huy động 10 sư đoàn tiến hành chiến tranh xâm lược biên giới Việt Nam và khi người dân Campuchia đang đứng trước nguy cơ bị diệt chủng chạy sang cầu cứu quốc gia láng giềng.

Bà Võ Thị Ái Xuân, bí thư Tỉnh ủy An Giang, nói rằng khi các lực lượng vũ trang Việt Nam tiến vào giải phóng hai tỉnh giáp biên giới là Tà Keo và Kandal, có trên 400.000 người dân ở hai tỉnh này được giải cứu khỏi bàn tay quân Pol Pot. Thiếu tướng Nguyễn Huy Cảnh, tư lệnh Quân đoàn 2, cho biết trong cuộc chiến giải cứu Campuchia, bên cạnh những số liệu tiêu diệt địch, binh đoàn cũng đã giải cứu trên 85.000 dân. Thượng tá Nguyễn Bá Lực, sư đoàn trưởng sư đoàn 10 (Quân đoàn 3), kể rằng khi Quân đoàn 3 giải phóng các tỉnh Battampang, Siem Reap, Pursat, Kampong Thom... đã có hàng trăm ngàn dân được giải thoát, hơn 2 vạn dân được đưa về quê để xây dựng lại cuộc sống mới...

Tuy nhiên, bên cạnh những niềm vui chiến thắng, xóa sổ quân diệt chủng, giải cứu dân thường khỏi cái chết trước mắt, cũng đã có rất nhiều người con đất Việt nằm lại trên đất bạn Campuchia, cho đến nay vẫn chưa về cùng đất mẹ. Phó đô đốc Phạm Hoài Nam (tư lệnh Quân chủng Hải quân) cho biết trong chiến dịch Tà Lơn, để xóa sổ lực lượng hải quân của Pol Pot, làm chủ hoàn toàn vùng biển phía Nam Campuchia, lực lượng hải quân đã hi sinh 373 người, bị thương 661, mất tích 65... 

Con số này chưa phải là lớn nếu so với những tổn thất của Quân đoàn 4, đơn vị hiển hách nhất với cánh quân tiến về giải phóng Phnom Penh. Năm 1989, Bộ đội tình nguyện Việt Nam đã rút về nước. Kết thúc chiến tranh, Campuchia được giải cứu, biên giới Tây Nam yên bình. Chế độ diệt chủng bị xóa, người dân Campuchia bắt tay vào xây dựng tương lai đất nước mình.

Nhưng trong từng thớ đất, dòng sông, cánh đồng của Campuchia, có xương thịt hi sinh của hàng vạn người con Việt Nam nằm lại, góp phần cho đất nước này được hồi sinh. Nhắc lại chiến thắng cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam, đại tướng Ngô Xuân Lịch (bộ trưởng Bộ Quốc phòng) cho rằng: "Việt Nam đã cứu nhân dân Campuchia thoát khỏi bờ vực của thảm họa diệt chủng, giành lại quyền sống, quyền làm người cho họ".

40 năm giải cứu Campuchia - Kỳ cuối: Cái giá của sự hi sinh - Ảnh 3.

Những người lính Việt Nam này đã giúp giải cứu Campuchia khỏi chế độ diệt chủng Khmer Đỏ - Ảnh: Southeast Asia Globe

Cuộc giải cứu tính bằng máu xương...

Ông Trần Phú, cựu chiến binh của trung đoàn 273, sư đoàn 341, Quân đoàn 4, kể: "Có trận đánh, tiểu đoàn của tôi chỉ còn hơn 200 người. Có trận, 3 chỉ huy tiểu đoàn hi sinh, trong đó có tiểu đoàn trưởng và chính trị viên phó. Có trận, cán bộ đại đội hi sinh hơn 10 người!". 

Ông Lê Thanh Hiếu, một trong những người lính của đại đội 2, tiểu đoàn 7 thuộc trung đoàn 209, nhớ lại: "Có những trận đánh, chỉ hơn một ngày mà một đại đội 60 người có tới 24 người hi sinh! Địch cách mình có 10m! Có những trận ác liệt đến nỗi bộ đội đặt tên là Chùa Hận, Núi Hận vì hi sinh quá nhiều. Trận đánh ngày 12-12-1978, đại đội của tôi 70 người chỉ còn 6 người trở về và chỉ 2 người lành lặn!".

Ông Trần Mạnh Cường, nguyên trung đoàn trưởng trung đoàn 209, nói: "Thời kháng chiến chống Mỹ ác liệt vậy mà sĩ quan chỉ huy cao cấp của mình hi sinh không nhiều như khi đi đánh Pol Pot! Mình mất hàng trăm tướng tá... Ở Quân đoàn 4, sư trưởng sư đoàn 9 và trung đoàn trưởng trung đoàn pháo binh 210 hi sinh...".

Để giải cứu Campuchia, Việt Nam đã thắt lưng buộc bụng để giúp bạn 33.600.000 đồng, 20.090 tấn vật chất các loại cùng 180.000 tấn hàng... Bộ Quốc phòng Việt Nam đã huy động 18 sư đoàn của 3 quân khu (5, 7, 9) và 3 quân đoàn (2, 3, 4) mở cuộc tổng phản công tiến công chiến lược, giúp nhân dân Campuchia giải phóng đất nước, thoát khỏi họa diệt chủng.

Theo một con số thống kê chưa đầy đủ, chỉ tính riêng từ ngày 30-4-1977 đến ngày 7-1-1979 (ngày giải phóng thủ đô Phnom Penh), bộ đội Việt Nam đã hi sinh khoảng 12.000 người và khoảng 43.000 người bị thương. Đó là chưa kể thương vong 10 năm sau đó (1979-1989, năm Việt Nam rút quân khỏi Campuchia). 

Chỉ riêng tại Quân đoàn 4, một trong những đơn vị chủ lực chiến đấu tại chiến trường Campuchia và đánh vào giải phóng Phnom Penh, sau 18 tháng chiến đấu liên tục, bằng 5 chiến dịch cấp quân đoàn, 13 trận đánh cấp sư đoàn, 68 trận cấp trung đoàn và gần 700 trận cấp tiểu đoàn, đại đội đã hi sinh 3.446 người, 12.464 người bị thương. Tại nhà bia của Quân đoàn 4 có đến 24 tấm bia với 48 mặt khắc dày kín tên, quê quán, ngày hi sinh của các liệt sĩ từ 58 tỉnh thành.

Nhưng những con số hi sinh đó không phải là con số cuối cùng. Đất nước Việt Nam không chỉ mất mát những người không trở về cùng đoàn quân chiến thắng, mà còn tổn thất không nhỏ khi hàng vạn người mang nặng những vết thương của cuộc chiến. Cái giá bỏ ra để chính nghĩa chiến thắng khó mà tính toán hết được...

40 năm giải cứu Campuchia - Kỳ cuối: Cái giá của sự hi sinh - Ảnh 4.

Một góc bia khắc tên liệt sĩ quê Nghệ An hi sinh tại chiến trường Campuchia của Quân đoàn 4 - Ảnh: MY LĂNG

Địa ngục trần gian

Theo GS.TS Võ Văn Sen (hiệu trưởng ĐH KHXH&NV TP.HCM), dưới chế độ Pol Pot, Campuchia là một đất nước tang tóc, bị biến thành lò sát sinh khổng lồ, kinh khủng nhất trong thế kỷ 20. Một địa ngục trần gian trong máu và nước mắt.

Ông đưa ra những con số thống kê: Từ 1975-1978, tổng số người bị sát hại là 2.746.105 người. Chế độ Pol Pot đã để lại hơn 200.000 trẻ mồ côi, 634.552 ngôi nhà, trong đó có 5.857 trường học, 796 cơ sở y tế bị phá hủy... Trong 1.000 trí thức nghe lời kêu gọi trở về "xây dựng đất nước" thì chỉ có 85 người sống sót.

TIẾN TRÌNH - MY LĂNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên