04/08/2019 11:20 GMT+7

40 năm người dân giữ gìn biên cương phía Bắc - Kỳ 4: Mỗi người dân là một cột mốc

PHƯƠNG MAI - HẢI VÂN
PHƯƠNG MAI - HẢI VÂN

TTO - Những cột mốc biên cương đã được người dân vùng biên giữ gìn theo cách riêng của họ, với tinh thần của những người thực sự coi biên giới là nhà.

40 năm người dân giữ gìn biên cương phía Bắc - Kỳ 4: Mỗi người dân là một cột mốc - Ảnh 1.

Ông Hoàng Seo Lùng (Y Tý, Lào Cai), người canh nương kiêm canh mốc 86 - Ảnh: PHƯƠNG MAI

Mô hình quần chúng tự quản đường biên và mốc quốc giới được hình thành và hoạt động hiệu quả từ năm 1993. Đến năm 2015, trong chỉ thị 01/CT-TTg về Phong trào toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, mô hình này một lần nữa được chính thức hóa. 

Có điều, trước cả khi những văn bản ra đời, những cột mốc đã được người dân vùng biên giữ gìn theo cách riêng của họ, với tinh thần của những người thực sự coi biên giới là nhà.

Mình sinh ra và lớn ở Việt Nam, mình phải có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia.

TẨN LÁO LỞ (trưởng thôn Lũng Pô)

Những người bảo vệ vùng biên

Nếu đã đến các vùng biên giới, sẽ rất dễ nhớ những cái tên như: Pờ Dần Xinh, Lường Văn Thước, Pờ Xuân Chừ (Mường Nhé, Điện Biên), Đồng Văn Bơn, Lý A Nhị, Chẻo Chìn Dìn, Lý A Dì (Phong Thổ, Lai Châu), Ma Seo Páo (A Mú Sung, Lào Cai), Hoàng Seo Lù, Vàng A Sáo (Hồng Ngài, Y Tý, Lào Cai)... 

Đó là những người được mệnh danh là "cột mốc sống", những gương mặt tiêu biểu trong phong trào bảo vệ đường biên cột mốc, tiên phong bám bản bám đất nơi biên giới. Công cuộc giữ đất vùng biên của những người lính quân hàm xanh, nếu có bớt nhọc nhằn hơn cũng là có chỗ dựa từ những người dân như vậy.

Cụ Chẻo Chỉn Dìn đã 20 năm là trưởng bản Tả Ô (Vàng Ma Chải, Phong Thổ, Lai Châu), đến khi cụ xin nghỉ vẫn được biên phòng nài nỉ giữ chức... phó bản. Là bởi vì không có cụ, anh em sẽ mệt lắm. 

"Mình ở gần biên giới phải bảo vệ biên giới", chỉ có một câu đơn giản ấy, người đàn ông này đã dành gần như cả cuộc đời để bảo vệ mỗi cột mốc đường biên: "Bản mình ở cuối xã, phải biết bảo vệ mốc của mình vì là đất của mình, hỏng một tí cũng không được. Không cho ai làm bố láo!". Bản Tả Ô giáp biên nhất nhì Vàng Ma Chải, cả bản đều ở trong tổ tự quản bảo vệ đường biên mốc giới. "Bảo vệ mốc thì không riêng ai, như bảo vệ rừng ấy. Như thế mới an toàn chứ chỉ có biên phòng làm sao đủ" - cụ Dìn bảo.

Cụ Vàng A Sáo, nguyên trưởng thôn Hồng Ngài (Y Tý, Bát Xát, Lào Cai), là người đã dẫn đầu cả thôn từ Mường Hum trở lại dựng bản. Những năm 1988-1990, khi tổ biên phòng vẫn chưa có chỗ ở, cụ dành cả căn nhà cho bộ đội đóng quân. Đi vào Hồng Ngài trên con đường toàn đá sỏi, chỉ 20 cây số mà mất năm tiếng mới thấm thía tại sao biên phòng lại cần dựa vào những ngôi nhà như thế.

Hay như bà Nông Thị Hợp đã 19 năm làm trưởng thôn ở thôn rộng, phức tạp bậc nhất Hà Giang là Giang Nam (Thanh Thủy, Vị Xuyên). Những cột mốc ở Thanh Thủy phần nhiều đều khó đi, nằm cheo leo ở các sườn núi, thảy đều có dấu chân của người phụ nữ Tày bé nhỏ ấy. Như bản có chín hộ dân làm nương cạnh mốc 263-265, vốn là người Mông di cư, ai cũng nghĩ khó thuyết phục họ tham gia bảo vệ đường biên cột mốc. Vậy mà bà Hợp lên nói chuyện tỉ tê, người ta nghe theo hết.

Chính những gương mặt đó, trong những năm tháng khảo sát, đàm phán xác định biên giới trên bộ Việt - Trung, là những nhân tố tích cực và quan trọng để xác định chủ quyền biên giới. Hơn 1.400km đường biên được hoàn thành cắm mốc, để giữ được từng tấc đất biên cương không thể không ghi danh của họ.

40 năm người dân giữ gìn biên cương phía Bắc - Kỳ 4: Mỗi người dân là một cột mốc - Ảnh 3.

Trẻ em biên giới bên cột mốc chủ quyền - Ảnh: P.MAI

Cột mốc giữa sân nhà

Qua mỗi cột mốc, thấy quanh đó những ngôi nhà, những bờ ruộng, mảnh nương của đồng bào mình mới thấy đất của mình thực sự ở đâu. Chúng tôi gặp những Sùng Chìa Na, Ly Chứ Sùng ngay trên nương cạnh mốc 428, gặp ông Hoàng Seo Lùng khi đang ngồi canh ruộng chuẩn bị vào mùa, vừa nhìn ra mốc 86 gặp Lý Đức Vương đang đi kiểm tra mốc 262 khi chăn trâu... 

"Có trách nhiệm chủ quyền biên giới ở khu vực mình thì cuộc sống bà con mới ổn định, chứ không thì làm sao yên ổn sinh sống" - Tẩn Láo Lở, trưởng thôn Lũng Pô (A Mú Sung, Bát Xát, Lào Cai), nơi "con sông Hồng chảy vào đất Việt", nói như thế, nhẹ nhàng như thể đó là một điều đơn giản.

Sân nhà ông Lý A Nhị (bản Hùng Pèng, xã Ma Li Pho, Phong Thổ, Lai Châu) có lẽ là nơi độc nhất vô nhị ở Việt Nam khi cột mốc số 67 nằm chính giữa, sát bên suối biên giới Nậm Cúm. Mảnh đất này ông Nhị đã khai khẩn từ những năm đầu 1990. Có cột mốc ở giữa sân nhà, mỗi người đều ý thức hơn về chủ quyền, đều thấm cái giá trị của mỗi tấc đất mà mình đang sở hữu.

Ông Nhị kể: "Trước kia người ta đi sang biên giới tự do, không xin phép. Giờ ai sang là phải xin sổ, đi mới đàng hoàng". Ngôi nhà với sân có cột mốc giờ ông để lại cho con gái Lý Thị Xuân và con rể Tèo A Dự. Dự bảo: "Đất của ông già, ông bảo bây giờ con cái phải có trách nhiệm trông cột mốc". Đó là một thứ trách nhiệm truyền đời, thứ tài sản không phải chỉ của cá nhân và không thể đo đếm bằng những giá trị thông thường. 

Cũng như Dự, Lý Đức Vương cũng thừa kế từ cha - cựu trưởng bản Lý Thèn Séng - nương và nhiệm vụ trông coi cột mốc 262, thừa kế luôn cả bụi tre và trách nhiệm cùng bà con, bộ đội biên phòng gìn giữ cột mốc.

Tẩn Láo Lở, trưởng thôn Lũng Pô, khẳng định: "Mình sinh ra và lớn lên ở Việt Nam, mình phải có trách nhiệm bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia. Nhà mình ở khu vực giáp ranh biên giới nhất, mình không được để xảy ra việc gì. Sinh ra, lớn lên ở đất nước nào thì phải bảo vệ Tổ quốc đó". Nhà Lở nhìn ra cột cờ Lũng Pô, nhìn ra sông Hồng - con sông chủ quyền của vùng biên giới Bát Xát, nhìn xuống cột mốc 92.

Ông Pờ Xuân Chừ, ông già biên giới Tả Lao San (Mường Nhé, Điện Biên), thì có cách riêng của mình với cột mốc 15. Ông làm một căn nhà nhỏ trên nương, mỗi ngày ông đều ở đó, chăm chút từ cái ao nhỏ, dãy vườn cải be bé. Ông tự hào lắm vì nó đẹp đẽ, ông có thể giúp anh em biên phòng làm việc bảo vệ chủ quyền, như ông nói.

Hay ông Hoàng Seo Lùng, người bản Hồng Ngài (Y Tý, Lào Cai), có căn chòi canh nương nhìn xuống mốc 86. Hằng ngày ông làm nương, trông mốc giống như một tài sản quý giá. Ông Ly Chứ Sùng, ông già năm xưa dẫn cả 19 hộ ở lại bất chấp nỗi sợ đốt nhà, bây giờ vẫn ngày ngày đưa bò đi cày nương trông mốc 428, nói: "Mình trồng ở đây vừa là bảo vệ an ninh, rồi mình bảo vệ đất của mình".

40 năm người dân giữ gìn biên cương phía Bắc - Kỳ 4: Mỗi người dân là một cột mốc - Ảnh 4.

Quân và dân nghiêm trang trước cột mốc chủ quyền ở Mèo Vạc, Hà Giang - Ảnh: P.MAI

Dân tự quản đường biên cột mốc

Hiện cả nước có 3.519 tổ tự quản đường biên, mốc quốc giới, 1.925 tổ tàu thuyền an toàn, 382 bến bãi an toàn, người dân ký kết nhận tự quản 3.262km đường biên giới, 2.345 mốc quốc giới đã mang lại hiệu quả thiết thực.

Kỳ tới: Khúc vĩ thanh biên giới

40 năm người dân giữ gìn biên cương phía Bắc - Kỳ 3: 40 năm người dân giữ gìn biên cương phía Bắc - Kỳ 3: 'Tổ quốc ở đây này'

TTO - Anh Lý Đức Vương (thôn Giang Nam, xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) đặt tay lên cột mốc 262, nói giọng chắc nịch: "Tổ quốc ở đây này".

PHƯƠNG MAI - HẢI VÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên