18/05/2024 09:27 GMT+7

Người Việt và giấc mơ vàng - Kỳ 5: Người trẻ sắm vàng

Nhiều người trẻ hiện nay không quan tâm hoặc không có điều kiện quan tâm tới vàng, giá vàng. Họ chỉ chú ý tài khoản, sổ tiết kiệm, giá đô la hoặc chứng khoán.

Một số bạn trẻ chọn mua một ít vàng mỗi tháng vì phù hợp khả năng tài chính bản thân - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Một số bạn trẻ chọn mua một ít vàng mỗi tháng vì phù hợp khả năng tài chính bản thân - Ảnh: PHƯƠNG QUYÊN

Tuy nhiên, thực tế cũng có những bạn trẻ vẫn "mê đắm" với kim ngân màu vàng lấp lánh này, nhất là các giai đoạn thời sự giá vàng nóng rực như hiện nay.

Lãnh lương xong là mua vàng

5 năm nay, chị Trúc Anh (32 tuổi, ngụ đường Nguyễn Thông, quận 3, TP.HCM) có thói quen mua vàng để dành. Từng tham khảo nhiều cách đầu tư chứng khoán, hùn hạp kinh doanh nhỏ..., nhưng cuối cùng chị chọn mua vàng.

Thu nhập mỗi tháng 20 triệu đồng, chị Trúc Anh vẫn cố gắng trích một phần để dành dụm mua vàng. Theo chị, thói quen mua vàng phòng thân một phần xuất phát từ ông bà, cha mẹ.

Từ nhỏ, chị hay thấy ba mẹ mua vàng để dành, vì với quan niệm người xưa, đây là cách tích lũy hữu hiệu và chắc chắn.

Năm 2019, Trúc Anh sắm hai chỉ vàng đầu tiên với giá 4,2 triệu đồng/chỉ. Cầm chiếc nhẫn hai chỉ vàng được mua bằng tiền tích lũy, chị nói có thể với nhiều người thì chẳng là bao, song chị hạnh phúc vô cùng.

"Người ta hay nói tích tiểu thành đại, chưa kể qua các năm vàng sẽ tăng giá dần dần", chị nói. Những lần sau đó, có tháng chị sắm một chỉ vàng, tháng nào chi tiêu nhiều thì mua 5 phân.

Tuy nhiên, Trúc Anh cho rằng mua vàng làm của để dành, bản thân phải chấp nhận giá tăng giảm liên tục, không thể chạy theo lời lỗ nhất thời.

"Tôi mua ít, một năm cộng lại chỉ chừng một cây vàng, có năm không được. Do đó cao thấp gì cũng mua theo tháng, chỉ nhắm chừng không mua khi giá đang ở đỉnh quá cao thôi, còn giá êm êm là tôi mua chứ không chờ khi xuống thấp", chị nói.

Đồng quan điểm, Ngô Thảo Nguyên (28 tuổi, ở quận Bình Thạnh) cũng cho rằng khó để biết mình mua vào lúc đó là lời hay lỗ, nên cứ mua theo khả năng có thể. "Kể cả khi bán ra thì sẽ bán ở mức mình mong muốn được lãi bao nhiêu, còn đợi mức cao nhất mới chốt lãi thì biết khi nào", Nguyên nhìn nhận.

Cô nhân viên truyền thông này cũng có thói quen sắm vàng bằng tiền lương hoặc thưởng. Nguyên kể thói quen này được hình thành từ giữa năm 2023, khi đó cô có một khoản dư nhỏ, sợ mua sắm linh tinh nên nảy ý định tìm kênh giữ tiền.

"Tôi thấy vàng có thể giữ giá theo thời gian, lại an toàn và hợp túi tiền", Nguyên nói về lựa chọn của mình. Loại vàng đầu tiên mà cô sở hữu là một chiếc nhẫn trơn vàng 9999 có giá 3.130.000 đồng (loại 5 phân). Đây cũng là tiền đề giúp cô có động lực làm việc, theo đuổi "cơn nghiện" sắm vàng.

Những lần sau đó, Nguyên mua thêm một nhẫn vàng 9999 loại một chỉ và một ít vàng nữ trang. "Lúc đầu cứ có tiền trong tài khoản là tôi đi mua, sau này đợi giá giảm chút mới mua tiếp", Nguyên nói.

Cô chia sẻ không cố định mỗi tháng mua bao nhiêu, mà dựa vào khoản dư mình có sau khi đã trừ hết các chi tiêu khác. Hiện tại, cô gái quê Đồng Tháp này đã "phòng thân" được sáu chiếc nhẫn trơn và vàng nữ trang, cùng một lắc tay. "Tôi mua nhẫn trơn vàng 9999 vì loại này khi bán sẽ đỡ lỗ tiền công hơn vàng nữ trang", cô nói.

Thảo Nguyên cho hay mua vàng chủ yếu làm của để dành, phòng thân nếu có việc cần số tiền lớn, chứ không có ý định đầu tư kiếm lời. "Nếu kẹt tiền nhất thời, tôi cũng cố gắng xoay các đầu khác chứ không bán vàng", Nguyên nhấn mạnh.

Thời gian gần đây, giá vàng tăng giảm thất thường nhưng tăng mạnh hơn giảm, lại phải chi nhiều thứ, chị Trúc Anh chuyển sang mua vàng 18K.

Chị chia sẻ kinh nghiệm: "Tôi chọn mua nhẫn trơn chừng 3-4 phân, tiền công chừng 100.000 đồng thôi. Xem như mỗi tháng cũng để dành được một ít". Lâu lâu, chị đem số vàng mình tích lũy được ra... đếm lại, lấy động lực "cày cuốc" tiếp.

Chọn lựa ăn chắc mặc bền, Trúc Anh nói: "Có thể sau này khấm khá hơn, tôi sẽ nghĩ tới cách đầu tư khác bên cạnh chuyện mua vàng. Nhưng giờ tôi thấy mua vàng vẫn là cách khả thi trong khả năng của mình".

Có tiền xây nhà nhờ dành dụm vàng

Là nhân viên sale tại cửa hàng bán thiết bị điện tử, Lê Hoàng Tâm (ở TP Thủ Đức) nói mức lương của mình không cao và anh không phải người thích đầu tư mạo hiểm mà chỉ muốn tích trữ, nên chọn mua vàng vì thấy "an toàn".

"Ra tiệm vàng mua không ai lừa gạt được mình, cũng không sợ lạm phát. Lúc nào cần tiền mặt có thể bán ra liền", Tâm cho hay.

Có thói quen mua vàng từ mấy năm nay, anh thường mua vàng nhẫn trơn 9999. "Mua trong khả năng nên giá lên xuống gì tôi cũng mua, lúc nào có tiền nhiều thì mua nhiều chút, ít thì vài phân. Vàng miếng thì mua vào ngày vía Thần tài", Tâm nói.

Đối với vàng đeo trên người, Tâm chỉ mua vàng 610. Loại này thường được nhiều người chọn làm trang sức vì có sự chế tác tinh xảo, trông bắt mắt chứ ít khi dùng để đầu tư, tích lũy bởi giá trị không cao, dễ mất giá.

Năm ngoái, Tâm vừa hoàn tất xây một căn nhà nhỏ cấp 4 cho riêng mình ở quê nhà An Giang. Tiền cất nhà ngoài được gia đình hỗ trợ một phần còn đến từ nỗ lực mua vàng tích trữ của Tâm.

Mấy năm làm việc cật lực, Tâm dành dụm được 5 cây vàng và đã bán ra được hơn 300 triệu đồng bù vào tiền cất nhà còn thiếu.

Anh cho hay từ sau Tết đến giờ chỉ mới mua vài phân vàng do thu nhập đang bị giảm sút. "Giá cao thì tôi vẫn mua. Nếu sau đó nó xuống thì mình lỗ, nhưng vàng càng để lâu càng có giá", Tâm cười nói kinh nghiệm của mình.

Số ít vàng Thảo Nguyên sắm được bằng lương và tiền thưởng của mình - Ảnh: DIỆU QUÍ

Số ít vàng Thảo Nguyên sắm được bằng lương và tiền thưởng của mình - Ảnh: DIỆU QUÍ

Những người quay lưng với vàng

Trong khi đó, những người trẻ không chọn đầu tư vàng cũng có quan điểm khác. Nói về vấn đề này, anh Thanh Phong (30 tuổi, nhân viên văn phòng ở quận Bình Thạnh) cho biết cá nhân anh nhận thấy tiền đầu tư các kênh như chứng khoán, mua bán bất động sản... dễ có lời nhanh hơn.

Có thể nó rủi ro hơn vàng, nhưng đầu tư phải mạo hiểm một chút mới thú vị, từ đó mới thấy khả năng của mình tới đâu", anh nhìn nhận.

Tuy nhiên, anh Phong cho rằng đầu tư gì là tùy sự hiểu biết, sở thích và khả năng mỗi người. Với người ít hiểu biết, nhạy bén về tài chính, kinh doanh... thì mua vàng hoặc gửi tiết kiệm ngân hàng là cách an toàn.

Còn ai có vốn và có kiến thức, sẵn sàng "chiến đấu" thì có thể đầu tư những lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, khởi nghiệp kinh doanh...

Quan điểm này cũng được Nguyễn Thu Nguyệt, đang làm ở một ngân hàng thương mại tại quận 5 (TP.HCM), chia sẻ. Năm nay 29 tuổi, cô nói mình không có một chỉ vàng "phòng thân" nào ngoài chút vàng nữ trang đeo trên người.

"Từ khi còn đi học 10 năm trước, tôi đã thích chứng khoán và chọn đầu tư lướt sóng trong gói tài chính nhỏ của mình. Cũng có khi lời khi lỗ, nhưng tới giờ tôi đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm", chị Nguyệt cho hay đến nay mình vẫn đang lướt chứng khoán.

Còn thời gian nữa, khi tới tuổi trung niên, có thể cô sẽ chuyển qua đầu tư vàng dài hạn "cho đỡ mệt đầu hơn kiếm tiền từ chứng khoán".

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, với bất kỳ quyết định đầu tư nào cũng phải am hiểu thị trường, tránh đầu tư theo phong trào, theo số đông và việc đầu tư phải tùy theo khả năng tài chính mỗi người. Khi xem xét đầu tư vào một kênh nào đó, bạn trẻ phải cân nhắc tính pháp lý vì tính pháp lý sẽ quyết định mức độ an toàn hay rủi ro.

Một vấn đề nữa, bạn trẻ cần xem xét khía cạnh lợi nhuận, lợi nhuận càng cao thì rủi ro càng lớn và ngược lại. Bạn trẻ cũng cần xem xét tính thanh khoản của hình thức đầu tư, có thanh khoản được ngay hay để lâu, đọng vốn.

Mua vàng đầu tư là một trong những lựa chọn nhưng cần cân nhắc những yếu tố trên. Trong bối cảnh giá vàng lên nhanh, mạnh và trồi sụt như hiện nay, cần có sự am hiểu, dự báo trong xu thế thời gian tới giá vàng tăng hay giảm. Bên cạnh đó, bạn trẻ còn có thể tham khảo các kênh đầu tư khác. Và khi đầu tư, không nên bỏ trứng vào một giỏ.

---------------------

Nhắc đến đám cưới thời điểm này, một trong những nỗi lo lớn của các gia đình không có điều kiện là xoay quanh chuyện vàng cưới. Giá vàng gần đây liên tiếp tăng vọt là áp lực cho những ai sắp lên xe hoa.

Kỳ tới: Áp lực vàng cưới thời tăng giá

Người Việt và giấc mơ vàng - Kỳ 4: Cười, khóc với mượn vàng, trả vàngNgười Việt và giấc mơ vàng - Kỳ 4: Cười, khóc với mượn vàng, trả vàng

Ngay thời điểm giá vàng đang leo thang chóng mặt này, nhiều người ở thế kẹt vẫn phải mượn vàng, nhưng trước đây chuyện mượn và cho mượn vàng còn phổ biến hơn nhiều.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên